Cẩn trọng khi sử dụng tư liệu lịch sử
Trong thế kỉ XX, cả thế giới biết đến và khâm phục dân tộc Việt
Nam sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Cùng với những trang viết phản ánh chi tiết cuộc kháng chiến 9
năm và gần 2 tháng chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội ta tại chiến
trường Điện Biên còn có những thước phim màu quý giá ghi lại thực tiễn sống
động của chiến dịch vĩ đại này.
Ngày nay, vào những dịp kỉ niệm chiến thắng mọi người thường được
xem lại giây phút huy hoàng đó. Ấn tượng nhất là cảnh bộ đội ta ào ạt xông
lên chiếm lĩnh chốt cuối cùng, đầu não quân sự của tập đoàn cứ điểm Điện Biên
Phủ, nơi có tướng Đờ Cát cùng Bộ Chỉ huy của ông ta.
Tuy nhiên, những người am hiểu về quân sự, người từng tham gia
chiến đấu tại chiến trường này sẽ nhận ra, đó không phải là hình ảnh thật của
giây phút lịch sử chiều 7/5/1954. Đó chỉ là những hình ảnh được diễn lại để
ghi hình mà thôi!
Chiến trường Điện Biên được nhà thơ Tố Hữu miêu tả vô cùng ác
liệt, đó là “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn
non…”. Đất đai tại đây bị bom đạn cày xới tơi tả. Khi xem hình ảnh tư liệu,
người tinh ý sẽ nhận ra nơi bộ đội ta xung phong cỏ đã mọc, cây lá dần xanh
màu trở lại, còn bộ đội thì áo quần mới, gọn gàng, sạch sẽ dù vẫn có bom pháo
nổ mù mịt. Về mặt chiến thuật, nếu bộ đội xuất phát từ cự li xa như thế và
dàn hàng ngang xông lên thì thương vong sẽ vô cùng lớn bởi hỏa lực của quân
Pháp vẫn còn. Thứ nữa, chiến thuật của ta đánh địch phòng ngự bằng đào hào
vây lấn, “đánh chắc, tiến chắc” chứ không phải đánh nhanh, thắng nhanh. Hình
ảnh bộ đội xung phong vượt qua nhiều lớp hào vây lấn do mình đào khoét bao
ngày đêm mới có, là thiếu logic... Đây là những sơ suất của người làm phim
tài liệu khi đó.
Tôi và có lẽ nhiều người xem Đài truyền hình Việt Nam đã được
nghe kể về việc mua, sở hữu bản quyền những thước phim lịch sử từ kho tư liệu
điện ảnh của Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Theo phóng sự này thì năm 1954
đoàn làm phim của nước bạn sang nước ta tác nghiệp nhưng rất tiếc, đoàn chưa
kịp lên Điện Biên thì cuộc chiến tại đây đã kết thúc. Tuy không kịp ghi lại
được thời khắc lịch sử song bạn đã đề nghị và được ta chấp nhận là sử dụng
lực lượng bộ đội chưa rút về xuôi tái hiện giờ phút chiến thắng vĩ đại tại
chiến trường Điện Biên Phủ. Những hình ảnh đó, ngày nay mọi người được xem đi
xem lại như một biểu tượng của chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp.
Việc tái hiện sự kiện bằng hình ảnh là việc làm bình thường trong
hoạt động báo chí bởi nó phần nào giúp độc giả hình dung được quy mô, chính
chất của sự kiện đã diễn ra. Tuy nhiên, mỗi khi sử dụng tư liệu rất cần ghi
rõ nguồn gốc. Trong trường hợp trên thì đài truyền hình khi trích dẫn phát
sóng cần ghi chú rõ đây là “hình ảnh tái hiện”.
Nếu “lập lờ” khi sử dụng tư liệu dễ dẫn đến sự hiểu thiếu chính
xác về lịch sử, thậm chí khiến độc giả nghi ngờ tính trung thực vì phát hiện
ra những chi tiết bất hợp lí như kể ở trên./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 23 tháng 5 năm 2019
|
Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét