Tiền cho bóng đá
Không biết trên thế giới có liên đoàn bóng đá quốc gia nào được
một huấn luyện viên (HLV) miễn phí mà lại giúp gặt hái nhiều thành công kéo
dài như trường hợp HLV Park Hang Sơ tại Việt Nam?
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có một HLV ngoại từ cuối 2017
đến nay mà chưa mất đồng nào trả lương. Nói đúng ra không có chuyện miễn phí
mà là có người trả phí thay, đó là ông Đoàn Nguyên Đức, người đã bị chính VFF
đưa ra khỏi ghế ban lãnh đạo tổ chức này “đúng quy trình”, chuẩn quy định (bổ
sung) do thiếu bằng đại học!
Cứ ngỡ sau thành công vang dội ban đầu ở Thường Châu (Trung Quốc)
tại cúp U23 châu Á, trong men say chiến thắng ngất ngây, vươn ngực tự hào
trên chiếc xe mui trần từ Nội Bài trở về, lãnh đạo VFF đã phải nghĩ đến
chuyện chuẩn bị nguồn tài chính kí hợp đồng lâu dài với vị HLV tài năng này.
HLV Park Han Sơ thổi vào bóng đá VN làn gió mới
Thành công nối tiếp thành công mà tiêu điểm là chiếc cúp vàng khu
vực sau 10 năm mới trở lại nhờ sự đóng góp của HLV Park. Thấm thoắt thoi đưa,
vậy là thời gian “miễn phí” 2 năm với VFF đang cạn dần và họ nhớ đến việc
phải làm là đàm phán gia hạn hợp đồng với ông Park Hang Sơ.
So với một số HLV ngoại trong khu vực, ông Park thuộc nhóm có mức
lương thấp nhất (20.000USD/tháng) nhưng lại dẫn đầu về thành tích gặt hái
được cho bóng đá quốc gia ông đầu quân. Chính vì vậy, mức lương trả cho ông
Park khi VFF tái kí hợp đồng chắc chắn phải nâng lên tương xứng với những
đóng góp của ông cho bóng đá nước nhà. Vừa qua một lãnh đạo VFF cho biết đang
bắt đầu lo chuyện tìm nhà tài trợ để có nguồn trả lương cho HLV Park Hang Sơ,
như vậy có thể hiểu hiện nguồn tài chính của tổ chức này cũng không dư giả.
Đội tuyển U23 VN liên tục gặt hái thành công
Thật lạ! Cứ ngỡ suốt thời gian qua, bằng những thành công của các
đội tuyển trên đấu trường quốc tế thì việc vận động tài trợ tạo nguồn quỹ để
tiếp tục phát triển nền bóng đá sẽ được đồng thời xúc tiến bởi đây chính là
thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho việc vận động các doanh nghiệp,
mạnh thường quân. Không biết người chịu trách nhiệm lĩnh vực này và cả lãnh
đạo VFF đã “ở đâu, làm gì” sốt gần 2 năm qua mà chẳng mang về hợp đồng tài
trợ lớn nào? Không riêng chuyện nguồn tiền trả lương cho HLV vì đó chỉ là một
phần nhỏ, nền bóng đá cần nguồn lực lớn hơn cho nhiều việc cơ bản, lâu dài,
đó là chính sách với cầu thủ, là nguồn cho công tác đào tạo bóng đá trẻ trên
cả nước.
Với tính cách và tình cảm của HLV Park Hang Sơ trước người
hâm mộ Việt Nam cũng như của người hâm mộ 2 quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc dành
cho ông, nhiều người tin HLV Park sẽ không rời đất nước này để đến nơi khác
vì mức lương cao. Thực tế giữa HLV Park với bóng đá Việt nam như có một mối
lương duyên, gặp được nhau để cùng thăng hoa. Mối lương duyên ấy đã bén sâu,
khó mà dứt áo…
Dù có thể không chịu áp lực trong đàm phán hợp đồng về chuyện
tiền nong nhưng VFF cũng cần có cái nhìn thấu đáo để đãi ngộ thỏa đáng một
HLV đã hết mình vì màu cờ, sắc áo Việt Nam./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày
27 tháng 6 năm 2019
|
Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019
Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019
Quyền lực biến màu
Quyền lực
Nhà nước được cụ thể hóa bằng pháp luật và các quy định dưới luật. Quyền lực
trên văn bản được cụ thể hóa trong cuộc sống thông qua các cơ quan, tổ chức
có nhiệm vụ thực thi. Cuối cùng, điều quan trọng nhất lại là những cá nhân
thừa hành nhiệm vụ để bảo đảm sự an ninh, trật tự và công bằng. Nếu đội ngũ
thực thi không nghiêm minh thì luật pháp bị vô hiệu hóa, sự vô hiệu ấy đi từ
cái nhỏ và lan dần ra toàn cục.
Lộn xộn trong xây dựng tại Hà Nội
Người dân ở
đô thị khi có việc xây dựng ngôi nhà của mình sẽ cảm nhận quy định luật pháp
khá đầy đủ và chặt chẽ. Họ muốn xây dựng bất kì hạng mục to nhỏ gì đều không
ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lí xây dựng, cụ thể là cán bộ địa chính
phường. Thế nhưng, cùng một sự quản lí có khi mỗi trường hợp lại được “hưởng”
những kết quả khác nhau. Lấy ví dụ như cư dân cạnh Hồ Tây, tại đây hộ gia
đình khi xây dựng nhà ở chiều cao không được quá 4 tầng, tương ứng là 10m.
Thế nhưng thực tiễn trong cùng dãy phố thì có nhà 4 tầng, nhà 5 tầng, thậm
chí có nhà ban đầu 4 tầng rồi vươn dần lên thành 6 tầng và chiều cao vượt xa
quy định! Dù hầu hết các trường hợp vi phạm xây dựng đều nhận được biên bản
phạt vi phạm hành chính nhưng rồi nó vẫn tồn tại theo thông lệ “phạt cho tồn
tại”. Cụm từ này có “2 mặt” của một vấn đề: Phạt vi phạm hành chính là biện
pháp đúng khi thực thi pháp luật; việc nó vẫn tồn tại và nó có thể tồn tại
hay không lại do người thừa hành có “thích làm” hay không. Và hiện trạng lộn
xộn trong trật tự xây dựng (tầm lớn hơn là kinh doanh bất động sản) hiện nay
cho thấy pháp luật xây dựng đã bị vô hiệu hoá!
Xử lí công trình sai phạm
Cách đây
mấy năm vụ tòa nhà 8B Lê Trực ở trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội vi phạm bị báo
chí nêu tên khiến dư luận thoạt đầu thấy lạ là tại sao sai phạm tại một công
trình lớn như thế lại tồn tại giữa Thủ đô. Nhưng rồi nghĩ lại mới biết, đây
đâu phải là trường hợp đơn lẻ, hiếm hoi tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương
khác?
Vụ đoàn
thanh tra xây dựng của Bộ Xây dựng bị công an “bắt quả tang” ở huyện Vĩnh Tường
(tỉnh Vĩnh Phúc) hôm 12/6 thực sự gây chấn động dư luận. Nếu vụ vòi tiền của
5 cán bộ thanh tra trót lọt thì chắc chắn những sai phạm ở đây sẽ tồn tại và
pháp luật xây dựng bị vô hiệu hoá ở một tầm quản lí cao nhất!
Bà Nguyễn Thị Kim Anh - trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố vì vòi vĩnh- Ảnh tư liệu
Mỗi năm cơ
quan chức năng cấp bộ có hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra. Hiệu quả của
hoạt động này thực tế ra sao luôn là những câu hỏi dư luận muốn biết nhưng rất
khó. Cách đây 2 năm từng xảy ra vụ “lùm xùm” khi một lãnh đạo đi thanh tra
môi trường mất 400 triệu đồng tại khách sạn. Lúc đó dư luận mới biết, mỗi năm
có mấy chục cuộc thanh tra như thế nhưng môi trường ô nhiễm thì ngày một trầm
trọng. Bộ Xây dựng năm nay cũng có tới 90 cuộc thanh tra...
Những đoàn
thanh tra công quyền có thể ví như những “thanh bảo kiếm” được trao trách
nhiệm đi “hành đạo”. Vậy mà “bảo kiếm” lại bị những đồng tiền làm cho tan
chảy và quyền lực công đang bị biến màu!/.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày
20 tháng 6 năm 2019
|
Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019
Trồng cây cóc, ngóng trái lê
Thông thường trồng cây nào ra quả nấy nên việc “trồng cây cóc ngóng
trái lê” là trái quy luật tự nhiên. Ngày nay bằng kĩ thuật sinh học có thể
ghép chồi nọ cây kia nên về lí thuyết cũng có thể trồng cây cóc ra quả lê.
Nhưng câu chuyện muốn nói ở đây không phải lĩnh vực sinh học mà
là chuyện đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS). Trong lĩnh vực này người ta
cũng đang muốn “trồng cây cóc ra trái lê”, ấy là loại hình BĐS du lịch
condotel.
Condotel được viết tắt của từ Condo & Hotel có ý nghĩa là
khách sạn căn hộ, một mô hình đầu tư kinh doanh được du nhập vào Việt Nam
những năm gần đây. Có lẽ xuất phát từ cái tên lai ghép này mà các doanh
nghiệp BĐS du lịch đã áp dụng kĩ thuật sinh học để “trồng giống chua” vẫn có
thể “hái về trái ngọt”!
Dự án Vinpearl Empire Condotel Nha Trang
Thông thường một dự án khách sạn thì chủ đầu tư thu lợi nhuận
thông qua việc cho khách thuê phòng và các dịch vụ đi kèm. Thế nhưng trong dự
án condotel, chủ dự án vừa kinh doanh khách sạn, vừa có thể bán căn hộ cho
nhà đầu tư (NĐT) thứ cấp (thực chất là gọi vốn kinh doanh và trả lợi nhuận
theo thỏa thuận). Tuy nhiên, NĐT thứ cấp bỏ ra hàng tỉ đồng mà chỉ hưởng lợi
nhuận mấy phần trăm mỗi năm sẽ chẳng hấp dẫn. Lực hút, sự hấp dẫn ở đây chính
là được sở hữu căn hộ BĐS như nhà chung cư!
Nhưng, việc sở hữu căn hộ
BĐS tại dự án khách sạn du lịch đang đặt ra nhiều vấn đề cả thực tiễn và pháp
lí. Về sở hữu, chủ đầu tư hứa hẹn với NĐT thứ cấp rằng đó như “ngôi nhà chung
cư, bạn thích thì đến ở” là rất khó khả thi. Căn hộ chung cư được thiết kế khác
căn hộ khách sạn (có bếp núc, giặt giũ, phơi phóng… phục vụ mọi sinh hoạt gia
đình). Về pháp lí, dự án BĐS du lịch được cấp phép có thời hạn, mục đích là
kinh doanh, không thể cấp sổ đỏ từng căn phòng cho cá nhân sử dụng lâu dài. Khách
sạn được thiết kế từ hạ tầng tới kiến trúc mọi hạng mục công năng khác chung
cư và có cách thức quản lí, điều hành riêng. Không thể có chuyện trong một dự
án lại “trộn lẫn” hai bộ phận quản lí là ban quản trị chung cư và bộ máy kinh
doanh khách sạn.
Khách hàng dự án condotel Panorama Nha Trang căng băng rôn đòi quyền lợi.
Thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS đang vận động cơ quan quản lí
nhằm xây dựng tính pháp lí cho loại hình condotel mà vấn đề “cốt tử” là cấp
sổ đỏ lâu dài như nhà chung cư cho NĐT thứ cấp. Họ đưa ra cả khái niệm “nhà ở
không hình thành đơn vị ở” và cho rằng pháp luật không theo kịp sự phát
triển, có khoảng trống, cần điều chỉnh, sưa đổi, thậm chí đòi hỏi sửa cả bộ
luật có tính nền tảng là Luật Đất đai!
Nói hệ thống pháp luật hiện chưa đủ để điều chỉnh việc kinh doanh
lĩnh vực trên chỉ là sự ngụy biện. Các luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật
Kinh doanh BĐS, Luật Du lịch, Luật Nhà ở… đều có thể soi chiếu vào hoạt động
mới mẻ trên để điều chỉnh. Vấn đề là cơ quan quản lí cần làm hết trách nhiệm,
định hướng việc kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải tìm cách
điều chỉnh luật pháp để phục vụ lợi ích của một nhóm NĐT muốn “trồng cây cóc
được trái lê”./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày
12 tháng 6 năm 2019
|
Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019
Dẹp “rác” graffiti
Graffiti là
loại hình tranh phun sơn lên tường. Từ gốc tiếng Anh là Graffiti bắt nguồn từ
tiếng Latin Graffito có nghĩa "hình vẽ trên tường", tên gọi chung
về những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc trên các bức
tường đường phố. Đây là một loại hình nghệ thuật đường phố có hình thức đơn
giản là các bức tranh tường.
Nghệ thuật
"Graffiti" xuất hiện lần đầu tiên ở New York vào những năm 1970 còn
có một tên gọi khác là “mĩ thuật tội lỗi”. Graffiti cũng có thể thể hiện
những thông điệp xã hội của một bộ phận giới trẻ, phát triển như một trào lưu
văn hóa tự phát. Gọi là nghệ thuật nhưng thực ra tranh Graffiti được thể hiện
đơn giản, dễ dãi nên giá trị nghệ thuật hạn chế và hệ quả để lại hầu hết là
sự mất mĩ quan đô thị.
Graffiti
được giới trẻ du nhập về Việt Nam chưa lâu, tuy nhiên, cũng như tại các nước
châu Âu, loại nghệ thuật này chỉ tạo chút chú ý ban đầu sau đó ngày càng trở
nên xấu trong mắt người dân thành phố. Tại nội đô Hà Nội mọi người có thể bắt
gặp những hình vẽ Graffiti ở bất kì chỗ nào, từ xó xỉnh ngõ phố tới tường
biệt thự, công sở, khu công cộng… khi những bức tường có khoảng trống là
Graffiti xuất hiện. Vì du nhập một cách nửa mùa nên cách thể hiện những hình
ảnh của Graffiti hầu hết nhem nhuốc bởi đủ thứ các màu sơn, sơn mới chồng lên
sơn cũ, hình vẽ sau đè lên hình vẽ trước càng làm cho cảnh tượng thêm nhếch
nhác.
Vậy
Graffiti đang được thể hiện ở đường phố Việt Nam hiện nay là những tác phẩm thuộc
thể loại gì, là nghệ thuật hay tranh cổ động và nó mang lại điều gì cho đô
thị?
Nếu coi
Graffiti là một hình thức thể hiện văn hóa cổ động cho một quan điểm tư tưởng
hay thông điệp gì đó thì nó phải đưa lại sự cảm nhận trực quan, dễ hiểu như
những tranh cổ động, không trừu tượng, bí hiểm. Nếu đây là những tác phẩm mĩ thuật
trừu tượng thì không thể phô bày nơi công cộng xô bồ, nó phải được trưng bày
trong các gallery, triển lãm...
Với hầu hết
các quốc gia, nhất là ở châu Âu, việc vẽ các bức tranh trên tường mà không có
sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản được xem là hủy hoại và phá hoại, là
một tội phạm cần bị trừng phạt.
Về vị trí,
không gian, người vẽ tranh Graffiti ở ta hiện nay đều vi phạm vì không được
phép của chủ sở hữu những bức tường (có thể là nhà cá nhân hoặc trụ sở cơ
quan, doanh nghiệp, công trình công cộng). Thứ đến, đã là tác phẩm sử dụng để
tuyên truyền, quảng bá… nơi công cộng thì đều phải được cấp phép của cơ quan
chức năng có thẩm quyền…
Đường phố
nhiều đô thị hiện nay đã có rất nhiều loại rác: Dưới đất là rác sinh hoạt, xây
dựng; trên không là những búi dây nhằng nhịt của điện lực, viễn thông… và nay
thêm loại “rác” mới trên tường mang tên Graffiti! Vì thế, bộ mặt đô thị vì
thế ngày càng lộn xộn, xấu xí.
Đã đến lúc
cơ quan chức năng các địa phương cần vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này để
trả lại mĩ quan cho đô thị văn minh, hiện đại./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 7 tháng 6 năm 2019
|
Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019
Tầm nhìn bóng đá
Bóng đá Việt Nam đã trải qua hơn 1 năm với nhiều dấu ấn được bạn
bè quốc tế ghi nhận.
Bắt đầu là những trận đấu tuy khó khăn nhưng từng bước loại các
đối thủ “trên cơ” để tiến tới trận trung kết giải bóng đá U23 châu Á 2018 tại
Thường Châu (Trung Quốc). Chiếc cúp vàng chỉ tuột khỏi tay các chàng trai U23
Việt Nam sau 119 phút chiến đấu ngoan cường, khi vào phút cuối cùng, U23
Uzơbekitan thực hiện thành công qủa phạt góc định mệnh.
Đầu năm 2019 đội tuyển của chúng ta dự ASIAN cúp với chặng đường
gian nan khi phải gặp các đối thủ hàng đầu châu lục như Iran, Irắc, Yemen
ngay tại vòng bảng và đã vượt qua vòng này, để lại những bất ngờ cho đối thủ,
nhất là 2 đội Irắc, Iran.
Các cầu thủ ăn mừng chiến thắng Thái Lan ở những giây cuối trận đấu tối qua
Tại giải khu vực, đội tuyển Việt Nam tiếp tục thể hiện bản lĩnh,
sự tự tin với các đối thủ. Chiếc cúp vàng khu vực, niềm hi vọng suốt 1 thập
kỉ đã trở về, thỏa lòng hàng triệu người hâm mộ. Gần đây nhất, tại lượt trận
cuối cùng vòng loại U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam đã “đo ván” đội Thái Lan
4-0 để đoạt vị trí đầu bảng K và giành vé bước tiếp vào vòng chung kết.
Bằng sự cầm quân tài ba của HLV Park Han Sơ, bóng đá Việt Nam
chính thức lên kế hoạch cho một tầm nhìn xa hơn, đó là World cup, sân chơi
hàng đầu của hành tinh.
Gần đây dư luận trong nước bỗng quan tâm tới những thông tin từ
nước láng giềng Thái Lan qua phát ngôn của một HLV và một số tờ báo xứ chùa vàng.
Thông tin xoay quanh việc người Thái không tin rằng mình lại không phải là
“ông vua” bóng đá Đông Nam Á! Để khẳng định cho niềm tin đó, Liên Đoàn bóng
đá nước này (FAT) cùng ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đang làm mọi thứ để
Thái Lan phải thắng Việt Nam tại giải đấu giao hữu Cúp Nhà vua (King's Cup).
Điều bất ngờ nhất là việc Chủ tịch FAT đã yêu cầu xoá án phạt cho Sanrawat - cầu
thủ trước đó đã đấm vào bụng trong tài trong một trận đấu quốc nội, bị xử thẻ
đỏ và cấm đá 8 trận!
Ban tổ chức King's Cup còn thay đổi cách bốc thăm phân cặp dựa
trên nguyên tắc ghép 2 đội có thứ hạng FIFA cao hơn vào một cặp. Bằng cách
bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra hai cặp đấu loại trực tiếp trong 4 đội là Việt
Nam, Curacao, Ấn Độ và Thái Lan và họ đã toại nguyện khi được phân cặp gặp
đội tuyển Việt Nam ngay tại trận mở màn King's Cup 2019…
Chung quy thì King's Cup 2019 như là dịp để bóng đá Thái Lan “rửa
hận” trận thua 0-4 và khẳng định họ vẫn là “ông vua” sân cỏ khu vực, dù
“không có ngai”.
Các nước Đông Nam Á trong nhiều năm thừa nhận Thái Lan là một nền
bóng đá hàng đầu tại đây. Tiếc rằng trên đấu trường châu lục và thế giới họ
chưa tạo được dấu ấn nào đáng nói. Vì sự “cay cú ăn thua” với đội tuyển Việt
Nam mà có những cách hành xử như trên lại càng đáng tiếc hơn, bởi đó không
phải là việc làm trên tinh thần cao thượng thể thao và nó không tồn tại ở một
nền bóng đá chuyên nghiệp.
Thái Lan đang chứng minh một nền bóng đá bạo lực
Xem ra những người làm bóng đá xứ chùa vàng vẫn quẩn quanh lo
ngôi vị ở “ao làng” Đông Nam Á!
Trận đấu gặp đội Thái Lan ngày 5/6 tại sân Chang Arena với thầy
trò Park Han Sơ thiết nghĩ không nên băn khoăn thắng hay thua. Quan trọng
nhất là từ HLV tới các cầu thủ cùng lãnh đạo Liên Đoàn bóng đá nước ta giữ
vững tầm nhìn, chuẩn bị vươn ra sân chơi lớn hơn. Dù thế nào thì người Thái
cũng chẳng thể lấy lại cúp vàng của nhà đương kim vô địch tại một giải đấu
giao hữu 4 đội!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 5 năm 2019
*Khi bài báo này lên khuôn lúc 8h tối 5/6
thì trận đấu vừa bắt đầu nên thông tin bình luận chưa thể cập nhật. Thực tiễn
trận giao đấu đã thể hiện gương mặt xấu xí của một nền bóng đá thiếu chuyên
nghiệp nhưng từng được coi dẫn đầu khu vực. Cục diện trận đấu đội VN làm chủ
nhịp đấu, còn đội Thái Lan làm chủ về cường độ bạo lực. Rất nhiều pha bóng chơi
thô bạo trong đó có 2 tình huống chắc chắn phải dùng thẻ đỏ nếu trọng tài
nghiêm túc và khách quan. Riêng quả cầu thủ Thái bỏ bóng đá thẳng vào vùng
nguy hiểm trên cơ thể Công Phượng là không thể chấp nhận được. Ông Park cho
rằng đã sai khi nhận tham dự giải này là chính xác. May mắn là các cầu thủ VN
đã giữ được an toàn tính mạng. Cú đá vào Công Phượng hoàn toàn có thể nguy hiểm đến
tính mạng cầu thủ này nếu không phản ứng khép đùi kịp thời.
Thái Lan mời khách đến để làm đẹp cho một
giải đấu mang tên nhà vua nhưng họ đã bộ lộ một gương mặt thảm hại và xấu xí.
Từ nay VN không nên tham gia bất kì giải đấu nào do nước này mời mọc.
Đ.H
|
Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019
Tuýt
còi… trọng tài
Trên sân cỏ, trọng tài dùng tiếng còi của
mình để duy trì kỉ cương, bảo đảm công bằng cho một trận đấu. Tuy là “ông
vua” sân cỏ nhưng họ vẫn có thể bị treo còi bởi ban tổ chức khi thiếu công
tâm hoặc phạm luật.
Trong nền kinh tế, cơ quan quản lí cũng
như những trọng tài để duy trì trật tự sản xuất kinh doanh, bảo đảm công bằng
giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người dân sử dụng hàng hóa dịch
vụ của doanh nghiệp.
Thời gian qua trên “sân cỏ BOT” giao thông
xảy ra những bất cập dẫn đến tình trạng quyền lợi của người dân không được
bảo đảm, gây bức xúc và bất ổn xã hội.
Những tưởng bài học từ vụ việc tại trạm
BOT Cai Lậy và một số dự án BOT giao thông khác trước đó đủ để cơ quan quản
lí - những vị trọng tài nhìn nhận lại mình, có cách điều hành nghiêm túc,
khách quan, công tâm để tránh những vết xe đổ.
Đáng tiếc sự việc tại trạm BOT T2 (đặt
trên Quốc lộ 91 thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) dường như vẫn “diễn
lại” theo kịch bản cũ mèm!
Bất kì nhà đầu tư nào khi thiết kế một dự
án cũng tính toán làm sao để có thể thu về lợi nhuận cao nhất dù nó có thể chưa
“thấu tình”, miễn là không sai luật. Chính vì mục tiêu lợi nhuận nên nhà đầu
tư BOT T2 rất khôn khi đặt trạm tại một vị trí có thể “thu gom” hết mọi
phương tiện giao thông qua đây để thu tiền, dù chỉ đi đúng 200m! Nhưng nhà
đầu tư đâu biết rằng dân trí nay đã khác, họ không dễ bỏ tiền túi cho những
thứ phi lí? Và họ đã phản ứng rất có lí khi “đi bao nhiêu, trả bấy nhiêu”,
quy ra 200m=2.000 đồng! Vậy là trạm BOT T2 cũng nhanh chóng đi theo con đường
“mất an toàn” như trạm BOT Cai Lậy.
Các tài xế không đồng ý mua vé qua BOT T2 Cần Thơ
vì cho rằng trạm đặt sai vị trí
Cũng như những dự án BOT gây bất ổn khác,
khi người ta chỉ chú ý tới hai đối tượng là nhà đầu tư và người dân phản ứng
với doanh nghiệp làm BOT thì vai trò, trách nhiệm của những “ông vua sân cỏ
BOT” lại khá mờ nhạt. Khi phê duyệt những dự án BOT của nhà đầu tư trình chắc
chắn cơ quan quản lí phải có cái nhìn tổng quan thông qua đánh giá tác động
của dự án, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng. Khi quyết định
đưa ra mang lại lợi ích cho một phía mà quên đi đối tượng khác thì người dân
sẽ mất niềm tin, thậm chí nghi ngờ vào sự khách quan của cơ quan quản lí. Việc
đặt trạm BOT có thể đúng luật nhưng không thấu tình chẳng sớm thì muộn cũng
dẫn đến hệ quả là sự phản ứng và không chấp nhận của người dân.
Trên sân cỏ thể thao, trọng tài thiên vị
có thể do nhiều động cơ khác nhau, thậm chí bán độ. Sự vụ bại lộ thì trọng
tài sẽ bị treo còi. Cho đến nay các “trọng tài BOT” hầu như chưa có vị nào bị
xử lí về trách nhiệm điều hành để xảy ra những lộn xộn vừa qua. Không thể
“treo còi” nhà quản lí, nhưng họ cũng rất cần có người “tuýt còi”. Nếu không
xử lí nghiêm minh và giải quyết gốc rễ vấn đề công bằng, người dân có quyền
nghi ngờ rằng trên “sân cỏ BOT” có sự bán độ!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 04 tháng 6 năm 2019
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)