Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Xã hội

 

Giá của sự hi sinh

Khi đại dịch Covid-19 mới tấn công nước ta vào đầu năm 2020, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp “chấp nhận hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ”.

Quan điểm trên của Thủ tướng cho đến nay đã được kiểm chứng qua thực tế là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Dù liên tục chịu các đòn tấn công của Covid-19 song sức khỏe người dân được bảo vệ và nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng, dù không cao nhưng vẫn đứng hàng đầu thế giới.

Không chỉ sự hi sinh lợi ích kinh tế của đất nước, hàng nghìn cá nhân cũng đang chấp nhận sự hi sinh không nhỏ trong công cuộc chiến đấu chống đại dịch, bảo vệ cuộc sống an toàn của Nhân dân.

Thanh niên khoe "chiến tích" trốn cách li.

Đó là các y, bác sĩ sẵn sàng xa gia đình, người thân hàng tháng trời, dũng cảm vào nơi nguy hiểm đóng góp sức lực, trí tuệ để giữ gìn sự an toàn sức khỏe cho người dân vùng dịch.

Đó là hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày đêm canh gác, tuần tra nơi biên cương ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập qua các cá nhân vi phạm pháp luật. Nhờ những chiến sĩ biên phòng, hàng nghìn ki lô mét đường biên đã được “rào dậu” cơ bản an toàn. Rất nhiều đơn vị quân đội cán bộ, chiến sĩ rời doanh trại đến nơi đóng quân tạm bợ nhường cơ sở vật chất đàng hoàng cho những người cách li, còn họ trở thành những người phục vụ tận tình, chu đáo cho những người “chủ mới”…

Những hi sinh như trên không thể nói là nhỏ bé. Vậy nhưng không ít những cá nhân vì thiếu trách nhiệm, không chấp nhận đôi chút bất tiện, thiệt thòi chút lợi ích riêng khiến công lao, sự hi sinh của bao người trước nguy cơ đổ bể.

Một nữ bệnh nhân tại Hà Nội dù biết mình đã tiếp xúc với trường hợp F0 nhưng không khai báo y tế, vẫn hồn nhiên đi khắp nơi, gặp nhiều người, sử dụng mọi dịch vụ. Chỉ khi phát bệnh, không thể dấu diếm mới gọi cho cơ quan quản lí địa phương.

Một phụ nữ tại Bắc Giang là F1 đang cách li song vẫn tùy tiện đi dự tiệc, may nhờ hình ảnh bạn bè “tự sướng” đưa lê Facebook nên cơ quan quản lí mới phát hiện và xử phạt…

Đại dịch bùng phát tại một số tỉnh thành đúng dịp Tết Nguyên đán nên nguy cơ phát tán rộng là rất lớn. Một trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả là sự tự giác chấp hành nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế. Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay là những việc dễ, mọi người có thể nhận biết. Song, việc tự giác khai báo y tế khi sống, đi qua vùng dịch rồi đến địa phương khác mới là điều quan trọng giúp ngăn ngừa, kiểm soát được nguy cơ dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 tại nước ta đang diễn biến ngày càng phúc tạp. Sự ích kỉ của một số cá nhân đang làm cho tình hình càng phức tạp khó lường. Những cá nhân như kể trên có thể chưa biết rằng, vì họ không chấp nhận chút hi sinh nhỏ bé mà cả đất nước sẽ hứng chịu nhưng mất mát, thiệt hại không thể đong đếm./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 24 tháng 02 năm 2021

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

Xã hội

 

Mừng thọ… chuyển đổi số

 

Xuân Canh Tý 2020 bắt đầu một mùa Xuân không bình thường bởi sự bùng phát dịch bệnh do chủng mới của Corona virus.

Xuân Tân Sửu như một sự lặp lại nhưng sớm hơn của đại dịch Covid-19 khiến cả nước phải đón cái Tết trong trạng thái bình thường mới.

Mùa Xuân cũng là thời điểm để người thân, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm tới lớp người cây cao bóng cả thông qua hoạt động truyền thống chúc thọ, mừng thọ. Những cuộc gặp gỡ, lời chúc tốt đẹp và những phần quà là niềm động viên quý giá còn hơn cả liều thuốc bổ. Liều “thuốc bổ tinh thần” luôn rất cần thiết để NCT thêm sống vui, sống khỏe cùng gia đình, xã hội.

Chúc thọ người cao tuổi là nét đẹp văn hóa của người Việt.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội cho mọi quốc gia, nó cũng lấy đi mất một nguồn động viên tinh thần đối với NCT, đó là hoạt động tình nghĩa - mừng thọ.

Do phòng ngừa dịch bệnh, các hoạt động chúc thọ, mừng thọ NCT của cả người thân và tổ chức Hội NCT các cấp năm trước đều ngưng trệ. Năm nay chắc chắn điều đó lại tiếp diễn, việc chúc thọ, mừng thọ khó có thể duy trì như truyền thống. Điều này là cần thiết bởi việc tập trung đông người, gặp gỡ trực tiếp NCT để chúc thọ, mừng thọ tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch Covid-19. Với NCT, đối tượng hầu hết “sở hữu” những bệnh nền thì nguy cơ Covid-19 còn tăng gấp bội, thậm chí đe dọa sự sống.

Dù việc chúc thọ, mừng thọ năm trước bị dịch bệnh chi phối song cuối cùng các tổ chức hội cơ sở cũng hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, việc mừng thọ khi “mùa Xuân cạn” đã giảm đi nhiều về ý nghĩa và niềm vui, một tiêu chí quan trọng nhất của hoạt động này.

Hiện nay Đảng và Chính phủ đang thực hiện chủ trương về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia nhằm bắt kịp xu hướng chung của nhân loại. Các tổ chức hành chính nhà nước, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực sự vào cuộc trong tiến trình chuyển đổi số. Các hoạt động của xã hội cũng không thể đứng ngoài trong tiến trình này. Hội nghị trực tuyến, giảng dạy online, thủ tục hành chính và thương mại điện tử… các hoạt động này đều đạt hiệu quả chẳng kém hoạt động trực tiếp. Vậy hoạt động truyền thống mừng thọ liệu có thể chuyển đổi sang hình thức trực tuyến, online?

Với chiếc máy tính nối mạng, chiếc điện thoại thông minh kết nối zalo hiện nay dù cách nửa vòng trái đất người ta vẫn có thể gặp nhau, chúc nhau những lời tốt đẹp nhân dịp năm mới.

Nên chăng các tổ chức Hội NCT cũng cần có hình thức phù hợp để duy trì hoạt động chúc thọ, mừng thọ mà cụ thể trong thời kì dịch bệnh là kết nối online, gặp gỡ trực tuyến. Bằng hình thức này, lãnh đạo tổ chức hội và chính quyền các cấp vẫn có thể gặp và gửi lời chúc đến từng NCT kịp thời, đúng thời điểm ngày Xuân.

Những phần quà về vật chất có thể gửi sau bằng phương cách an toàn bởi với NCT, vật chất chưa hẳn đã giá trị bằng món quà tinh thần./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 02 năm 2021

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Kinh doanh và pháp luật

 

“Vui vẻ” lỗ!

Làm ăn ai chẳng mong lãi lớn. Bỏ vốn đầu tư kinh doanh mà lỗ là điều đáng buồn, thậm chí “méo mặt”, lo “sốt vó” nếu nguồn vốn đầu tư là vay ngân hang phải trả lãi.

Ấy vậy mà có những nhà đầu tư lỗ triền miên mà vẫn hân hoan đổ tiếp vốn liếng ra mở rộng sản xuất như thể để “lỗ nhiều hơn nữa”! Đó là rất nhiều doanh nghiệp (DN)  mang “nhãn” FDI. Liệu có phải họ đang mang tiền của sang nước ta để làm từ thiện?

Quảng cáo rầm rộ, liên tục mở rộng sản xuất nhưng Coca Cola cũng liên tục báo lỗ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình sản xuất kinh doanh của DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2019 cho thấy, số DN FDI có lãi chiếm chỉ 45%, còn 55% doanh nghiệp báo lỗ, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm song tổng doanh thu của số DN này vẫn tăng gần 12,7% so với năm 2018. Có khoảng 3.545 DN lỗ mất vốn năm 2019, chiếm gần 15,7%, nhưng trong số này có 2.160 DN doanh thu vẫn tăng trưởng…

Một thực trạng đầy mâu thuẫn từ những con số mà không biết nên vui hay buồn.

Điều mừng là khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động song đó cũng là điều duy nhất tạm chấp nhận. Song không phải doanh nghiệp nào tăng vốn đầu tư cũng cần thêm nhiều lao động. Chẳng hạn như một doanh nghiệp lớn Formosa chuyên nấu quặng ra thép thì tăng doanh thu chưa hẳn là mở rộng sản xuất bởi năng lực sản xuất ban đầu không bao giờ đạt 100% công suất thiết kế. Để để đạt 100% công suất là quá trình tăng dần trữ lượng trong dây chuyền vận hành máy móc. Công suất tăng lên chủ yếu do máy móc đảm nhiệm nên chưa hẳn cần tăng thêm lao động nhưng chắc chắn là lượng phát thải ô nhiễm (cả không khí và nước) tăng lên.

Đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh phát triển bền vững sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên: Doanh nghiệp, người lao động và xã hội. Yếu tố đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội ngày càng được các doanh nghiệp (nhất là các nước phát triển) coi trọng vì nó là thành tố cơ bản của phát triển bền vững. Phải chăng nhiều doanh nghiệp FDI chưa quan tâm tới điều này? Phải chăng họ chỉ nhìn thấy lợi nhuận?

Cùng với những thông tin không vui về chuyện thuế của các doanh nghiệp FDI lớn thì cũng có tin vui, đó là hàng chục cá nhân kinh doanh trên nền tảng Internet, thương mại điện tử… tự giác khai và nộp thuế hàng tỉ đồng, có cá nhân nộp thuế hơn 23 tỉ đồng. Hầu hết đây là những người trẻ, không chỉ nhạy bén, năng động trong kinh doanh mà đã thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội rất cao.

Thực trạng trên đang đặt ra với cơ quan quản lí đầu tư, quản lí thuế trách nhiệm đáp ứng kịp tình hình. Pháp luật đầu tư một giai đoạn dài lấy ưu đãi để thu hút FDI bằng mọi giá nay cần sớm điều chỉnh. Đơn giản như nhà đầu tư lỗ kéo dài hàng chục năm mà vẫn cho mở rộng, tăng vốn là điều khó chấp nhận. Không thể để nhà đầu tư mãi “vui vẻ lỗ”!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 02 năm 2021

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Pháp luật

 

Lại chuyện quỹ, phí

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thành lập và quản lí Quỹ Phòng, chống thiên tai.

         Theo tinh thần dự thảo Nghị định này, sẽ hình thành hệ thống quản lí quỹ từ trung ương tới các tỉnh, thành phố. Nguồn quỹ được thu hằng năm từ người đủ 18 tuổi, người nghỉ hưu (15.000 đồng), người lao động (một ngày lương), doanh nghiệp (từ 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng) và từ nhà hảo tâm. Có thể hiểu, sẽ thu được một nguồn lực xã hội không nhỏ cho quỹ này.

 

Thuế, phí, quỹ... trùng lặp là gánh nặng với người dân, doanh nghiệp. Tranh minh họa

         Mọi người đều biết, do tác động của con người, môi trường ô nhiễm gây biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng phức tạp, khốc liệt và gia tăng cường độ. Thảm họa mưa lũ, sạt lở núi năm qua tại miền Trung là minh chứng rõ nét. Thiên tai, bão lụt có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường, với việc quản lí, vận hành nền sản xuất, khai thác tài nguyên... Chính vì vậy, những năm qua phí bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh tăng lên đáng kể. Từ khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt dân sinh đến phương tiện sử dụng xăng dầu… đều đã được tính và thu phí. Nguồn thu từ phí môi trường không nhỏ, thậm chí có lúc, có nơi kết dư quỹ không sử dụng hết.

         Thiên tai và môi trường không phải hai yếu tố tách rời, vậy sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông lại cần thêm quỹ phòng chống thiên tai? Nếu sử dụng quỹ để phòng ngừa thiên tai thì chắc chắn phải đề cập tới yếu tố môi trường, căn nguyên của biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai. Song việc này lại thuộc trách nhiệm đóng góp của quỹ bảo vệ môi trường. Còn sử dụng quỹ để khắc phục hậu quả thiên tai thì có lẽ bao năm qua các địa phương và cả nước vẫn vận hành bằng nguồn ngân sách, đồng thời thiên tai không thường xuyên xảy ra. Khi có thiên tai nghiêm trọng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường vận động quyên góp (mỗi năm một vài ngày lương) để hỗ trợ khắc phục. Mặt khác, hình thành quỹ sẽ cần một hệ thống quản lí, nhân lực... xã hội lại phải thêm chi phí nuôi dưỡng bộ máy. Đã có ý kiến cho rằng, việc chi quỹ này sẽ khó rõ ràng và hiệu quả, thậm chí tiềm ẩn lãng phí, tiêu cực khi nó sẽ giống như cơ chế xin cho.

         Cả năm 2020 người dân và doanh nghiệp đều chật vật, “lao đao” vì đại dịch Covid-19, tiềm lực không còn “sung mãn”. Trước bối cảnh đó Nhà nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng. Đề xuất thêm loại quỹ mới (có vẻ đã trùng lặp) vào lúc này xem ra không đúng thời điểm và chưa hợp lí vì nó sẽ làm suy yếu nguồn thu. Thêm nữa, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như vài năm qua, liệu có ai đó sẽ đề xuất “Quỹ phòng chống dịch bệnh”?

         Phòng, chống thiên tai không gì hơn là hãy làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường - vấn đề đang khiến cả hành tinh phải đối mặt./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 02 năm 2021

Kinh tế-Xã hội

 

CHẤM PHÁ MẤY GAM MÀU BẢN ĐỒ VIỆT NAM  

Chúng ta đều biết, một thời gian dài dưới ách đô hộ thực dân, Việt Nam như chưa có tên trên bản đồ thế giới.

Xứ An Nam, một thuộc địa nhỏ bé ở vùng Đông Dương lẫn chìm trong biết bao vùng đất thuộc địa khác trên khắp thế giới của các nước tư bản lớn như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,…

Chỉ sau ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, thế giới mới biết có một nước Việt Nam độc lập ở Đông Nam châu Á.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, khiến cả địa cầu “chấn động”. Một nước nhỏ bé ít người biết tên đã đánh gục một “gã” quân sự khổng lồ phương Tây với những tướng tá hậu duệ của Napoléon Bonaparte lừng lẫy một thời. Có lẽ từ khi đó, rồi qua tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, nhiều nước, nhiều nhà chính trị, học giả mới biết rằng, Điện Biên Phủ chỉ là một chiến dịch, một thắng lợi trong rất nhiều cuộc chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc này. Có thể lúc đó họ mới biết rằng đế chế Nguyên Mông từng tung vó ngựa khắp Á, Âu nhưng cả ba lần tới đây đều bị chặn đứng, bị đánh tả tơi không còn mảnh giáp. Chiến thắng 30/4/1975 là một dấu đỏ thêm khẳng định, đóng lên tấm bản đồ quân sự Việt Nam rực rỡ từ hàng nghìn năm qua.

Chiến đấu chống ngoại xâm chỉ là một việc “đặng chẳng đừng”. Không đất nước nào lại mong giặc đến để máu đổ, xương tan, lấy chiến công làm niềm hãnh diện. Cuộc sống người dân áo ấm, cơm no, nhà nhà an khang thịnh vượng mới là mục tiêu của mọi dân tộc. Còn nhớ sau chiến tranh lại gánh chịu sự bao vây cấm vận của một số cường quốc thù địch, đất nước ta vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Chạy ăn cho dân, lo vay nợ để trang trải chi tiêu có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ. Ngoại tệ khi đó chủ yếu để mua những thực phẩm chất lượng thấp về cứu đói cho dân. Bo bo, ngô là những thứ nhiều nước dùng chế biến thức ăn gia súc nhưng với ta lúc đó có đủ để ăn đã là qúy lắm rồi. Nói chuyện này hiện nay với thế hệ trẻ chừng 30 tuổi trở xuống sẽ có bạn cho là chuyện bịa. Một nước đang đứng hàng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, một quốc gia đang có những loại gạo mang vương miện hoa hậu, á hậu toàn cầu mà có lúc người dân lại phải ăn những thực phẩm cấp thấp thì đúng là khó tin. Không chỉ gạo, Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới về xuất khẩu nhiều loại nông sản, hải sản. Hàng hóa Việt dần có mặt ở tất cả những thị trường cao cấp, “khó tính” nhất trên thế giới. Thành tựu trên lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu cả nông nghiệp, công nghiệp được khẳng định qua con số xuất siêu kỉ lục gần 20 tỉ USD năm nay, trong điều kiện cả thế giới vẫn đang vật lộn với Covid-19. Hồi tháng 10, tờ New York Times của Mỹ đăng một bài viết dật tít “Is Vietnam the Next ‘Asian Miracle’?” (tạm dịch: “Việt Nam có phải là ‘điều thần kì châu Á’ tiếp theo?”. Dù đặt dấu hỏi nghi vấn nhưng bài báo (do chiến lược gia trưởng toàn cầu của Morgan Stanley Investment Management, ông Ruchir Sharma viết) đưa ra nhiều con số ấn tượng về thành tựu cả chống dịch và phát triển “đáng khâm phục” của mảnh đất hình chữ S.

Năm 2020 kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất thế giới

Năm 2020 đã khép lại. Liệu sau 100 năm nữa khi nói tới thời Covid-19 nó có giống như nay ta hay nói Thời thổ tả, Thời dịch hạch hay không, nhưng đúng là năm 2020 đã khiến cả thế giới thay đổi, tự nhìn nhận lại chính mình, nhìn ra những giá trị lâu nay coi nhẹ, bị che khất.

Thông tin về việc Việt Nam bắt đầu tiêm những mũi tiêm vacxin thử nghiệp đầu tiên trên người có thể bị “lẫn khuất”, khi mà ngoài kia người ta đang nói chuyện phân phối vacxin sao cho công bằng và an toàn. Thế nhưng cần biết rằng trên thế giới cũng chỉ chừng hơn 40 quốc gia có thể nghiên cứu và chế tạo vacxin - một công nghệ yêu cầu trình độ y học hàng đầu. Nếu ai đó lại muốn tìm hiểu “mạch nguồn” nền y học Việt Nam và chắc họ cũng “ngớ ra” rằng từ hàng trăm năm trước nơi đây đã có những danh y tài năng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; rằng hàng chục năm trước, đất nước này đã nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vacxin khác, mới đây đã chế được vacxin tả lợn châu Phi. Họ cũng sẽ biết nền y học Việt đã và đang thực hành những kĩ thuật y khoa hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng như gan, phổi, tim, thận, giác mạc, tủy, tế bào gốc, ruột… Đặc biệt, ngày 21/1/2020, các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép chi đầu tiên trên thế giới (ghép cẳng tay và bàn tay) lấy từ người cho sống. Thế giới nay có một phương pháp cắt gan có kế hoạch mang tên một nhà khoa học Việt Nam - Phương pháp Tôn Thất Tùng. Đại học Paris khi tặng huy chương bạc cho luận văn của giáo sư Tôn Thất Tùng (năm 1939) đã nhận định: Cách phân chia các mạch máu trong gan. Đó thật sự là một khám phá, bởi vì, từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến lúc ấy, chưa ai làm được!  

Thành tựu dập dịch SARS vào năm 2003 và chống dịch Covid-19 hiện nay đều không phải sự ngẫu nhiên, may mắn. Đó là trí tuệ, sự quyết tâm, đồng lòng của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và không thể thiếu nền tảng vững chắc là nền y học trình độ hàng đầu cùng nhiều nhà khoa học tài năng. Bản đồ y học Việt cũng đã và đang ngày càng tỏa sáng được thế giới biết đến, khâm phục.

Các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, thể thao, văn hóa, xóa đói nghèo… Việt Nam cũng đã và đang vươn lên, trở thành ngôi sao ngày một tỏa sáng.

Bản đồ kinh tế thế giới năm 2020 đang bị bao phủ một màu xám lạnh giá, khi mà hầu hết các nền kinh tế từ nhỏ đến lớn đều biểu thị bằng con số âm. Cùng với đó là tỉ lệ người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp phá sản tăng vọt.

Năm 2020 Việt Nam xuất siêu hơn 20 tỉ USD

Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2020 Việt Nam tăng trưởng gần 3%, trong khi thế giới suy giảm 4%. Tổng cục Thống kê cuối tháng 12 đã đưa ra con số tăng trưởng chính thức của ta là 2,91%. Với tỉ lệ tăng trưởng này, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương và cũng đứng đầu trong số ít ỏi 4-5 nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng dương. Nhờ giữ được nhịp tăng trưởng mà hàng nghìn doanh nghiệp không bị phá sản, hàng triệu người lao động vẫn có việc làm, thu nhập, an sinh xã hội được giữ vững, đời sống người dân ổn định…

Khi đại dịch qua đi, tận dụng được vị thế, điểm tựa này, tin rằng nền kinh tế nước ta sẽ bứt phá, tiếp tục tỏa sáng trên tấm bản đồ kinh tế thế giới những năm tiếp theo./.

 Hoàng Đình Khải (Đinh Hoàng)

Bài đăng số Tết Tân Sửu, Tạp chí Người cao tuổi (tháng 02 năm 2021)

 

Xã hội

 

Đỉnh cao là hạnh phúc

Mấy ngày trước cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi về việc ông bố có con học lớp 1 họp phụ huynh về rất vui dù con chỉ xếp hạng đạt sau nửa học kì 1. Bài thơ vị phụ huynh chia sẻ trên mạng nói về việc thấy nhiều bạn học được nêu tên xuất sắc, giỏi, còn chờ mãi con mình mới được cô giáo xướng lên, ở mức đạt. Ông vui vì thấy con vẫn tươi cười khoe vẽ được những bức tranh đẹp, khoe chuyện thích bạn này, không thích bạn kia. Niềm vui của ông xuất phát từ niềm hạnh phúc của đứa con.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là câu khẩu hiệu của người lớn nhưng nếu đạt được như vậy, đó đích thực là hạnh phúc của con trẻ.

Bệnh thành tích của nhà trường, thói sĩ diện, háo danh của phụ huynh đang tạo áp lực nặng nề lên đôi vai học trò và tước đi của các em niềm hạnh phúc tuổi thơ. Các em sẽ hạnh phúc khi tìm được sự hứng thú trong học tập và say mê theo sở trường, năng khiếu riêng. Nếu bị nhồi nhét, học mà như “đánh vật”, chẳng hứng thú thì có lẽ các em cũng không hạnh phúc dù đạt điểm cao.

Ảnh minh họa

Trải qua những năm khó khăn thiếu thốn, nay nhà nhà đều đã có “bát ăn bát để” thì mọi người đã nhận ra “chuẩn mới”, hạnh phúc không chỉ có cơm ăn, áo mặc. Năm trước vụ kiện vợ chồng doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên xôn xao dư luận kéo dài hàng tháng. Từ vụ việc này cho thấy, giàu sang chưa hẳn đã có hạnh phúc, ở mặt khác nó còn tiềm ẩn nguy cơ bất hạnh. Một gia đình bình dân nhưng vợ chồng hòa thuận, thương yêu, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, hiếu thuận với cha mẹ, mọi người khỏe mạnh, tìm thấy niềm vui trong mỗi công việc riêng - đó là gia đình hạnh phúc.

Cụm từ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta. Khi đất nước còn nô lệ, niềm khát khao hạnh phúc nhất của Nhân dân là giành được độc lập dân tộc. Khi đất nước có hòa bình tự do nhưng còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, hạnh phúc nhất khi ấy là có cơm no áo ấm, trẻ em được học hành. Tiêu chí hạnh phúc được Đảng ta đặt ra lúc này là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, khi mà đất nước đã đạt mức thu nhập trung bình.

Hồi tháng 3 năm 2020, nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, tổ chức World Happiness Report đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Việt Nam đứng ở vị trí 94/156, tuy tăng một hạng so với năm 2019 song còn khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia.

Cách đánh giá, xếp hạng tiêu chí hạnh phúc của tổ chức trên chỉ là tham khảo bởi quan niệm mỗi quốc gia, mỗi dân tộc về hạnh phúc có thể khác nhau. Việt Nam còn chặng đường dài nữa mới có thể trở thành một nước phát triển, một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên, khi mà ý Đảng - lòng dân hòa quện ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mục tiêu cao đẹp trên, sớm trở thành một quốc gia hạnh phúc dù chưa giàu./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 02 năm 2021

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Đầu tư

 

Không níu kéo sự bất cập

 

Mấy năm trước, nhiều dự án BOT trở thành điểm nóng tại các địa phương có tuyến đường đi qua và cũng luôn “nóng” trên mặt báo.

Nguyên nhân sâu xa bởi nhiều dự án nằm trên tuyến độc đạo thu tiền, người dân không có sự lựa chọn khác. Đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu được đầu tư công bỗng thu phí như tuyến BOT mới. Dư luận, người dân và có lẽ cả cơ quan quản lí đều nhận biết sự “khôn ngoan” của các chủ đầu tư BOT. Khi mà lợi ích người dân, doanh nghiệp không hài hòa và bất cập lộ rõ thì chắc chắn sẽ gây ra bất ổn.

Trước thực trạng đó Quốc hội đã phải “vào cuộc”. Các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tại báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém trong thực hiện các dự án BOT, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy kết quả, khắc phục bất cập trong triển khai thời gian tiếp theo. Trên cơ sở đó, cuối năm 2017 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết Số 437/NQ-UBTVQH14 “Về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao”. Một trong các giải pháp quan trong cần nghiêm túc thực hiện: Đối với các dự án BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Thế nhưng vừa qua Bộ Giao thông Vận tải lại có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị Ủy ban báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14. Cụ thể, Bộ này đề nghị bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã kí hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày Nghị quyết 437 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã kí. Tiếp theo là cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục nâng cấp, mở rộng “thực sự cần thiết” vào các dự án BOT đang thực hiện để tăng cường kết nối, bảo đảm nhu cầu vận tải, nâng cao an toàn giao thông và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án BOT... Hiểu nôm na là Bộ muốn sửa nghị quyết của Quốc hội, kéo dài việc duy trì những tuyến BOT vốn đã bất cập, nguyên nhân buộc phải ban hành Nghị quyết 437 nêu trên.

Thực trạng giao thông trên cả nước hiện còn không ít những dự án cần ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự phát triển kinh tế - xã hội. Là cơ quan tham mưu quan trọng của Chính phủ, thiết nghĩ Bộ Giao thông Vận tải cần có những sáng kiến, giải pháp mới, thiết thực, hiệu quả hơn. Nếu theo như đề xuất trên chẳng khác nào Bộ đang muốn kéo dài sự bất cập trong câu chuyện BOT./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 01 năm 2021