Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Cho lên Thiên Đường
      Do có quá nhiều ta thán của dân lành về những Từ Mẫu và ngành Y nơi trần thế, hôm nay Ngọc Hoàng triệu Bắc Đẩu đến để chất vấn chuyên đề đồng thời tìm phương thuốc đặc trị.
      - Ngươi có thể khái quát ta nghe tình hình chăm sóc sức khỏe dân lành hạ giới năm qua ra sao. Đừng nói nhiều thành tích, ta đã rát tai về những lời kêu ca, ai oán rồi. - Ngọc Hoàng mở đầu buổi chất vấn.
      - Dạ bẩm, cũng đôi chỗ có chuyện này, chuyện kia, nhưng về cơ bản thần vẫn thấy tình hình sức khỏe dân tình tạm ổn ạ! - Bắc Đẩu vừa xoa tay vừa bẩm báo…
      Rầm! Ngọc Hoàng bỗng đập mạnh tay xuống mặt bàn rồng đặt tờ sớ:
      - Ngươi có biết đã bao nhiêu hài nhi chết vì cái vắc xin Quimvaxem không?
      - Dạ có… cũng chỉ ngót chục cháu thôi ạ!
      - Ngươi có nghe chuyện một lương y đã nhẫn tâm ném xác khách hàng thẩm mỹ xuống sông sau khi phẫu thuật gây chết người chứ?
      - Dạ thần có nghe ạ…
      - Lại có chuyện chủ nhà thương đi làm kinh tế bằng nhân bản phiếu xét nghiệm?
      - Cũng chỉ xảy ra tại một vài nơi thôi ạ…
      - Mấy hôm rồi ta mới nhòm xuống hạ giới thấy dân tình ốm yếu lắm - chợt Ngọc Hoàng hạ giọng trầm buồn - nhất là người nông dân. Hạt lúa, củ khoai, con lợn họ vất vả một nắng hai sương nuôi trồng nhưng giá cứ rẻ bèo. Thương lái, nhà buôn bóp nặn họ đến trơ xương sườn mà chẳng đoái hoài thương xót. Cả vụ tích cóp chả được là bao, chỉ cần một lần đến bệnh viện là coi chừng bán hết thóc giống cũng chẳng đủ chi tiêu. Mà ta cũng lạ, dân nghèo đến chữa bệnh mà qua cửa nào của bệnh viện cũng phải bôi trơn, từ cô y tá đến ông trưởng khoa! Lương tâm của họ cất kín đâu hết rồi?
      - Dạ… kể ra cũng có những người dân nghèo khổ quá ạ. Thần trộm nghĩ, nhiều người thà được chết đi lại đỡ khổ hơn ạ. Thần xin Ngọc Hoàng cho một cái cơ chế là ai muốn lên Thiên Đường sớm thì đăng ký, thần sẽ xét duyệt hoàn cảnh để trình Ngọc Hoàng đưa vào sổ Nam Tào. - Bắc Đẩu đề xuất giải pháp.
      - Có lẽ cũng đành vậy, cho dân đỡ khổ ải. Ngươi về lập đề án trình ta ký ban hành.
      Bắc Đẩu vừa khấp khởi ra đến cửa, chợt Ngọc Hoàng gọi giật lại:
      - Mà này... Nhưng ngươi tuyệt nhiên không được biến nó thành cái cơ chế xin - cho, để dân lại phải bôi trơn nơi cửa của ngươi là không xong với ta đâu.
      - Dạ thần rõ rồi ạ!
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Luận bàn

Nên rành mạch một khái niệm

      Dự luật sửa đổi Luật đất đai đang được Quốc hội bàn thảo nghe ra chưa thể ngã ngũ. Vẫn còn rất nhiều sự băn khoăn về nội dung “thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội”. Cũng vì cái cụm từ “phát triển kinh tế - xã hội” mà lãnh đạo nhiều địa phương đã có điều kiện thỏa mái thu hồi đất đai của dân nghèo trao vào tay chủ doanh nghiệp, đưa họ lên đời “đại gia” bất động sản, đẩy nông dân vào đội quân thất nghiệp.
      “Xã hội” thì không thể là cá nhân, tư nhân cụ thể nào mà đều là chung. Nhưng kinh tế thì có cái vì mục đích công nhưng cũng có cái chỉ đơn thuần vì lợi nhuận. Vậy tại sao trong nội dung dự thảo luật cứ ghép kinh tế với xã hội? Tại sao không quy định riêng: Chỉ thu hồi đất các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích công cộng (như giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng…). Các dự án kinh tế (nên bỏ từ phát triển vì các dự án kinh tế đương nhiên đều vì sự phát triển) vì mục tiêu lợi nhuận đều phải thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường. Cũng cần hiểu Doanh nghiệp Nhà nước không phải là Nhà nước. Các doanh nghiệp đều có mục tiêu lợi nhuận, không thể cho họ được quyền thu hồi đất như phục vụ lợi ích công. Chúng ta đang khốn khổ vì nhiều doanh nghiệp Nhà nước hưởng đầy ưu đãi nhưng lỗ triền miên, thậm chí thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước như Vinalines, Vinashin… Rồi một số doanh nghiệp công ích cũng xà xẻo tiền Nhà nước bằng những mức lương khủng như tại TP HCM vừa qua.
      Chính vì vậy, Luật đất đai sửa đổi cần loại bỏ cụm từ “phát triển kinh tế xã hội” trong nội dung mục đích thu hồi đất. Rành mạch cụm từ này sẽ loại trừ được cơ hội của lợi ích nhóm.
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Quy trình của đồng tiền

