FDI “giá rẻ”?
Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với
các nhà đầu tư (NĐT) Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức nước này vừa
qua, có NĐT bày tỏ quan tâm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và nói đại ý họ sẽ
bỏ thầu giá rẻ nhất.
Người ta thường nói “tiền nào của nấy”, “của rẻ là của ôi”.
Thực tiễn nhiều năm qua không ít công trình đầu tư bằng vốn FDI đã và đang bị
“ôi” và nền kinh tế đang phải gánh chịu. Thử điểm mặt vài dự án như thế:
Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư trên 11.000 tỉ
đồng, hoàn thành vào giữa năm 2011. Dự án do Tập đoàn hóa chất Việt Nam làm
chủ đầu tư. Tổng thầu EPC thực hiện là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn
Cầu (Trung Quốc). Những năm qua Đạm Ninh Bình bị lỗ triền miên, năm 2018 lỗ
926 tỉ, tương đương với năm 2017. Cứ đà này chẳng mấy nữa tiền lỗ sẽ bằng tổng mức đầu tư…
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khởi công vào
năm 2007. Tổng thầu dự án là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Tổng vốn đầu tư khi đó là 3.800 tỉ đồng. Sau nhiều năm “lùng nhùng”, đầu năm
nay dự án đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ. Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị Công
ty gang thép Thái Nguyên đã thanh toán cho Dự án 4,4 nghìn tỉ đồng. Tổng dư
nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3,8 nghìn tỉ đồng (hiện lãi vay phải
trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho tổng thầu MCC trên 92%
giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành. Từ năm
2013 đến nay, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công. Dự án đứng trước nguy cơ
phá sản…
Một góc Nhà máy gang thép Thái Nguyên đang "đắp chiếu"
Dự án Đường
sắt trên cao Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông dài 13,1 km, được khởi công xây dựng
vào ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong Quý
I/2018. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn
vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 891,9
triệu USD, đội vốn khoảng 339,1 triệu USD. Với điều kiện các nhà thầu tư vấn,
thi công, cung cấp vật liệu thiết bị chủ yếu phải là từ nước tài trợ vốn nên
Việt Nam phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc. Sau nhiều lần trì hoãn đưa vào
khai thác, gần đây nhất cuối tháng 4/2019 dự án tiếp tục trì hoãn lần thứ 8 và
chưa biết khi nào sẽ vận hành thương mại…
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm lần nữa trễ hẹn.
Điểm tên vài dự án có thể thấy liệu có dự án vốn FDI “giá
rẻ” hay không. Sự “bất tín” của những NĐT từ cùng một quốc gia đã được minh
chứng, nhưng xem ra vẫn còn một số lãnh đạo bộ ngành rất “tin tưởng”.
Phát biểu tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về
dự án đường cao tốc Bắc - Nam vừa qua, ông Nguyễn Nhật (Thứ trưởng Bộ Giao
thông Vận tải) cho rằng “NĐT tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia
theo quy định, còn các NĐT từ Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều
NĐT Trung Quốc quan tâm”!
Nếu những NĐT “giá rẻ” lại trúng thầu một dự án có tầm quan
trọng chiến lược là đường bộ cao tốc Bắc - Nam, liệu có ai bảo đảm rằng nó sẽ
không đội vốn và chậm tiến độ?
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 16 tháng 5 năm 2019
|
Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét