Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Nhìn sang Đệ nhất thôn nghĩ về đơn vị hành chính của ta


Hoa Tây - ngôi làng được mệnh danh "Ðệ nhất thôn" thuộc huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Đây thật sự là một kì tích về xây dựng, phát triển khu vực nông thôn của đất nước có số dân đông nhất thế giới này.
Vào thời điểm cuối những năm 60 thế kỉ trước, Hoa Tây là một ngôi làng nhỏ, hẻo lánh, bần hàn với dân số 576 nhân khẩu, tài sản chung có khoảng 1.800 tệ (tương đương 240 USD). Ðến nay, sau hơn 50 năm phát triển, Hoa Tây trở thành một "làng tỉ phú" với nhân khẩu lên tới 36 nghìn người và tổng tài sản chung hơn 2 tỉ USD. Từ những người nông dân nghèo khổ, chân lấm tay bùn, nhà cửa tạm bợ, ngày nay, mỗi gia đình Hoa Tây sở hữu ít nhất một ngôi biệt thự sang trọng nằm trong khuôn viên cây xanh, hai chiếc xe hơi và 250 nghìn USD trong ngân hàng. Từ một ngôi làng hạt nhân, Hoa Tây đã hút thêm 16 làng vệ tinh nhập vào. Đệ Nhất Thôn từ một hợp tác xã, nay thực sự là một đô thị hiện đại, có tòa nhà cao 74 tầng, nhiều siêu thị, đơn vị kinh tế, doanh nghiệp… song vẫn giữ mô hình đơn vị hành chính là làng Hoa Tây.

Một góc Đệ Nhất thôn (Trung Quốc)

Mô hình đơn vị hành chính của Việt Nam ta hiện đang có những bất cập theo xu hướng vừa muốn chia nhỏ, vừa muốn “to tầm”. Thời Pháp, cả nước được chia thành 55 tỉnh, sau khi đất nước thống nhất cả nước có 38 tỉnh thành, hiện nay tăng lên 63 tỉnh thành. Như vậy, mô hình cấp tỉnh đã được chia nhỏ nhiều nhất có thể và “đồng điệu” với đó là một đội ngũ công chức tăng lên với số lượng đông nhất có thể. Khi đã không thể tăng lên mãi thì các cấp hành chính lại muốn được điều chỉnh để được “to tầm”. Các tỉnh phát triển kinh tế trở nên giàu hơn, đời sống thu nhập người dân cao hơn một chút là muốn tỉnh mình có thành phố trực thuộc trung ương và xu hướng cả tỉnh sẽ trở thành một thành phố trực thuộc trung ương. Cũng như vậy, ở cấp nào cũng muốn nâng tầm. Thị tứ phát triển lên thành thị trấn, thị trấn nâng lên thị xã, thị xã lên thành phố, thành phố loại 2 phấn đấu để được lên loại 1…
Thực hiện chủ trương của Đảng, quá trình tinh giản biên chế bộ máy đã được thực hiện nhiều năm qua song kết quả chưa được như mục tiêu đề ra, thậm chí hiện vẫn chưa kìm hãm được “đà” tăng biên chế và bộ máy hành chính.
Thi thoảng vẫn thấy thông tin thành lập thị trấn mới này, thị xã, thành phố nọ… Khi một cấp hành chính được “nâng tầm” đồng nghĩa cũng kéo theo tổ chức, biên chế. Ví như cấp xã lên phường thì riêng lực lượng công an từ 1 người đã có thể tăng lên cả chục. Một chủ tịch thành phố việc bảo đảm chế độ, chính sách và những nhu cầu khác phải hơn chủ tịch thị xã… Hình như nhiều người có quan điểm cấp đơn vị hành chính phải “đúng tầm” mới tạo được sự phát triển.

Kết quả hình ảnh cho Chen chúc làm thủ tục hành chính
Công chức đông nhưng hành chính công vẫn tắc!

Cấp hành chính được nâng tầm nhưng chất lượng thủ tục hành chính góp phần phục vụ phát triển của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân có vẻ chưa theo kịp. Nhìn vào thực trạng người dân đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài đông như hiện nay có thể phần nào đánh giá về chất lượng của các cấp chính quyền trong giải quyết vấn đề cho người dân, cho sự phát triển.
          Triết lí hành động của ông cựu trưởng thôn Hoa Tây kể trên là “cá nhân giàu chưa phải là giàu, tập thể giàu mới là giàu; một thôn giàu chưa phải là giàu, cả nước giàu mới là giàu”. Đây thực sự là một tư duy vì cái chung, cái cao cả nhưng người dân lại chính là trung tâm, là mục tiêu cuối cùng được hướng tới.
Để thực hiện được triết lí như của ông cựu trưởng thôn kia thì cần có một tư duy mới, rất khác với nhiều lãnh đạo của ta hiện nay./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi cuối tháng, số tháng 5 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét