Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Liên kết 4 nhà lỏng lẻo

 

Các “nhà” đang ở đâu?

Sau các thương hiệu cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết… bị các công ty nước ngoài chiếm mất quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lí thì gần đây đến lượt “hoa hậu ST25” đứng trước nguy cơ bị một số công ty tại Mỹ đăng kí sở hữu thương hiệu gạo ngon nhất thế giới.

Thực trạng này cho thấy tư duy và ý thức bảo vệ thương hiệu của ta như đang trong thời kì sản xuất nhỏ, chưa tiến kịp sự phát triển và văn minh thế giới trong sản xuất hàng hóa.

 

Kĩ sư Hồ Quang Cua cha đẻ của giống gạo ST25

Giả sử thương hiệu giống gạo ST25 vào tay doanh nghiệp Mỹ thì ai sẽ chịu thiệt?

Vị “cha đẻ” của giống gạo này chia sẻ với báo chí cho rằng, việc “con cái” của mình được người khác đăng kí quyền bảo hộ hợp pháp, có trách nhiệm thì chưa hẳn là điều xấu. “Việc gạo được đăng kí bảo hộ thương hiệu là tốt, tôi xin không bàn mấy chuyện đó”, kĩ sư Hồ Quang Cua đã nói như vậy. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông là một nhà khoa học chứ đâu phải chủ doanh nghiệp hay nhà buôn. Nếu doanh nghiệp của ông cung cấp giống cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì chỉ cần đăng kí bản quyền tại Việt Nam là đủ.

Chắc chắn doanh nghiệp nào sau này xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ mà không có quyền sở hữu thương hiệu gạo ST25 sẽ phải tốn chi phí cho doanh nghiệp bản địa đang sở hữu nó. Mục đích cuối cùng của họ cũng chỉ có vậy vì doanh nghiệp bên Mỹ sẽ chẳng sang Việt Nam mua giống lúa ST25 về Mỹ canh tác để bán. Như vậy, chịu thiệt thòi khi mất quyền sở hữu thương hiệu trước tiên thuộc về doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo vào thị trường nước ngoài.

Với cơ quan quản lí, hiện nay ta có hệ thống tham tán thương mại ở nhiều quốc gia. Nhiệm vụ của họ chắc chắn phải là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp và tham mưu về chính sách cho Chính phủ trong các hoạt động giao thương, bảo vệ sản xuất và doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị hàng hóa. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Với chức năng, trách nhiệm của mình, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã thông tin cho báo chí: “hiện có 5 hồ sơ đăng kí bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái “đang kiểm tra” và cảnh báo thương hiệu gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua có thể bị mất tại thị trường Mỹ nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu”. Có thể hiểu, kĩ sư Hồ Quang Cua cần tự bảo vệ thương hiệu gạo ST25 của mình tại Mỹ!

Chủ trương xây dựng mối liên hệ gắn kết 4 nhà: Nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lí đã có từ lâu và luôn được nhắc tới. Tuy nhiên cho đến nay trên thực tế chưa thấy chủ trương được cụ thể hóa thành thể chế bền vững. Các “nhà” vẫn ai làm việc của người đó, không có “nhạc trưởng” để bắt nhịp, gắn kết

Vụ gạo ST 25 hoặc các sản phẩm kết tinh trí tuệ khác trước nguy cơ mất bản quyền, chẳng lẽ nhà khoa học cứ phải “tự bơi”?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 05 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét