Mật
ngọt, mật đắng
Trong tiếng Việt từ mật có khá
nhiều nghĩa. Khi là đồ ăn thì nó có thể ngọt hoặc đắng (như mật ong, mật cá…).
Không hiểu vì sao từ mật lại được người ta áp cho lĩnh vực chẳng liên quan gì
đến vị giác như tài liệu mật, bí mật…
Tuy thế, cái “mật không ăn được” kể trên đôi khi cũng
đưa đến sự ngọt ngào hoặc đắng chát. Chẳng hạn như thương vụ Mobifone mua 95%
cổ phần AVG, do tùy tiện đóng dấu mật vào một tài liệu mua bán bình thường
khiến một số cán bộ vi phạm luật pháp, vướng vòng lao lí. Trong trường hợp này,
mật đã được người ta lấy làm bình phong che đậy sự khuất tất.
Cách đây hơn chục năm Thủ tướng Chính phủ đã có quyết
định ban hành Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công
Thương với 2 nội dung độ Tuyệt mật và 12 nội dung độ Tối mật. Các nội dung tại
quyết định này cơ bản đã bao hàm đủ, sát thực tiễn giúp việc quản lí Nhà nước
chặt chẽ, hiệu quả nhiều năm qua. Thế nhưng, Bộ Công Thương lại đang có dự thảo
bổ sung vào danh mục bí mật Nhà nước trên. Cụ thể nội dung bổ sung gồm: Báo cáo
điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu
chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố. Những thông
tin này sẽ được đóng dấu mật và khi đó người dân, doanh nghiệp sẽ “miễn góp ý”
trước khi quyết định điều hành giá được ban hành!
Để có một nền kinh tế thị trường thì mọi yếu tố chi
phối tới nó đều phải hướng tới sự minh bạch, tránh sự tác động chủ quan làm méo
mó. Riêng Việt Nam ta có sự quyết định giá bởi nền kinh tế bao hàm yếu tố định
hướng của Nhà nước trong một thị trường nhiều thành phần. Tuy nhiên, quyết định
của cơ quan quản lí sẽ đúng đắn nếu có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện. Ngược
lại khi nó là ý chí chủ quan của số ít người sẽ dễ bị chi phối bởi nhóm lợi
ích. Quyết định giá với những mặt hàng thiết yếu, tác động rộng và rất lớn như
xăng dầu, điện lực nếu không chuẩn xác sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và sinh
hoạt của tất cả người dân. Vậy, bí mật với việc quyết định giá những lĩnh vực
trên sẽ lợi, hại cho ai?
Dự thảo các phương án giá điện luôn được đóng dấu mật
Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua đã từng bước tiệm
cận minh bạch, bám sát thực tiễn giá thế giới, dù vẫn còn những “điểm mờ” như
lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn... Hiện nay các phương án giá điện vẫn được coi
là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được
thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Vì vậy,
nhiều doanh nghiệp sử dụng điện khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế
hoạch tài chính. Một số chuyên gia cho rằng, các phương án giá điện cũng cần
được công khai ít nhất 10 ngày trước khi ban hành.
Những tưởng từ nhiều ý kiến của giới chuyên gia,
doanh nghiệp và người dân sẽ được cơ quan quản lí tiếp thu để minh bạch hóa
trong điều hành thị trường thì lại thấy một động thái ngược chiều đáng lo ngại.
Với tư duy “che đậy”, sợ minh bạch rồi sẽ xảy ra tình trạng “kẻ ăn mật ngọt,
người hưởng mật đắng”!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 09 tháng 5 năm 2019
|
Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét