Đỉnh cao là hạnh phúc
Mấy ngày trước cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi về việc ông bố có con học lớp 1 họp phụ huynh về rất vui dù con chỉ xếp hạng đạt sau nửa học kì 1. Bài thơ vị phụ huynh chia sẻ trên mạng nói về việc thấy nhiều bạn học được nêu tên xuất sắc, giỏi, còn chờ mãi con mình mới được cô giáo xướng lên, ở mức đạt. Ông vui vì thấy con vẫn tươi cười khoe vẽ được những bức tranh đẹp, khoe chuyện thích bạn này, không thích bạn kia. Niềm vui của ông xuất phát từ niềm hạnh phúc của đứa con. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là câu khẩu hiệu của người lớn nhưng nếu đạt được như vậy, đó đích thực là hạnh phúc của con trẻ. Bệnh thành tích của nhà trường, thói sĩ diện, háo danh của phụ huynh đang tạo áp lực nặng nề lên đôi vai học trò và tước đi của các em niềm hạnh phúc tuổi thơ. Các em sẽ hạnh phúc khi tìm được sự hứng thú trong học tập và say mê theo sở trường, năng khiếu riêng. Nếu bị nhồi nhét, học mà như “đánh vật”, chẳng hứng thú thì có lẽ các em cũng không hạnh phúc dù đạt điểm cao. Ảnh minh họa Trải qua những năm khó khăn thiếu thốn, nay nhà nhà đều đã có “bát ăn bát để” thì mọi người đã nhận ra “chuẩn mới”, hạnh phúc không chỉ có cơm ăn, áo mặc. Năm trước vụ kiện vợ chồng doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên xôn xao dư luận kéo dài hàng tháng. Từ vụ việc này cho thấy, giàu sang chưa hẳn đã có hạnh phúc, ở mặt khác nó còn tiềm ẩn nguy cơ bất hạnh. Một gia đình bình dân nhưng vợ chồng hòa thuận, thương yêu, con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, hiếu thuận với cha mẹ, mọi người khỏe mạnh, tìm thấy niềm vui trong mỗi công việc riêng - đó là gia đình hạnh phúc. Cụm từ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta. Khi đất nước còn nô lệ, niềm khát khao hạnh phúc nhất của Nhân dân là giành được độc lập dân tộc. Khi đất nước có hòa bình tự do nhưng còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, hạnh phúc nhất khi ấy là có cơm no áo ấm, trẻ em được học hành. Tiêu chí hạnh phúc được Đảng ta đặt ra lúc này là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, khi mà đất nước đã đạt mức thu nhập trung bình. Hồi tháng 3 năm 2020, nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, tổ chức World Happiness Report đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Việt Nam đứng ở vị trí 94/156, tuy tăng một hạng so với năm 2019 song còn khoảng cách khá xa so với nhiều quốc gia. Cách đánh giá, xếp hạng tiêu chí hạnh phúc của tổ chức trên chỉ là tham khảo bởi quan niệm mỗi quốc gia, mỗi dân tộc về hạnh phúc có thể khác nhau. Việt Nam còn chặng đường dài nữa mới có thể trở thành một nước phát triển, một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên, khi mà ý Đảng - lòng dân hòa quện ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mục tiêu cao đẹp trên, sớm trở thành một quốc gia hạnh phúc dù chưa giàu./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 02 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét