Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Tư duy chủ quan, coi thường cháy nổ

Giữ của hay người?

Nếu đặt câu hỏi như trên tin rằng có 100% sẽ trả lời: giữ người!

Điều đó như một chân lí đương nhiên bởi của không làm ra người.

Ấy thế nhưng trong cuộc sống nhiều khi người ta lại làm điều ngược lại, chỉ quan tâm an toàn tài sản mà quên đi sự an nguy của chính mình.

Những vụ cháy gây hậu quả thảm khốc liên tục xảy ra những năm qua, nhất là thời gian gần đây đã lộ rõ thực trạng này. Nguyên nhân của hậu quả các vụ cháy được “nâng cấp độ” bởi cách xây dựng các căn nhà ống mặt phố chỉ có lối thoát duy nhất là cửa chính. Vừa lo giữ an toàn tài sản, vừa tận dụng diện tích “tấc đất tấc vàng” nên hầu như mọi căn nhà của người dân đô thị đều xây hết đất, thậm chí đua ra khoảng không chung và thiết kế kiên cố “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ai cũng biết nếu xảy ra hỏa hoạn cần phải có lối thoát song rồi ai cũng nghĩ hỏa hoạn sẽ không xảy ra với nhà mình nên nỗi lo đó luôn chỉ thoảng qua. Và những căn nhà ống mới vẫn ngày ngày được xây dựng, dù có thể vừa hôm qua một vụ hỏa hoạn thảm khốc đã xảy ra.

Hiện trường xảy ra vụ cháy tại Quận 11, TP HCM khiến 8 người thiệt mạng

Thông thường với căn nhà diện tích hạn chế tại đô thị thì tầng 1 thường được thiết kế có phòng bếp, gian để xe máy, ô tô. Nhiều gia đình kết hợp tầng 1 làm nơi kinh doanh, buôn bán kiêm kho chứa hàng. Vì vậy tầng 1 nơi duy nhất có thể thoát hiểm lại chính là nơi có nguy cơ hỏa hoạn cao nhất.

Người dân đã vậy, còn cơ quan quản lí đã làm gì, hệ thống pháp luật quy định ra sao?

Năm 2010 Quốc hội đã ban hành Luật Phòng cháy và Chữa cháy, khoản 1 Điều 17 của luật nêu rõ “Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy”. Còn quy định về xây dựng công trình, từ năm 1995 đã có tiêu chuẩn phòng cháy chống cháy cho công trình; năm 2020 Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình… Tuy nhiên, nhà dân sinh xây dựng hiện nay cơ quan quản lí xây dựng mới chỉ quan tâm có giấy phép hay không, nếu vi phạm thì nhận tờ biên phạt và cho tồn tại. Hiếm thấy nhà ở gia đình dân tự xây dựng bị phạt về an toàn phòng chống cháy nổ. Pháp luật phòng chống cháy nổ với xây dựng nhà ở dân sinh riêng lẻ vẫn đang nằm trên giấy, cả người dân và nhà quản lí thờ ơ như không thuộc trách nhiệm của mình.

Ngày 4/4 xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) làm 4 người thiệt mạng;  

Ngày 7/5 xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà số 47/58/2, đường Lạc Long Quân, Quận 11, TP Hồ Chí Minh làm 8 người thiệt mạng…

Đã, đang và sẽ còn những vụ hỏa hoạn như trên nếu người dân không thay đổi tư duy coi nhẹ an toàn bản thân và gia đình, cơ quan quản lí không có giải pháp và hành động mạnh mẽ trong thực thi pháp luật./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12 tháng 05 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét