Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

 Khó cầu thị  

Câu chuyện hóa đơn tiền điện sinh hoạt của khách hàng bỗng tăng vọt như điệp khúc “đến hẹn lại lên”. Còn cách giải thích của “nhà đèn” cũng quen thuộc: Do thời tiết vào Hè nóng nhiều, do tháng này nhiều ngày hơn tháng nọ v.v và v.v.
Kết quả hình ảnh cho Giá điện bậc thang bất hợp lý

Trong các lần giải thích, chưa lần nào EVN đề cập về sự hợp tình hợp lí hay chưa trong thiết kế bảng giá điện bậc thang hiện hành. Bảng giá này từng được đưa ra lấy ý kiến giới chuyên gia, người dân với vài phương án song về bản chất các phương án đều tồn tại bất cập.
Hơn 3 năm trước, Báo Người cao tuổi đã có bài đề cập bảng giá điện này và ví nó như chiếc thang hình ô van, phình ra ở giữa, thắt nhỏ 2 đầu. Cho đến nay vẫn bảng giá đó, hình thù không thay đổi, mức thấp nhất vẫn là 50kW/h, chỉ có giá điện các bậc được nâng lên và những bậc “cần phình ra” luôn được bảo lưu. Các bậc 2,3,4 có khoảng cách giá tăng cao nhất, chênh gấp hơn 4 đến 9 lần so với khoảng cách bậc đầu tiên.
Các chuyên gia từng đặt nhiều câu hỏi: Điều gì bó buộc EVN giới hạn 6 bậc thang, tại sao không là 12 hay 15 bậc hoặc nhiều hơn và mức thấp nhất sao không nâng lên mà hằng chục năm nay vẫn từ 0-50kW? Số tiền từng bước giá sao không chia đều các bậc mà lại để một vài bậc chênh quá lớn như vậy? Liệu có phải đây là khoảng giá có số lượng khách hàng dùng nhiều nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất? Được biết biểu giá điện bậc thang này căn cứ Quyết định Số 28/2014/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, luật chưa phù hợp còn có thể sửa thì một quyết định điều hành cũng không ngoại lệ.
Kết quả hình ảnh cho Giá điện bậc thang bất hợp lý
Nhiều chuyên gia không tin tưởng vào sự khách quan khi tính toàn cơ cấu giá điện và biểu giá bậc thang.

Một vấn đề mà doanh nghiệp, người dân rất trông chờ vào EVN là sự minh bạch trong cơ cấu giá thành mua bán điện. Đúng là giá một số nguyên liệu đầu vào sản xuất như xăng dầu, khí, than đã tăng nên giá điện từ nguồn sản xuất này sẽ tăng. Tuy nhiên nước ta có trữ lượng thủy điện khá dồi dào, ngoài các nhà máy thủy điện lớn Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thác Bà, Trị An, Đồng Nai 2, 3… thì còn rất nhiều thủy điện nhỏ và vừa rải khắp từ Bắc vào Nam. Giá thành sản xuất thủy điện không thể cao sau nhiều năm khấu hao vốn đầu tư. Tuy nhiên, người dân không thể biết thủy điện chiếm bao nhiêu % trong tổng công suất điện hiện nay. Rồi chuyện quản lí cũng đang có những câu hỏi như tỉ lệ thất thoát điện năng, việc đầu tư thua lỗ lĩnh vực khác liệu có được hạch toán vào giá thành bán điện? Chỉ có minh bạch thì mới xóa đi được những nghi ngại như trên.
Vừa qua chính phủ Lào đã nhất trí xem xét lại kết cấu giá điện theo hướng thấp hơn và hợp lí nhằm tăng cường đầu tư sức sản xuất. Còn chính phủ Hàn Quốc vào Hè năm trước từng quyết định tạm thời giảm giá điện trong 2 tháng do thời tiết quá nóng nực. Ở Việt Nam chưa xuất hiện khái niệm giảm giá điện.
Trước đây, nhiều người rất lo cho an ninh quốc gia khi cổ phần hóa ngành viễn thông, nay thì đã rõ hiệu quả ngành này mang lại khi có sự cạnh tranh. Ngành điện còn độc quyền thì câu chuyện lùng nhùng sẽ vẫn “đến hẹn lại lên” bởi khi độc quyền rất khó tìm thấy sự cầu thị?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  07 tháng 5 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét