Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Luận bàn:

Bài toán “thông minh” của Petrolimex
     

      Một chuyện lạ vừa xảy ra với một doanh nghiệp Việt Nam ta, cũng có thể coi là hiếm có trên thế giới: Doanh nghiệp đề nghị nhà nước tăng thuế mặt hàng mà họ đang kinh doanh! Đó là câu chuyện chính Petrolimex đề nghị Bộ Tài chính tăng thuế xăng dầu!


Kết quả hình ảnh cho giảm giá xăng dầu

      Thật lạ lùng biết bao! Cũng thật phi thường biết bao! Ai bảo rằng Petrolimex chỉ biết đến lợi nhuận? Họ quá trách nhiệm trước nguồn thu ngân sách đất nước. Họ hy sinh quyền lợi, quả cảm biết bao!
      Tuy nhiên, đó chỉ là những cảm giác ban đầu của nhiều người. Các cụ xưa đã dạy, đừng vội tin con buôn!
      Vậy ta thử suy xét xem tăng thuế xăng dầu 7% lúc này ai được lợi, ai chịu thiệt?
      Chúng ta đều biết giá dầu thô thế giới đã xuống dưới 60USD/thùng, chưa bằng ½ giá lúc đỉnh điểm. Cũng lúc đỉnh điểm đó, giá xăng trong nước cao nhất lên trên 25.000đ/lít. Một phép tính đơn giản là lẽ ra giá xăng dầu cũng phải giảm giá ½, còn chừng 13.000đ/lít chứ không phải 19.000đ/lít như hiện nay.
      Do giá thế giới vẫn đang giảm tiếp, sức ép giảm giá ngày càng tăng theo đà giá dầu thế giới sụt giảm. Tại sao Petrolimex không đề xuất giảm giá mà lại đề nghị tăng thuế? Sự thể là thế này: Đã “xin” tăng thuế để tăng thu ngân sách thì đó chính là lý do chính đáng để không phải giảm giá xăng dầu. Cái phần tăng thuế 7% của 19.000đ ấy chỉ khoảng gần 1.400đ, chưa bằng số tiền chênh  6.000đ (19.000-13.000 = 6.000đ) này nếu phải giảm giá. Tiền chênh này là từ túi người sử dụng xăng dầu chứ đâu phải của Pettrolimex. Cái thứ hai là Quỹ bình ổn (thực ra cũng là quỹ của Petrolimex trích từ túi tiền người sử mua xăng dầu): Nếu giá xăng dầu giảm xuống thì số tiền trích quỹ bình ổn cũng sẽ giảm theo tỷ lệ. Nếu giá giữ nguyên thì số tiền trích quỹ sẽ không bị giảm. Vậy là với giá bán xăng dầu giữ nguyên, lợi nhuận của họ cũng giữ nguyên, quỹ bình ổn cũng không sụt giảm. Tăng thuế 7% rút cục chẳng ảnh hưởng gì tới Petrolimex (thậm chí lãi tăng nếu giá thế giới giảm tiếp). Nhà nước bỗng có thêm 7% cho nguồn thu ngân sách, tốt quá còn gì!
      Nói tăng thuế mà không ai chịu ảnh hưởng thì thật phi lý. Lẽ ra cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng có cơ hội hưởng mức giá xăng dầu đúng giá trị thực của nó. Trong lúc kinh tế suy giảm, kinh doanh khó khăn nếu chi phí đầu vào giảm sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp vượt khó đi lên. Sản xuất của tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế tăng trưởng mới mang lại nguồn thu to lớn và bền vững cho ngân sách quốc gia. Nguồn tăng thu 7% của Petrolimex liệu có so sánh được với nguồn đóng góp của cả cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân?
      Petrolimex đã có một bài toán thật ranh ma. Tuy nhiên bài toán này chỉ đơn thuần là các phép tính cộng trừ nhân chia, học sinh tiểu học có thể tính được. Nhưng chẳng lẽ phép tính đơn giản này mà lại “qua mặt” được Bộ Tài chính với hàng trăm bộ óc siêu việt? Ai cho rằng Bộ Tài chính bị Petrolimex qua mặt thì đó là ý kiến ngớ ngẩn.
      Ai đứng về phía quyền lợi Petrolimex? Ai vì quyền lợi xã hội và cộng đồng doanh nghiệp?
      Trong một nền kinh tế thị trường pha trộn độc quyền, mọi thứ rất dễ bị lẫn lộn trong chằng chịt những lợi ích nhóm!
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Chuyện vui

Tắc đường Thiên Đình


      Nghe cư dân Thiên Đình phàn nàn về tình hình ách tắc đường hàng không, nhất là tuyến bay đi, tới đất Nam Việt, Ngọc Hoàng triệu Bắc Đẩu đến chất vấn:
      - Giữa lúc kinh tế suy thoái, đình đốn, đời sống dân tình khó khăn, vậy mà sao đường hàng không đến Nam Việt quốc lại quá tải như vậy?
      Xoa tay khúm núm với điệu bộ xun xoe quen thuộc, Bắc Đẩu thanh minh:
      - Dạ bẩm Ngọc Hoàng, việc này có 2 nguyên nhân chính ạ. Cái thứ nhất là vài năm gần đây các quan chức, chủ doanh nghiệp cứ đua nhau đến Nam Việt để học tập ạ.
      - Hừ! Học cái sự giáo dục của Nam Việt ư?- Ngọc Hoàng ngắt lời,- Ta thấy họ đang rối như tơ vò cái sự “đổi mới giáo dục”, tranh luận, cãi vã nhau hàng năm chưa đi đến đâu thì học được họ cái gì?
      - Bẩm, đúng là không thể học họ cái tư duy giáo dục ạ, có chăng chỉ học cái kết quả giáo dục thôi. Nhưng mà đó không phải là động lực lớn để các nước họ đến học Nam Việt, họ học nhiều cái khác ạ! Thần xin đơn cử một vài ví dụ: Cái nước Singapo văn minh hiện đại, đời sống dân cao ngất ngưởng thế mà quan chức vẫn cắp sách sang học tập Nam Việt. Nước này họ khát khao có được thành tích về sự hài lòng của người dân với chỉ số 80% của Nam Việt quốc như vừa thông báo. Với Singapo, chỉ cần đạt 70% là họ đã mừng lắm rồi! Hay trường hợp thứ 2 là nước Đức cũng lũ lượt cắp cặp sang Nam Việt học cách đào tạo, rèn dũa đội ngũ công vụ. Mục tiêu của họ là cố gắng có được đội ngũ công chức với 95% hoàn thành nhiệm vụ, còn mức 99% như của Nam Việt đạt được năm qua chỉ là ước mơ xa của họ mà thôi, lúc này chưa dám nghĩ đến. Một trường hợp nữa là nước Mỹ, quan chức từ các quận, bang và toàn hợp chủng quốc cũng kéo đến Nam Việt với hy vọng đưa tỷ lệ thất nghiệp địa hạt mình quản lý từ 8-9% hiện nay xuống khoảng 4-5%, nhưng họ cũng không dám mơ tới con số tỷ lệ thất nghiệp 1,84% mà Nam Việt vừa công bố…
      - Thôi, thế là ta hiểu rồi, âu cũng là chuyện vui của nước Nam Việt. Vậy cái chiều ách tắc giao thông đường không từ Nam Việt đi các nước khác là sao vậy?- Ngọc Hoàng.
      - Bẩm Ngọc Hoàng, cái nước Nam Việt này kỳ lạ lắm, họ vẫn nhập siêu đủ thứ hàng hóa từ que tăm tới máy bay nhưng lại xuất siêu nhiều hàng độc: Họ sản xuất nghị quyết rất giỏi, họ viết báo cáo thành tích thì hay đến… thôi rồi. Những con số đẹp như trên cũng nằm trong chuỗi sản xuất cả đấy ạ. Tuy nhiên, đời sống dân tình thì vẫn còn khó khăn lắm, mới vừa thoát nghèo thôi, cho nên dân tình vẫn chưa hết cảnh kéo nhau sang nước khác tìm kiếm cơ hội đổi đời. Người tài giỏi thì đi bán chất xám, người không có trình độ thì đi bán sức, làm phu lao động tay chân, thậm chí phụ nữ thì đi… lấy chồng ngoại quốc…
      - Thôi, thôi, ta hiểu cả rồi! Thật bế tắc chứ không phải tắc đường- Ngọc Hoàng phẩy tay cho Bắc Đẩu lui mà gương mặt buồn rười rượi.
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Luận bàn

Công cụ và mục tiêu

      Ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo chủ trương của Đảng. Đúng là phải có nền kinh tế XHCN mới mang lại sự no ấm, bình đẳng cho con người. Để một nền kinh tế thị trường sơ khai nằm trong quỹ đạo định hướng XHCN thì cần có các thực thể kinh tế giữ vai trò bà đỡ, chủ đạo và định hướng. Chính vì lý do đó Nhà nước đã trao cho một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực then chốt, án ngữ đầu vào của nền kinh tế như điện lực, xăng dầu… trách nhiệm làm “trụ đỡ”, dẫn dắt, định hướng cho các doanh nghiệp và dân doanh, bảo đảm sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
      Mục tiêu và trách nhiệm lớn lao là vậy, nhưng nhìn vào thực tiễn những “trụ đỡ” này đã làm được những gì cho nền kinh tế trong nhiều năm qua? Khi nền kinh tế lâm vào suy thoái, đình đốn và xuống tận đáy, các doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động hàng loạt do chi phí đầu vào tăng cao, sản phẩm không thể tiêu thụ thì các Ông Xăng dầu, Điện lực liên tục bồi thêm những cú đòn chí mạng mang tên tăng giá. Những “ngón đòn” đó đã góp phần đưa nhiều doanh nghiệp nhanh chóng phơi mình nơi tử huyệt. Lý do đơn giản là phải tăng giá mới bảo đảm lợi nhuận cho các Ông ấy. Quả thực, dù kinh tế xuống đáy, các Ông ấy chưa bao giờ bị lỗ (dù lúc này, lúc khác, nhất là trước khi tăng giá họ có kêu lỗ). Gần đây người dân mới biết rằng trong 1 lít xăng mình mua đã gánh hơn 8000 đồng phí, thuế, quỹ… trong đó. Nguồn thu thuế cho ngân sách từ mấy Ông độc quyền quả là quan trọng. Nhưng, số thu ấy so với thu được từ hàng trăm ngàn doanh nghiệp và dân doanh khác của cả nền kinh tế có đáng là bao? Những bộ óc Vĩ Mô sẽ tính ra rất nhanh cái lợi và hại. Chắc chắn tiền thuế của vài Ông độc quyền đóng cho Nhà nước không thể bằng hàng chục ngàn doanh nghiệp nếu họ không phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cái lợi chung cho nền kinh tế, cho Nhà nước thường rất khó đong đếm. Cái dễ đong đếm nhất là những đồng tiền luồn lách chui vào túi của những người có quyền quyết định sự lỗ lãi của doanh nghiệp. Những đồng tiền đen đó vô hình chung đã trở thành động lực của Chính sách! Một khi chính sách lệch hướng thì khác chi một trận đánh xác định sai đối thủ, sự thất bại là khó tránh khỏi!
      Mới đây, khi sự kiện giàn khoan 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, lực lượng giữ gìn biển đảo và ngư dân được quan tâm đặc biệt, đó là điều tất yếu. Vui mừng hơn nữa là một Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ vốn cho ngư dân được nhanh chóng ban hành. Đây là một Nghị định đạt kỷ lục về thời gian từ khi có chủ trương đến khi được ban hành (trong vòng chưa đầy 2 tháng). Cũng có một Nghị định đang đạt kỷ lục về thời gian từ khi có chủ trương đến khi hoàn thiện để sửa đổi, đó là Nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu. Sau 3 năm sửa đi đổi lại, đến nay Nghị định này vẫn ở giai đoạn “sắp hoàn thành”. Nghị định này cần sửa đổi vì có nhiều điểm bất cập, có lợi cho doanh nghiệp xăng dầu, bất lợi cho các doanh nghiệp khác và người sử dụng xăng dầu. Nhiều người từng chỉ rõ lợi ích nhóm là cản trở chính cho việc sửa đổi Nghị định 84. Người vô tư nhất cũng phải đặt câu hỏi: Vì sao sửa Nghị định này lại khó đến như thế?
      CNXH là mục tiêu mà cả dân tộc ta đã tin tưởng theo Đảng, phấn đấu không ngừng nghỉ hàng chục năm qua.
      Mục tiêu ấy đến bao giờ mới thành hiện thực khi mà chính những công cụ thực hiện mục tiêu lại đang cản trở trên con đường đi tới?
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Luận bàn:

Sinh ra con… nợ   

Tại một xã thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa tất cả chị em có chửa đẻ là sinh ra con… nợ!
Đó là chuyện có thật chứ chẳng phải tiếu lâm. Những con nợ “non” này vừa nhìn thấy mặt trời là phải nợ bố mẹ chúng 50.000 đồng một năm và kéo dài đến khi chúng lớn lên có thể kiếm tiền để trả nợ! Nguyên do xuất phát quy định của chính quyền xã là tất cả nhân khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền phí “xây dựng trường”. Tất nhiên các em chưa đi học nhưng sau này chắc cũng phải đi học nên phải đóng là đúng rồi. Trẻ thơ phải đóng phí khi mà chúng chưa kiếm được tiền thì nghiễm nhiên chúng phải vay bố mẹ, người thân đóng giùm và trở thành con nợ bất đắc dĩ.
Cùng với khoản “phí xây dựng trường”, địa phương này còn thu hàng chục loại phí khác khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Những người chậm, nợ tiền phí với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lý lịch... sẽ được “quan” xã xác nhận một câu xanh rờn “Bản khai lí lịch của anh, chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm chính sách, quy định của địa phương”! Và hệ quả tất yếu xảy ra: Chẳng có cơ quan, doanh nghiệp nào dám nhận những người có bản lý lịch với xác nhận như thế. Vậy là cái vòng luẩn quẩn tiếp diễn – không nghề nghiệp, công ăn việc làm (trừ ở tại quê làm nông nghiệp) – thêm đói kém – không thể có tiền đóng phí cho xã.
Thanh Hóa là quê hương của cố nhà văn Phùng Gia Lộc, tác giả của câu chuyện “Cái đêm hôm đó, đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả nước một thời. Đó là câu chuyện người dân tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân chịu cảnh sống như những năm 30 của thế kỷ trước. Nửa đêm trống dục trống dồn, dân quân đi thu phí, thuế làm náo động làng quê nghèo. Người dân nai lưng đóng góp hàng chục loại phí làm cuộc sống vô cùng khốn đốn. Những tưởng từ bài học Thọ Xuân, Thanh Hóa đã có những bài học quý giá để không lặp lại, nhưng xem ra chuyện cũ đang tái diễn ở cấp độ còn thâm thúy và cay đắng hơn!
Được biết ngôi trường mà xã trên xây từ tiền đóng góp của dân là hơn 1 tỷ đồng. Đến nay xã đã thu dân được hơn 2 tỷ đồng nhưng chưa có dấu hiệu ngừng thu. Chắc địa phương vẫn cần ngân sách để sau này ngôi trường đó xuống cấp sẽ có tiền sửa chữa!
Mong những gia đình kinh tế khó khăn tại địa phương trên đừng dại mà đẻ ra những con nợ!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Luận bàn:



Hát già, thầy trẻ
       
      Châm ngôn xưa của các cụ ta có câu “Thầy già, con hát trẻ” ngụ ý những người làm thầy thì càng lâu năm kinh nghiệm càng tài năng và đức độ là vốn quý của xã hội, được trọng vọng.
      Tuy nhiên, nay ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh các công bộc ở đây đã có tư duy mới, trái ngược với các cụ xưa kia. Họ đang thẳng tay loại đi hàng trăm giáo viên đã gắn bó với giảng đường và học trò, người ít thì năm, sáu năm, người nhiều đã làm thầy 13 năm trời, trong đó có nhiều giáo viên giỏi. Thay vào những người thầy đã tâm huyết bao năm cho sự nghiệp giáo dục huyện nhà là những tân sinh viên, nói cách khác là những Thầy Trẻ. Cuộc “tỷ thí” thi công chức để thay máu cho ngành giáo dục huyện nhà đưa đến kết cục đáng buồn: các Thầy Già đã thua các Thầy Trẻ! Lý do là đề thi đã được kết cấu trọng tâm vào các luật lệ, quy định chứ không phải những kinh nghiệm và kỹ năng cốt yếu của người thầy. Có lẽ các Công Bộc huyện nhà cũng đoán trước được kết quả này.
      Vì sao lại có cơ sự này cho những người thầy? Trước hết xin khảng định đó hoàn toàn không phải lỗi của các giáo viên. Cũng giống nhiều chuyện khác, lỗi là do các Công Bộc. Đã có quy định từ lâu chuyện thi công chức nhưng có lẽ các công bộc huyện nhà vì bận quá nhiều việc nên chưa làm được? hay do lãng quên nay sực nhớ ra? hay còn những lý do tế nhị khác!? Ròng rã 6 – 7 năm qua ngành giáo dục ở đây không cần thi công chức, thoải mái xét tuyển và ký hợp đồng lao động với giáo viên. Ai cũng biết thi tuyển dù sao cũng minh bạch và công bằng hơn (tất nhiên đối tượng dự thi cũng phải xuất phát giống nhau chứ không thể như nói ở trên). Còn việc xét tuyển có ai bảo đảm rằng không có tiêu cực hoặc theo ý chí chủ quan của người tuyển dụng?
      Đáng buồn hơn là trong những năm gần đây việc thi công chức đã dần mất đi sự công tâm, minh bạch, xuất hiện việc chạy chọt, mua bán với những cái “giá ghế” không rẻ. Vậy nên việc huyện nhà sốt sắng thi công chức một cách “tổng động viên” như vừa qua cũng không tránh khỏi nghi ngại của dư luận rằng có người trục lợi trong chuyện bán “ghế”.
      Yên Phong là một huyện có rất nhiều làng quan họ cổ với nhiều nghệ nhân dân gian quan họ cao tuổi, họ là những hạt ngọc quý giá của quê nhà, dù họ đã là những “… hát già” (xin lỗi không thể nói các cụ là “con hát”). Việc trọng dụng “hát già” là việc cần làm và những năm qua địa phương đã thực hiện tích cực, nó khác hẳn với việc ồ ạt tuyển các Thầy Trẻ như hiện nay!
Đinh Hoàng
(Vừa qua tại huyện Yên Phong có 300 giáo viên thâm niên từ 5-13 năm đang đứng lớp bị cho thôi việc sau vụ thi công chức của huyện- theo VTV1.)

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Luận bàn

Vẽ ra là để… chiêm ngưỡng!
Cuối cùng thì dư luận cũng nhận được phản hồi từ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về một số chuyện “lùm xùm” liên quan đến những tài sản khủng và việc “bổ nhiệm cấp tập” của một số lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng này.
Tuy nhiên, dư luận có vẻ thất vọng còn hơn là không có câu trả lời. Có thể vắn tắt kết quả giải trình thế này: Việc bổ nhiệm thực hiện đúng quy trình, đúng quy định và là chuyện… bình thường, (toàn TTCP có 600 công chức, trong mấy tháng bổ nhiệm 60 chức danh, có những trường hợp được ký bổ nhiệm trước khi ông Tổng TTCP rời nghế về hưu); về tài sản khủng của Tổng TTCP và một Phó tổng TTCP cũng là chuyện bình thường. Theo lãnh đạo TTCP thì tài sản đã được kê khai minh bạch, không có quy định nào là phải giải trình số tài sản, đất đai ấy cả. Thêm nữa ông cho rằng tài sản đó là của cả gia đình vợ con, nhất là khi họ có kinh doanh thì giàu có là chuyện bình thường!
Chuyện chạy chức, chạy quyền đang là vấn nạn gây bức xúc trong người dân, cho nên ông Tổng TTCP ký bổ nhiệm “tới tấp” trước lúc nghỉ hưu không thể tránh khỏi nghi ngờ về động cơ phía sau của việc này. Chuyện chạy án, chạy tội cũng là vấn nạn mà cơ quan thanh tra đang là người “cầm trịch” để chống lại thì việc lãnh đạo thanh tra và gia đình “giàu sụ” sao tránh khỏi nghi vấn của dư luận?
Cái chi tiết “tài sản đó là của vợ, con do kinh doanh mà có” có thể đã hé mở như một “sáng kiến” cho những công chức giàu có hiện chưa biết để khối tài sản vào đâu cho hợp lý.
Và cuối cùng thì mọi người mới ngã ngửa ra khi biết rằng cái quy định kê khai tài sản (minh bạch thu nhập) chỉ như một bức tranh vẽ ra để… chiêm ngưỡng! Thôi thì đành chiêm ngưỡng và hy vọng vào cuộc chiến chống tham nhũng.
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014


Can thiệp
      Quyền của người dân mỗi quốc gia được pháp luật quốc tế thừa nhận, đó là được tự quyết định vận mệnh dân tộc mình, quốc gia, tổ chức khác không có quyền can thiệp. Cái điều tưởng chừng hiển nhiên đó không phải lúc nào cũng được thừa nhận và thực thi. Việt Nam từng là hậu quả sự can thiệp thô bạo của ngoại bang nên ai cũng hiểu sâu sắc điều đó và trân trọng nền độc lập, tự do.
      Những ngày này điểm nóng Ukraine đang được cả thế giới hướng đến trong lo ngại khi chính thể hợp hiến đã bị lật đổ.
      Trong những ngày cao điểm biểu tình của phe đối lập chống chính phủ ông Victor Yanukovych, các lãnh đạo Phương Tây tấp nập tới đây cổ súy, chỉ dẫn và hứa hẹn cho lực lượng biểu tình. Hành động đó được họ dùng bằng mỹ từ “hỗ trợ nền dân chủ”! Nga đã sớm vạch rõ thực chất hành động này là đang đổ dầu vào lửa và nhiều lần yêu cầu các nước Phương Tây không được can thiệp vào tình hình nội bộ Ukraine. Hoạt động “dân chủ” được cụ thể hóa bằng gạch đá, gậy gộc, bom xăng và cao điểm là bắn tỉa vào chính những người biểu tình! Những kẻ bắn tỉa lại chính là những phần tử phát xít trong lực lượng biểu tình đó. Một vài lãnh tụ Phương Tây đã được biết điều này nhưng họ lặng thinh. Cũng có người không hiểu tại sao chúng lại bắn bào cả người biểu tình và cảnh sát? Thực ra, mục tiêu bắn tỉa chính là người biểu tình, số cảnh sát bị bắn có thể chúng đã nhầm. Các lãnh tụ đối lập biết rằng biểu tình hòa bình rất mất thời gian và chưa chắc đã đi đến đâu. Muốn kích động cao độ hận thù thì phải có đổ máu! Vì mục đích đen tối chúng chẳng tiếc gì sinh mạng những người lương thiện đang bị chúng điều khiển như những con rối. Việc chúng bắn vào cảnh sát cũng có thể là làm lực lượng này không thể mãi giữ được sự kiềm chế, buộc phải cứng rắn hơn. Và đúng như mong đợi, khi máu đã đổ thì bạo lực sẽ nhân lên cao độ, chính phủ khó lòng kiểm soát tình hình. Lòng hận thù của đám đông đã đe dọa cả tính mạng và buộc tổng thống Yanukovych phải rời Ukraine. Sự toan tính và can thiệp của Phương Tây đã bước đầu mang lại kết quả như mong đợi – một chính phủ thân Phương Tây được dựng lên với những thành phần dân tộc cực đoan, bài Nga và cả thành phần phát xít mới!
Tương lai mờ mịt của đất nước Ukraine
      Cái gì cũng có hai mặt của nó. “Đám cháy” do phe đối lập châm ngòi, được Phương Tây đổ thêm dầu đã mang đến một hệ quả không mong muốn: Đất nước Ukraine bắt đầu tan rã! Họ không hiểu rằng hơn nửa dân tộc này đâu muốn ngả theo Phương Tây, nhất là cộng đồng người Nga? Một quốc gia không thể ổn định khi lãnh đạo chỉ mong mang đến lợi ích cho một nhóm người. Sự bất ổn nổi lên tức thì tại các vùng Đông và Nam Ukraine và tâm điểm là bán đảo Krưm. Sâu xa trong lịch sử bán đảo tươi đẹp này là thuộc nước Nga. Trong thời kỳ Liên bang Xô viết nó được cắt sang cho nhà nước thuộc liên bang là Ukraine quản lý, vì vậy đa phần người dân ở đây là người gốc Nga. Khi mà nhà nước mới của Ukraine được dựng lên phi pháp gồm những kẻ bài Nga thì làm sao người dân tại Krưm có thể yên tâm? Việc Quốc hội nhà nước tự trị này quyết định tách Krưm khỏi Ukraine, lấy ý kiến toàn dân để sáp nhập vào Nga là việc làm bắt buộc và theo nguyện vọng của người dân.
      Trước sau như một, các lãnh đạo Liên bang Nga luôn tuyên bố tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Ukraine, không có động thái nào can thiệp vào Ukraine, kể cả trong những ngày phe đối lập biểu tình bạo lực nhất. Dĩ nhiên, Nga cũng tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân và Nhà nước CH tự trị Krưm. Hoạt động đồn trú bình thường của hải quân Nga tại Krưm vẫn theo thỏa thuận giữa hai quốc gia, phù hợp luật pháp quốc tế. Truyền thông Phương Tây đã “vẽ” lên một hình ảnh tại Krưm: quân đội, xe tăng, máy bay Nga rầm rập như giữa thời chiến. Những chiến binh bịt mặt luôn lăm lăm trong tay khẩu AK47 như sẵn sàng nhả đạn! Nhưng vài ngày gần đây nhiều phóng viên các hãng truyền thông Phương Tây được phép đến Krưm đã bất ngờ, hẫng hụt và… lúng túng bởi sự thanh bình của bán đảo này! Sự tô vẽ, thổi phồng của truyền thông Phương Tây đã đánh lừa ngay cả những phóng viên của họ. Vậy thì làm sao người dân Phương Tây chẳng có cái nhìn sai lệch về tình hình Ukraine?
      Tình hình tại bán đảo Krưm có lẽ là không thể đảo ngược bởi đó là ý nguyện của người dân. Phương Tây – những kẻ can thiệp, những kẻ “đổ dầu vào lửa” lại đang cuống cuồng đòi Nga phải dập đi “đám cháy” Ukraine!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Luận bàn

 Pháp luật bảo vệ cái gì?
      Câu trả lời đương nhiên: Pháp luật bảo vệ cái đúng, lẽ phải, trừng trị điều phi pháp. Điều dễ hiểu này có lẽ trẻ em học sinh tiểu học cũng trả lời được.
      Sẽ là thảm họa nếu pháp luật không trừng trị, thậm chí lại bảo vệ cái sai! Bạn nghĩ sao nếu một ngày kia tên cướp đường chỉ bị phạt bằng tiền là xong, dù số tiền phạt không nhỏ?
      Cái điều tưởng đơn giản, dễ hiểu ấy lại đang được một cơ quan công quyền tham mưu cho Chính phủ theo hướng “phạt cho phép tồn tại” – Đó là quy định về quản lý trật tự xây dựng của Bộ Xây dựng. Nôm na một ví dụ thế này: “Một chủ đầu tư xin phép xây một tòa nhà cao 20 tầng, tuy nhiên theo quy hoạch đô thị khu vực đó chỉ cho xây 15 tầng. Bất chấp không được cấp phép như đề nghị, chủ đầu tư ngang nhiên vẫn xây 20 tầng. Với những lý do tế nhị nào đó (dù rất nhiều tầng lớp quản lý), công trình cứ ngày ngày vươn cao… đủ 20 tầng. Rồi một ngày đẹp trời, đại diện cơ quan công quyền đến trao một tờ quyết định nộp phạt và cho công trình… tồn tại!”
      Rồi đây sẽ có những công trình phạm pháp sẽ vươn cao, cao mãi.
      Rồi đây cơ quan quản lý xây dựng sẽ thu về rất nhiều tiền phạt.
      Nhưng rồi đây bộ mặt đô thị lại ngày thêm… méo mó!
      Cái "lỗ hổng" luật pháp này sẽ là cửa đẹp của những "con chuột tham nhũng"!
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Chuyện vui:

Sếp ăn gì?
      Ông giám đốc vườn thú nọ một hôm bỗng nảy ra sáng kiến là sẽ huấn luyện cho 100 con khỉ biểu diễn nhằm thu hút khách tham quan. Do không có nhiều khỉ, ông ta giao cho một nhân viên đi lùng sục, mua bằng đủ 100 con khỉ.
      Tất bật hàng tháng trời anh nhân viên cũng chỉ mua gom được đúng 99 con khỉ. Thiếu đúng một con mà không thể tìm được thêm trong khi giám đốc thúc giục hàng ngày. Rồi anh ta cũng nghĩ ra một kế. Anh ta tự nhủ “Giám đốc của mình tuy lãnh đạo vườn thú nhưng ngu dốt, biết quái gì về muông thú đâu, suốt ngày say sưa nhậu nhẹt. Ta mua quách một con chó trà trộn vào đàn khỉ rồi báo cáo đã đủ 100 con là xong”.
      Được báo cáo là đã gom đủ số lượng khỉ theo yêu cầu, giám đốc đến kiểm tra. Nhưng, dù có dốt nát đến đâu ông ta cũng nhận thấy có một con trong đàn không giống những con khác, bèn hỏi:
      - Này cậu, cái con đang lè lưỡi, mõm dài kia là con gì vậy?
      - Dạ thưa anh, đó là con khỉ đấy ạ.
      - Sao tôi thấy nó lại khác thế?
      - Vì nó là sếp của 99 con kia. Sếp bao giờ cũng khác bầy đàn anh ạ.
      Khi thấy người chăm nuôi đem chuối chín, trái thơm đến cho khỉ ăn, thấy con khỉ khác lạ không thèm ăn, giám đốc lại hỏi:
      - Con sếp kia sao nó không ăn? Nó nhường hết cho cấp dưới ăn à?
      - Dạ không phải thế đâu ạ. Nó luôn là kẻ tham ăn nhất nhưng nó không ăn những thứ này.
      - Thế nó ăn gì?
      - Dạ… thưa anh, nó ăn… cứt ạ!
      Mấy ngày sau có lẽ vị giám đốc đã hiểu ra thâm ý tay nhân viên bèn triệu lên gặp và trao tờ quyết định cho thôi việc, nói:
      - Cậu là người rất thông minh, tài giỏi, xem ra làm việc ở cái vườn thú này không phát huy được hết tài năng. Nay tôi quyết định cho cậu đi tìm chỗ làm mới phù hợp. Biết đâu, sau này cậu sẽ trở thành một Sếp to cũng nên!
      (Ai xem chuyện này chớ dại kể cho thủ trưởng của mình. Nếu xảy ra chuyện gì, tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm).
Đinh Hoàng

Tản văn

Câu chuyện trả lại phong bì
      Mấy năm trước, vào một lần về quê tôi gặp ông chú tuổi đã trên 70 lạch cạch đạp xe trên đường làng, tay cầm một xấp phong bì. Hỏi ra mới biết gia đình vừa tổ chức lễ cúng giỗ bà mẹ thân sinh ra ông, trong buổi đó nhiều người tới dự đã phúng viếng bằng phong bì tiền. Người nhiều thì vài ba trăm, người ít cũng 50 đến 100 ngàn. Hôm ấy ông chú đã mang phong bì đến trả cho những người đã phúng viếng. Tôi biết cái lệ dùng phong bì viếng đám giỗ đã có ở cái làng quê nghèo này cả chục năm nay. Tuy nhiên, cách đây mấy năm một số dòng họ đã ra “nghị quyết” quy định đám giỗ chạp, cải táng… không được viếng bằng phong bì tiền. Có chăng chỉ nải quả, nén hương gọi là để phúng viếng. Tuy vậy, đã thành lệ thì không phải ngay lập tức được thực hiện đúng. Nhiều người vẫn đóng phong bì tiền khi được mời tới dự đám giỗ. Để rồi sau đó gia chủ lại phải vất vả đến từng nhà cám ơn rồi gửi lại phong bì.
      Cái làng thuần nông nghèo quê tôi thu nhập thuộc diện thấp nhất nhì trong huyện. Ngoài những người thoát ly nay nghỉ chế độ có chút thu nhập ổn định, còn lại các gia đình chỉ trông vào hạt lúa, củ khoai. Vào dịp mùa cưới và những tháng cuối năm thì đám xá cứ liên miên. Mỗi khi có đám mời, nhà nào cũng lo ngay ngáy, lại phải bán con gà, yến thóc để có tiền đi ăn cỗ. Có cụ lương hưu chỉ vài ba triệu nhưng trong một tháng được mời tới hơn chục đám cỗ, nhiều khi tiền lương chỉ đủ cho cỗ bàn! Có lẽ cũng do tâm lý “được tài trợ” bởi những chiếc phong bì nên nhà nhà đua nhau làm tiệc lớn. Dòng họ ít người thì cũng phải làm trên chục mâm, dòng họ lớn có khi tới vài ba chục mâm cỗ. Một ngôi làng chưa đầy trăm nóc nhà nên mỗi khi có cỗ là gần như cả làng đi dự. Cái lệ cỗ bàn triền miên khiến làng tôi vốn đã nghèo ngày một nghèo hơn.   
      Có lẽ đã nhận ra điều không ổn trên nên sáng kiến không đi phong bì đám giỗ được ra đời. Từ một vài dòng họ, việc không viếng đám giỗ chạp bằng tiền đã lan rộng ra cả làng. Từng nhà cũng nhận thức được vấn đề, tự giác thu nhỏ quy mô mỗi khi có việc.
      Giá như chuyện này được thực hiện với cả những đám cưới, mừng thọ, tân gia… thì hay biết bao!
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

 Trước hết trị Bắc Đẩu

      Vừa du xuân về Thiên Đình, Ngọc Hoàng giận lắm cho triệu ngay Bắc Đẩu tới.
      Được gọi chầu giữa ngày nghỉ, Bắc Đẩu biết có điều chẳng lành, thế nào cũng bị quở trách nên rón rén bước vào, bẩm:
      - Dạ, thần đã đến ạ.
      - Năm trước ta đã có chỉ mỗi năm cần giảm 15% biên chế công bộc, ngươi triển khai đến đâu rồi? - Ngọc Hoàng.
      - Bẩm, thần đã triển khai ngay, chỉ đạo các cấp thực hiện với tinh thần rất nghiêm túc ạ.
      - Thế năm qua đã giảm được bao nhiêu % rồi?
      - Bẩm, việc này… việc này đụng chạm nhiều lắm, tế nhị và phức tạp lắm ạ. Tuy rất quyết tâm nhưng mới đạt ở tinh thần là… sẽ giảm thôi ạ, bởi chưa kịp giảm thì năm qua đã tăng thêm đúng 15% rồi ạ.
      - Thế nào là tế nhị, phức tạp?
      - Bẩm, thần ví như anh Thiên Lôi trên này cũng gửi đến vài chục vị trí người nhà, rải khắp nơi. Rồi anh Nam Tào cũng thế, đến đâu thần cũng gặp thân gia, bạn hữu của anh ấy là công bộc nơi hạ giới.
      - Thảo nào! Bây giờ thì ta đã hiểu vì sao có cảnh tranh cướp lộn xộn hôm qua rồi.
      - Bẩm Ngọc Hoàng, ý người là tranh cướp gì ạ?
      - Ấn Chỉ công bộc! Việc tung ra hàng núi Ấn Chỉ như vậy, ta nghĩ nhà ngươi không thể vô can. Năm nay mà ngươi không thực hiện được chỉ lệnh giảm công bộc, người ta giảm biên chế trước tiên chính là ngươi!
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Dân chủ kiểu tư bản
     
      Dân chủ theo chúng ta và cả thế giới tiến bộ hiểu như một khái niệm chung đó là ý kiến, mong muốn của đại đa số người dân về một vấn đề gì đó liên quan tới quyền lợi chính đáng của họ cần được bảo đảm. Chế độ dân chủ là thể chế do đại đa số dân chúng nhất trí bầu lên để bảo đảm quyền dân chủ của họ được thực thi và bảo đảm. Thể chế đó có thể được mang các hình thức, tên gọi khác nhau như Nghị viện, Quốc hội, Hội đồng… cùng bộ máy chính quyền được thành lập để thừa hành.
      Những thể chế được hình thành một cách dân chủ như vậy lẽ ra nó phải được tôn trọng dù chế độ chính trị của nó là gì, Tư bản, Xã hội chủ nghĩa hay Quân chủ lập hiến…
      Tuy nhiên thực tiễn hiện nay dưới quan niệm của một số nước tư bản thì Nhà nước dân chủ chỉ là những nước thân tín, đồng minh của họ. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam dù được trên 90% người dân cả nước bầu lên nhưng họ (một số nước Tư bản) không coi chính thể tại VN là chế độ dân chủ. Với họ, chỉ có một số “nhà dân chủ” đang chống đối lại Nhà nước ta (ví như Trần Khải Thanh Thủy, Lê Quốc Quân…). Trần Khải Thanh Thủy là một “nhà dân chủ” viết bao điều dối trá, bịa đặt về Nhà nước VN, vu khống nhà nước ta vi phạm nhân quyền cuối cùng cũng tự lộ mặt là viết bài vì được trả công bằng những đồng đô la từ nước ngoài! Lê Quốc Quân - một kẻ tội phạm gian lận, trốn thuế vừa bị tòa án xét xử nhưng lại được một số nước tư bản kêu la, bảo vệ như một “nhà dân chủ” chân chính. “Nhà dân chủ” Lê Quốc Quân được Mỹ ưu ái vì hắn đã được một trung tâm đào tạo lật đổ tại Hoa Kỳ nuôi nấng, “gửi” về VN.
      Những ngày gần đây tình hình thế giới đang nóng lên tại một số điểm như Ucrai-na, Thái Lan… trước làn sóng biểu tình của phe phái đối lập. Cùng một câu chuyện biểu tình chống đối chế độ cầm quyền nhưng các nước tư bản lại có thái độ khác nhau. Tại Thái Lan hầu như họ chẳng tỏ ra ủng hộ bên nào bởi một lý do đơn giản: ai lên nắm quyền thì thể chế tại đây vẫn là đồng minh của Mỹ. Nhưng Ucrai-na hiện nay, chế độ đương quyền lại không thân Mỹ và Phương Tây mà ngả theo Nga. Thể chế chính trị của nước này (Quốc hội, Chính phủ) được hình thành thông qua bầu cử với đa số người dân đồng thuận. Lẽ thường, để ủng hộ một chế độ dân chủ thì họ phải ủng hộ tổng thống và chính phủ Ucrai-na. Tuy nhiên họ đã ủng hộ thiểu số đang được một số lãnh đạo kích động số ít người dân biểu tình chống đối chính phủ vì có đường lối không hợp ý họ. Mỹ và Liên minh châu Âu đang đổ thêm dầu vào lửa, kích động, hậu thuẫn phe đối lập làm những việc phi pháp (chiếm cơ quan chính phủ, gây bạo lực…) như một sự “ủng hộ dân chủ”!
      Và như vậy, ta có thể hiểu thế nào là DÂN CHỦ KIỂU TƯ BẢN!
Đinh Hoàng

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Chuyện vui:

Thưởng Tết khủng

      Buổi chầu cuối năm Ngọc Hoàng chất vấn Bắc Đẩu về tình hình chuẩn bị Tết Giáp Ngọ:
      - Năm qua kinh tế vẫn khó khăn thế, doanh nghiệp đa phần thua lỗ, đóng cửa, phá sản, không hiểu Tết này dân ăn tiêu thế nào?
      - Bẩm Ngọc Hoàng, thần được nghe báo cáo và cũng đã tìm hiểu thực tế thấy năm nay hạ giới lương khủng và thưởng cũng khủng lắm ạ, kể cả thưởng của nhân viên, công nhân lao động. - Bắc Đẩu xoa tay bẩm báo.
      - Sao có chuyện lạ thế nhỉ, lấy đâu ra mà thưởng khủng?
      - Dạ, thưởng khủng chủ yếu đối với các đầy tớ cấp cao, các nhà quản lý doanh nghiệp độc quyền, doanh nghiệp công ích ạ. Cách thức của họ là bóp chỗ thấp cho nó phình chỗ cao, trên cơ sở đó thưởng từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Chả thế mà có những đầy tớ lương, thưởng lên con số hàng tỷ ạ.
      - Thế mức thưởng của công nhân, nhân viên thế nào.
      - Cũng rất khủng ạ!
      - Cụ thể là bao nhiêu?
      - Dạ, họ được thưởng nghỉ Tết gần nửa tháng ạ. Như Ngọc Hoàng cũng biết rồi đấy, thời gian là tiền bạc mà!
Đinh Hoàng

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Ai bị thiệt?

      Xin kể một câu chuyện thế này và xin hỏi bạn rằng ai bị thiệt:
      Ông X có một nguồn vốn ODA dư giả, lãi suất thấp (5%) mang cho người con là ông Y (đã ở riêng, sống với con) làm vốn kinh doanh. Ông Y không kinh doanh mà lại cho con mình (tức cháu nội của ông X) vay lại, vẫn với lãi suất 5%. Tuy nhiên do thiếu vốn kinh doanh nên ông Y lại phải đi vay vốn của con mình (tức cháu nội ông X) với lãi suất 9% để làm ăn.
      Như bạn đã biết, năm qua kinh tế chưa thoát khỏi đình đốn, khó khăn, kinh doanh để có lãi 8-9% đã là khó chứ đừng nói lãi hơn để trả nợ 9%. Chuyện ông Y bị lỗ là chuyện dễ hiểu. Riêng thằng cháu nội chẳng cần làm gì cũng có lãi 4%.
      Do thua lỗ, ông Y quay lại xin bố (ông X) khoản ODA khác để bù lỗ cho kinh doanh.
      Cực chẳng đã, ông X lại phải chi tiền cho ông Y bù lỗ.
      Ai là người chịu thiệt?
     (Xin tiết lộ với các bạn một câu chuyện tương tự. Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã kết luận thanh tra với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đó có nội dung: Việc Tập đoàn đem vốn ODA lãi suất thấp cho các Công ty con của Tập đoàn vay, rồi EVN lại vay của Công ty con với lãi suất cao để kinh doanh là không vi phạm pháp luật. Hiện EVN vẫn đang nợ nần hàng chục ngàn tỷ đồng. Thôi thì trông chờ lãi từ tăng giá điện không phải nộp Nhà nước năm tới mà trả nợ dần vậy).
Đinh Hoàng

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Dân mình khỏe không?

       Thấy thần dân trần gian kêu ca nhiều quá, dù bận họp hành tối mắt tối mũi, hôm nay Ngọc Hoàng cũng bớt được chút thời gian cùng Bắc Đẩu vi hành hạ giới.
      Do đi sớm chưa kịp ăn uống gì nên vừa tới hạ giới Ngọc Hoàng đã nghĩ tới việc tìm một quán điểm tâm bữa sáng:
      - Ta nghe nói xứ Tràng An này có món phở bò ngon lắm, ngươi tìm một chỗ để kiểm tra xem?
      - Dạ bẩm Ngọc Hoàng, đúng là ngon thì có ngon đấy, nhưng mà… ta không nên ăn đâu a. – Bắc Đẩu khuyên can.
      - Ngươi nói gì lạ vậy? Ngon mà lại không nên ăn?
      - Dạ, bởi mấy cái hóa chất tẩy trắng, làm dẻo dai bánh phở độc hại lắm, có thể gây ung thư đấy ạ! Thôi, ta gắng nhịn một bữa, chẳng sao đâu.
      Nơi đầu tiên Bắc Đẩu đưa Ngọc Hoàng đến là một làng nhỏ ven đô chuyên trồng rau phục vụ dân thị thành. Nhìn cánh đồng rộng mênh mông, rau xanh đủ loại tốt tươi, xanh mướt Ngọc Hoàng tỏ vẻ hài lòng lắm.
      - Bẩm Ngọc Hoàng, ngày nay do khoa học kỹ thuật phát triển nên dân trồng rau cũng nhàn hạ mà thu nhập cũng khá hơn.
      Thấy một lão nông đang dùng chiếc máy đeo trên lưng đang phun mưa phùn xuống ruộng rau cải, Ngọc Hoàng ghé xuống xem và hỏi han:
      - Mưa nhà trời không đạt chuẩn hay sao mà ngươi phải tự làm mưa vậy?
     Nhìn người khách vẻ lạ lẫm, lão nông dân thủng thẳng:
      - Mưa gió khỉ gì, ông tránh ra cho tôi làm việc, muốn ngộ độc thuốc trừ sâu hả?
      - À, thì ra vậy, thảo nào tịnh không thấy bóng dáng một con sâu bọ gì. Thế khoảng bao lâu thì được thu hoạch một lứa rau này? – Ngọc Hoàng hỏi tiếp.
      - Còn tùy vào nhu cầu, giá cả thị trường. Nếu được giá, thị trường thiếu rau thì kích cho nó lên nhanh. Thuốc kích thích tăng trưởng rẻ như bèo ấy mà.
      Thấy bên cạnh có một mảnh ruộng nhỏ cũng trồng mấy loại rau nhưng nhìn có vẻ thiếu chăm sóc, tưới tắm nên rau cằn cỗi, lại còn bị sâu ăn lá, Ngọc Hoàng phàn nàn:
      - Rau cỏ nhà nào mà lười biếng chăm bón thế kia?
      - Của tôi đấy. Đó là trồng để gia đình dùng, không bán.
      - Rau ngon, xanh tốt thế kia chẳng ăn mà lại ăn cái thứ rau cằn này á?
      - Ăn rau đẹp để mà chết à?
      Hiểu ra câu chuyện, Ngọc Hoàng lắc đầu, ngán ngẩm.
      Tiếp theo Bắc Đẩu đã đưa Ngọc Hoàng tới thăm một trại nuôi lợn, một trại nuôi gà và một khu đầm thả cá, nuôi tôm... Nơi nào cũng thấy cảnh làm ăn tấp nập, sản phẩm dồi dào, Ngọc Hoàng tỏ vẻ phấn khởi ra mặt. Đã trưa và cũng ngấm đói, Ngọc Hoàng gợi ý:
      - Ta kiếm chỗ nào ăn trưa đi?
      Ghé vào một quán ăn bình dân, Ngọc Hoàng ngồi đợi Bắc Đẩu chọn món. Sau hồi lâu, Bắc Đẩu quay lại bẩm:
      - Thưa Ngọc Hoàng, không có món gì ăn được đâu ạ?
      - Ta thấy nhiều thức ăn bày bán nhiều món lắm mà? Sao lại không ăn được?
      - Thần kiểm tra kỹ rồi, từ rau đến thịt đều độc hại lắm. Rau thì ở chỗ Ngọc Hoàng đã biết đấy. Thịt lợn thì nhiễm hóa chất tạo nạc, tăng trọng, kháng sinh. Gà thì là thứ phế thải từ phương Bắc tuồn sang cũng đầy kháng sinh, hóa chất… Thôi, đành về Trời ăn sau vậy.
      Vừa đói vừa khát, thầy trò Ngọc Hoàng bải hoải lê bước về Thiên Đình.
      - Thôi thì không ăn gì cả nhưng ngươi cũng phải mua ta chai nước khoáng uống tạm chứ.
      - Bẩm, nước khoáng cũng không thể uống được đâu ạ. Cái thứ nước này họ hút từ mạch ngầm lên chỉ sát khuẩn qua loa, chứa nhiều thạch tín lắm, uống vào ung thư là cái chắc!
      - Ngươi nói lạ thật, từ sáng tới giờ ta thấy chẳng thứ gì ăn uống được, vậy mà thần dân hạ giới vẫn sống được, hạ giới khỏe vậy sao?
      - Dạ bẩm, Ngọc Hoàng muốn biết dân hạ giới khỏe yếu ra sao, dịp sau thần sẽ đưa Người đến một chỗ và sẽ hiểu ngay thôi ạ!

Đinh Hoàng