Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Bệnh né trách nhiệm

 

Pháp luật và trách nhiệm vận hành

Những năm 80 của thế kỉ trước tôi có người bạn sống tại chung cư ở Ngĩa Đô (Hà Nội) dù diện tích nhà rất chật hẹp song hai vợ chồng vẫn ngăn được một ô riêng để nuôi lợn tăng gia. Dù có chăm chỉ vệ sinh dọn dẹp đến đâu thì cũng khó ngăn hết được mùi xú uế. Nói về pháp luật quy định trong trường hợp này thì lúc đó chưa có Luật Thú y mà chỉ có các quy định dưới luật về văn minh đô thị, bảo vệ môi trường. Rồi cư dân xung quanh đã có cái nhìn không thiện cảm khi giáp mặt qua lại với chủ hộ nuôi lợn. Do dân phản ánh nên thỉnh thoảng ông tổ trưởng dân phố lại đến nhắc nhở và cuối cùng vợ chồng anh bạn tôi đã từ bỏ kế hoạch tăng gia dù khi ấy nuôi được con lợn 80-90 kg là một tài sản lớn.

Gần đây có câu chuyện một gia đình ở Quận 4 (TP Hồ Chí Minh) nuôi tăng gia tới 79 con chó giữa khu dân cư khiến người dân bức xúc phản ánh nhiều lần nhưng cho đến nay chính quyền sở tại vẫn đang lúng túng chưa biết xử lí ra sao vì cho rằng pháp luật chưa có quy định cụ thể (dù nay đã có rất nhiều luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thú y…)!


Hay như những chuyện mà ai cũng biết rằng đó là lừa đảo nhưng nhiều người, kể cả cơ quan hành pháp lại cho rằng pháp luật chưa có quy định cụ thể nên không thể xử lí. Chẳng hạn như chuyện các nhân viên của nhiều hãng bảo hiểm tư vấn khiến khách hàng hiểu sai lệch dịch vụ để rồi kí kết các hợp đồng bảo hiểm như thể sa vào “bẫy” và chắc chắn mất tiền. “Bài” này gần đây lại được một vài doanh nghiệp du lịch kinh doanh “sở hữu kì nghỉ” áp dụng. Họ tư vấn rất thuyết phục về sản phẩm du lịch “kèm” sở hữu bất động sản khiến nhiều người “xuống tiền”. Các hợp đồng của hai loại hình kinh doanh trên thường “dày trang, đầy chữ” khó lòng một chốc một lát có thể hiểu được. Những điều khoản bất lợi với khách hàng không bao giờ được nhắc đến…

Có câu ngạn ngữ “Một nửa chiếc bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật”. Những nhân viên tư vấn chỉ đưa ra một nửa sự thật cho khách hàng tức là đã lừa dối họ. Theo khái niệm phát luật thì lừa đảo là hành vi gian dối để làm người khác tin nhằm thực hiện những mục đích vụ lợi, trái pháp luật. Tuy nhiên khi những vụ việc trên được phản ánh đến cơ quan chức năng có khi lại được giải thích rằng pháp luật chưa có quy định cụ thể nên khó xử lí!?

Hiện nay hệ thống pháp luật của ta khá đầy đủ cho mọi lĩnh vực, ngành nghề và đã trở thành công cụ đắc lực cho công tác vận hành, quản lí xã hội dựa trên pháp luật. Với những công bộc luôn ý thức tốt trách nhiệm trước dân thì mọi vấn đề trong cuộc sống đều được họ tìm ra lời giải. Ngược lại khi người ta muốn thoái thác trách nhiệm thì không dì dễ hơn là vin vào cái cớ “pháp luật chưa có quy định cụ thể”./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  28/7/2023

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Thiếu thông tin nên dễ bị lừa

 

Điểm mù thông tin

Trong giao thông, người lái xe ngồi ở một vị trí không thể quan sát hết xung quanh như hai bên thành và phía sau xe, người ta gọi đó là những điểm mù. Trong cuộc sống ta cũng có thể bị những điểm mù nhưng đây là điểm mù chủ quan do không chú tâm quan sát, tìm hiểu, xin gọi nôm na đó là “điểm mù thông tin”.

Tôi có anh bạn làm kinh doanh ăn uống tuy không khá giả nhưng nhà hàng vẫn duy trì được thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Anh thường chia sẻ với tôi quan điểm riêng là không bao giờ để tâm tới những vấn đề thời sự, chính trị bởi nó chỉ gây “mệt đầu óc”. Chẳng hạn xem chương trình văn nghệ, thể thao trên ti vi, khi hết nếu chuyển sang chương trình thời sự lập tức anh bật kênh khác hoặc tắt máy. Tôi đồ rằng trong chuyện chính trị có thể anh chỉ biết đến tên một vài lãnh đạo nhà nước cấp cao nhất mà thôi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, nhất là kỉ nguyên công nghệ 4.0 thì thông tin chính là tài sản, là “nguyên liệu” bồi đắp kĩ năng sống, bảo đảm an ninh, an toàn... Mù thông tin sẽ khó hình thành được kĩ năng sống để thích ứng trong sinh hoạt, trong nắm bắt cơ hội kinh doanh vì thế giới ngày nay biến động, thay đổi hàng giờ…

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ lừa đảo thông qua hình thức gọi điện thoại giả danh cơ quan thực thi pháp luật đe dọa rồi dẫn dụ người dân, nhất là người cao tuổi để họ đem nộp hết tiền vào tài khoản của chúng rồi chiếm dụng. Mỗi vụ việc xảy ra đều có nhiều cơ quan báo chí như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy đưa tin phản ánh chi tiết cùng những cảnh báo cảnh giác cho người dân. Không những vậy, mạng xã hội cũng chia sẻ khá rộng rãi, nhanh chóng các vụ việc lừa đảo đó. Thế nhưng những vụ việc và nạn nhân mới với chiêu thức “sao y bản gốc” vẫn liên tục diễn ra. Gần đây nhất là một cặp vợ chồng người cao tuổi tại Hà Nội suýt mất gần 3 tỉ đồng vì thủ đoạn giả danh công an của tội phạm yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để điều tra “vụ án nghiêm trọng” mà họ được cho biết là “có liên quan”. Rất may, nhân viên ngân hàng thấy nghi ngờ trước thái độ lo sợ của khách hàng đã phối hợp với cơ quan công an, động viên nạn nhân và ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo. Có thể hai vợ chồng này chưa biết thông tin gì về những vụ lừa đảo, thủ đoạn của tội phạm trong các vụ việc từng diễn ra. Tương tự, không ít người rất nhiều tiền nhưng lại cũng nhiều “điểm mù thông tin”, dễ dàng xuống tiền đầu tư vào các dự án ảo với lãi suất hàng trăm %/năm; hoặc mua sở hữu các kì nghỉ đầy hấp dẫn để rồi mắt trắng…


Thiếu thông tin khiến con người ta như sống trong một ốc đảo biệt lập, con người của thế kỉ 21 có thể chỉ nhận thức các vấn đề thời sự xã hội như người sống cách đây hàng chục năm trước. Những điểm mù thông tin của người dân chính là mục tiêu tiềm tàng, “món mồi dễ ăn” của tội phạm lừa đảo công nghệ hiện đại./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 5/7/2023

Loại ô nhiễm chưa được quan tâm

 

Ô nhiễm… ngọt ngào!

Nói tới ô nhiễm ta thường nghĩ ngay đến khói bụi, rác thải, túi ni lông… Thế nhưng lại có loại “ô nhiễm” rất ngọt ngào đang hằng ngày được con người thích thú tự đầu độc mình, đó chính là đồ ăn, đồ uống có đường.

Đồ ngọt là thứ ít người không thích, nhất là với trẻ em nên thị trường đồ ăn, đồ uống có đường tại một quốc gia gần trăm triệu dân như Việt Nam thì đây là “mỏ vàng” để doanh nghiệp khai thác. Cùng với hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, các hãng nước giải khát hàng đầu thế giới như Coca Cola, Pepsi… đã sớm có mặt tại Việt Nam cùng góp phần định hình thói quen tiêu dùng không lành mạnh trong một bộ phận lớp trẻ. Nhiều gia đình ở thị thành nay trong bữa ăn luôn có chai nước ngọt như một thứ gia vị. Tại các bàn tiệc đặt tại nhà hàng, đám cưới ngoài mấy chai bia cho cánh mày râu cũng không thể vắng mấy lon nước ngọt danh cho chị em, trẻ nhỏ…

Khoa học thế giới đã có đủ bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tiểu đường, tim mạch… đang gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tăng tỉ lệ tử vong.


 
Coca-Cola: Nguyên nhân gây béo phì tại Mỹ

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 20 năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có đường trên đầu người tại Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ 6 triệu lít (năm 2002) lên 55 triệu lít (năm 2021). Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố vào năm 2021 cũng cho thấy, tỉ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đã có những nghiên cứu cho thấy, nam giới và phụ nữ trung niên uống từ hơn 1 li nước ngọt/ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn từ 25% đến 32% và có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gần 45%.

Tác hại của việc thâm dụng tiêu dùng đồ ngọt nay ai cũng biết song điều chỉnh hành vi tiêu dùng, kìm hãm những “khoái khẩu” trước những món ngon không hề dễ dàng, nhất là với trẻ em. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có các giải pháp quyết liệt và cụ thể hơn để điều chỉnh hành vi cả trong kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Việc đánh thuế đồ uống có đường, có thể cả thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời quy định tỉ lệ đường tối đa trong sản phẩm đã được một số chuyên gia, nhà quản lí nêu lên song hầu như vẫn là chuyện “ném đá ao bèo”.

Đánh thuế đồ ăn, đồ uống có đường; quy định tỉ lệ đường tối đa trong sản phẩm liệu có phải là việc quá khó đến mức nhà quản lí bó tay?

Không thể mãi để thứ ô nhiễm “ngọt ngào” đang âm thầm tàn phá sức khỏe cộng đồng./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 7/2023

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Chuyện Bảo hiểm xã hội

 

 Nợ hay chiếm dụng?

Thông thường từ “nợ” được dùng cho trường hợp cá nhân hay pháp nhân này vay của cá nhân, pháp nhân khác theo một hợp đồng đôi bên thống nhất cụ thể về thời gian, lãi suất, nghĩa vụ thanh toán, phạt vi phạm v.v.

Tuy nhiên trên thị trường lao động của ta hiện nay lại có một dạng nợ lạ kì, không hợp đồng, không kì hạn thanh toán và thời gian cũng… vô định, đó là nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).


Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi. Tổng số tiền còn nợ hơn 4.048 tỉ đồng (cả gốc và lãi) của trên 213.300 người lao động (NLĐ). Hơn 4 nghìn tỉ đồng “cho vay bất đắc dĩ” này nếu tính theo lãi suất ngân hàng thương mại mức trung bình khoảng 7%/năm thôi cũng là một số tiền rất… không nhỏ! Pháp nhân bị “khất nợ” là BHXH nhưng gánh hậu quả cuối cùng chính là NLĐ với nguy cơ mất quyền lợi BHXH.

Với doanh nghiệp, cùng với việc trả lương cho NLĐ hằng tháng thì việc nộp số tiền BHXH vào quỹ bảo hiểm cũng là nghĩa vụ bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động. Tiền lương, tiền BHXH chính là tài sản của NLĐ. Lâu nay người ta cứ quen gọi một cách dễ dãi là nợ lương, nợ BHXH song thực chất đây là hành vi chiếm dụng vốn chứ không phải sự vay mượn đúng nghĩa. Chính sự dễ dãi này vô hình trung như tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật về lao động và có thể cả về pháp luật hình sự.

Theo Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì chiếm dụng là chiếm hữu và sử dụng không hợp pháp tài sản của người khác. Hiểu khái niệm đầy đủ thì chiếm dụng chính là việc chiếm hữu bất hợp pháp tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác một cách không ngay tình với mục đích vụ lợi, nhằm hưởng lợi từ tài sản. Đây là một trong những hành vi vi phạm quyền sở hữu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi chiếm dụng, người, tổ chức thực hiện có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hay trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn nhiều năm qua hành vi doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH hầu hết chỉ bị xử lí vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe cho một loại vi phạm đã trở nên rất phổ biến này. Chính vì vậy mà hàng trăm nghìn lao động đang chịu thiệt thòi và luôn như ở “cửa dưới”, chưa được các cơ quan hành pháp tích cực có những giải pháp bảo vệ căn cơ, kịp thời.

Xây dựng, điều chỉnh pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh với hành vi doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm và kiên quyết thực hiện bằng các chế tài mạnh mới là giải pháp căn bản, nền tảng để chấm dứt một loại vi phạm đã diễn ra suốt nhiều năm qua./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  30/6/2023

Hiểm họa từ đồ ngọt

 

 Ô nhiễm… ngọt ngào!

Nói tới ô nhiễm ta thường nghĩ ngay đến khói bụi, rác thải, túi ni lông… Thế nhưng lại có loại “ô nhiễm” rất ngọt ngào đang hằng ngày được con người thích thú tự đầu độc mình, đó chính là đồ ăn, đồ uống có đường.

Đồ ngọt là thứ ít người không thích, nhất là với trẻ em nên thị trường đồ ăn, đồ uống có đường tại một quốc gia gần trăm triệu dân như Việt Nam thì đây là “mỏ vàng” để doanh nghiệp khai thác. Cùng với hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, các hãng nước giải khát hàng đầu thế giới như Coca Cola, Pepsi… đã sớm có mặt tại Việt Nam cùng góp phần định hình thói quen tiêu dùng không lành mạnh trong một bộ phận lớp trẻ. Nhiều gia đình ở thị thành nay trong bữa ăn luôn có chai nước ngọt như một thứ gia vị. Tại các bàn tiệc đặt tại nhà hàng, đám cưới ngoài mấy chai bia cho cánh mày râu cũng không thể vắng mấy lon nước ngọt danh cho chị em, trẻ nhỏ…

Khoa học thế giới đã có đủ bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tiểu đường, tim mạch… đang gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tăng tỉ lệ tử vong.


Thức ăn nhanh và đồ uống có ga gây béo phì.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 20 năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có đường trên đầu người tại Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ 6 triệu lít (năm 2002) lên 55 triệu lít (năm 2021). Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố vào năm 2021 cũng cho thấy, tỉ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đã có những nghiên cứu cho thấy, nam giới và phụ nữ trung niên uống từ hơn 1 li nước ngọt/ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn từ 25% đến 32% và có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gần 45%.

Tác hại của việc thâm dụng tiêu dùng đồ ngọt nay ai cũng biết song điều chỉnh hành vi tiêu dùng, kìm hãm những “khoái khẩu” trước những món ngon không hề dễ dàng, nhất là với trẻ em. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có các giải pháp quyết liệt và cụ thể hơn để điều chỉnh hành vi cả trong kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Việc đánh thuế đồ uống có đường, có thể cả thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời quy định tỉ lệ đường tối đa trong sản phẩm đã được một số chuyên gia, nhà quản lí nêu lên song hầu như vẫn là chuyện “ném đá ao bèo”.

Đánh thuế đồ ăn, đồ uống có đường; quy định tỉ lệ đường tối đa trong sản phẩm liệu có phải là việc quá khó đến mức nhà quản lí bó tay?

Không thể mãi để thứ ô nhiễm “ngọt ngào” đang âm thầm tàn phá sức khỏe cộng đồng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 7 năm 2023