Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Thiếu thông tin nên dễ bị lừa

 

Điểm mù thông tin

Trong giao thông, người lái xe ngồi ở một vị trí không thể quan sát hết xung quanh như hai bên thành và phía sau xe, người ta gọi đó là những điểm mù. Trong cuộc sống ta cũng có thể bị những điểm mù nhưng đây là điểm mù chủ quan do không chú tâm quan sát, tìm hiểu, xin gọi nôm na đó là “điểm mù thông tin”.

Tôi có anh bạn làm kinh doanh ăn uống tuy không khá giả nhưng nhà hàng vẫn duy trì được thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Anh thường chia sẻ với tôi quan điểm riêng là không bao giờ để tâm tới những vấn đề thời sự, chính trị bởi nó chỉ gây “mệt đầu óc”. Chẳng hạn xem chương trình văn nghệ, thể thao trên ti vi, khi hết nếu chuyển sang chương trình thời sự lập tức anh bật kênh khác hoặc tắt máy. Tôi đồ rằng trong chuyện chính trị có thể anh chỉ biết đến tên một vài lãnh đạo nhà nước cấp cao nhất mà thôi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, nhất là kỉ nguyên công nghệ 4.0 thì thông tin chính là tài sản, là “nguyên liệu” bồi đắp kĩ năng sống, bảo đảm an ninh, an toàn... Mù thông tin sẽ khó hình thành được kĩ năng sống để thích ứng trong sinh hoạt, trong nắm bắt cơ hội kinh doanh vì thế giới ngày nay biến động, thay đổi hàng giờ…

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ lừa đảo thông qua hình thức gọi điện thoại giả danh cơ quan thực thi pháp luật đe dọa rồi dẫn dụ người dân, nhất là người cao tuổi để họ đem nộp hết tiền vào tài khoản của chúng rồi chiếm dụng. Mỗi vụ việc xảy ra đều có nhiều cơ quan báo chí như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy đưa tin phản ánh chi tiết cùng những cảnh báo cảnh giác cho người dân. Không những vậy, mạng xã hội cũng chia sẻ khá rộng rãi, nhanh chóng các vụ việc lừa đảo đó. Thế nhưng những vụ việc và nạn nhân mới với chiêu thức “sao y bản gốc” vẫn liên tục diễn ra. Gần đây nhất là một cặp vợ chồng người cao tuổi tại Hà Nội suýt mất gần 3 tỉ đồng vì thủ đoạn giả danh công an của tội phạm yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để điều tra “vụ án nghiêm trọng” mà họ được cho biết là “có liên quan”. Rất may, nhân viên ngân hàng thấy nghi ngờ trước thái độ lo sợ của khách hàng đã phối hợp với cơ quan công an, động viên nạn nhân và ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo. Có thể hai vợ chồng này chưa biết thông tin gì về những vụ lừa đảo, thủ đoạn của tội phạm trong các vụ việc từng diễn ra. Tương tự, không ít người rất nhiều tiền nhưng lại cũng nhiều “điểm mù thông tin”, dễ dàng xuống tiền đầu tư vào các dự án ảo với lãi suất hàng trăm %/năm; hoặc mua sở hữu các kì nghỉ đầy hấp dẫn để rồi mắt trắng…


Thiếu thông tin khiến con người ta như sống trong một ốc đảo biệt lập, con người của thế kỉ 21 có thể chỉ nhận thức các vấn đề thời sự xã hội như người sống cách đây hàng chục năm trước. Những điểm mù thông tin của người dân chính là mục tiêu tiềm tàng, “món mồi dễ ăn” của tội phạm lừa đảo công nghệ hiện đại./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 5/7/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét