Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Loại ô nhiễm chưa được quan tâm

 

Ô nhiễm… ngọt ngào!

Nói tới ô nhiễm ta thường nghĩ ngay đến khói bụi, rác thải, túi ni lông… Thế nhưng lại có loại “ô nhiễm” rất ngọt ngào đang hằng ngày được con người thích thú tự đầu độc mình, đó chính là đồ ăn, đồ uống có đường.

Đồ ngọt là thứ ít người không thích, nhất là với trẻ em nên thị trường đồ ăn, đồ uống có đường tại một quốc gia gần trăm triệu dân như Việt Nam thì đây là “mỏ vàng” để doanh nghiệp khai thác. Cùng với hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, các hãng nước giải khát hàng đầu thế giới như Coca Cola, Pepsi… đã sớm có mặt tại Việt Nam cùng góp phần định hình thói quen tiêu dùng không lành mạnh trong một bộ phận lớp trẻ. Nhiều gia đình ở thị thành nay trong bữa ăn luôn có chai nước ngọt như một thứ gia vị. Tại các bàn tiệc đặt tại nhà hàng, đám cưới ngoài mấy chai bia cho cánh mày râu cũng không thể vắng mấy lon nước ngọt danh cho chị em, trẻ nhỏ…

Khoa học thế giới đã có đủ bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tiểu đường, tim mạch… đang gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tăng tỉ lệ tử vong.


 
Coca-Cola: Nguyên nhân gây béo phì tại Mỹ

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 20 năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có đường trên đầu người tại Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ 6 triệu lít (năm 2002) lên 55 triệu lít (năm 2021). Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố vào năm 2021 cũng cho thấy, tỉ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đã có những nghiên cứu cho thấy, nam giới và phụ nữ trung niên uống từ hơn 1 li nước ngọt/ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn từ 25% đến 32% và có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gần 45%.

Tác hại của việc thâm dụng tiêu dùng đồ ngọt nay ai cũng biết song điều chỉnh hành vi tiêu dùng, kìm hãm những “khoái khẩu” trước những món ngon không hề dễ dàng, nhất là với trẻ em. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có các giải pháp quyết liệt và cụ thể hơn để điều chỉnh hành vi cả trong kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Việc đánh thuế đồ uống có đường, có thể cả thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời quy định tỉ lệ đường tối đa trong sản phẩm đã được một số chuyên gia, nhà quản lí nêu lên song hầu như vẫn là chuyện “ném đá ao bèo”.

Đánh thuế đồ ăn, đồ uống có đường; quy định tỉ lệ đường tối đa trong sản phẩm liệu có phải là việc quá khó đến mức nhà quản lí bó tay?

Không thể mãi để thứ ô nhiễm “ngọt ngào” đang âm thầm tàn phá sức khỏe cộng đồng./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 7/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét