Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Chính sách chết yểu

 

Vì sao… “lộc thất”?

Tàu của ngư dân đóng theo Nghị định 67 được một số ngư dân nói vui rằng đó là những con tàu “lộc thất” (nói lái từ Hán “lục thất”)!

Ngày 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản (KTTS). Chủ trương nhân văn của Chính phủ đã được các ngân hàng thương mại và một số doanh nghiệp nhanh chóng hưởng ứng triển khai thực hiện.

Theo quy định tại Nghị định 67, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm. Đóng mới tàu dịch vụ hậu cần KTTS xa bờ bằng vỏ thép có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước (NSNN) cấp bù 6%/năm. Nếu đóng tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm.

Ngoài ra, NSNN hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu KTTS xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần KTTS xa bờ là thành viên tổ, đội, HTX KTTS hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, mỗi ngư dân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chi phí đào tạo vận hành tàu vỏ thép, kĩ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm v.v.

Có thể thấy, đây là một chính sách ưu đãi tuyệt vời dành cho ngư dân, nguồn động lực vật chất và tinh thần cho họ nỗ lực ra khơi bám biển làm giàu và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, ngay từ đầu đã có những ý kiến khác nhau về chất lượng, giá cả, sự phù hợp… khi triển khai đóng những con tàu cho ngư dân. Mỗi con tàu có giá trị hàng tỉ, thậm chí vài chục tỉ đồng đối với mỗi ngư dân quả là khoản tiền rất lớn. Ngư dân như được một khoản “lộc” trời ban và họ như trở thành những nhà đầu tư lớn. Có vẻ cả nhà quản lí, doanh nghiệp đóng tàu và ngư dân như đã tính được “cua trong lỗ”, rất hào hển và từ đó đơn giản hóa nhiều vấn đề. Vậy là tiền được giải ngân nhanh chóng, doanh nghiệp đóng tàu là người trước tiên “hưởng lộc”. Những con tàu đóng mới bằng vỏ thép Trung Quốc bị thay thế bằng vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản (với giải thích có giá trị tương đương!?), những cỗ máy trôi nổi, không thương hiệu bị dư luận phản ánh bức xúc rồi cũng chìm vào im lặng.


Tàu vỏ thép đóng mới trị giá từ 14 tỷ đến 20 tỷ đồng/chiếc đang chờ... mục nát. Ảnh: VOV

Chỉ sau chưa đầy 3 năm, vào năm 2017 một số ngư dân Bình đã phải tính tới khả năng khởi kiện nhà sản xuất ra tòa do gánh chịu tổn thất quá lớn từ tình trạng hư hỏng, kém chất lượng của những con tàu 67 vừa đóng. Và nay, sau 8 năm triển khai có thể thấy rõ việc thực hiện một Nghị định tốt đẹp, nhân văn đã rất… không thành công! Tàu hầu hết đang rỉ mục nằm bờ, ngư dân trở thành những con nợ lớn và nhiều ngân hàng phát sinh những khoản nợ xấu.

Việc tháo gỡ khó khăn cho những “con nợ 67” là rất cần kíp song một việc cũng cần kíp, rất quan trọng khác là phải chỉ rõ danh tính, địa chỉ của những người có trách nhiệm trong hệ thống công quyền khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ./.

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 1/6/2022

Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét