Không níu kéo sự bất cập
Mấy năm trước, nhiều dự án BOT trở thành điểm nóng tại các địa phương có tuyến đường đi qua và cũng luôn “nóng” trên mặt báo. Nguyên nhân sâu xa bởi nhiều dự án nằm trên tuyến độc đạo thu tiền, người dân không có sự lựa chọn khác. Đặc biệt là các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu được đầu tư công bỗng thu phí như tuyến BOT mới. Dư luận, người dân và có lẽ cả cơ quan quản lí đều nhận biết sự “khôn ngoan” của các chủ đầu tư BOT. Khi mà lợi ích người dân, doanh nghiệp không hài hòa và bất cập lộ rõ thì chắc chắn sẽ gây ra bất ổn. Trước thực trạng đó Quốc hội đã phải “vào cuộc”. Các Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Tại báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém trong thực hiện các dự án BOT, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy kết quả, khắc phục bất cập trong triển khai thời gian tiếp theo. Trên cơ sở đó, cuối năm 2017 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết Số 437/NQ-UBTVQH14 “Về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao”. Một trong các giải pháp quan trong cần nghiêm túc thực hiện: Đối với các dự án BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Thế nhưng vừa qua Bộ Giao thông Vận tải lại có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị Ủy ban báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14. Cụ thể, Bộ này đề nghị bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã kí hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày Nghị quyết 437 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã kí. Tiếp theo là cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục nâng cấp, mở rộng “thực sự cần thiết” vào các dự án BOT đang thực hiện để tăng cường kết nối, bảo đảm nhu cầu vận tải, nâng cao an toàn giao thông và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án BOT... Hiểu nôm na là Bộ muốn sửa nghị quyết của Quốc hội, kéo dài việc duy trì những tuyến BOT vốn đã bất cập, nguyên nhân buộc phải ban hành Nghị quyết 437 nêu trên. Thực trạng giao thông trên cả nước hiện còn không ít những dự án cần ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự phát triển kinh tế - xã hội. Là cơ quan tham mưu quan trọng của Chính phủ, thiết nghĩ Bộ Giao thông Vận tải cần có những sáng kiến, giải pháp mới, thiết thực, hiệu quả hơn. Nếu theo như đề xuất trên chẳng khác nào Bộ đang muốn kéo dài sự bất cập trong câu chuyện BOT./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 01 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét