Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

 Pháp luật có “ưu ái”?

Nói pháp luật có sự ưu ái là điều phi lí. Pháp luật đề ra là để định hướng hoạt động xã hội, bảo vệ quyền lợi và sự công bằng cho mọi cá nhân, tổ chức, không thể ưu ái, thiên vị.
Thế nhưng thực tiễn đôi khi vẫn có sự phi lí ấy. Dù người ta nhận ra nhưng sửa chữa, khắc phục lại không thể một sớm một chiều. Xin kể vài câu chuyện mà dư luận, báo chí thời gian qua đã tốn không ít giấy mực.
Chuyện thứ nhất là cái quỹ bảo trì chung cư. Rất nhiều chung cư xảy ra tranh chấp xung quanh việc sở hữu, quản lí và sử dụng quỹ này. Đủ các hình thức đấu tranh, khiếu kiện, phản đối chủ đầu tư (CĐT) của cư dân nhưng vẫn chẳng đi đến đâu. Đồng tiền người mua nhà bỏ ra bị CĐT dùng dằng nắm giữ. Mua căn hộ hàng tỉ đồng, đã ở nhiều năm song ban quản lí vẫn không được giữ quỹ để bảo trì. CĐT có đủ “chiêu” đề trì hoãn bàn giao quỹ, như gây khó dễ việc thành lập ban quản trị, cho rằng ban quản trị chưa đủ điều kiện, năng lực quản lí quỹ... Quy định pháp luật hiện hành cho phép CĐT thu tiền quỹ của người mua nhà dù họ không có trách nhiệm quản lí, sử dụng quỹ này. Với số tiền nhiều tỉ đồng được phép thu rồi “để đấy”, “ôm” càng lâu càng có lợi… rõ ràng CĐT đang được pháp luật “ưu ái” và họ không có nhu cầu thay đổi quy định này.

Phản đối chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì tại một dự án chung cư

Chuyện thứ hai là việc bảo đảm tính pháp lí căn hộ chung cư. Người mua chung cư chỉ được coi là sở hữu hợp pháp khi có giấy chứng nhận (sổ hồng) căn hộ đó. Thế nhưng tại không ít dự án, người mua nộp tiền đầy đủ, ở nhiều năm song khi đề nghị được cấp sổ hồng căn hộ, CĐT vẫn cố tình trốn tránh, thoái thác. Chính vì vậy, khi chủ căn hộ muốn sang nhượng, thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn đều không thể được. Trong tình cảnh ấy, dù đã bỏ cả tỉ đồng mua căn hộ nhưng thực tế chủ sở hữu chỉ như người đi ở nhờ. Đó là chưa kể tại một số khu chung cư, người mua nhà có nguy cơ bị đuổi ra đường bởi dự án đã bị CĐT thế chấp ngân hàng để vay tiền.


Chất lượng công trình thấp, phí gửi xe quá cao, chậm bàn giao sổ hồng... là những bức xúc của cư dân tại chung cư The Garden Hill (99 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội)

Tất cả những vướng mắc, bất cập trên đều đã có pháp luật điều chỉnh, quy định cụ thể trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (cùng năm 2014). Rõ ràng CĐT đã vi phạm các điều luật trong hoạt động kinh doanh, còn người mua chung cư đã tuân thủ đúng pháp luật. Thế nhưng, pháp luật lại chưa có những chế tài xử lí cụ thể vi phạm như nêu trên và quá trình thực thi của cơ quan quản lí hình như người ta cũng “ưu ái” hơn với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vi phạm diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc dư luận song chưa có CĐT nào bị xử lí và cơ quan quản lí chuyên ngành cũng chưa sốt sắng điều chỉnh quy định trước đòi hỏi của thực tiễn. Cuối cùng, người chịu thiệt chính là những khách hàng mua nhà, đối tượng mà thiếu họ, doanh nghiệp chẳng thể tìm kiếm được lợi lộc!
Nếu không có sự điều chỉnh, sửa đổi điều luật cùng trách nhiệm, biện pháp thực thi nghiêm minh của cơ quan chức năng thì pháp luật sẽ mãi dành sự ưu ái cho doanh nghiệp bất động sản và quên đi quyền lợi chính đáng của người dân./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  22 tháng 5 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét