Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Bình luận: Khuyến khích dân đi máy bay?

Khuyến khích dân đi máy bay?

Do chi phí đầu tư cao nên giao thông hàng không chủ yếu dành cho người có thu nhập khá trở lên. Ngay công chức thừa hành công vụ cũng chỉ người có tiêu chuẩn và tiêu chí nhất định mới được bảo đảm chi phí mua vé. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thường áp dụng với xe buýt công cộng. Ngay các nước phát triển trên thế giới cũng chưa thấy nước nào có chính sách “xa xỉ” là khuyến khích, hỗ trợ sử dụng giao thông hàng không.
Vậy mà hiện nay Việt Nam ta đã có địa phương chủ trương khuyến khích người dân đi máy bay! Vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ đề xuất phương án dùng ngân sách hỗ trợ số tiền tương đương 30% giá vé máy bay trên mỗi chuyến bay cho các hãng hàng không mở đường bay mới đến Cần Thơ bị lỗ.

“Phong trào” xây dựng sân bay cấp tỉnh nở rộ nhiều năm qua, đến nay cả nước đã có 22 cảng hàng không, sân bay. Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 81 dự án về sân bay được triển khai. Một đất nước phát triển như Singapore nhưng họ cũng chỉ có 8 cảng hàng không và hoạt động rất hiệu quả. Số lượng sân bay của Việt Nam không còn là ít song hiệu quả kinh doanh thì ngày càng “tụt dốc”. Hầu hết sân bay nhỏ tại các tỉnh hiệu suất khai thác quá thấp, chỉ đạt 8-15%, cao nhất cũng chưa đạt 40% công suất thiết kế. Sân bay Cà Mau đầu tư nhà ga, sân đậu, đường lăn với mức trên 500 tỉ đồng nhưng chỉ sử dụng 2 giờ/ngày. Cần Thơ khá hơn nhưng cũng chỉ đạt khoảng 20% công suất. Hiệu suất khai thác như vậy thì thua lỗ là điều khó tránh. 
Hỗ trợ giá vé cho hành khách, phải chăng Cần Thơ chủ trương hỗ trợ cho người có thu nhập cao? Nói là vậy, thực ra bản chất là bù lỗ cho doanh nghiệp hàng không để sân bay không bị đóng cửa! Trong nền kinh tế thị trường, bất kì doanh nghiệp nào cũng phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”, khi kinh doanh không có lợi nhuận, thua lỗ kéo dài thì nên cho phá sản. Quy luật đó giúp cho nền kinh tế phát triển lành mạnh. Nếu doanh nghiệp vì chủ trương kinh doanh sai, quản lí yếu kém dẫn đến làm ăn “bết bát” nhưng lại được đỡ đầu sẽ để lại nhiều hệ quả xấu. Trước hết, nó triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế vì doanh nghiệp không cần nỗ lực, sáng tạo. Thứ hai, là gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, triệt tiêu cạnh tranh. Thứ ba, là xâm phạm nguồn lực của dân vì ngân sách thực ra là tiền thuế của người dân đóng góp, không thể sử dụng hỗ trợ cá nhân hay doanh nghiệp nào, trừ phi là doanh nghiệp công ích.
Một số chuyên gia đã khuyến cáo chủ trương đầu tư lĩnh vực giao thông vận tải của ta đang mất cân đối lớn. Đường bộ cao tốc và cảng hàng không chiếm khá nhiều nguồn lực trong khi đường sắt, đường thủy như bị “ghẻ lạnh”, lãng quên. Cơ quan  tham mưu rất cần có sự đánh giá, rà soát tổng thể giúp Chính phủ định hướng đúng đắn cho sự phát triển các loại hình giao thông. Đừng để nguồn lực đất nước phải chi phí giải cứu cho những doanh nghiệp thua lỗ./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 15 tháng 12 năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét