Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

 Quyền lực biến màu

Quyền lực Nhà nước được cụ thể hóa bằng pháp luật và các quy định dưới luật. Quyền lực trên văn bản được cụ thể hóa trong cuộc sống thông qua các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thực thi. Cuối cùng, điều quan trọng nhất lại là những cá nhân thừa hành nhiệm vụ để bảo đảm sự an ninh, trật tự và công bằng. Nếu đội ngũ thực thi không nghiêm minh thì luật pháp bị vô hiệu hóa, sự vô hiệu ấy đi từ cái nhỏ và lan dần ra toàn cục.

Lộn xộn trong xây dựng tại Hà Nội

Người dân ở đô thị khi có việc xây dựng ngôi nhà của mình sẽ cảm nhận quy định luật pháp khá đầy đủ và chặt chẽ. Họ muốn xây dựng bất kì hạng mục to nhỏ gì đều không ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lí xây dựng, cụ thể là cán bộ địa chính phường. Thế nhưng, cùng một sự quản lí có khi mỗi trường hợp lại được “hưởng” những kết quả khác nhau. Lấy ví dụ như cư dân cạnh Hồ Tây, tại đây hộ gia đình khi xây dựng nhà ở chiều cao không được quá 4 tầng, tương ứng là 10m. Thế nhưng thực tiễn trong cùng dãy phố thì có nhà 4 tầng, nhà 5 tầng, thậm chí có nhà ban đầu 4 tầng rồi vươn dần lên thành 6 tầng và chiều cao vượt xa quy định! Dù hầu hết các trường hợp vi phạm xây dựng đều nhận được biên bản phạt vi phạm hành chính nhưng rồi nó vẫn tồn tại theo thông lệ “phạt cho tồn tại”. Cụm từ này có “2 mặt” của một vấn đề: Phạt vi phạm hành chính là biện pháp đúng khi thực thi pháp luật; việc nó vẫn tồn tại và nó có thể tồn tại hay không lại do người thừa hành có “thích làm” hay không. Và hiện trạng lộn xộn trong trật tự xây dựng (tầm lớn hơn là kinh doanh bất động sản) hiện nay cho thấy pháp luật xây dựng đã bị vô hiệu hoá!

Xử lí công trình sai phạm

Cách đây mấy năm vụ tòa nhà 8B Lê Trực ở trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội vi phạm bị báo chí nêu tên khiến dư luận thoạt đầu thấy lạ là tại sao sai phạm tại một công trình lớn như thế lại tồn tại giữa Thủ đô. Nhưng rồi nghĩ lại mới biết, đây đâu phải là trường hợp đơn lẻ, hiếm hoi tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác?
Vụ đoàn thanh tra xây dựng của Bộ Xây dựng bị công an “bắt quả tang” ở huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) hôm 12/6 thực sự gây chấn động dư luận. Nếu vụ vòi tiền của 5 cán bộ thanh tra trót lọt thì chắc chắn những sai phạm ở đây sẽ tồn tại và pháp luật xây dựng bị vô hiệu hoá ở một tầm quản lí cao nhất!

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố vì vòi vĩnh- Ảnh tư liệu

Mỗi năm cơ quan chức năng cấp bộ có hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra. Hiệu quả của hoạt động này thực tế ra sao luôn là những câu hỏi dư luận muốn biết nhưng rất khó. Cách đây 2 năm từng xảy ra vụ “lùm xùm” khi một lãnh đạo đi thanh tra môi trường mất 400 triệu đồng tại khách sạn. Lúc đó dư luận mới biết, mỗi năm có mấy chục cuộc thanh tra như thế nhưng môi trường ô nhiễm thì ngày một trầm trọng. Bộ Xây dựng năm nay cũng có tới 90 cuộc thanh tra...
Những đoàn thanh tra công quyền có thể ví như những “thanh bảo kiếm” được trao trách nhiệm đi “hành đạo”. Vậy mà “bảo kiếm” lại bị những đồng tiền làm cho tan chảy và quyền lực công đang bị biến màu!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  20 tháng 6 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét