Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

 

 Cộng trí tuệ

          Tôi từng chứng kiến một câu chuyện học hành, trưởng thành của hai đưa trẻ, con hai anh bạn cùng cơ quan.

Anh H, thủ trưởng cơ quan, anh L là trợ lí, mỗi người có một đứa con trai và chúng cùng học với nhau từ lớp 7 đến lớp 9, lực học sàn sàn nhau mức trên tiên tiến nhưng chưa đạt giỏi. Đến năm chuyển cấp, hai đứa đã sang hai ngã rẽ. Với học lực như vậy nhưng hai đưa vẫn quyết thi vào một trường danh tiếng ở trung tâm Thủ đô. Tất nhiên chúng không thể đỗ vì đó là nơi thi thố của những học sinh xuất sắc. Tuy nhiên, bằng mối quan hệ, anh H vẫn lo cho con vào được ngôi trường đó, còn con anh L vào một trường khác cũng khá, ở quận Tây Hồ. Do học lực đuối, không theo kịp bạn bè, con anh H bị trượt ngay năm học đầu rồi chán nản định bỏ học. Cuối cùng anh đã phải cho con chuyển sang trường khác. Con anh L dù học ở trường ít danh tiếng nhưng cháu nỗ lực, trở thành học sinh giỏi. Đến nay, cháu học xong đại học và vào làm tại một ngân hàng lớn. Còn con anh H phải học dạng liên thông từ cao đẳng rồi mới có được tấm bằng đại học…

Thực tiễn đã chứng minh một điều, người ta có thể cho nhau nhiều thứ nhưng không thể cho nhau trí tuệ.



Những ngày qua câu chuyện cộng điểm ưu tiên nóng trên báo chí và mạng xã hội. Sự bất cập của chính sách cộng điểm ưu tiên khiến nhiều sinh viên giỏi, thi đạt 28-30 điểm mà không thể vào trường đại học theo nguyện vọng 1. Sự bất cập đó được sửa chữa bằng một quy chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đó từ năm 2023, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học không được cộng tối đa điểm ưu tiên; đạt 30 điểm sẽ không được cộng. Quy định này lại gây nhiều băn khoăn cho các em học sinh, khi chỉ vì đạt được điểm cao mà bị giảm điểm cộng ưu tiên… Tóm lại dù sửa bất cập cũ nhưng lại sinh những bất cập mới vì dù sao điểm số thi cử vẫn được cộng thêm.

Ta đều biết, thi cử, tuyển sinh là để những học sinh có lực học tương đương vào những môi trường đào tạo phù hợp, vừa phát huy được năng lực của học sinh, vừa tạo được sự thi đua, cạnh tranh tốt nhất. Cho em A lực học khá vài điểm để lên cùng lớp với em B vốn có học lực giỏi chưa hẳn đã là một việc làm nhân văn, tốt đẹp. Biết đâu em A vì đuối sức, thua kém những bạn cùng trang lứa sẽ sinh tiêu cực… lúc đó sự ưu ái của chính sách vô tình đã hại các em, tương tự câu chuyện hai đứa trẻ con hai anh bạn tôi kể trên?

Đã đến lúc cần xem xét lại chính sách cộng điểm ưu tiên trong thi cử nhiều năm qua. Vẫn rất cần ưu tiên các em học sinh vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện mọi mặt đang còn nhiều khó khăn, song cần một cách làm khác chứ không thể cộng thêm “điểm trí tuệ”.

Có chuyên gia đã đề xuất, mỗi trường nên dành một tỉ lệ nhất định số lượng tuyển sinh và một số lớp nhất định cho lượng học sinh ưu tiên để các em có năng lực tương đồng (qua điểm thi) cùng vào một môi trường phù hợp./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi 28/6/2022

 

Ai cũng đặc thù, số ít còn lại sẽ là "đặc thù vì không có đặc thù"

 

 Phổ cập đặc thù

Ác-si-mét (Archimedes) có câu nói nổi tiếng: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả Trái Đất lên”.

Hồi còn ở đơn vị quân đội tôi cũng rất ấn tượng với câu cửa miệng của một vị tiểu đoàn trưởng: “Tôi chẳng cần ai hỗ trợ. Tôi chỉ cần một cơ chế”! Từ cơ chế được nhắc ở đây là một quy định riêng, đặc thù để cán bộ “rộng tay” xử lí các vấn đề. Thế rồi chẳng cần trên cho phép, vị cán bộ này tự đặt ra một cơ chế cho phép các đại đội tăng gia sản xuất bằng hình thức “nghỉ tranh thủ”. Theo đó, cán bộ cho chiến sĩ nghỉ ít ngày về quê “tăng gia” rồi lên nộp “sản lượng” bằng tiền cho đơn vị để đưa vào quỹ tăng gia. Vụ việc vỡ lở, vị cán bộ đó bị xử lí kỉ luật.

Cơ chế đặc thù phục vụ phát triển kinh tế xã hội những năm qua được nhiều địa phương quan tâm và như tạo ra “xu hướng”. Tại kì họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 địa phương (Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế). Còn tại kì họp thứ ba vừa diễn ra, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trước đó nhiều địa phương như Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… đã có cơ chế đặc thù. Hà Nội còn có riêng một Bộ Luật mang tên Thủ đô.

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa

Việc nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi trong thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển, tạo sự lan tỏa vùng, miền là chủ trương đúng đắn, khắc phục tình trạng “cào bằng” cơ chế, chính sách để có thể phát huy cao nhất thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực. Tuy nhiên mức độ đặc thù như thế nào, đến mức nào thì cần có cơ chế riêng lại khá định tính, nó phụ thuộc vào tài thuyết trình của những bản báo cáo.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, mỗi vùng trên cả nước đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng nhắc nhở: “Khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng”.

Khi ban hành chính sách, cơ chế đặc thù riêng thường đồng nghĩa quy định đó không có trong quy định hoặc không được pháp luật cho phép thực hiện. Quá nhiều cơ chế đặc thù sẽ dần vô hiệu hóa pháp luật ở một số bộ phận, địa phương, lĩnh vực... tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh phát triển.

Khi quá nhiều địa phương “đặc thù” thì số ít địa phương khác sẽ trở nên “đặc thù” vì không được hưởng chính sách đặc thù!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi 6/2022

 

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

Cái tên đáng giá

 

 Tuổi vàng và tên vàng

Ta đã biết, tuổi vàng là cách gọi phổ thông, là đơn vị đo độ tinh khiết của vàng. Với quy ước vàng 10 tuổi là vàng tinh khiết 99,99%. Giá trị vàng phụ thuộc vào tuổi và do đó giá trị giao dịch trên thị trường cũng phụ thuộc vào tuổi của nó.


Đó là quy luật chung trên thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trên thị trường vàng Việt Nam lại có sự khác biệt, giá trị của vàng còn phụ thuộc vào tên của nó. Cái tên SJC là “ngôi sao” đang thống lĩnh về giá cả trên thị trường. Cùng là vàng 4 số chín nhưng vàng SJC luôn có giá bán cao hơn các loại vàng “vô danh tiểu tốt” khác hàng chục triệu đồng/lượng. Ví dụ vào thời điểm giá vàng tăng cao, cùng là vàng 99,99 mang thương hiệu SJC có giá 69,3 triệu đồng/lượng, trong khi đó mua 1 lượng vàng nhẫn chỉ phải trả 56,75 triệu đồng/lượng. Ngày 13/6 tại thị trường TP Hồ Chí Minh giá vàng SJC là 69 triệu đồng/lượng, trong khi vàng PNJ chỉ là 54 triệu đồng/lượng (bán ra). Vậy điều gì làm nên tên tuổi “ông” vàng SJC?

Vào giai đoạn năm 2011-2012 kinh tế vĩ mô Việt Nam chao đảo, lạm phát tăng cao vì nhiều lí do như chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả... Trong bối cảnh ấy, người dân đổ xô đi mua vàng để giữ tài sản, tình trạng các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, thị trường vàng có nhiều bất ổn, nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài để nhập khẩu vàng. Khi đó vàng thế giới trên dưới 1.600USD/ounce và giá vàng trong nước lúc đó khoảng 30-35 triệu đồng/lượng. Bởi vậy Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP nhằm mục tiêu là Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước. Có thể thấy, Nghị định 24 đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong bối cảnh đó.

Những năm gần đây kinh tế vĩ mô Việt Nam đã được duy trì ổn định bền vững, đà tăng trưởng đạt khá, lạm phát được kiềm chế luôn dưới 4%, các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành phù hợp… đã tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước, được nhiều tổ chức tài chính, kinh tế thế giới đánh giá cao. Những lí do khi ban hành Nghị định 24 nay đã không còn, tuy nhiên việc duy trì Nghị định đã tao ra sự méo mó trên thị trường vàng, đó là chênh lệch giữa “ông vàng độc quyền” với các loại vàng khác. Hiện nay giá vàng thế giới khoảng trên 1.800 ounce/USD (chỉ cao hơn 200USD/ounce so với 10 năm trước nhưng giá vàng trong nước đã tăng gấp đôi khi đó (gần 70 triệu đồng/lượng).

Nhiều chuyên gia cho rằng, theo quy định hiện hành như Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh Quản lý ngoại hối… thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lí nhà nước, không phải là doanh nghiệp nên việc giao sản xuất vàng miếng tại Nghị định 24 là không còn phù hợp vì vàng miếng cũng là hàng hóa. Trước những bất cập, bất ổn thị trường vàng, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP hoặc ban hành một nghị định mới thay thế, để cho giá trị của vàng được đo bằng tuổi chứ không vì một cái tên./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngafy15/6/2022

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Thước đo phẩm giá những người thầy

 

Sách “chức năng”, thực phẩm “tham khảo”

          Nói như tít bài này sẽ có người cho rằng tác giả đã nhầm lẫn, lẽ ra phải nói “sách tham khảo” và “thực phẩm chức năng” mới chuẩn.

Tuy nhiên khi báo chí xôn xao vụ bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kê đơn thuốc với tiền thuốc chỉ 400 nghìn nhưng tiền thực phẩm chức năng “kèm theo” lại hết 4,8 triệu đồng, tôi chợt nghĩ giữa sách tham khảo cho học sinh và thực phẩm chức năng cho người bệnh có sự tương đồng.

Thị trường sách tham khảo nhiều năm qua nở rộ với vô vàn chủng loại, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, lớp nào cũng có những cuốn sách tham khảo cho nhiều môn học, trọng tâm là Toán và Tiếng Việt. Dù chỉ là sách tham khảo nhưng nó lại có giá không rẻ và luôn đắt hơn cuốn sách chính thức. Tuy là sách tham khảo nhưng chỉ cần được giáo viên “gợi ý” hoặc nhà trường cung ứng giúp đại lí thì đa số phụ huynh không thể tiếc tiền vì tương lai con em. Nhiều phụ huynh từng phàn nàn rằng sách tham khảo mua về cả đống nhưng con em hầu như không đụng đến bởi bài vở thầy cô cho về hằng ngày làm đã đủ, chẳng còn thời gian để… “tham khảo”. Tại kì họp lần thứ 3 đang diễn ra có đại biểu Quốc hội đã cho rằng, sách tham khảo chỉ nên dùng cho giáo viên.

Cũng như vậy, thực phẩm chức năng tuy không có chức năng chữa bệnh nhưng khi được bác sĩ “chỉ định”, kê toa chẳng lẽ người ta lại tiếc tiền vì sức khỏe thân nhân của mình?

Một đơn thuốc kèm TPCN của Bệnh viện Da liễu TW

Từ lâu dư luận đã xầm xì rằng các nhà thuốc quanh khu vực bệnh viện đều nắm vững bác sĩ phụ trách các khoa, nếu người bệnh mang đơn thuốc ra mua thì nhà thuốc luôn “biết ơn” người có chữ kí trong đơn với một khoản “hoa hồng”. Không biết thực hư thế nào nhưng tôi từng nhận được một hóa đơn mua thuốc hơn hai triệu đồng khi đưa người thân khám trái tuyến tại một bệnh viện lớn ở quận Ba Đình (Hà Nội). Theo thói quen khi mua thuốc về tôi thường tra trên mạng xem dược chất, tác dụng, hướng dẫn sử dụng… từng loại thuốc, khi đó mới biết là trong đơn 8 loại mua về thì có 2 loại là thuốc bổ và thực phẩm chức năng nhưng giá 2 loại này chiếm hơn ba phần tư số tiền trong hóa đơn. Kể từ đó mỗi khi đưa người thân đi khám bệnh nếu được kê đơn tôi thường tra cứu trước khi mua thuốc để lược bớt những loại “không phải là thuốc” trong khi điều kiện kinh tế chưa cho phép.

Giáo viên gợi ý mua sách tham khảo hay bác sĩ quan tâm đưa thêm thực phẩm chức năng, thuốc bổ vào đơn thuốc… lẽ thường cũng là muốn tốt cho học sinh, tốt cho người bệnh. Tuy nhiên nếu đúng là giáo viên được hưởng % tiền phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo; bác sĩ được hưởng hoa hồng từ những đơn thuốc thì nó lại là chuyện hoàn toàn khác, đó là vấn đề nhân cách của những người được xã hội tôn trọng gọi là thầy.

Với phụ huynh học sinh có lẽ cũng nên coi sách tham khảo là một loại “sách chức năng” mà chức năng chính có khi chỉ là làm cho đầy đủ giá sách.

Còn với người bệnh cũng cần trở thành những “bệnh nhân thông thái” nhận diện đơn thuốc để biết đâu là “thuốc tham khảo” khi mà điều kiện kinh tế chưa thật khá giả./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 9/6/2022

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Chính sách chết yểu

 

Vì sao… “lộc thất”?

Tàu của ngư dân đóng theo Nghị định 67 được một số ngư dân nói vui rằng đó là những con tàu “lộc thất” (nói lái từ Hán “lục thất”)!

Ngày 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản (KTTS). Chủ trương nhân văn của Chính phủ đã được các ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp nhanh chóng hưởng ứng triển khai thực hiện.

Theo quy định tại Nghị định 67, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm. Đóng mới tàu dịch vụ hậu cần KTTS xa bờ bằng vỏ thép có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước (NSNN) cấp bù 6%/năm. Nếu đóng tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm.

Ngoài ra, NSNN hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu KTTS xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần KTTS xa bờ là thành viên tổ, đội, HTX KTTS hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, mỗi ngư dân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chi phí đào tạo vận hành tàu vỏ thép, kĩ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm v.v.

Có thể thấy, đây là một chính sách ưu đãi tuyệt vời dành cho ngư dân, nguồn động lực vật chất và tinh thần cho họ nỗ lực ra khơi bám biển làm giàu và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, ngay từ đầu đã có những ý kiến khác nhau về chất lượng, giá cả, sự phù hợp… khi triển khai đóng những con tàu cho ngư dân. Mỗi con tàu có giá trị hàng tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng đối với mỗi ngư dân quả là khoản tiền rất lớn. Ngư dân như được một khoản “lộc” trời ban và họ như trở thành những nhà đầu tư lớn. Có vẻ cả nhà quản lí, doanh nghiệp đóng tàu và ngư dân như đã tính được “cua trong lỗ”, rất hào hển và từ đó đơn giản hóa nhiều vấn đề. Vậy là tiền được giải ngân nhanh chóng, doanh nghiệp đóng tàu là người trước tiên “hưởng lộc”. Những con tàu đóng mới bằng vỏ thép Trung Quốc bị thay thế bằng vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản (với giải thích có giá trị tương đương!?), những cỗ máy trôi nổi, không thương hiệu bị dư luận phản ánh bức xúc rồi cũng chìm vào im lặng.


Tàu vỏ thép đóng mới trị giá từ 14 tỷ đến 20 tỷ đồng/chiếc đang chờ... mục nát. Ảnh: VOV

Chỉ sau chưa đầy 3 năm, vào năm 2017 một số ngư dân Bình đã phải tính tới khả năng khởi kiện nhà sản xuất ra tòa do gánh chịu tổn thất quá lớn từ tình trạng hư hỏng, kém chất lượng của những con tàu 67 vừa đóng. Và nay, sau 8 năm triển khai có thể thấy rõ việc thực hiện một Nghị định tốt đẹp, nhân văn đã rất… không thành công! Tàu hầu hết đang rỉ mục nằm bờ, ngư dân trở thành những con nợ lớn và nhiều ngân hàng phát sinh những khoản nợ xấu.

Việc tháo gỡ khó khăn cho những “con nợ 67” là rất cần kíp song một việc cũng cần kíp, rất quan trọng khác là phải chỉ rõ danh tính, địa chỉ của những người có trách nhiệm trong hệ thống công quyền khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ./.

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 1/6/2022

Đinh Hoàng