Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Hà Nội vẫn chưa dám nhìn vào sự thật nguyên nhân vỉa hè hư hỏng

 

“Tỉ lệ hư hỏng”

 Lâu nay dư luận từng nghe chuyện nhiều công trình xây dựng trong đầu tư công phải mất chừng 30% chi phí “không chính thức”, tức là cứ 1000 đồng chi cho công trình thì chỉ có khoảng 700 đồng vào công trình. Có người còn cho rằng có công trình tỉ lệ này còn cao hơn 40% và đó cũng là “tỉ lệ hư hỏng”.
Nếu thực sự như vậy thì mỗi công trình đầu tư xây dựng sẽ xảy ra hai khả năng: Một, nếu muốn công trình bảo đảm được chất lượng theo đúng kế hoạch và yêu cầu thiết kế thì cần nâng dự toán chi phí cao lên thêm để bù vào con số chi phí ngoài công trình; nếu giữ nguyên mức chi phí đầu tư theo thiết kế thì khi thi công phải cắt xén bớt vật tư, vật liệu, nhân công, quy trình… để “tiết kiệm” cho phần chi phí “phi chính thức”, khi đó chắc chắn công trình không thể bảo đảm chất lượng.
Mấy năm trước công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỉ vừa thi công xong đã bong tróc “ổ trâu ổ bò” khiến dư luận bức xúc. Công trình này khi còn đang thi công đã bị người dân phát hiện và tố cáo về quy trình, cách thi công cẩu thả, sử dụng vật liệu không đúng (lấy cả đất bùn để san lấp nền). Không hiểu sao công trình này vẫn được thi công, hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng. Đến nay thì mọi người đã biết, một số người có trách nhiệm đã phải đứng trước vành móng ngựa để “giải trình” về chất lượng công trình. Tuy nhiên không nhiều công trình đầu tư công chất lượng kém được chỉ rõ, đưa ra ánh sáng những người chịu trách nhiệm. Chỉ đơn cử như vỉa hè Hà Nội bao năm qua diễn ra điệp khúc đào lên lát lại rồi lại đào lên thay mới. Giá trị sử dụng mỗi lần “cải tạo vỉa hè” chỉ tính bằng tháng và dài lắm thì vài ba năm. Mỗi lần chỉnh trang vỉa hè đều có những lí do thuyết phục để triển khai. Lần gần đây nhất là lí do cần sử dụng đá tự nhiên có tuổi thọ 70 năm để công trình bảo đảm chất lượng lâu dài. Những viên đá tự nhiên “tuổi thọ cao” nhiều nơi gần đây bỗng dưng lại bị nứt vỡ. Thực trạng này đã được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra hai nguyên nhân: Do quá trình nổ mìn khai thác đá bị om và lát xong lại bị nước mưa!


Nhiều tuyến đường tại Hà Nội xảy ra tình trạng đá vỉa hè nứt vỡ.

Như vậy là chưa khi nào Hà Nội nhìn thấy nguyên nhân chất lượng vỉa hè thuộc về con người. Nếu cứ theo cách né tránh, bao biện, không truy đến cùng, truy đúng “thủ phạm” khiến chất lượng lát vỉa hè kém thì tin rằng, điệp khúc “đào lên lát lại” sẽ tái diễn nay mai. Liệu những đồng tiền đầu tư cho vỉa hè có đủ 100% vào vỉa hè hay nó cũng có “tỉ lệ hư hỏng 30%”?
Đá tự nhiên chắc chắn có độ cứng hơn viên gạch dân ta nung bằng lò thủ công. Những người có trách nhiệm ngành xây dựng Hà Nội nên về một số làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xem những con đường làng được lát gạch hàng trăm năm nay vẫn chưa hỏng, khi đó có thể sẽ nhận ra, vỉa hè hư hỏng đâu phải tại trời!?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  16/12/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét