Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Chuyện Bảo hiểm xã hội

 

 Nợ hay chiếm dụng?

Thông thường từ “nợ” được dùng cho trường hợp cá nhân hay pháp nhân này vay của cá nhân, pháp nhân khác theo một hợp đồng đôi bên thống nhất cụ thể về thời gian, lãi suất, nghĩa vụ thanh toán, phạt vi phạm v.v.

Tuy nhiên trên thị trường lao động của ta hiện nay lại có một dạng nợ lạ kì, không hợp đồng, không kì hạn thanh toán và thời gian cũng… vô định, đó là nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).


Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi. Tổng số tiền còn nợ hơn 4.048 tỉ đồng (cả gốc và lãi) của trên 213.300 người lao động (NLĐ). Hơn 4 nghìn tỉ đồng “cho vay bất đắc dĩ” này nếu tính theo lãi suất ngân hàng thương mại mức trung bình khoảng 7%/năm thôi cũng là một số tiền rất… không nhỏ! Pháp nhân bị “khất nợ” là BHXH nhưng gánh hậu quả cuối cùng chính là NLĐ với nguy cơ mất quyền lợi BHXH.

Với doanh nghiệp, cùng với việc trả lương cho NLĐ hằng tháng thì việc nộp số tiền BHXH vào quỹ bảo hiểm cũng là nghĩa vụ bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động. Tiền lương, tiền BHXH chính là tài sản của NLĐ. Lâu nay người ta cứ quen gọi một cách dễ dãi là nợ lương, nợ BHXH song thực chất đây là hành vi chiếm dụng vốn chứ không phải sự vay mượn đúng nghĩa. Chính sự dễ dãi này vô hình trung như tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật về lao động và có thể cả về pháp luật hình sự.

Theo Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì chiếm dụng là chiếm hữu và sử dụng không hợp pháp tài sản của người khác. Hiểu khái niệm đầy đủ thì chiếm dụng chính là việc chiếm hữu bất hợp pháp tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác một cách không ngay tình với mục đích vụ lợi, nhằm hưởng lợi từ tài sản. Đây là một trong những hành vi vi phạm quyền sở hữu. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi chiếm dụng, người, tổ chức thực hiện có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hay trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn nhiều năm qua hành vi doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH hầu hết chỉ bị xử lí vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe cho một loại vi phạm đã trở nên rất phổ biến này. Chính vì vậy mà hàng trăm nghìn lao động đang chịu thiệt thòi và luôn như ở “cửa dưới”, chưa được các cơ quan hành pháp tích cực có những giải pháp bảo vệ căn cơ, kịp thời.

Xây dựng, điều chỉnh pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh với hành vi doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm và kiên quyết thực hiện bằng các chế tài mạnh mới là giải pháp căn bản, nền tảng để chấm dứt một loại vi phạm đã diễn ra suốt nhiều năm qua./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  30/6/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét