Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Pháp luật

 

Lại chuyện quỹ, phí

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thành lập và quản lí Quỹ Phòng, chống thiên tai.

         Theo tinh thần dự thảo Nghị định này, sẽ hình thành hệ thống quản lí quỹ từ trung ương tới các tỉnh, thành phố. Nguồn quỹ được thu hằng năm từ người đủ 18 tuổi, người nghỉ hưu (15.000 đồng), người lao động (một ngày lương), doanh nghiệp (từ 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng) và từ nhà hảo tâm. Có thể hiểu, sẽ thu được một nguồn lực xã hội không nhỏ cho quỹ này.

 

Thuế, phí, quỹ... trùng lặp là gánh nặng với người dân, doanh nghiệp. Tranh minh họa

         Mọi người đều biết, do tác động của con người, môi trường ô nhiễm gây biến đổi khí hậu nên thiên tai ngày càng phức tạp, khốc liệt và gia tăng cường độ. Thảm họa mưa lũ, sạt lở núi năm qua tại miền Trung là minh chứng rõ nét. Thiên tai, bão lụt có mối liên hệ chặt chẽ với môi trường, với việc quản lí, vận hành nền sản xuất, khai thác tài nguyên... Chính vì vậy, những năm qua phí bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh tăng lên đáng kể. Từ khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt dân sinh đến phương tiện sử dụng xăng dầu… đều đã được tính và thu phí. Nguồn thu từ phí môi trường không nhỏ, thậm chí có lúc, có nơi kết dư quỹ không sử dụng hết.

         Thiên tai và môi trường không phải hai yếu tố tách rời, vậy sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông lại cần thêm quỹ phòng chống thiên tai? Nếu sử dụng quỹ để phòng ngừa thiên tai thì chắc chắn phải đề cập tới yếu tố môi trường, căn nguyên của biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai. Song việc này lại thuộc trách nhiệm đóng góp của quỹ bảo vệ môi trường. Còn sử dụng quỹ để khắc phục hậu quả thiên tai thì có lẽ bao năm qua các địa phương và cả nước vẫn vận hành bằng nguồn ngân sách, đồng thời thiên tai không thường xuyên xảy ra. Khi có thiên tai nghiêm trọng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường vận động quyên góp (mỗi năm một vài ngày lương) để hỗ trợ khắc phục. Mặt khác, hình thành quỹ sẽ cần một hệ thống quản lí, nhân lực... xã hội lại phải thêm chi phí nuôi dưỡng bộ máy. Đã có ý kiến cho rằng, việc chi quỹ này sẽ khó rõ ràng và hiệu quả, thậm chí tiềm ẩn lãng phí, tiêu cực khi nó sẽ giống như cơ chế xin cho.

         Cả năm 2020 người dân và doanh nghiệp đều chật vật, “lao đao” vì đại dịch Covid-19, tiềm lực không còn “sung mãn”. Trước bối cảnh đó Nhà nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng. Đề xuất thêm loại quỹ mới (có vẻ đã trùng lặp) vào lúc này xem ra không đúng thời điểm và chưa hợp lí vì nó sẽ làm suy yếu nguồn thu. Thêm nữa, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như vài năm qua, liệu có ai đó sẽ đề xuất “Quỹ phòng chống dịch bệnh”?

         Phòng, chống thiên tai không gì hơn là hãy làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường - vấn đề đang khiến cả hành tinh phải đối mặt./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 02 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét