Chấn chỉnh hoạt động cá nhân quyên góp quỹ từ thiện
“Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, “lá lành đùm lá rách”, những câu thành ngữ từ xa xưa thể hiện đạo lí, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta. Đây cũng là cội nguồn làm nên sức mạnh của dân tộc trước phong ba, bão táp và địch họa. Từ nét đẹp truyền thống đó, mỗi khi đất nước bị thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng là các phong trào từ thiện lại nổi lên. Đặc biệt là nhiều người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, MC, nhà báo… bằng uy tín cá nhân và sự mến mộ của công chúng đã kêu gọi quyên góp được nguồn quỹ hàng tỉ đồng ủng hộ đồng bào gặp hoạn nạn. Từ một số người nổi tiếng quyên góp quỹ, nay hoạt động này “trăm hoa đua nở”, rất nhiều cá nhân lên Facebook, Zalo… chia sẻ hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp, kèm theo đó là số tài khoản của mình. Thủy Tiên, Hoài Linh quyên góp hàng tỉ đồng song hiệu quả vẫn là câu hỏi Từ lòng thương cảm của cộng đồng, mọi cá nhân đều có thể kêu gọi được ít hoặc nhiều để có một quỹ từ thiện. Nhưng cũng ít người trong số đó được đào tạo và có kĩ năng làm từ thiện một cách hiệu quả. Cả người góp lẫn người quyên góp đều xuất phát từ tấm lòng, chưa quan tâm dự liệu phương thức thực hiện cùng trách nhiệm lớn lao được ủy thác. Bên cạnh đó là những rủi ro cho cả người cho và người nhận giúp. MC Phan Anh, Trấn Thành, ca sĩ Thủy Tiên hay danh hài Hoài Linh gần đây đều ít nhiều “vướng” vào những thị phi của cộng đồng mạng, dù chưa rõ đúng sai. Ít quốc gia nào trên thế giới mà việc cá nhân huy động quỹ từ cộng đồng lại tự do, dễ dàng như Việt Nam. Hàng trăm tỉ đồng gom cho một cá nhân chi cứu trợ dễ như phát chẩn. Nguồn lực xã hội đang bị phân tán, kém hiệu quả, thậm chí lãng phí. “Phong trào” người người quyên góp từ thiện vô hình trung tạo tâm lí thiếu tin tưởng vào chính quyền và các tổ chức chuyên trách chính thống. Cần biết rằng mức độ người dân tin vào Nhà nước ta hiện đang đứng tốp đầu thế giới bởi thành tựu phát triển đất nước, đặc biệt là kết quả chống đại dịch Covid-19 hai năm qua. Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện ban hành từ hơn chục năm trước nay đã bộc lộ bất cập. Tại Điều 5 của Nghị định quy định cụ thể một số tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, ngoài ra không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên việc cá nhân quyên góp vẫn diễn ra, mặc nhiên được thừa nhận dù trái với Nghị định này. Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến cần sửa đổi Nghị định 64, song đến nay vẫn chưa có văn bản sửa đổi hay một nghị định mới thay thế. Thiết nghĩ nếu giữ nguyên Nghị định 64/2008/NĐ-CP thì cần thực hiện nghiêm túc, nguồn lực phải tập trung về đầu mối là Mặt trận Tổ quốc hoặc hội, hiệp hội được phép. Nếu chấp nhận cá nhân gây quỹ thì cần sớm sửa đổi Nghị định, trong đó có điều kiện cụ thể và việc sử dụng phải tuân thủ pháp luật về tài chính, được kiểm toán minh bạch./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 05 năm 2021
|