Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Suy ngẫm:



Đại gia lãnh đạo



Trong xã hội Nho giáo xưa, mối quan hệ tam cương ngũ thường là chuẩn mực đạo đức để mọi người rèn dũa. Nhiều chuẩn mực trong xã hội phong kiến nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có những điểm còn nguyên giá trị, trong đó có mối quan hệ giữa lãnh đạo với Nhân dân, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa công chức với cá nhân…

Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Trong quan hệ với học trò ông luôn nghiêm khắc đến khắt khe song lại rất quý mến những học trò giữ được phẩm giá, liêm sỉ. Với học trò cũ, dù đã làm quan nhưng nếu không có liêm sỉ, ưa tham lại nếu muốn đến thăm thầy cũ ông cũng quyết không tiếp. Còn những học trò thành tài và giữ được phẩm giá trở lại thăm, với ông đó là món quà quý giá. Ông cũng tuyệt nhiên không nhận quà biếu vật chất. Ngay cả vua tặng lụa là ông cũng chỉ nhận cho đúng phép vua tôi rồi mang tặng lại người già, kẻ thiếu chứ không dùng thứ không phải do lao động của mình mà có.




Người lãnh đạo không phải là nhà giáo nhưng về mặt nào đó, phẩm chất đạo đức, mối quan hệ, ứng xử cũng chính là tấm gương giáo dục và là niềm tin đối với  người dân. Hiện có tình trạng nhiều cán bộ chức quyền quan hệ khá dễ dãi, thân thiết với doanh nhân, người giàu (sau khi họ là lãnh đạo, không kể bạn cũ, họ hàng). Tất nhiên, luật pháp không cấm người lãnh đạo có mối quan hệ ngoài công việc vì đó là quyền của mỗi người.

Một người khi có quyền lực trong tay cũng giống như họ đang được giữ một "kho tài sản" của công. Chức tước càng to thì cái "kho" ấy càng lớn. Nếu nhận thức bản chất chuyện này thì người giữ "kho" phải luôn cảnh giác trước các mối quan hệ, nhất là quan hệ mới. Đơn giản, xuề xòa thì cái "kho" sẽ bị kẻ gian tìm hiểu và đột nhập bất kì lúc nào mỗi khi sơ hở. Còn khi người giữ "kho" cố ý quan hệ với những người không đáng tin thì đằng sau mối quan hệ đó chính là sự  không đáng tin.

Cái "trục" lãnh đạo - đại gia - đại ca đã được đại biểu Quốc hội nhắc tới. Mở rộng đấu tranh chống tham nhũng sang khu vực kinh tế tư nhân cũng đã được Quốc hội bàn thảo vì thực tiễn đã có những "cánh hẩu", trục lợi từ quan hệ. Có không ít dự án kinh tế tư nhân đã được chính quyền địa phương "vô tình" làm lợi cho doanh nghiệp, xâm phạm thô bạo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai…

Trong xã hội thông tin kết nối dễ dàng ngày nay, mọi mối quan hệ đều dễ kết nối. Cách ứng xử của nhà giáo Chu Văn An rất đáng để người cán bộ lãnh đạo muốn giữ được mình trong sạch và liêm sỉ noi theo. Một chính quyền kiến tạo trước tiên phải liêm chính. Chính quyền liêm chính chỉ có được khi trong đó bao gồm những con người liêm chính, trọng liêm sỉ hơn vật chất./.

Đinh Hoàng

Bài mục suy ngẫm, đăng Báo Người cao tuổi ngày 12 tháng 12 năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét