Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Ai cũng đặc thù, số ít còn lại sẽ là "đặc thù vì không có đặc thù"

 

 Phổ cập đặc thù

Ác-si-mét (Archimedes) có câu nói nổi tiếng: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả Trái Đất lên”.

Hồi còn ở đơn vị quân đội tôi cũng rất ấn tượng với câu cửa miệng của một vị tiểu đoàn trưởng: “Tôi chẳng cần ai hỗ trợ. Tôi chỉ cần một cơ chế”! Từ cơ chế được nhắc ở đây là một quy định riêng, đặc thù để cán bộ “rộng tay” xử lí các vấn đề. Thế rồi chẳng cần trên cho phép, vị cán bộ này tự đặt ra một cơ chế cho phép các đại đội tăng gia sản xuất bằng hình thức “nghỉ tranh thủ”. Theo đó, cán bộ cho chiến sĩ nghỉ ít ngày về quê “tăng gia” rồi lên nộp “sản lượng” bằng tiền cho đơn vị để đưa vào quỹ tăng gia. Vụ việc vỡ lở, vị cán bộ đó bị xử lí kỉ luật.

Cơ chế đặc thù phục vụ phát triển kinh tế xã hội những năm qua được nhiều địa phương quan tâm và như tạo ra “xu hướng”. Tại kì họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 địa phương (Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế). Còn tại kì họp thứ ba vừa diễn ra, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trước đó nhiều địa phương như Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh… đã có cơ chế đặc thù. Hà Nội còn có riêng một Bộ Luật mang tên Thủ đô.

Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa

Việc nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương nhằm góp phần tạo thuận lợi trong thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách; thúc đẩy phát triển, tạo sự lan tỏa vùng, miền là chủ trương đúng đắn, khắc phục tình trạng “cào bằng” cơ chế, chính sách để có thể phát huy cao nhất thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực. Tuy nhiên mức độ đặc thù như thế nào, đến mức nào thì cần có cơ chế riêng lại khá định tính, nó phụ thuộc vào tài thuyết trình của những bản báo cáo.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII tháng 4 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, mỗi vùng trên cả nước đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng nhắc nhở: “Khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng”.

Khi ban hành chính sách, cơ chế đặc thù riêng thường đồng nghĩa quy định đó không có trong quy định hoặc không được pháp luật cho phép thực hiện. Quá nhiều cơ chế đặc thù sẽ dần vô hiệu hóa pháp luật ở một số bộ phận, địa phương, lĩnh vực... tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh phát triển.

Khi quá nhiều địa phương “đặc thù” thì số ít địa phương khác sẽ trở nên “đặc thù” vì không được hưởng chính sách đặc thù!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi 6/2022

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét