Nhu cầu của học thêm hay dạy thêm?
Việc học thêm,
dạy thêm tại các trường hệ phổ thông của ta đã có từ hàng chục năm qua, song
hình như cho đến nay chưa có một sự khảo sát, đánh giá tổng hợp nào trên quy
mô lớn để đưa ra kết luận: Học thêm có phải là nhu cầu và cứu cánh cho chất
lượng giáo dục? Duy điều mà ai cũng biết là một số giáo viên có thêm thu
nhập, các phụ huynh học sinh phải bỏ ra một khoản chi phí ngoài học phí từ
túi tiền của mình. Không ít học sinh cấp tiểu học, THCS tại các đô thị hiện nay
có chung cảnh ngộ: Sáng bố mẹ đưa đến trường học hai buổi, chiều khi tan
trường lại được đưa thẳng đến nơi học thêm, tối về sau khi ăn uống vệ sinh cá
nhân xong lại ngồi ngay vào bàn học, vài tiếng sau mới được đi ngủ... Các em
học sinh bị học thêm nhồi nhét như vậy làm sao có thời gian để “tiêu hóa”
hàng đống kiến thức? Người độ tuổi lao động còn phấn đấu để được 8 giờ làm
việc, 8 giờ vui chơi, 8 giờ nghỉ ngơi, vậy các em nhỏ phải học 10-12 giờ mỗi
ngày liệu có công bằng và văn minh? Nền giáo dục nhồi nhét kiến thức Một thời gian dài trước đây học sinh chỉ học một buổi, thời gian
còn lại các em có thể tự sắp xếp ôn bài vào buổi chiều hoặc buổi tối. Nếu
không quá ham chơi hoặc phải dành thời gian làm việc phụ giúp gia đình thì
mọi học sinh vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu ôn luyện, nắm lại bài cũ. Một câu
hỏi có lẽ chưa nhiều người đặt ra là tại sao ngày nay học sinh phải học thêm
nhiều đến thế? Phải chăng chất lượng giảng dạy của giáo viên quá thấp nên
trong phạm vi thời gian tại trường chưa đủ để truyền tải kiến thức theo mục
tiêu, yêu cầu đề ra cho học sinh? Nếu quả thực do nguyên nhân này thì việc
khắc phục trước hết phải là nâng cao chất lượng giảng dạy của người thầy chứ
không chỉ bắt học sinh “tăng ca”. Và, có nên lấy tiêu chí số học sinh phải
học thêm để đánh giá chính chất lượng, thành tích giảng dạy của mỗi giáo
viên? Trên thế giới, nhất là các nước tiên tiến liệu có nơi đâu việc
dạy thêm, học thêm “phủ rộng” như Việt Nam? Nhìn sang nước láng giềng Trung
Quốc ta có thể tham khảo. Nạn dạy thêm tại đây từng được coi là một “ngành
công nghiệp” trị giá 100 tỉ đô la. Vậy mà cách đây vài năm nước này đã ban
hành một quyết định lịch sử, đó là cấm tuyệt đối dạy thêm vì lợi nhuận và yêu
cầu trường học giảm tải lượng bài tập cho học sinh. Điều này cho thấy nước
bạn đã nhìn ra vấn đề “lợi nhuận” chính là yếu tố chi phối tới “nhu cầu” dạy
thêm, học thêm! Lợi nhuận dưới nền kinh tế thị trường là tất yếu, tuy nhiên
ngay tại các nước tư bản thì nền giáo dục vẫn tiên tiến, văn minh, không bị
yếu tố này chi phối. Việt Nam là nước đang phát triển nền kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc. Để hướng tới mục tiêu đó thì trước tiên môi trường
giáo dục cần lành mạnh, không thể để yếu tố lợi nhuận chi phối. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 26/10/2023 |