      Quy trình là quá trình thực hiện một nội dung công việc gì đó mà người ta đặt ra, phù hợp quy luật nhằm đạt được một mục tiêu, kết quả nhất định. Việc xây dựng quy trình thường được đúc kết từ thực tiễn, bằng trí tuệ tập thể. Chính vì vậy khi ta thực hiện đúng quy trình sẽ mang lại hiệu quả tốt.
      Tuy vậy, thời gian gần đây có nhiều thứ được cho là “thực hiện đúng quy trình” lại không có hiệu quả, thậm chí ngược lại – đưa đến những hậu quả đáng buồn.
      Một cán bộ nọ được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng (đương nhiên là đã thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ), nhưng ngồi ghế chưa ấm chỗ đã bị khởi tố vì vi phạm pháp luật từ thời gian trước khi bổ nhiệm. Không những thế, vị Cục trưởng này vì được mật báo đã nhanh chóng “cao chạy xa bay” đúng như cách hành xử của một tên tội phạm! Vị cán bộ này không hiểu đức tài thế nào nhưng chỉ qua một thương vụ mua bán kiểu “chợ trời” đã làm thất thoát mấy trăm tỷ đồng của Nhà nước. Như vậy cái “quy trình” bổ nhiệm cán bộ chắc chắn có vấn đề cần phải xem lại.
      Cũng một cái quy trình nữa được thực hiện nghiêm túc đang mang lại thảm họa khốn cùng cho nhân dân các tỉnh miền Trung – Quy trình xả lũ liên hồ chứa!
      Ai cũng biết với thủy điện, giọt nước là đồng tiền. Việc xả nước chỉ là việc bất đắc dĩ với các ông chủ thủy điện. Chính vì vậy họ phải tính toán, căn ke thời điểm xả lũ sao cho có lợi nhất mà vẫn an toàn hồ đập, còn an toàn cho cư dân hạ du có lẽ phải đứng “thứ nhì”. Chính với tính toán đó, hàng chục đập thủy điện đều đợi chờ cho đến phút chót – lúc đập không thể không xả thì họ mới ra tay. Cái quy trình liên hồ đồng loạt “tung chưởng” đã nhấn chìm bao tài sản, thành quả lao động của người dân, nhất là người nông dân. Nếu thống kê chính xác, đầy đủ thiệt hại của người dân và nền kinh tế trong đợt “lụt xả lũ” này chắc sẽ không nhỏ, có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng cái đau xót nhất là sinh mạng của hàng chục người dân đã cuốn theo dòng lũ!
      Rõ ràng cái quy trình và thực hiện quy trình này đã có vấn đề nghiêm trọng.
      Gần đây một chuyện gây phẫn nộ dư luận đã xảy ra, vì chưa nộp tiền mà một em bé 7 tuổi đã bị đuổi ra cổng trường trong giờ ăn trưa. Trong đôi mắt thất thần, ngơ ngác, buồn tủi của em như chứa đầy sự tăm tối. Em chỉ hiểu một điều đơn giản – bố mẹ chưa nộp tiền nên em không được ăn! Ở đây, người có trách nhiệm chỉ thực hiện quy tắc đơn giản “tiền trao, cháo múc” của chợ búa nhưng ở trong môi trường dạy người. Nó cũng là một quy trình của việc phục vụ - nộp tiền để được phụ vụ.
      Tất cả những ví dụ trên đây về quy trình, hiểu đến ngọn nguồn – đó chính là là quy trình của đồng tiền. Đồng tiền đã chi phối mọi quy trình. Quy trình đã trở thành cái cớ, là phương tiện để họ đạt mục tiêu cuối cùng: Tiền!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Những hạt thóc thối
    
     Sự kiện Việt Nam được bầu vào Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu cao nhất trong 14 nước trúng cử là một sự kiện tự hào của mọi người Việt Nam trong và ngoài nước. Những tràng vỗ tay vang lên ngay sau khi cái tên Việt Nam được xướng lên trước tiên trong lễ công bố kết quả bỏ phiếu tại nghị trường LHQ đã cho thấy sự ghi nhận tuyệt đối của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Rất nhiều nhà ngoại giao, nhiều tổ chức tại LHQ đã tới bắt tay, hôm hôn chúc mừng trưởng đoàn Việt Nam, cùng chia vui với đất nước Việt Nam. Các báo lớn trên thế giới đều đưa tin, bình luận với những lời thiện cảm dành cho Việt Nam.
      Có một sự lạ là một vài tờ báo luôn đặt rất nhiều sự quan tâm về vấn đề nhân quyền Việt Nam như RFI, RFA, BBC tiếng Việt, VOA… bỗng dưng lại im bặt trước sự kiện này tựa như những hạt thóc thối.
      Nhưng “những hạt thóc thối” này lại khá nhạy cảm với bất kỳ việc gì liên quan đến những cá nhân bất mãn, chống đối chế độ tại Việt Nam. Ngay sự kiện gần đây nhất liên quan đến việc xét xử Lê Quốc Quân tội trốn thuế, gian lận thuế cũng được họ cho là Nhà nước ta đàn áp những người bất đồng chính kiến… Tại sao họ lại ưu ái kẻ phạm pháp này như vậy? Đơn giản là Lê Quốc Quân là một “hạt giống” được một tổ chức chuyên huấn luyện lật đổ ở Mỹ đào tạo “gửi” về Việt Nam! Đã có rất nhiều “hạt giống” như vậy được gửi về Việt Nam với mưu toan đen tối nhưng đều bị ung thối trước tinh thần cảnh giác của chính quyền và nhân dân cả nước.
      Những việc trên cho thấy những kẻ xưa nay to mồm chửi bới Đảng, Nhà nước ta thực ra tâm địa của họ chỉ là sự hằn học, định kiến, luôn tức tối trước sự phát triển đi lên của đất nước Việt Nam. Là cơ quan truyền thông đáng lẽ họ phải góp phần nhân lên niềm tin vào sự công bằng và những giá trị tốt đẹp đã được cả thế giới công nhận nhưng họ lại như những hạt thóc thối. Những hạt thóc thối ấy luôn bốc mùi gây ô nhiễm môi trường xã hội.
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Chuyện vui

Chết dân

   Lâu lắm Ngọc Hoàng mới xuống thăm mấy cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng   Thiên Đình. Thấy các nơi công việc tất bật Ngọc Hoàng vui lắm vì nghĩ chắc năm nay kinh tế đã khởi sắc.
   Đã hết giờ làm việc hơn tiếng rồi Ngọc Hoàng mới hồi cung. Nhưng khi qua khu xưởng nội thất vẫn thấy tiếng cưa xẻ ầm ào, đèn sáng trưng như giữa ca sản xuất. “Quan, dân cứ trách nhiệm cao thế này lo nỗi gì kinh tế không tăng trưởng” -Ngọc Hoàng thầm nghĩ và rẽ vào xưởng mộc.
   Giám đốc xưởng mộc đang xăng xái chạy hết chỗ này đến chỗ nọ để đôn đốc, chỉ đạo công nhân. Thấy Ngọc Hoàng vội chạy lại phân trần:
   - Mong Ngọc Hoàng thứ tội, người tới mà thần chẳng biết, công việc bận rộn quá.
   Gật đầu vừa nhìn lướt xưởng mộc, thấy hàng đang được đóng toàn ghế đẹp, gỗ tốt, cũng chẳng kém ngai vàng của Ngọc Hoàng là mấy, hỏi:
   - Sao đóng lắm ghế thế này?
   - Dạ, là do cung cầu thôi ạ. Mấy năm nay bộ máy công bộc của nhà trời tiêu tốn nhiều ghế lắm ạ.
   - Nghĩa là sao? – Ngọc Hoàng vẻ chưa hiểu.
   - Dạ, ý thần muốn nói là cái chỗ ngồi của công bộc ấy ạ. Chẳng hạn như cái Bộ nọ lẽ ra chỉ cần 4 ông cấp phó nhưng do nhu cầu thực tiễn đã tăng lên thành 8, có Bộ còn nhiều hơn nữa. Vì vậy công suất xưởng của thần phải chạy tối đa mới đáp ứng được.
   - Chắc là công việc tăng lên nhiều quá nên mới cần tăng quan chức?
   - Dạ không phải đâu ạ. Việc vẫn thế thôi, nhiều người thì chia bớt ra làm cho nó nhẹ nhàng ạ.
   - Thế quỹ lương của 4 người cũng chia cho 8 người hay sao?
   - Sao lại thế được ạ. Đời sống của đội ngũ công bộc là phải liên tục cải thiện chứ sao để tụt lùi được ạ. Con nghĩ không có chuyện chia lương đâu, có khi còn tăng nữa ấy!
   - À… ra thế. -Trầm tư một lát, bỗng Ngọc Hoàng phẩy tay- Thế này thì chết dân à! Mai ta phải đi thị sát lại mới được, chẳng biết cái khí thế lao động các nơi khác có giống như cái xưởng mộc này không.
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hai chuyện nhỏ trong lần được gặp Đại tướng
Vào một ngày cuối thu năm 1995 tôi vinh dự được phục vụ đoàn cán bộ Binh chủng Công binh đến làm việc tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hồi đó Binh chủng Công binh vừa hoàn thành cuốn lịch sử Công Binh, xin phép Đại tướng ghi lời tựa vào cuốn sách. Bộ đội Công binh vốn rất gần gũi Đại tướng vì thường được giao xây dựng công trình cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trong những năm chiến tranh. Căn hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, nơi Đại tướng làm việc năm 1954 cũng do Bộ đội Công Binh thiết kế, xây dựng.
Là cán bộ tuyên huấn binh chủng, tôi được đi theo đoàn đến nhà Đại tướng mang theo máy ảnh để ghi tư liệu buổi làm việc.
Không rõ các đoàn khác đến gặp và làm việc thì Đại tướng tiếp ra sao, riêng đoàn Binh chủng Công binh đến làm việc hôm đó tôi thấy phòng làm việc Đại tướng còn bày cả bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt… để tiếp khách.
Bắt đầu buổi làm việc, thấy tôi mở máy ảnh định chọn góc chụp bỗng Đại tướng giơ tay ra hiệu dừng chụp ảnh, chỉ vào bàn bánh kẹo, hoa quả và nói:
- Có ghi hình buổi làm việc thì chúng ta hãy tạm cất những thứ này đi đã, lát xong việc thì đưa ra dùng.
Mọi người như đều nhận ra sự tinh tế, nhạy bén trong một việc nhỏ. Nếu hôm đó cứ để hoa quả, bánh kẹo… trên bàn như thế thì khi người khác xem ảnh chỉ thấy đó là một buổi liên hoan nhẹ với Đại tướng chứ chẳng phải buổi làm việc. Những bức ảnh tôi ghi được như vậy cũng chẳng có giá trị tư liệu gì, chỉ như ảnh lưu niệm mà thôi.
Sau khi làm việc xong, đoàn cán bộ Binh chủng Công Binh xin phép Đại tướng ra trước cửa nhà cùng chụp ảnh lưu niệm.
Điều chỉnh đội hình xong tôi chụp liền 4 – 5 kiểu (để cho “chắc ăn”). Khi mọi người định giải tán vì biết chụp thế đã đủ, bỗng Đại tướng ra hiệu mọi người dừng lại và nói:
- Chú Huyên (thư ký riêng của Đại tướng) ra chụp giúp một kiểu để chú chụp ảnh vào đứng cùng mọi người, chụp thêm kiểu nữa. Chú ấy cũng làm việc như mọi người mà.
Sự quan tâm ấy của Đại tướng đã cho tôi có một tấm ảnh lưu niệm quý giá.
Hai chuyện trên chỉ là chuyện rất nhỏ nhưng tôi thấy không phải những người lãnh đạo ai cũng làm được. 

(Ảnh mờ do chụp lại)
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Chuyện vui:
Trận cầu chưa có hồi kết
Hôm nay Bắc Đẩu được Ngọc Hoàng mời vào chầu sớm trong điệu bộ mệt mỏi, ngái ngủ. Đón trước của, Nam Tào nói mát:
- Đêm qua “làm việc quá sức” hay lại thức với ngoại hạng Anh đấy?
- Có thức, thức cả đêm, nhưng không phải giải ngoại hạng Anh mà là giải cấp Bộ của nước Tiểu Rồng.
- Thắng thua thế nào?
- Ôi dào, chẳng bên nào thắng cũng chẳng có thua, họ cứ đưa đi đưa lại, mỏi mắt, đến giờ đã ngã ngũ đâu.
- Lại nhỉ, cùng lắm là 120 phút thi đấu và thêm đá luân lưu chứ sao trận đấu gì mà dài như cái “dây” kinh nghiệm vậy?
- Đây không phải trận cầu. Đây là trận đấu đùn đẩy “quả bóng trách nhiệm” giữa hai Bộ xung quanh hộp sữa ngoại dành cho trẻ em!
- À, tôi hiểu rồi. Thảo nào Ngọc Hoàng cho triệu anh sớm vậy.
- Ý anh là sao?
- Ngọc Hoàng vừa vi hành về thấy dưới hạ giới sao lại vô trách nhiệm với con trẻ như vậy. Sữa ngoại là loại dân sính dùng bỗng dưng biến mất khỏi thị trường. Thử hỏi trẻ em ăn uống gì?
- Ồ. Không phải vậy đâu anh Nam Tào ơi. Họ “làm xiếc” đấy. Sữa ngoại vẫn đầy rẫy, chỉ có điều họ đổi tên khác mà thôi. Tên là sữa thì phải bình ổn giá. Bộ Y đã đổi thành tên "thực phẩm chức năng". Từ đó các doanh nghiệp sữa thoải mái tăng giá, Bộ T chịu bó tay, không quản được. Với cái tên mới, lợi nhuận doanh nghiệp sữa thu về bộn tiền. Dư luận kêu nhiều quá nên hiện hai cái Bộ Y và T cùng quản mặt hàng này đang đá “bóng trách nhiệm” cho nhau. Cái vụ đá bóng tối qua tôi xem là nó đấy. Nghe chừng nếu không có Ngọc Hoàng vào cuộc phân xử hay đề ra luật mới thì chưa biết đến khi nào mới ngã ngũ. Thôi tôi vào giải trình với Ngọc Hoàng đây, kẻo ngài nổi giận.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

 Người kiến tạo vĩ đại
I Rắc sau cuộc chiến lật đổ Tổng thống Hussein của Mỹ, đã trở thành thể chế dân chủ đúng theo mong đợi của Mỹ và Phương Tây. Chỉ có điều, mục tiêu cuộc chiến xâm lược này là tìm và phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt thì đến nay vẫn chưa đạt được và mãi mãi sẽ không thể tìm ra thứ vốn dĩ không tồn tại ở đây.
Thể chế dân chủ tại Apghanixtan được chuyển giao từ chính quyền Taliban cũng bằng một cuộc chiến tranh trừng phạt. Tuy nhiên, sau nhiều năm bình định bất thành, rút chân khỏi đây Mỹ lại đang khuyên chính quyền đương nhiệm đàm phán hòa bình với Taliban!
Cuộc chiến xâm lược Li bya với lý do thể chế độc tài đàn áp dân lành được kết thúc bằng hình ảnh nhà lãnh đạo Cadaphi bị hành hình man rợ như thời trung cổ (có lẽ đây cũng là sản phẩm của chế độ dân chủ?!). Cái chết của ông này không được “lịch sự” như ông Hussein là treo trên giá treo cổ!
Với thể chế của ông Assad, cả thế giới cũng đang phập phồng lo ngại với cái kết tương tự, nếu lương tri nhân loại không thắng cái ác.
Không hiểu các nước được “nhập khẩu dân chủ” trên nay đã có dân chủ hay chưa? Một điều chắc chắn nhân dân các nước này đang “được hưởng” thành quả của nền dân chủ – đó là biến cả nước thành một “pháp trường” tầm quốc gia. Mỗi năm có hàng ngàn người dân vô tội bị “xử trảm” một cách vô tình bằng các cuộc đánh bom khủng bố. Hàng ngàn người chết hàng năm, đó là do bọn khủng bố chứ đâu tại Mỹ, Phương Tây hay chính quyền đương nhiệm?!
Lật đổ xong các “nhà độc tài”, dựng lên một "ma nơ canh chính trị" là họ đã hoàn thành trách nhiệm lớn lao, một trách nhiệm quốc tế! Các nhà tư bản dầu mỏ, tư bản vũ khí sẽ tung hô, ca ngợi các nhà lãnh đạo của họ như những vị anh hùng. Kho bom đạn của họ lẽ ra sắp phải thanh lý vì hết đát, đã được sử dụng một cách “hợp lý và nhân đạo”!. Kể cũng đúng, chẳng lẽ vũ khí sản xuất ra lại cứ để trong kho rồi lại đem tiêu hủy? Nó phải được đem ra bắn vào ai đó, thả xuống đâu đó một cách đúng đắn, thuyết phục! Có như vậy bom đạn mới được sản xuất tiếp, tạo “công ăn việc làm” và kích cầu cho nền kinh tế! Đây có thể nói là những gói kích cầu (QE) bằng máu và xương của đồng loại. Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới xứng danh là một nhà kiến tạo vĩ đại cho nền kinh tế và cả những “pháp trường” tầm cỡ quốc gia!
Đinh Hoàng

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013


Những “nghịch cảnh” có thật tại VN

Nguyên liệu đắt hơn sản phẩm- Vàng SJC
Buôn 1 lãi 9 - Sữa ngoại
Kinh doanh không bao giờ bị lỗ (thật) - Doanh nghiệp độc quyền
Liên tục tăng nhưng đang giảm từ từ - Lương
Danh hiệu càng cao, đời sống càng thấp - Nông dân
“Bộ phận không nhỏ” nhưng rất khó tìm thấy - Tham nhũng
Nhiều sản phẩm “sản xuất” dưới đất nhưng thực hiện trên mây- Văn bản pháp quy.
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

                  Bỏ ruộng
 
Hàng ngàn năm người dân Việt
Gắn bó ruộng đồng, nồng vị bùn non
Trong giấc ngủ chập chờn hương nếp mới
Cánh cò bay trên vàng rộm chân trời.
           Nay sao bỗng ruộng đồng bạc phếch
           Còng tấm lưng bán rẻ giọt mồ hôi
           Hạt gạo trắng chẳng đỡ nổi đời kham khó
           Đồng ruộng ơi, xin đành phụ nhau thôi!
                        
                                             Đinh Hoàng

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Chuyện vui

Nô lệ
     
      Mải việc Thiên đình, hôm nay Ngọc Hoàng mới có chút thời gian rảnh rỗi soi kính Viễn Thiên xuống một góc hạ giới xem dân tình ra sao.
      Chợt thấy một cảnh chướng tai gai mắt làm Ngọc Hoàng nóng bừng mặt, truyền lệnh gọi ngay Bắc Đẩu đến để truy vấn cho ngọn ngành. Bắc Đẩu được gọi bất ngờ biết có chuyện chẳng lành, khép nép, rón rén bước vào. Ngọc Hoàng hỏi ngay:
      - Dưới hạ giới nay có còn chế độ nô lệ không?
      Bắc Đẩu thở phào như trút được gánh nặng:
      - Dạ bẩm, chắc Ngọc Hoàng cứ đùa thần! Chế độ chiếm hữu nô lệ thần đã chỉ đạo hạ giới thanh toán xong cách đây mấy trăm năm rồi, nay làm gì có chuyện ô uế ấy ạ?
      - Ngươi lại đây xem nó là cái gì? - Ngọc Hoàng chỉ Bắc Đẩu đến bên kính Viễn Thiên - Ngươi có thấy một người gầy yếu kia đang khiêng trên vai hai gã béo tốt không?
      - À… dạ bẩm, đấy là ông nông dân đó mà Ngọc Hoàng. Mấy năm nay kinh tế khó khăn nên sức vóc họ có giảm sút đôi chút, nhưng họ vẫn sống được ạ - Bắc Đẩu giải thích.
      - Thế còn hai cái gã bất lương to béo như con lợn kia, chúng là ai mà đè đầu cưỡi cổ người ta như vậy?
      - Xin bệ hạ đừng miệt thị họ quá thế, họ là Thương gia và Nhà sản xuất cả đấy, thiếu họ, nông dân cũng chẳng sống được ạ.
      - Ngươi nó rõ hơn xem nào?
      - Ngài Thương gia kia là nhà xuất khẩu gạo đấy ạ. Nhiều năm qua nông dân mình sản xuất được mùa liên miên, gạo xuất khẩu tăng liên tục nên đã vươn lên hàng nhất nhì hạ giới. Chỉ tiếc là giá gạo hạ quá, nông dân làm chỉ đủ hòa vốn thôi ạ. Không có Thương gia, nông dân cầm chắc lỗ vốn! Còn Ngài sản xuất kia là nhà sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn gia súc. Nông dân mình phải dựa vào mấy cái hàng dịch vụ này chứ không thể làm tròn hết các khâu được đâu ạ. Dưới hạ giới bây giờ phân công lao động, sản xuất theo chuỗi nên năng suất mới cao được. Tuy nhiên, do giá đầu vào cao nên các ngài Thương gia cũng không thể bán lỗ cho nông dân được, họ kinh doanh cũng cần có lãi ạ. Cũng vì những lý do trên, vụ này nông dân đành chấp nhận lỗ một ít ạ. Chắc tình hình năm sau sẽ khá hơn.
      - Không được! Ta thấy người nông dân đổ mồ hôi như tắm thế kia mà chẳng có hiệu quả gì, vậy họ sống được sao? Ta không thể chấp nhận! Đúng là cảnh nô lệ! Ngươi cần có ngay giải pháp chấm dứt cảnh này.
       Bắc Đẩu xun xoe vừa đi lùi ra nhanh chóng cáo lui:
      - Dạ, thần sẽ chỉ đạo quyết liệt ạ.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Chuyện vui

 Quyết liệt chỉ đạo

     Quan chức cao hàng đầu địa phương (xin gọi tắt là Q1) nghe báo cáo tình hình chăn nuôi của dân khốn đốn vì giá bán gia súc, gia cầm, thủy sản bán dưới giá thành chục hàng ngàn đồng mỗi cân. Tình hình trồng trọt cũng bi đát không kém, lúa tuy được mùa nhưng dưới giá thành sản xuất gần 1 ngàn đồng/cân. Trong cuộc họp, ông ta đập bàn, chỉ mặt các lãnh đạo cấp dưới (tạm gọi là Q2):
      - Các anh sống bằng tiền thuế dân nuôi đấy! Không biết thương dân ư? Hãy về tìm biện pháp tháo gỡ, đừng để cuộc họp này năm sau tôi phải nghe lại chuyện này!
      Tại cuộc họp do Q2 chủ trì tại địa phương mình, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi, trồng trọt bê bết, được mùa mất giá, bán dưới giá thành, ông ta đập bàn, chỉ mặt các lãnh đạo cấp dưới (tạm gọi là Q3):
      - Các anh sống bằng tiền thuế dân nuôi đấy! Không biết thương dân ư? Hãy về tìm biện pháp tháo gỡ, đừng để cuộc họp này năm sau tôi phải nghe lại chuyện này.
       Tại cuộc họp do Q3 chủ trì tại địa phương mình, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi, trồng trọt bê bết, được mùa mất giá, bán dưới giá thành, ông ta đập bàn, chỉ mặt các lãnh đạo cấp dưới (tạm gọi là Q4, thực ra là các Trưởng thôn):
      - Các anh sống bằng tiền thuế dân nuôi đấy! Không biết thương dân ư? Hãy về tìm biện pháp tháo gỡ, đừng để cuộc họp này năm sau tôi phải nghe lại chuyện này.
       Q4 (các trưởng thôn) tức tốc tổ chức họp thôn, sau khi phân tích tình hình chăn nuôi, trồng trọt bê bết, được mùa mất giá, bán dưới giá thành, Trưởng thôn trì chiết:
      - Các ông, các bà phải đổi mới cách nghĩ cách làm đi chứ, không thì tôi tin rằng sang năm lại tái diễn tình hình này thôi, lại được mùa, mất giá, nghèo lại hoàn nghèo.
      Một lão nông giơ tay xin phát biểu, Trưởng thôn nhanh nhẩu nói:
      - Được, xin mời cụ có sáng kiến gì góp ý cho?
      - Tôi chẳng có sáng hay tối kiến gì đâu, tôi chỉ xin nhắc là câu đánh giá này của Trưởng thôn tôi đã được nghe trong nhiều cuộc họp từ mấy năm qua rồi. Chắc sang năm cũng thế thôi!
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

 Những ai dùng bằng giả?

Trên thị trường “đen” hiện nay không khó để tìm mua một tấm bằng giả. Câu chuyện làm bằng giả đã phát hiện, triệt tiêu nhiều đường dây sản xuất nhưng có vẻ vẫn chưa đến hồi kết. Có nghĩa “thị trường” tiêu thụ vẫn đang có nhu cầu. Vậy ai là những người sử dụng thứ “hàng giả” này. Xin làm một kiểm nghiệm theo phương pháp loại trừ xem ai đang sử dụng bằng giả:
- Nông dân? Chắc chắn không phải. Nền nông nghiệp nước ta nhà nông vẫn chân lấm, tay bùn, thoát cảnh con trâu đi trước…, tuy có cái công nông kéo cày nhưng cũng chẳng cần bằng cấp vì có ai kiểm tra xem họ có bằng lái máy cày đâu? Tiền đâu đến nỗi thừa để nông dân mua bằng giả!
   - Công nhân? Cũng không! Với trình độ thợ, khi đã được đào tạo nghề thì chẳng mấy ai trượt. Tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp chỉ cần học sinh đã qua PTTH hoặc THCS, họ tự đào tạo nghề rồi cho vào dây chuyền sản xuất luôn. Do vậy họ chẳng mấy quan tâm bằng cấp của công nhân và công nhân cũng chẳng dư tiền để mua bằng giả làm gì.
   - Sinh viên? Rất hiếm. Trong cơ chế thị trường hiện nay, dù học có đuối đôi chút thì sinh viên vẫn biết cách quan tâm, “chăm sóc” thầy để có được những điểm số cần thiết cho tấm bằng tốt nghiệp. Hiện có hàng ngàn sinh viên ra trường cũng chẳng kiếm được việc làm dù là bằng khá. Với tấm bằng giả liệu có lọt qua các kỳ phỏng vấn xin việc? Nhiều người đã phải cất tấm bằng vào tủ làm lưu niệm rồi vào làm công nhân trong các khu công nghiệp. Đã không có việc làm, họ cũng chẳng cần mua bằng giả làm chi.
   - Trí thức, các nhà khoa học? Không thể. Với đặc thù lao động trí óc, sản phẩm là kết tinh trí tuệ, bằng giả không thể có đất tồn tại vì nó sẽ lộ ngay.
   - Tiểu thương, thương gia? Cũng không thể vì với tấm bằng giả, nó chẳng giúp gì họ trong cuộc mưu sinh và cạnh tranh khốc liệt của thương trường!
   Như vậy chỉ còn một đối tượng, cũng là lực lượng hùng hậu nhất mà nếu không có bằng cấp khó mà “lọt” vào được, đó là Công chức! Muốn được xếp lương cao, nâng lương: bằng cấp; muốn được thăng chức, cấp, bổ nhiệm…: bằng cấp. Chức vụ càng cao thì càng cần bằng cấp thứ hạng cao. Chính vì vậy sẽ không thể dẹp nạn bằng giả chừng nào còn các quan chức ít học lại muốn leo cao.
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Những người “chịu trách nhiệm”

Sau mấy ngày phục vụ thanh tra với bao nhiêu bê bối về công việc quản lý kinh doanh được lôi ra đã làm ông Nhiệm mệt bải hoải. Tại sao mọi thứ cứ đổ hết lên đầu mình vậy nhỉ. Cái sự lỗ bê bết này nó còn bắt nguồn từ những năm trước, khi ông còn đang là một anh trợ lý cơ mà. Những suy nghĩ mông lung đã đưa ông Nhiệm vào giấc ngủ mê mệt.
Trong giấc mơ, ông đang đến nhà ông Nguyễn Tài, cựu bí thư Đảng ủy Công ty Đại Thanh cách đây 10 năm, người đã ký cái nghị quyết đưa ra chủ trương vay vốn kinh doanh với lãi suất ngất ngưởng. Hiện nay, cứ mỗi ngày mở mắt ra là Công ty ông đã mất hàng chục triệu tiền lãi.
Xe vừa đến cổng nhà ông Tài, ông Nhiệm thấy nhiều người chạy ra chạy vào vẻ mặt nghiêm trang. Nhà này có chuyện gì chăng?- Vừa nghĩ ông vừa đẩy cổng bước vào. Gặp một người đi ra, ông Nhiệm vội hỏi:
      - Nhà mình đang có chuyện gì thế?
      - Cụ sắp đi rồi, đang trăng trối với con cái.- Người đó nói rồi vội đi ra.
      - Này, “cụ” là ai thế?- Ông Nhiệm với theo.
      - Cụ Tài chứ còn ai ở nhà này nữa!
Thế là hết hy vọng mời cụ Tài đến thanh minh giúp Công ty với thanh tra. Ông Nhiệm lầm lũi rút lui.
À, còn ông Chính, cựu giám đốc kiêm phó bí thư Đảng ủy Công ty cùng thời ông Tài. Ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm giải trình chứ nhỉ? Ông lệnh cho lái xe đến thẳng nhà ông Chính.
Bấm chuông đến gần 5 phút mới thấy một gã thanh niên to, đen xuất hiện. Vừa đẩy cửa vừa ngáp và gãi tai dáng điệu như một con nghiện, gã hất hàm:
      - Việc gì?
      - Tôi là Nhiệm, giám đốc Công ty Đại Thanh. Cậu là con bác Chính phải không?
      - Rất tiếc là như vậy! Có gì nói nhanh đi.
      - Chả là khi đang công tác, ông cụ có nhận trách nhiệm một số chuyện. Tôi muốn mời “cụ” đến để cùng giải trình với thanh tra…
      Gã thanh niên bỗng trợn mắt, hất hàm:
      - Ông có bị thần kinh không? Nếu đúng bị bệnh thần kinh thì sang ngay bệnh viện Trâu Quỳ nhé. Còn nếu ông định đến để gây sự, ông có tin là tôi sẽ cho ông vỡ mặt ngay tại đây không? Ông biến nhanh cho tôi nhờ. Xuống nghĩa trang Văn Điển mà gặp lão ấy nhé! Đúng là đồ điên…
Ông nhiệm hoảng hồn bừng tỉnh giấc, toàn thân túa mồ hôi ướt đẫm. “Liệu có đúng là các “hắn” đi cả rồi không nhỉ”?- Ông Nhiệm vẫn mung lung suy nghĩ về những người chịu trách nhiệm.
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Chuyện vui:

Ngọc Hoàng phán quyết
      Hai quốc gia láng giềng ven Biển Xanh là Đại Bò và Tiểu Rồng vốn có xích mích từ ngàn năm nay. Đại Bò cậy lớn luôn gây sự, chèn ép, thôn tính nên dân Tiểu Rồng chưa bao giờ được yên.
      Gần đây Đại Bò dựa vào mấy nét vẽ bậy của một con dân từng chấp chính, vẽ trên tấm bản đồ cũ đã đòi chủ quyền gần hết Biển Xanh, liếm vào sát bờ biển dài dặc của Tiểu Rồng cùng nhiều nước khác với lý luận đường Lưỡi Bò lịch sử không thể tranh cãi!
      Tuy nhỏ nhưng dân Tiểu Rồng vốn dũng cảm, thông minh, chưa bao giờ khuất phục Đại Bò. Một họa sỹ của Tiểu Rồng đã có sáng kiến cũng vẽ một đường gọi là Lưỡi Rồng. Đường Lưỡi Rồng này ôm trọn cả đường Lưỡi Bò của Đại Bò. Sáng kiến này đã được cả chính quyền và muôn dân Tiểu Rồng nhất trí chọn làm đường biên giới trên Biển Xanh, khảng định chủ quyền của mình.
      Sự tranh dành giữa hai quốc gia không thể ngã ngũ. Sự việc đẩy lên cho Ngọc Hoàng phán xử.
      Sau khi nghiên cứu, Ngọc Hoàng thấy phần lý của Tiểu Rồng có vẻ hơi đuối vì đường Lưỡi Rồng rõ ràng là học theo Lưỡi Bò và chỉ mới được vẽ ra. Tại tòa Ngọc Hoàng chất vấn:
      - Trước hết Đại Bò nói ta nghe cái lý của nước ngươi?
      Sứ giả Đại Bò khúm núm, xun xoe:
      - Dạ thưa, lước ngộ hoàn toàn có đủ chứng cứ liệc dử về chủ quyền trên Biển Xanh dồi à. Nó lược con dân lước ngộ vẽ ra gần trăm lăm lay dồi à. Bên Tiểu Rồng dõ dàng là bắc chước lước ngộ, chỉ vừa vẽ da thôi à…
      Ngọc Hoàng gật gù, quay sang sứ giả Tiểu Rồng:
      - Rõ ràng nước ngươi bắc chước, mới vẽ ra chứ đâu có chứng cứ lịch sử gì?
      - Dạ, thần xin hỏi Ngọc Hoàng một câu được không ạ?- Sứ giả Tiểu Rồng không trả lời mà hỏi lại Ngọc Hoàng.
      - Được, cho phép ngươi hỏi - Ngọc Hoàng.
      - Dạ, theo Ngọc Hoàng, thế nào là chứng cứ lịch sử ạ?
      - Là sự kiện nó đã tồn tại lâu qua năm tháng, dần dà thì gọi là lịch sử.
      - Đúng thế ạ. Đường Lưỡi Bò, theo con biết, nó mới được vẽ chưa đầy trăm năm. Vậy cái đường Lưỡi Rồng của nước con, sau 100 năm nữa nó có là chứng cứ lịch sử không ạ?
      - Ừ nhỉ, lúc đó thì Lưỡi Rồng cũng là chứng cứ lịch sử rồi còn gì!-Ngọc Hoàng gật gù như chợt nhận ra. Sau mấy phút suy tư, nhớ lại những quy ước của Luật Trời, Ngọc Hoàng phán quyết:
      - Hai sứ giả Đại Bò, Tiểu Rồng nghe đây. Phên dậu, biên giới quốc gia đã được phả hệ Thiên Đình quy định hàng ngìn năm nay rồi. Các ngươi phải tuân theo Luật Trời, không phải cứ tùy hứng, vẽ hươu vẽ vượn ra rồi lấy cớ tranh chấp của nhau là được. Hãy về xem lại bản đồ của tổ tiên ngàn năm trước xem nó thế nào, cứ thế mà thi hành. Bãi triều.
      Nghe phán quyết vậy, sứ giả Tiểu Rồng phấn khởi ra mặt, vội lạy bẩm cáo từ ngay.
      Sứ giả Đại Bò đứng như trời trồng. Rồi gãi đầu gãi tai định trình bày thêm với Ngọc Hoàng nhằm vớt vát. Chưa kịp nói, Ngọc Hoàng nhắc luôn:
      - Nói riêng với ngươi, nước ngươi là nước lớn, phải tỏ ra quân tử đại trượng phu chứ. Xưa nay ta thấy các ngươi nhỏ nhen lắm, tranh từng tí đất, tí sông, cậy thân Bò to xác ăn hiếp thiên hạ. Nói nhỏ với ngươi, cái Lưỡi Rồng thè ra còn có kẻ sợ vì dẫu sao đó cũng là giống rắn, giống rồng. Lưỡi bò nhà ngươi mà thè ra liếm láp lung tung, nó mà cắt đem xào tỏi thì các ngươi có sống được không?
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013



Quảng cáo của Công ty đặc thù (Vô trách nhiệm hữu hạn)

Công ty đặc thù (VTNHH) cần tuyển gấp nhân viên. Một số yêu cầu cơ bản:
- Ngoại hình đẹp, có nụ cười tươi, dễ mến
- Tuổi từ 18 đến 26, ưu tiên nữ
- Trình độ học vấn: Mẫu giáo hoặc tiểu học
- Chuyên môn: Nói năng rành rọt
- Yêu cầu thời gian, công việc: Khi có sự cố xảy ra (do cán bộ, nhân viên các đơn vị hành chính, doanh nghiệp gây nên), đến gặp và trình bày với khách (bị hại) một câu: Chúng tôi xin lỗi.
- Địa chỉ liên hệ: Công ty đặc thù (VTNHH) của các cơ quan hành chính công.
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Nghĩ về vai trò của Đảng

     Cuộc sinh hoạt chính trị lớn của toàn dân tộc đã trải qua hơn 3 tháng với những kết quả đáng phấn khởi, thể hiện trách nhiệm của đông đảo người dân yêu nước. Điều này đã nói lên tính đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta khi quyết định sửa đổi Hiến pháp 1992.
     Cũng từ cuộc sinh hoạt lớn này trong những ngày qua cho ta những băn khoăn, suy nghĩ và lo lắng. Việc đòi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp 1992 dù chỉ là của rất ít người (cũng là quyết tâm của các thế lực thù địch, chống đối bên ngoài) đã thổi lên những tranh luận gay gắt, làm không ít người băn khoăn, dao động.
     Không cần sự lãnh đạo của Đảng; Đảng không thể đứng trước Tổ quốc, nhân dân (trong một cụm từ); Quân đội phải trung với nước, hiếu với dân chứ không thể chỉ trung với Đảng vv và vv…
     Chúng ta thử đặt lại câu hỏi này: tại sao không cần sự lãnh đạo của Đảng? Tổ quốc là Tổ quốc như thế nào? Ai sẽ bảo vệ Nhân dân nếu không có Đảng?
     Ngược dòng lịch sử từ những tháng năm chưa có Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam có thể nói đã có mà cũng như chưa có. Từ khi quân đội thực dân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, Tổ quốc có thể coi đã mất. Chính quyền bù nhìn đã được điều khiển bằng nước mẹ Cộng hòa Pháp. Từ đó cho đến năm 1954, khi Toàn quyền Đông Dương đóng cửa, dân tộc ta coi như chưa có Tổ quốc đúng nghĩa. Nhân dân sống lầm than dưới ách đô hộ bạo tàn của Thực dân, Phong kiến. Cũng từ năm 1930, khi Đảng CSVN ra đời, các phong trào cách mạng tự phát bao năm không mang lại kết quả nay đã có ngọn hải đăng dẫn lối, đưa đường. Thấy được tương lai tươi sáng từ chính cương của Đảng, thấy được niềm tin từ những đảng viên kiên trung, bất khuất không quản ngại dấn thân chốn lao khổ tù đày, mọi tầng lớp người dân yêu nước Việt đã ra sức chở che và đi theo Đảng. Để mục tiêu cách mạng (một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân) đi đến đích cuối cùng, Đảng cần phải xây dựng lên một lực lượng vũ trang cách mạng để chống lại sự đàn áp phản cách mạng. Quân đội nhân dân chính là công cụ được xây dựng lên từ yêu cầu của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
    Tổ quốc chúng ta có được hôm nay là thành quả sự lãnh đạo của Đảng, sao ta lại băn khoăn do dự nâng lên, đặt xuống, tính suy nặng nhẹ giữa Đảng với Tổ quốc? Mục tiêu lý tưởng của Đảng chính là nguyện ước của toàn dân tộc – xây dựng một chế độ xã hội ngày một tươi đẹp hơn, vậy tại sao lại chia rẽ Đảng – Tổ quốc, Nhân dân – Đảng? Tại sao lại cố đồng nhất một số khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong quá trình hoạt động lãnh đạo đất nước với bản chất của Đảng? Không thể phủ nhận trong 83 năm tồn tại, Đảng đã mắc không ít khuyết điểm, sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng như trong cải cách ruộng đất những năm 1950. Cũng do sai lầm này, Hồ Chí Minh đã từ chức Chủ tịch Đảng, Trường Chinh đã từ chức Tổng bí thư cùng nhiều cán bộ cao cấp chịu kỷ luật Đảng.
     Những người muốn loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN với dân tộc VN, vậy họ muốn ai sẽ lãnh đạo? ai sẽ cai quản đất nước này? Phải chăng đó là những gương mặt thất bại bỏ chạy ra nước ngoài ôm mối hận muốn trở về rửa hận? Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ 20, dù đã được người Mỹ nuôi nấng, trang bị đến tận răng nhưng nội bộ chế độ VN Cộng hòa vẫn chẳng chú tâm vào chống Cộng, triền miên đấu đá, tranh giành quyền lợi, địa vị. Chỉ mấy năm trời đầu thập niên 60 đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chính lật đổ lẫn nhau. Liệu có ai hy vọng vào những gương mặt của chế độ đang nằm trong sọt rác lịch sử ấy trở về lãnh đạo đất nước?
     Bảo vệ Tổ quốc quan trọng hơn bảo vệ Đảng? Một số người đã có suy nghĩ sai lầm coi bảo vệ Đảng như là bảo vệ quyền, lợi ích của một ai đó chức quyền. Tại sao một số người cố tình không hiểu bảo vệ Đảng ở đây chính là bảo vệ sự trong sạch của Đảng. Bởi chỉ có một Đảng trong sạch, vững mạnh mới đưa dân tộc đến đích cuối cùng là ấm no, hạnh phúc của toàn dân. Vai trò bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân đã được Đảng ta thực hiện suốt 83 năm qua. Loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, ai sẽ là người bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân?
     Luận điểm của những người muốn loại bổ Điều 4 Hiến pháp là quá rõ.
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Chuyện vui

Buôn ni lông
Ông A: - Dạo này bà xã nhà ông bỏ buôn sắt vụn sang buôn ni lông hay sao mà nhà xếp nhiều túi ni lông thế?
Ông B: Ừ, vì giá ni lông bỗng lên  cao quá, bà ấy chuyển sang thu gom với chí vô Sài Gòn  một chuyến để làm giàu.
Ông A: -  Vậy ư? Nhưng  sao phải vào tận Sài Gòn mới bán được ni lông?
Ông B: - Đúng vậy. Thế ông có biết trọng lượng ni lông bọc ngoài 1 cây vàng là bao nhiêu không?
Ông A: - Tôi có tiền đâu mà quan tâm tới cây với chỉ. Nhưng lớp bọc mỏng dính thế thì đáng bao gam?
Ông B: - Tôi ước phải bốn năm chục cái vỏ ấy mới nặng bằng một cây vàng. Mà một cái vỏ bọc "lượng" vàng  ấy hiện nay có giá 200.000 đồng đấy. Cho nên một “lượng” ni lông cũng đến 7-8 triệu chứ ít à?
Ông A: - Thế bà ấy định bán ni lông cho công ty nào?
Ông B: Đấy, cái “Ông  SJC” độc quyền chứ ai. Họ chỉ dập một cái vỏ ni lông đã mất 200.000 đồng rồi!
Đinh Hoàng