Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

Bất cập sáp nhập, chia tách

 

 Vĩ mô an cư

Cách đây chưa lâu dư luận xôn xao trước thông tin quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025

Theo tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 25/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quận nội đô có diện tích 35km2, nếu diện tích không đạt 70% theo quy định thì quy mô dân số phải đạt trên 200% so với yêu cầu tối thiểu là 150.000 người. Hiện quận Hoàn Kiếm chỉ có 5,29km2 (chỉ đạt 15% về diện tích), dân số khoảng 156.000 người.

Ai cũng biết mọi thứ luôn biến động nhưng diện tích đất đai của quốc gia hay cả hành tinh gần như bất biến. Một trong những thay đổi thường xuyên là dân số. Đất nước ta khi chưa hòa bình thống nhất cả hai miền cũng chỉ chừng hơn 48 triệu dân, nay đã tiệm cận 100 triệu.

Chiến lược cần ổn định, sách lược cần linh hoạt, đó là yêu cầu với mỗi quốc gia trong tiến trình phát triển. Sắp xếp đơn vị hành chính là câu chuyện tầm nhìn chiến lược trong quản lí vĩ mô, nó phải có tầm nhìn xa và rộng.  


Hà Nội là một thủ đô lớn song vẫn luôn trong tình trạng ách tắc giao thông

Từ sau năm 1975 nước ta trải qua nhiều giai đoạn sáp nhập và chia tách đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nếu coi lần sáp nhập để có 63 tỉnh thành gần nhất (năm 2008) là một tầm nhìn chiến lược thì nó cần giữ ổn định không thể tính bằng đơn vị hàng chục năm hay vài ba nhiệm kì lãnh đạo. Khi cấp tỉnh ổn định sẽ không có biến động về diện tích với cấp trực thuộc là quận, huyện, thị xã, thành phố. Dù dân số tất yếu biến động (di cư và tỉ lệ sinh, tử) song đơn vị hành chính vẫn rất cần ổn định vì đây là thành tố có tính chiến lược. Ví như dân cư có thể tăng gấp đôi, diện tích cũng đạt tiêu chí phân tách thì nhà quản lí vẫn cần cân nhắc cái được và mất nếu thay đổi bộ máy. Dân cư 1000 người tăng lên 2000 người thì đội ngũ quản lí, giải quyết thủ tục hành chính có thể điều chỉnh tăng lên ở những vị trí cần tăng chứ không nhất thiết phải sinh ra một bộ máy mới. Hai nước trên 1,4 tỉ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, dù dân số tăng liên tục (Trung Quốc năm 1953 có 583 triệu, Ấn Độ năm 1960 có 446 triệu người) song bộ máy hành chính cấp tỉnh của họ cơ bản ổn định (Trung Quốc có 33 và Ấn Độ 36).

Chiến lược phát triển cũng tựa nền móng ngôi nhà. Ngôi nhà có thể sửa chữa song nếu thay nền móng đồng nghĩa phải dỡ ra xây lại. Sự thay đổi yếu tố nền tảng sẽ vô cùng tốn kém về vật chất, thậm chí gây xáo trộn, bất ổn trật tự xã hội. Hà Nội mở rộng đã qua 15 năm song nay vẫn còn những địa bàn mà người dân chưa thật an cư. Như chuyện hàng chục hộ dân ở Mê Linh (Vĩnh Phúc) sau thu hồi đất nông nghiệp rồi chuyển về Hà Nội nhưng chính sách đất dịch vụ của hai địa phương có độ vênh khiến người dân thiệt thòi suốt 15 năm, đến nay mới có hướng giải quyết.

Có an cư mới lạc nghiệp, đó không chỉ là chuyện của một gia đình, nó cũng là câu chuyện của mỗi quốc gia./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/9/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét