Môi trường công tư Thời gian trước đây dư luận từng nổi sóng khi xuất hiện hình
thức liên kết công tư trong môi trường bệnh viện, đó là việc một số nhà đầu
tư có vốn mua trang thiết bị giá trị lớn “gửi vào bệnh viện” để hưởng lợi
nhuận “ăn chia”. Nếu sự liên kết này minh bạch, sử dụng hợp lí trên cơ sở giá
thị trường thì nó sẽ là một kênh thiết thực giải bài toán ngân sách eo hẹp,
thiếu vốn đầu tư cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, một chủ trương lẽ ra là
đẹp đẽ đã biến dạng bởi giá trị trang thiết bị, vật tư tiêu hao khi sử dụng không
được giám sát minh bạch đã bị khai vống lên nhiều lần, người bệnh bị “móc
túi” còn một số cá nhân hưởng lợi nhuận “siêu ngạch”. Cũng vì sự “liên kết
đen” này mà một số lãnh đạo, kể cả người tài năng, lãnh đạo từng có uy tín
trong ngành vướng vào vòng lao lí. Ai cũng biết cơ sở vật chất công là nguồn tài sản rất lớn, khi
nó được sử dụng đúng đắn, hợp lí sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên
nguồn lực này như một “mỏ vàng” luôn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài
chính nhòm ngó tìm cơ hội len vào để tìm kiếm lợi ích. Lịch học thêm giữa giờ Những ngày qua dư luận lại xôn xao chuyện đan xen công tư
trong môi trường giáo dục. Nhiều phụ huynh ở
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… bức xúc vì một số trường tiểu học, trung học
cơ sở nở rộ việc liên kết với trung tâm bên ngoài dạy kĩ năng sống, tiếng Anh
(với người bản ngữ), toán, STEM, đưa chương trình liên kết xen vào giờ học
chính khóa. Những chương trình liên kết này hầu hết có “giá” không rẻ nên
nhiều gia đình không thể cho con theo học. Vậy là giữa giờ chính khóa, những
em “có điều kiện” sẽ ở lại lớp để học, các em khác gia đình không đóng tiền
học thêm phải ra khỏi lớp, vật vờ ngoài sân trường để chờ đợi. Các em học
sinh nhỏ tuổi có thể cũng biết lí do vì nhà không có tiền nên không được học
nhưng sao biết được đây như một sự “phân hóa giàu nghèo” trong môi trường
giáo dục! Cũng như việc “gửi máy” vào bệnh viện, các
“nhà đầu tư” trong giáo dục nuốn liên kết đào tạo với nhà trường để tối ưu
hóa lợi nhuận, bởi nhà trường có nguồn “khách hàng” tiềm tàng, cơ sở vật chất
đã được nhà nước bảo đảm. Việc liên kết sẽ đúng đắn, hợp lí nếu nó bảo đảm sự
công bằng, mang lại lợi ích cho tất thảy học sinh chứ không phải chỉ là số ít
và mang dáng dấp của thương mại hóa giáo dục. Thiết nghĩ Bộ giáo dục & Đào tạo cần sớm
chấn chỉnh tình trạng này vì hiện nay nó như đang trên đà “nhân rộng”./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 08/10/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét