Trạng thái bình thường mới cần được nâng cao
Sau 3 lần khống chế thành công dịch Covid-19, hiện nay Việt Nam đang như một ốc đảo giữa “bão” dịch bệnh. Những “cơn bão” Covid-19 đang càn quét khắp thế giới và cận kề dọc dải đường biên trên bộ, trên biển. Campuchia, Thái Lan mỗi ngày hàng trăm người mắc Covid-19, hàng chục người chết. Nước bạn Lào có chiều dài biên giới hàng nghìn kilomet với nước ta cũng có hàng chục ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Đặc biệt, Ấn Độ đang trong thảm họa khi mỗi ngày gần 400.000 người nhiễm và hơn 3000 người chết vì Covid-19. Khi khắp xa gần “bão dịch” nước ta không thể tránh khỏi ảnh hưởng dù cà hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiêp đã và đang căng mình đối phó hơn một năm qua. Hoạt động kinh tế, văn hóa và du lịch… vừa trở lại trạng thái bình thường lại là lúc Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng bởi những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân. Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế) của Chính phủ luôn được nhắc nhở trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên virus Sars-Covi2 sau hơn một năm hoành hành đang ngày một “thông minh” hơn với những biến chủng mới. Đầu tiên là biến chủng B.1.1.7 tại Anh, tiếp theo là biến chủng Nam Phi, Brazil và gần nhất là biến chủng B.1.167 tại Ấn Độ. Càng về sau các thể biến chủng càng nguy hiểm hơn vì dễ lây lan và thậm chí né được hệ miễn dịch, vắc xin… Một số nhà khoa học đã dự đoán nhiều khả năng thế giới sẽ phải sống chung lâu dài với Covid-19. Do vậy, trạng thái bình thường mới đã đến lúc phải được nâng cao, trước hết từ thông điệp 5K. Khẩu trang, thông điệp đầu tiên đã và đang được người dân thực hiện tự giác. Tuy nhiên, khẩu trang chỉ có tác dụng khi được sử dụng đúng cách, nghiêm túc. Ví dụ đeo khẩu trang y tế mà lại dùng nhiều lần, đeo sai, sờ tay lên mặt ngoài v.v thì sẽ không phát huy tác dụng. Thậm chí có người đeo khẩu trang nhưng lại vén ra khi ho, hắt hơi, đeo vẫn để hở mũi thì cũng như không. Khử khuẩn chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng với ý thức cảnh giác thường trực. Chẳng hạn sau khi cầm, nắm, tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng nơi công cộng thì không được đưa tay lên mũi, miệng… và cần sát khuẩn sớm nhất khi có thể. Việc khai báo y tế là việc làm cần sự trung thực, tự giác thì mới có hiệu quả giúp cơ quan quản lí theo dõi, nhất là khi có tình huống dịch xảy ra… Cùng với nâng cao hiệu quả thông điệp 5K, có lẽ quy trình, thời gian cách li cũng cần được rà soát bảo đảm hiệu quả thực chất, đặc biệt là tự cách li. Trường hợp bệnh nhân tại Hà Nam, chuyên gia Trung Quốc… sau cách li tự do tiếp xúc nhiều người đã phát lộ lỗ hổng nguy hiểm trong việc tự cách li. Nếu không có giải pháp quản lí, giám sát chặt chẽ trong giai đoạn này thì chắc chắn sẽ còn xảy ra các trường hợp tương tự. Để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì trạng thái bình thường mới cần được nâng cao trên mọi lĩnh vực, cả trong chống dịch và hoạt động kinh tế, xã hội./. Đinh Hoàng Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 05 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét