Thờ
ơ “chống giặc”
Người ta thường nói chống dịch phải như
“chống giặc” để thấy sự cấp bách, quan trọng đặc biệt của công tác này.
Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta
mấy tháng qua, nay đã lan nhanh ra hàng chục tỉnh thành, gây hậu quả nghiêm
trong cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Đến nay
dịch đã lan truyền đến các tỉnh Trung bộ, Nam bộ và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi
Ngay từ đầu, nhiều địa phương đã coi
chống dịch tả lợn châu Phi như “chống giặc”, tập trung mọi nguồn lực để ngăn
chặn, đẩy lùi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, ổn định sinh hoạt và
giá cả thực phẩm trên thị trường. Các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hải
Dương, Hưng Yên, Ninh Bình… sau khi có một số ổ dịch đã chủ động và quyết
liệt vào cuộc nên đã nhanh chóng ngăn chặn thành công sự lây lan dịch bệnh
nguy hiểm này. Tại các địa phương trên, từng ổ dịch được khoanh vùng nhanh,
triển khai thu gom, xử lí triệt để đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn
nên dịch bệnh không bị lan rộng và đã tuyên bố hết dịch.
Mấy ngày nay, thật bất ngờ khi truyền
hình và một số tờ báo đưa những hình ảnh kinh ngạc về việc hàng chục con lợn
chết được “tự do tiêu hủy” trong tự nhiên tại các huyện Hiệp Hòa và Việt Yên
của tỉnh Bắc Giang. Lợn chết được người dân vứt la liệt, nổi lềnh phềnh tại
ao hồ, kênh mương làm mồi cho ruồi nhặng và bốc mùi hôi thối. Dịch tả lợn
châu Phi là loại bệnh dù có xử lí rất công phu vẫn có nguy cơ lây lan thì
việc lợn bệnh được người dân tự vứt ra môi trường sẽ khiến dịch bệnh phát tán
rộng là điều khó tránh khỏi.
Người dân vứt lợn chết ra môi trường ở Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Không biết lực lượng chức năng ở địa
phương này đang ở đâu và bận làm gì mà lại để người dân tự “bơi” trong việc
“chống giặc”?
Trả lời việc có địa phương để xảy ra tình
trạng trên, một cán bộ ngành nông nghiệp phát biểu trên VTV1 cho rằng có
nhiều lí do trong đó có nguyên nhân “do lực lượng cán bộ còn mỏng nên có thời
điểm không đáp ứng được yêu cầu chống dịch”. Đây là cách bao biện khó thuyết
phục vì nhiều địa phương đã ngăn chặn dịch bệnh thành công và đặc biệt hệ
thống công chức tại các địa phương hiện nay đều đang “rất đông”, không thể
nói là “lực lượng mỏng” được. Có chăng là trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của
người chủ trì và những cán bộ chuyên môn có thể đang “quá mỏng”, họ hưởng
lương từ thuế của dân nhưng đã không hoàn thành trách nhiệm được giao.
Việc để xảy ra tình trạng lợn bệnh vứt
tràn lan không được thu gom, xử lí tại Bắc Giang cần được xử lí nghiêm túc
trách nhiệm cán bộ chính quyền sở tại và cơ quan chuyên ngành địa phương./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 14 tháng 5 năm 2019
|
Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét