Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Họa từ miệng vào

 

Rủi ro từ những bữa ăn  

 “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” câu thành ngữ của người xưa chưa bao giờ cũ.

Hiểu nôm na người xưa dạy, miếng ăn nên cẩn thận vì nó dễ mang bệnh cho cơ thể; còn lời nói nên cẩn trọng bởi nó có thể mang họa vào thân. Ngày nay câu thành ngữ trên nên bổ sung: “Họa cũng có thể từ miệng vào”. Việc hơn 600 em học sinh Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) sau bữa ăn phải đi cấp cứu trong đó một em không qua khỏi, đó là thực sự là cái họa lớn “từ miệng vào”!


600 học sinh Trường iSchool Nha Trang gặp họa từ bữa ăn

Tôi về quê cũng thường đi chợ hằng ngày và nhận ra rằng mình là một trong số ít người quê phải mua rau chợ. Ở nông thôn nhà nào cũng tự trồng vài luống rau, mùa nào thức nấy, ít khi mua rau chợ vì lo bị phun thuốc trừ sâu. Nếu bất đắc dĩ phải mua dùng thì cũng chọn rau có vết sâu ăn, xấu mã. Thực trạng này xuất phát từ nguyên nhân việc canh tác của một số người vẫn chưa có ý thức vì sức khỏe cộng đồng, chỉ nghĩ đến lợi nhuận, bất chấp an toàn thực phẩm.

Câu chuyện ngộ độc thực phẩm dẫn đến thảm họa như kể trên là hệ quả ý thức kém của người sản xuất, kinh doanh trước sức khỏe, sinh mạng khách hàng.

Rủi ro những bữa ăn nguyên nhân từ người kinh doanh đã rõ. Tuy nhiên khâu quyết định vẫn là công tác quản lí, nếu cẩn trọng, chặt chẽ sẽ hạn chế tối đa không xảy ra rủi ro.

Sự phát triển dịch vụ cung cấp suất ăn hiện nay cho người ta nhiều sự lựa chọn: Tự tổ chức bữa ăn hoặc kí hợp đồng cơ sở dịch vụ cung ứng suất ăn. Tự tổ chức bữa ăn là cách làm tốt nhất khi người quản lí đơn vị kiểm soát được các khâu từ mua sắm thực phẩm đến chế biến và tổ chức bữa ăn. Lúc đó nguồn lương thực thực phẩm mua về được chọn lọc, nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn chế biến. Thế nhưng việc kí dịch vụ cung ứng suất ăn người ta lại thường đặt niềm tin và phó thác vào nhà cung cấp, không tham gia giám sát quá trình chế biến và kiểm soát chất lượng. Người kinh doanh luôn có xu hướng tiết giảm chi phí nên thường mua nguồn hàng giá thấp để tối ưu hóa lợi nhuận. Việc tự quản lí quá trình chế biến thường không khắt khe như đơn vị tự tổ chức bếp ăn nên dễ xảy ra “lỗ hổng” vệ sinh an toàn.

Từ bà nội trợ nơi đô thị cho đến người nông dân sản xuất rau màu tại vùng quê có thể bảo đảm được sự an toàn cho bữa ăn của gia đình trước những độc hại từ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, gia đình ngày nay không thể khép kín bởi con em, người thân của chúng ta vẫn ngày ngày sử dụng dịch vụ trong từng bữa ăn bán trú, bữa cơm bình dân đường phố hay cả những bữa tiệc sang trọng tại nhà hàng, khách sạn…

Họa có thể đến bất kì lúc nào với mọi người nếu vẫn có những người thiếu trách nhiệm trước bữa ăn của người khác!/.

Đinh Hoàng

 Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/11/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét