Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Hà Nội vẫn chưa dám nhìn vào sự thật nguyên nhân vỉa hè hư hỏng

 

“Tỉ lệ hư hỏng”

 Lâu nay dư luận từng nghe chuyện nhiều công trình xây dựng trong đầu tư công phải mất chừng 30% chi phí “không chính thức”, tức là cứ 1000 đồng chi cho công trình thì chỉ có khoảng 700 đồng vào công trình. Có người còn cho rằng có công trình tỉ lệ này còn cao hơn 40% và đó cũng là “tỉ lệ hư hỏng”.
Nếu thực sự như vậy thì mỗi công trình đầu tư xây dựng sẽ xảy ra hai khả năng: Một, nếu muốn công trình bảo đảm được chất lượng theo đúng kế hoạch và yêu cầu thiết kế thì cần nâng dự toán chi phí cao lên thêm để bù vào con số chi phí ngoài công trình; nếu giữ nguyên mức chi phí đầu tư theo thiết kế thì khi thi công phải cắt xén bớt vật tư, vật liệu, nhân công, quy trình… để “tiết kiệm” cho phần chi phí “phi chính thức”, khi đó chắc chắn công trình không thể bảo đảm chất lượng.
Mấy năm trước công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỉ vừa thi công xong đã bong tróc “ổ trâu ổ bò” khiến dư luận bức xúc. Công trình này khi còn đang thi công đã bị người dân phát hiện và tố cáo về quy trình, cách thi công cẩu thả, sử dụng vật liệu không đúng (lấy cả đất bùn để san lấp nền). Không hiểu sao công trình này vẫn được thi công, hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng. Đến nay thì mọi người đã biết, một số người có trách nhiệm đã phải đứng trước vành móng ngựa để “giải trình” về chất lượng công trình. Tuy nhiên không nhiều công trình đầu tư công chất lượng kém được chỉ rõ, đưa ra ánh sáng những người chịu trách nhiệm. Chỉ đơn cử như vỉa hè Hà Nội bao năm qua diễn ra điệp khúc đào lên lát lại rồi lại đào lên thay mới. Giá trị sử dụng mỗi lần “cải tạo vỉa hè” chỉ tính bằng tháng và dài lắm thì vài ba năm. Mỗi lần chỉnh trang vỉa hè đều có những lí do thuyết phục để triển khai. Lần gần đây nhất là lí do cần sử dụng đá tự nhiên có tuổi thọ 70 năm để công trình bảo đảm chất lượng lâu dài. Những viên đá tự nhiên “tuổi thọ cao” nhiều nơi gần đây bỗng dưng lại bị nứt vỡ. Thực trạng này đã được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra hai nguyên nhân: Do quá trình nổ mìn khai thác đá bị om và lát xong lại bị nước mưa!


Nhiều tuyến đường tại Hà Nội xảy ra tình trạng đá vỉa hè nứt vỡ.

Như vậy là chưa khi nào Hà Nội nhìn thấy nguyên nhân chất lượng vỉa hè thuộc về con người. Nếu cứ theo cách né tránh, bao biện, không truy đến cùng, truy đúng “thủ phạm” khiến chất lượng lát vỉa hè kém thì tin rằng, điệp khúc “đào lên lát lại” sẽ tái diễn nay mai. Liệu những đồng tiền đầu tư cho vỉa hè có đủ 100% vào vỉa hè hay nó cũng có “tỉ lệ hư hỏng 30%”?
Đá tự nhiên chắc chắn có độ cứng hơn viên gạch dân ta nung bằng lò thủ công. Những người có trách nhiệm ngành xây dựng Hà Nội nên về một số làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xem những con đường làng được lát gạch hàng trăm năm nay vẫn chưa hỏng, khi đó có thể sẽ nhận ra, vỉa hè hư hỏng đâu phải tại trời!?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  16/12/2022

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Bất cập phải chờ 8 năm để sửa?

 

Bất cập việc chờ… sửa bất cập!

 
Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được ban hành năm 2007 (Luật số 04/2007/QH12), sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13. Quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, nhất là đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Hiện tại, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, được cho là chưa phù hợp với thực tiễn khi ấn định một con số tuyệt đối và áp chung cho các vùng miền.
Nhận rõ những bất cập, từ năm 2018, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật Thuế TNCN trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế. Sau 4 năm, những bất cập của Luật Thuế TNCN như kể trên vẫn còn nguyên hiện trạng và bây giờ, Bộ Tài chính lại đang đề xuất sửa đổi!


Nhiều quy định liên quan đến thuế TNCN được cho còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa

4 năm qua đã trải qua bao nhiêu đợt bão giá hàng hóa, người dân đang phải gồng mình, thắt lưng buộc bụng. Tỉ lệ CPI tăng hằng năm cũng chính là con số “bào mòn” mức sống của người phụ thuộc khi con số 4,4 triệu đồng/tháng đứng im không nhúc nhích! Theo con số thống kê CPI hằng năm: Năm 2018: 3.54%; năm 2019: 2,79%; năm 2020: 5,15%; năm 2021: 2,78%, đồng nghĩa mức giảm trừ đã giảm 14,26%. Tuy nhiên CPI cũng chưa phản ánh thực chất chi phí sinh hoạt với những mặt hàng thiết yếu, nó luôn cao hơn mức CPI. Danh mục CPI hiện nay bao gồm 752 mặt hàng, nhưng đối với người lao động họ chỉ sử dụng vài chục mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, quần áo, xăng dầu, điện, nước... những thứ đang tăng lên hàng ngày.
Hi vọng, mong chờ của người dân như bị dội “gáo nước lạnh” khi biết phải “gồng” thêm 3 năm nữa (tức đến năm 2025) luật này mới được sửa đổi và có thể năm 2026 Luật thuế TNCN mới được áp dụng vào thực tiễn. Vậy là lại thêm 4 năm để một sự bất cập sẽ được khắc phục trong khi chưa ai biết chỉ số CPI trong 4 năm tới sẽ tăng thêm bao nhiêu %?
Trong Luật thuế TNCN, người dân mong chờ sửa nhất đó là mức giảm trừ gia cảnh. Luật thuế TNCN quy định khi chỉ số CPI theo công bố của Tổng cục Thống kê tăng 20% thì mới đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Do vậy nếu CPI năm 2022 tăng 4% cộng với con số CPI tăng 14,26% của 4 năm trước vẫn chưa đủ 20%, tức là chưa đến ngưỡng phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, mức thu nhập chịu thuế!
Bất cập nữa là ấn định con số tuyệt đối chung cho các vùng khi giá cả, chi phí sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị chênh lệch, không giống nhau.
Ben cạnh đó, mấy năm qua các doanh nghiệp đã được giảm thuế, gia hạn nộp thuế... nhưng cá nhân lại không được bất kì sự hỗ trợ nào. Nhiều ý kiến cho rằng đó là sự không công bằng giữa các đối tượng nộp thuế…
Trước nhiều bất cập hiện hữu, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần gấp rút đẩy nhanh việc sửa đổi Luật thuế TNCN cho phù hợp với thực tế hiện nay, thay vì phải chờ đến tận năm 2025!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  07/12/2022

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Thực phẩm thuốc tiên

 

Chức năng của thực phẩm chức năng

 
 Hiện mọi người biết trên thị trường có một loại hàng hóa mang tên thực phẩm chức năng (TPCN). Giá của loại hàng hóa này luôn vượt trội các loại thực phẩm khác và không bao giờ có thể coi ngang hàng với thực phẩm - nó luôn ở thứ hạng cao cấp!
Vậy các loại thực phẩm thông thường khác có chức năng gì không? Ai cũng dễ dàng có câu trả lời: Bất kể loại thực phẩm nào, cao cấp hay thông dụng đều có chức năng, đó là cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể! Nuôi dưỡng sự sống, bồi bổ sức khỏe là chức năng chung của tất cả các loại thực phẩm. Ngoài ra, một số loại thực phẩm còn có chức năng riêng biệt dễ nhận biết sự tác động lên sức khỏe, ví dụ như khoai lang (cả củ và lá) có tác dụng nhuận tràng, dễ tiêu hóa; rau cải canh lợi tiểu; mướp đắng giúp hạ huyết áp v.v.


Thực phẩm chức năng luôn được quảng cáo tác dụng như thuốc tiên
“Thực phẩm chức năng” chế thức đang đóng vai trò như một loại thuốc vì thường được bác sĩ kê kèm theo các đơn thuốc điều trị cho người bệnh (nhất là với bệnh nhân điều trị ngoại trú). Hầu hết các loại TPCN được các nhà sản xuất quảng cáo liên tục trên nhiều kênh truyền thông, báo chí. Tác dụng của TPCN theo quảng cáo thì đều rất tuyệt vời như thể nó chính là thuốc, thậm chí còn hơn thuốc khi nó được cho có khả năng giúp chữa khỏi một số căn bệnh nan y! Chính vì những tác dụng tuyệt vời (dù không được kiểm chứng) nên TPCN thường có lí do để “sở hữu” giá cao hơn hầu hết các thuốc trị bệnh thông thường. Có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc nên trong lưu hành, TPCN không bị các điều kiện ràng buộc của thuốc chữa bệnh cùng sự quản lí chặt chẽ của cơ quan quản lí chuyên ngành. Thực tế là chẳng có mấy loại thực phẩm thông thường được đưa vào các nhà thuốc bệnh viện ngoài TPCN. Các bác sĩ khi kê đơn cũng “yên tâm” vì đó chỉ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, ít khi có chống chỉ định hay tác dụng phụ nguy hiểm. Với người bệnh khi sử dụng đơn thuốc có TPCN nếu khỏi bệnh có thể cho đó là do tác dụng của TPCN, còn khi không khỏi sẽ đổ lỗi cho thuốc. TPCN không phải là thuốc nhưng được nhiều bác sĩ chuộng kê đơn phải chăng vì “tiện lợi”, nó luôn có sẵn trên kệ hàng nhà thuốc bệnh viện!?
Nếu ai từng đi khám bệnh rồi được bác sĩ kê đơn mua thuốc điều trị ngoại trú, khi về xem lại giá tiền chi cho đơn thuốc sẽ thấy ngay, chi phí vượt trội chính là một vài loại TPCN chứ không phải là thuốc trị bệnh! TPCN có giá cao ngất ngưởng bởi nó phải gánh chi phí quảng cáo và nhà sản xuất mạnh tay chiết khấu cho người bán hàng (và có thể cả người kê đơn). Do vậy, chức năng “móc hầu bao” người bệnh mới chính là chức năng của TPCN./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  02/12/2022

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Họa từ miệng vào

 

Rủi ro từ những bữa ăn  

 “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” câu thành ngữ của người xưa chưa bao giờ cũ.

Hiểu nôm na người xưa dạy, miếng ăn nên cẩn thận vì nó dễ mang bệnh cho cơ thể; còn lời nói nên cẩn trọng bởi nó có thể mang họa vào thân. Ngày nay câu thành ngữ trên nên bổ sung: “Họa cũng có thể từ miệng vào”. Việc hơn 600 em học sinh Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) sau bữa ăn phải đi cấp cứu trong đó một em không qua khỏi, đó là thực sự là cái họa lớn “từ miệng vào”!


600 học sinh Trường iSchool Nha Trang gặp họa từ bữa ăn

Tôi về quê cũng thường đi chợ hằng ngày và nhận ra rằng mình là một trong số ít người quê phải mua rau chợ. Ở nông thôn nhà nào cũng tự trồng vài luống rau, mùa nào thức nấy, ít khi mua rau chợ vì lo bị phun thuốc trừ sâu. Nếu bất đắc dĩ phải mua dùng thì cũng chọn rau có vết sâu ăn, xấu mã. Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân việc canh tác của một số người vẫn chưa có ý thức vì sức khỏe cộng đồng, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, bất chấp an toàn thực phẩm.

Câu chuyện ngộ độc thực phẩm dẫn đến thảm họa như kể trên là hệ quả ý thức kém của người sản xuất, kinh doanh trước sức khỏe, sinh mạng khách hàng.

Rủi ro những bữa ăn nguyên nhân từ người kinh doanh đã rõ. Tuy nhiên khâu quyết định vẫn là công tác quản lí, nếu cẩn trọng, chặt chẽ sẽ hạn chế tối đa không xảy ra rủi ro.

Sự phát triển dịch vụ cung cấp suất ăn hiện nay cho người ta nhiều sự lựa chọn: Tự tổ chức bữa ăn hoặc kí hợp đồng cơ sở dịch vụ cung ứng suất ăn. Tự tổ chức bữa ăn là cách làm tốt nhất khi người quản lí đơn vị kiểm soát được các khâu từ mua sắm thực phẩm đến chế biến và tổ chức bữa ăn. Lúc đó nguồn lương thực thực phẩm mua về được chọn lọc, nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn chế biến. Thế nhưng việc kí dịch vụ cung ứng suất ăn người ta lại thường đặt niềm tin và phó thác vào nhà cung cấp, không tham gia giám sát quá trình chế biến và kiểm soát chất lượng. Người kinh doanh luôn có xu hướng tiết giảm chi phí nên thường mua nguồn hàng giá thấp để tối ưu hóa lợi nhuận. Việc tự quản lí quá trình chế biến thường không khắt khe như đơn vị tự tổ chức bếp ăn nên dễ xảy ra “lỗ hổng” vệ sinh an toàn.

Từ bà nội trợ nơi đô thị cho đến người nông dân sản xuất rau màu tại vùng quê có thể bảo đảm được sự an toàn cho bữa ăn của gia đình trước những độc hại từ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, gia đình ngày nay không thể khép kín bởi con em, người thân của chúng ta vẫn ngày ngày sử dụng dịch vụ trong từng bữa ăn bán trú, bữa cơm bình dân đường phố hay cả những bữa tiệc sang trọng tại nhà hàng, khách sạn…

Họa có thể đến bất kì lúc nào với mọi người nếu vẫn có những người thiếu trách nhiệm trước bữa ăn của người khác!/.

Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/11/2022