Tuýt
còi… trọng tài
Trên sân cỏ, trọng tài dùng tiếng còi của
mình để duy trì kỉ cương, bảo đảm công bằng cho một trận đấu. Tuy là “ông
vua” sân cỏ nhưng họ vẫn có thể bị treo còi bởi ban tổ chức khi thiếu công
tâm hoặc phạm luật.
Trong nền kinh tế, cơ quan quản lí cũng
như những trọng tài để duy trì trật tự sản xuất kinh doanh, bảo đảm công bằng
giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người dân sử dụng hàng hóa dịch
vụ của doanh nghiệp.
Thời gian qua trên “sân cỏ BOT” giao thông
xảy ra những bất cập dẫn đến tình trạng quyền lợi của người dân không được
bảo đảm, gây bức xúc và bất ổn xã hội.
Những tưởng bài học từ vụ việc tại trạm
BOT Cai Lậy và một số dự án BOT giao thông khác trước đó đủ để cơ quan quản
lí - những vị trọng tài nhìn nhận lại mình, có cách điều hành nghiêm túc,
khách quan, công tâm để tránh những vết xe đổ.
Đáng tiếc sự việc tại trạm BOT T2 (đặt
trên Quốc lộ 91 thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) dường như vẫn “diễn
lại” theo kịch bản cũ mèm!
Bất kì nhà đầu tư nào khi thiết kế một dự
án cũng tính toán làm sao để có thể thu về lợi nhuận cao nhất dù nó có thể chưa
“thấu tình”, miễn là không sai luật. Chính vì mục tiêu lợi nhuận nên nhà đầu
tư BOT T2 rất khôn khi đặt trạm tại một vị trí có thể “thu gom” hết mọi
phương tiện giao thông qua đây để thu tiền, dù chỉ đi đúng 200m! Nhưng nhà
đầu tư đâu biết rằng dân trí nay đã khác, họ không dễ bỏ tiền túi cho những
thứ phi lí? Và họ đã phản ứng rất có lí khi “đi bao nhiêu, trả bấy nhiêu”,
quy ra 200m=2.000 đồng! Vậy là trạm BOT T2 cũng nhanh chóng đi theo con đường
“mất an toàn” như trạm BOT Cai Lậy.
Các tài xế không đồng ý mua vé qua BOT T2 Cần Thơ
vì cho rằng trạm đặt sai vị trí
Cũng như những dự án BOT gây bất ổn khác,
khi người ta chỉ chú ý tới hai đối tượng là nhà đầu tư và người dân phản ứng
với doanh nghiệp làm BOT thì vai trò, trách nhiệm của những “ông vua sân cỏ
BOT” lại khá mờ nhạt. Khi phê duyệt những dự án BOT của nhà đầu tư trình chắc
chắn cơ quan quản lí phải có cái nhìn tổng quan thông qua đánh giá tác động
của dự án, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng. Khi quyết định
đưa ra mang lại lợi ích cho một phía mà quên đi đối tượng khác thì người dân
sẽ mất niềm tin, thậm chí nghi ngờ vào sự khách quan của cơ quan quản lí. Việc
đặt trạm BOT có thể đúng luật nhưng không thấu tình chẳng sớm thì muộn cũng
dẫn đến hệ quả là sự phản ứng và không chấp nhận của người dân.
Trên sân cỏ thể thao, trọng tài thiên vị
có thể do nhiều động cơ khác nhau, thậm chí bán độ. Sự vụ bại lộ thì trọng
tài sẽ bị treo còi. Cho đến nay các “trọng tài BOT” hầu như chưa có vị nào bị
xử lí về trách nhiệm điều hành để xảy ra những lộn xộn vừa qua. Không thể
“treo còi” nhà quản lí, nhưng họ cũng rất cần có người “tuýt còi”. Nếu không
xử lí nghiêm minh và giải quyết gốc rễ vấn đề công bằng, người dân có quyền
nghi ngờ rằng trên “sân cỏ BOT” có sự bán độ!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 04 tháng 6 năm 2019
|
Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét