Dự cảm mùa Xuân
bên cây cầu hữu nghị
Với ý định ngắm những bông hoa đào nở sớm
đón Xuân, bước chân như vô tình đưa tôi đến dải đất đỏ phù sa ven sông Hồng
của làng Phú Thượng. Dĩ nhiên chẳng còn cảnh vườn đào bát ngát thưở nào. Có
chăng chỉ là điểm xuyết đây đó vài vạt vườn nhỏ như cố níu giữ chút hương sắc
một thời vàng son của xứ đào Nhật Tân, Quảng Bá, Tứ Liên… Vườn đào mênh mang
hoa thắm ngày xưa nay là những khu chung cư cao tầng, những dãy phố san sát
mọc lên từ làng mà nét làng đã nhạt phai, thay vào là những xô bồ, ồn ã của
phố thị.
Đứng bên bờ sông Hồng, nhìn những gợn
sóng xô bờ ì oạp trong cái lạnh mùa Đông tôi chợt nghĩ, không biết gần 70 năm
trước những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô xót xa rút ra chiến khu trong tâm
trạng Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc
lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng trong đêm Đông ấy có ai biết
rằng nơi họ đang vượt sông sau này lại mọc lên một cây cầu to đẹp, hiện đại
vào hàng nhất nhì khu vực Đông Nam Á?
Có thể nói cầu Nhật Tân chính là nét đẹp
biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Nhân duyên quan hệ
Việt - Nhật đã có từ xa xưa, được ghi dấu vật chất bằng những trung tâm giao
thương, phố hội như Phố Hiến, Hội An... Một thời các nhà cách mạng Việt Nam
đầu thế kỉ trước đã hướng sang xứ sở Phù Tang trong phong trào Đông Du mong
cứu nước Việt khỏi cảnh lầm than. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, các
thế hệ người dân Nhật Bản, nhất là thanh niên đã xuống đường cùng nhiều hoạt
động phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe
khi đó là một thanh niên mới lớn cũng đã thể hiện thiện cảm và cuốn vào phong
trào phản đối chiến tranh ấy. Người Việt Nam thật xúc động và trân trọng khi
một vị nguyên thủ quốc gia có nền kinh tế thứ hai thế giới vừa nhậm chức (năm
2012) đã chọn Việt Nam là một điểm đến đầu tiên khi xuất ngoại.
Tôi đã ngắm cây cầu nhiều lần thông qua
phim, ảnh nhưng chủ yếu ở góc độ toàn cảnh và từ trên cao. Đứng dưới chân cầu
nhìn lên mới cảm nhận được tầm cao và sự hoành tráng của cây cầu. Dự án cầu Nhật
Tân có tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD, chủ yếu từ vốn vay ODA của Chính
phủ Nhật Bản, riêng phần cầu dài gần 3,8km, rộng hơn 33m. Từ dưới bờ sông
nhìn hắt lên, những trụ cầu hình chóp vươn cao trong làn mây bay trắng đục
bất giác tôi nhận ra những trụ cầu như có dáng dấp của ngọn núi Phú Sĩ bên
Nhật Bản. Không biết các bạn Nhật có ý gì không khi thiết kế hình dáng những
trụ cầu vĩ đại này?
Cùng với dự án cầu hữu nghị Nhật Tân,
Việt Nam và Nhật bản còn rất nhiều dự án đầu tư khác trên các lĩnh vực. Chỉ
riêng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có hai công trình có ý nghĩa đang được
triển khai: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự án với nguồn đầu tư 54 tỷ Yên ODA
được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 7 ha; Trường Đại học Việt - Nhật
được khởi công ngày 20/12/2014, xây dựng theo mô hình đại học xuất sắc dựa trên
nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ cao, quy mô khoảng 6000 sinh viên hiện đã
chuẩn bị tuyển sinh vào đầu năm 2016 này. Nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục,
văn học nghệ thuật, giao lưu Nhân dân… và cao hơn là những hợp tác cụ thể về
quốc phòng, an ninh không ngừng đẩy mạnh trong mấy năm qua. Giữa Việt Nam và
Nhật Bản có nhiều nét gần gũi về văn hóa, nhiều mục tiêu chung về phát triển
và nhiều quan điểm tương đồng về chính trị…
Trải qua hơn 40 năm thiết lập quan hệ (từ
1973), đến nay Nhật Bản vươn lên là đối tác kinh tế quan trọng hàng
đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị
trường của Việt Nam, nước tài trợ ODA lớn nhất, một trong các nhà
đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ
4 (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 28 tỉ USD, dự kiến năm
2015 đạt 30 tỉ USD).
Những con số tuy khô khan nhưng nó lại
nói lên chiều sâu, thực chất của mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Con
số dù to hay nhỏ đều có ý nghĩa riêng của nó. Còn nhớ năm 2011 khi Nhân dân
Nhật Bản chịu thảm họa kép động đất, sóng thần, nhìn cảnh tàn phá khủng khiếp
của thiên nhiên, người dân Việt Nam xót xa như chứng kiến những người thân
của mình đang gặp nạn. Rồi một phong trào như tự phát, tự nhiên từ tấm lòng
của hàng triệu người dân Việt đã cùng nhau quyên góp ủng hộ Nhân dân Nhật Bản
khắc phục hậu quả thiên tai. Gần 8 triệu đô-la với người Việt Nam cũng chưa
phải là nhiều, huống chi là với nước Nhật, nhưng cái lớn nhất là tình người,
tình bạn bè khi hoạn nạn luôn có nhau. Người Việt xót xa nhìn cảnh thảm họa
sóng thần tại Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011 cũng giống người Nhật từng nhói
lòng khi chứng kiến cảnh máy bay B52 của Mỹ rải thảm Thủ đô Hà Nội những đêm
Đông cuối tháng 12/1972.
Làn gió Xuân nhẹ thổi như đưa cái hương
phù sa sông Hồng lên quện vào nồng nàn nhịp sống. Vẫn chưa cận Tết nhưng rất
nhiều cây đào, cây quất đã được người trồng bứng lên, chuyên chở đến những
địa chỉ vui Tết sớm. Cây cảnh cũng được chuyển vào chợ hoa Quảng An, chợ
Bưởi, Hoàng Quốc Việt… Làn gió lạnh nhưng tôi bỗng cảm thấy cái ấm áp của sắc Xuân như đang ùa
vào lòng cùng những dự cảm tươi mới, bâng khuâng… Một niềm tin như định hình,
vững chãi vươn cao bên cây cầu hữu nghị Việt - Nhật.
Hoàng
Đình Khải
(Bài đăng Báo Người cao tuổi
số Tết Bính Thân 2016, được tặng Giấy khen "Bài báo hay viết về Hà Nội" tại Hội
Báo Xuân Bính Thân, Hà Nội năm 2016)
|
Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016
Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016
Đừng dại ra đê
"Muốn giàu phải đánh số đề/ Sáng đi một chỉ, chiều về bảy cây".
Quả là giới "thầu đề" đã sáng tác ra một tứ thơ đầy ma lực khiến
bao kẻ tán gia bại sản mà không thể trách móc họ.
Công
thức 1 "ăn" 70 (đánh 1.000 đồng/1 số sẽ trúng 70.000 đồng), nay
nhiều vùng, giới chủ đề đã mạnh dạn nâng lên 1.000 đồng "ăn" 80.000
đồng mà vẫn chẳng sợ lỗ. Đây có thể coi là "phát minh kì tài" của
giới chủ đề, nhờ nó mà trò cờ bạc này mãi tồn tại và nhân lên như những làn
gió độc thổi quét cái nghèo đến khắp vùng, miền.
Ban
đầu trò cờ bạc này chỉ có ở thành phố, "sống kí sinh" vào kết quả
xổ số. Những năm 80, 90 thế kỉ trước, nạn số đề tràn lan khắp phố phường Hà
Nội và các thành phố lớn. Cứ chiều đến trước giờ mở thưởng xổ số kiến thiết
Thủ đô là các bàn đề lại nhộn nhịp như những "chợ cóc" đỏ đen.
Khi ấy, phương tiện thông tin chưa
phát triển, Công ty XSKT quay thưởng xong là kết quả được chủ đề chép ra
thành tờ rơi cho các chú bé bán dạo "phi" xe đạp rao bán khắp ngõ
phố. Nghe câu "kết quả đây" (có khi còn được đọc chệch thành
"chết cả đi") là dân chơi đề nhao ra mua để so số.
Nạn số đề "quét" xơ
xác làng quê. Cách "đánh" cũng được sáng tạo, đa dạng: Lô bảng, lô
xiên, tổng, chẵn lẻ, cặp chẵn lẻ... tức là sẵn sàng chiều khách chơi bất kể
kiểu gì. Tuy nhiên, một nguyên tắc bất di bất dịch người chơi khó vượt qua đó
là tỉ lệ trúng chỉ 1% (theo 2 số cuối từ 00 đến 99 của một giải xổ số). Nếu
đánh lô (hoặc các hình thức khác) thì người chơi phải ghi nhiều con số và có
cảm giác "dễ trúng" hơn, nhưng thực ra nó luôn nằm trong vòng xác
suất 1%, có nghĩa chủ đề 99% thắng, dân chơi chỉ có 1% cơ hội lấy lại tiền.
Để "tăng hi vọng" cho dân chơi đề, giới chủ đề còn bày ra các
"công thức" tính xác suất, các cách bói đoán tâm linh, mơ đề, thơ
đề… Nhưng cuối cùng chẳng có ai giàu lên nhờ chơi lô đề. Thế nên, người ta
mới gọi lô đề là trò cờ bạc.
Đã có rất nhiều "tấm
gương" tan cửa nát nhà vì ham mê số đề nhưng không thể cảnh tỉnh được
những người đam mê hão huyền. Nguy hại hơn hiện nay trò này đang "ăn
sâu, bám rễ" tại nhiều vùng nông thôn, lôi cuốn cả trẻ em, người già vào
ma lực đỏ đen. Những vụ đánh bạc lớn tiền triệu, tiền tỉ thường chỉ có một số
lượng nhất định những kẻ có tiền hoặc
có thể tranh thủ được đồng tiền của người khác để chơi nên phạm vi ảnh hưởng
cũng mức độ. Trò đánh đề tuy "lặt vặt" nhưng lại đang bị "phổ
cập" rộng, cực kì nguy hại cho cộng đồng. Từ đây sẽ sinh ra các tệ nạn
khác như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người.
Đã
đến lúc chính quyền các cấp, nhất là tại cơ sở cần quan tâm, có biện pháp
mạnh tay và hữu hiệu để dẹp nạn cờ bạc này. "Đánh đề rồi sẽ ra đê",
lời khuyên đó đã được nhắc nhiều nhưng xem ra chỉ như "nước đổ lá
khoai". Dân chơi số đề nên tỉnh ngộ sớm, nếu không "đê" cũng
chẳng được ở vì đây là công trình phòng lũ cấm cư trú. "Đừng mong giàu bởi số đề/Sáng đi tiền tỉ,
chiều về trắng tay!".
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)
|
Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016
Chính sách "trên
mây"
Thông thường, mỗi chính sách
được ban hành do nhu cầu cuộc sống đòi hỏi. Chính sách xuất phát từ thực tiễn
sẽ mở đường cho sự phát triển, điều chỉnh kịp thời những lệch lạc gây hại cho
cộng đồng. Trước khi có đường lối đổi mới, việc "khoán chui" trong
nông nghiệp những năm 70 - 80 thế kỉ trước là trái chủ trương của Đảng. Nhưng
lạ thay, việc làm "chui" ngày một khẳng định tính đúng đắn trước
cuộc sống thông qua năng suất, hiệu quả sản xuất. Đảng ta đã nhận ra thực
tiễn đó và cho ra đời những chủ trương đúng đắn từ Đại hội VI. Và, từ nước
phải nhập ngô, bo-bo về cứu đói cho dân, sau hơn chục năm Việt Nam bước lên
diễn đàn những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Gần đây xuất hiện nhiều quy định chính sách mà dân giã hay gọi đùa là
chính sách "trên mây", rất xa rời thực tiễn cuộc sống. Ví như quy
định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thịt giết mổ chỉ được
bán trong vòng 8 tiếng đồng hồ; rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định
Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; và nay đang nóng chuyện
xe 4 chỗ ngồi trở lên phải có bình cứu hỏa v.v.
Vậy quy trình như thế nào để cho ra những chính sách như trên? Thông
thường để ban hành một quy định có ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, đến sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải tìm hiểu thực tiễn
nhu cầu thực, đâu là dư luận của số đông và đâu là ý kiến một bộ phận vì lợi
ích riêng. Từ đó người làm chính sách mới soạn thảo văn bản pháp quy để điều
chỉnh. Trước khi ban hành, văn bản đó còn có bước lấy ý kiến ban ngành liên
quan, chuyên gia, người dân rồi đánh giá tác động của chính sách đến cuộc
sống.
Quy định "bán thịt 8 giờ" đã sớm phải thu hồi vì nó quá xa
rời thực tiễn. Người ban hành quy định có lẽ chưa tính xem nếu người nông dân
bán chưa hết số thịt trong 8 giờ thì "đổ" thịt đi đâu? Ai bồi
thường cho họ. Liệu họ có dễ dàng chấp nhận đổ mồ hôi công sức chăn nuôi rồi
bỏ đi?
Quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học cũng vậy, có
lẽ các "chuyên gia chính sách" ngành giáo dục chưa tính thử xem
thực tiễn có bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn đi thi đại học để hưởng ưu
đãi cộng điểm. Đó có phải đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hay không?
Mấy ngày gần đây khi Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định xe ô-tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải trang bị phương
tiện phòng cháy, chữa cháy, cả dư luận lẫn thị trường bình chữa cháy bỗng
"sôi sình sịch". Với quy định này, người Việt Nam đang tiên phong,
làm gương cho thế giới trong việc quan tâm sự an toàn của người sử dụng ô-tô!
Chính các hãng sản xuất ô-tô cũng chưa tính đến điều này (bằng chứng là chẳng
hãng xe nào bố trí và lắp thiết bị chữa cháy trên xe 4-9 chỗ). Có nhà quản lí
vận tải đã chia sẻ: Với phương tiện ô-tô cá nhân khi gặp sự cố cháy thì bình
chữa cháy cá nhân không thể dập tắt được. Khi đó, người trên xe cần nhanh
chóng thoát xa để tránh bình xăng phát nổ gây nguy hiểm. Lại nữa, với khí hậu mùa Hè ở
ta, xe để ngoài nắng có thể lên 60-70 độ C, bình chữa cháy còn có nguy cơ tự
phát nổ!". Các xe ô-tô cá nhân trang bị bình chữa cháy khác gì mang theo
quả bom?
Cán bộ, công chức hiện nay có nhiều
thuận lợi, nhất là cơ sở vật chất bảo đảm cho thực thi nhiệm vụ. Phòng làm
việc thì có máy điều hòa mát rượi. Ra khỏi cơ quan thì ô-tô đưa đón (cũng có
điều hòa), do vậy thời tiết khó làm họ đổ mồ hôi. Tuy nhiên, để có một chính
sách tốt thì cần phải đổ mồ hôi, công sức và trí tuệ. Người làm chính sách
phải sống, hòa mình vào thực tiễn. Phải "đi" chứ không thể
"ngồi" để "sản xuất" ra những chính sách "trên
mây".
Đinh Hoàng
|
Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016
Không
thể sống mãi
Lâu nay phó thác
việc sinh tử nơi hạ giới cho Nam Tào bỗng hôm nay Ngọc Hoàng lại chăm chú xem
kĩ tập hồ sơ khai tử vừa tấu. Thấy hai cái tên là lạ chẳng ra Tàu cũng không
phải Tây: Lưu Men Sứ và Invest Hoàng Nậu. Gọi Nam Tào đến, Ngọc Hoàng hỏi:
- Thần dân Lưu Men
Sứ tội gì ngươi chấm chỉ sống 55 tuổi?
- Dạ bẩm, hắn là
nghệ nhân kiêm nông dân, ham làm, ăn uống tằn tiện, tính văn nghệ sĩ, chút đam
mê rượu chè. Muốn cho thêm cũng chỉ đến thế thôi ạ! - Nam Tào bẩm.
- Thế còn Invest
Hoàng Nậu đã 60 tuổi, ngươi có cảm tình riêng hay sao mà cho hắn sống những 95
năm?
Nam Tào lạnh toát sống
lưng, lập cập thanh minh:
- Dạ không phải ạ,
Ngọc Hoàng đừng nghi oan cho thần. Kẻ này là nhà đầu tư, chuyên đi vận động
vay tiền thiên hạ giúp doanh nghiệp vay lại vốn sản xuất, kinh doanh. Thiếu
hắn lúc này nhiều doanh nghiệp sẽ “chết” ạ!
Vốn hiếu kì, và
cũng đã xa dân khá lâu, Ngọc Hoàng quyết định vi hành hạ giới xem sao.
Ngọc Hoàng tới
ngôi làng bên sông Mẹ thuộc phủ Hà Đô, đến nhà Lưu Men Sứ, thấy một người đàn
ông đang hì hụi đào đất trong vườn. Bên chiếc hố sâu chừng hơn mét có nhiều
đồ gốm sứ Bát Trắng xếp ngay ngắn.
- Ngươi là Lưu Men
Sứ? - Ngọc Hoàng hỏi.
Không thèm nhìn,
Lưu Men Sứ thủng thẳng:
- Ừ, có việc gì,
muốn uống thì có bình nước vối trong bếp ấy!
- Ngươi đào hố làm
gì vậy, trồng cau Vua à?
- Vua chúa gì,
chôn ít ấm chén, lu bát đó, nhìn thấy không?
- Sao lại chôn thứ
này?
- Cho nó lên giá.
- Thì ra ông là kẻ
đầu cơ?
- Cứ cho là thế.
Nhưng đầu cơ cho con, cháu, chắt… đời sau nó hưởng.
- Nghĩa là sao?
- Ông không thấy
đồ cổ giá đắt như vàng à? Hỏi, 500 năm nữa, những thứ này có cổ không?
- À !…
Rồi Ngọc Hoàng đến nhà Invest Hoàng
Nậu. Đó là dinh thự nguy nga tọa bên hồ Trâu Đằm. Đường vào khá rộng nhưng xe
ô-tô đắt tiền xếp hàng chen chúc thành ra chật hẹp. Thấy một chàng trai đứng
phì phèo thuốc lá, đoán chừng lái xe, Ngọc Hoàng hỏi:
- Họ đến đây làm
gì đông thế?
Nhìn Ngọc Hoàng vẻ
lạ lẫm, anh ta hỏi lại:
- Thế ông đến đây
làm gì? Chả lẽ không biết hôm nay thôi nôi cháu đích tôn ông Nậu à? Có mang quà
gì không?
- À.. à! Phải có
chứ. - Ngọc Hoàng trả lời qua quýt rồi đi vào. Thấy hai ông khách từ trong đi
ra, mặt buồn thiu vừa đi vừa nói với nhau:
- Lão ấy “chém” ác
quá. 15% một năm bố ai chịu được!
- Vay cũng chết,
không vay cũng chết! Thôi thì… kệ. Cứ bàn giao lại nhiệm kì sau bọn “hậu duệ”
sẽ trả nợ…
Chẳng cần vào,
Ngọc Hoàng đã hiểu. Thì ra Hoàng Nậu là nhà đầu tư vốn, đi vay thiên hạ rồi
cho vay lại (gọi hoa mĩ là tạo vốn hỗ trợ doanh nghiệp). Nhưng, với tình
trạng làm ăn hiện nay thì doanh nghiệp sao có thể trả lãi cao thế. Rồi con
cháu nai lưng mấy kiếp mới trả xong? Nghĩ vậy Ngọc Hoàng lập tức quay về Trời,
triệu Nam Tào đến chỉ lệnh:
- Ngươi điều chỉnh
ngay tuổi thần dân Lưu Men Sứ, tăng thọ càng lâu càng tốt, cho hắn 500 tuổi.
Còn Hoàng Nậu phải khai tử năm nay!
Nam Tào phân vân:
- Dạ bẩm, con
người không thể sống mãi được ạ. Luật Trời quy định cao nhất chỉ 140 năm, gia
hạn một hai lần cũng không vượt 150 năm ạ, như vậy là phạm Luật Trời, dạ bẩm…
- Luật mà không
phù hợp thì sửa luật, các khanh phải tham mưu cho trẫm chứ? Không thể để
người đáng trân trọng như Lưu Men Sứ chết yểu, còn Invest Hoàng Nậu phè phỡn
sống nhăn ra để rồi con cháu khốn khổ mang nợ! Các khanh bàn bạc kĩ với nhau
đi, không thể để người “vì tương lai" thì chết sớm, còn kẻ “ăn cắp của
tương lai” thì sống mãi.
Đinh Hoàng
|
Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016
Chất và độc trong suất ăn công nhân
Mới đây, Chủ tịch
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định trên VTV sẽ cố gắng để suất
ăn công nhân tại các doanh nghiệp đạt 15.000 đồng thay vì 11.000đ - 12.000đ
hiện nay. Một niềm hi vọng trong xa xót!
Liệu
có tìm được xuất ăn bình dân giá 15.000? Hầu hết quán cơm bình dân từ tỉnh lẻ
đến thành phố cũng khoảng 20.000 - 35.000 đồng/suất. Tất nhiên, nếu tổ chức
bếp ăn tập thể thì giá sẽ không thể cao như cơm bình dân. Tuy nhiên hầu hết
các công ty, cơ sở sản xuất đông người lao động (NLĐ) đang đặt mua trọn gói
suất ăn nên có thể coi đó cũng là những suất cơm bình dân cơ động. Cách đây
chưa lâu báo chí từng vạch trần thủ đoạn xà xẻo suất ăn công nhân tại một số
cơ sở phía Nam. Suất ăn giá chỉ 11.000 - 12.000 nhưng chủ thầu sẵn sàng hoa
hồng cho người kí hợp đồng 1.000 - 2.000 đồng/suất. Hoa hồng dám chi vậy thì
lợi nhuận mỗi suất họ chẳng chịu kém 2.000 đồng. Rồi các chi phí như chất
đốt, điện nước, thuê nhân công, tiền thuế... liệu số tiền còn lại cho một
suất ăn có được 6.000 - 7.000 đồng? Một bà nội trợ giỏi với 7.000đ liệu ra
chợ họ có mua được thực phẩm cho một người ăn? Suất ăn rẻ như vậy mang lại
bao nhiêu năng lượng cho người lao động NLĐ. Với người làm văn phòng suất ăn
đó cũng chưa chắc đã đủ nhu cầu sức khỏe, huống chi với NLĐ nặng nhọc, độc
hại?
Với
mức lương mới đủ 80% mức sống tối thiểu thì suất ăn 15.000 cũng đành bằng
lòng trong lúc này. Cái đáng nói hơn chất lượng bữa ăn, đó là sự độc hại. Ta
hãy điểm một số vụ ngộ độc thức ăn công nhân từ đầu năm 2015 đến nay xem thực
trạng ra sao:
Ngày
23/4/2015, Công ty TNHH túi xách Simone KCN Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh
Long An 300 công nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Ngày
19/6/2015, 90 công nhân Công ty may Deaseung Global (Thịnh Hưng, huyện Yên
Bình, tỉnh Yên Bái) bị ngộ độc thực phẩm.
Ngày
21/10/2015 Công ty TNHH giày Vĩnh Nghĩa (P. Hòa Lợi, TX Bến Cát, tỉnh Bình
Dương) 441 công nhân bị ngộ độc thực phẩm.
Ngày 11/11/2015 Công ty
TNHH Giầy Amara Việt Nam (Nam Định) 56 người bị ngộ độc thức ăn.
Ngày
17/11/2015 hơn 100 công nhân Công ty TNHH Dịch vụ TMSX Chánh Ích (phường Long
Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị ngộ độc thực phẩm.
Gần đây nhất, ngày
28/12/2015 hơn 2.000 công nhân nhà máy may nội y Regina Miracle (KCN VSIP,
huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị ngộ độc sau bữa cơm trưa, v.v.
Thực trạng trên cho thấy sự an
toàn trong suất ăn công nhân đã vượt mức báo động. Ngoài những vụ thực phẩm
độc "hạ gục nhanh" như trên, còn những bữa ăn
độc hại đang "đo ván từ từ" NLĐ mới đáng lo ngại cho tương lai của
họ.
Nhớ thời bao cấp đời sống rất thiếu
thốn song chuyện ngộ độc tập thể tại bếp ăn công nhân là chuyện lạ và cực
hiếm. Khi ấy mỗi nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều có bếp ăn công
nhân. Lãnh đạo, và NLĐ ăn chung một bếp như trong gia đình. Nay cơ chế thị
trường, chủ doanh nghiệp chủ yếu quan tâm kinh doanh, hàng tháng trả lương
xong như sòng phẳng, "tiền trao, cháo múc", ra khỏi cổng doanh
nghiệp NLĐ phải tự bươn trải cuộc sống. Cũng do cơ chế thị trường
nên hầu hết suất ăn công nhân được doanh nghiệp đặt hàng trọn gói, việc kiểm
soát chất lượng, an toàn vệ sinh hầu như bị bỏ ngỏ. Vì vậy, suất ăn 15.000
hay cao hơn nữa chưa hẳn đã bảo đảm chất lượng và an toàn.
Vậy ai sẽ là người lo cho bữa
ăn công nhân? Đã đến lúc cơ quan chức năng cần quan tâm thực sự chuyện này.
Công đoàn tại cơ sở và Tổng Liên đoàn Lao động cần có giải pháp cụ thể, thiết
thực hơn là những hứa hẹn, hoặc chỉ "sẽ khởi kiện doanh nghiệp" khi
đã xảy ra ngộ độc. Nên chăng cần quy định quy mô doanh nghiệp bao nhiêu công
nhân buộc phải tổ chức bếp ăn và trực tiếp quản lí? Và, cần có cơ chế tạo sự
độc lập giữa tổ chức công đoàn và doanh nghiệp, để lãnh đạo công đoàn không
bị lợi ích doanh nghiệp chi phối và việc bảo vệ quyền lợi NLĐ được khách
quan. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng cần thấy NLĐ là nền tảng sự phát
triển của doanh nghiệp, là nguồn quan trọng tạo ra lợi nhuận, từ đó chia sẻ
cùng họ, chăm lo cải thiện môi trường để tái tạo sức lao động.
Trong nền công nghiệp hiện
đại, văn hóa doanh nghiệp văn minh, NLĐ phải được coi là mục tiêu, họ không
chỉ đơn thuần là phương tiện của lợi nhuận.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao
tuổi)
|
Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016
Phóng sinh, sát sinh
Chuyện kể rằng Đề Bà Đạt
Đa - anh em chú bác với Đức Phật đã giương cung bắn trúng một con chim thiên
nga đang tự do bay trên bầu trời cao rộng. Thiên nga gẫy cánh, rơi vào khu
vườn của Thái tử. Nhìn cảnh con thiên nga quằn quại trong cơn đau dữ
dội, với lòng từ bi của một vị Thái tử mới 9 tuổi, Ngài đã nâng thiên nga ôm
vào lòng, chăm sóc, chữa trị vết thương cẩn trọng. Bằng tình thương vô bờ ấy
không bao lâu vết thương của thiên nga bình phục. Thiên nga đã được phóng
sinh, lại vỗ cánh bay cao, cất tiếng vui mừng tỏ lòng tri ân với người đã cứu
sinh độ thế.
Theo quan niệm nhà phật, phóng sinh là cứu giúp những chúng sinh thoát khỏi
cảnh khổ đau, sợ hãi trong thế “cá chậu, chim lồng”, bị tra tấn hành hạ. Bằng
Tâm Bồ Đề dùng mọi phương tiện mang lại sự sống, sự bình an cho tất cả chúng
sinh đang bị đe dọa đến tính mạng… đó chính là phóng sinh.
Một tư tưởng, một tấm
gương nhân đạo nay đang phát triển theo chiều hướng thái quá, lệch lạc. Nếu
ai sống cạnh khu vực các sông hồ ở Hà Nội thì sẽ thường xuyên được chứng kiến
cảnh phóng sinh rất tùy tiện. Cứ mồng Một, hôm Rằm rồi dịp cúng Tết Táo Công 23
tháng Chạp là chuyện phóng sinh lại diễn ra tấp nập. Ở Hồ Tây, vào những ngày
lễ đó rất nhiều động vật như cá, ốc, cua, lươn, chạch… được người hành lễ xong
mang đến và trút xuống hồ. Có những nhóm phật tử dùng xe tải chở đến phóng
sinh một lúc hàng tạ ốc, mấy chục cân cá trê, chạch… Do môi trường nước không
phù hợp và ô nhiễm nên chỉ vài ngày sau nhiều loại động vật trên bị chết nổi
trắng trên mặt hồ (có khi còn thấy cả túi ni-lông chứa những con cá chết vì
người phóng sinh không mở túi, ném bừa xuống). Chết nhiều nhất là ốc (loại ốc
nứa, ốc vặn nhỏ bằng ngón tay), xác vỏ trôi về bờ phía đường Trích Sài có đến
hàng tấn, bồi đắp nhiều năm đầy dần mép hồ, gây thêm ô nhiễm môi trường nước.
Có người phóng sinh những con cá chép to gần 1 kg, vừa đi khỏi một lát, kẻ
đánh bắt trộm đã tay lăm lăm chiếc vợt lội xuống làm cái việc… hậu phóng
sinh.
Vậy là việc phóng sinh
như trên vô tình đã thành chuyện sát sinh. Động vật đang sống, phát triển ở
“ngôi nhà” thanh bình của chúng bỗng dưng bị con người đánh bắt để mang đi
làm cái việc có vẻ nhân văn, nhân sinh. Nhiều động vật chết trước khi được
phóng sinh và con người vô tình sát sinh trước khi phóng sinh.
Thực ra việc phóng sinh
(cũng như tục đốt vàng mã) khi thờ cúng chỉ mang tính tượng trưng với ý nghĩa
giáo dục, nhắc con người ta sống trừ ác, hướng thiện, ghi nhớ công ơn tổ
tiên. Đây hoàn toàn không phải sự đổi chác với thần linh (lấy số lượng nhiều
mong đổi lại được nhiều).
Xin
đừng sát sinh bởi việc phóng sinh. Ta hãy giữ cho môi trường trong sạch như
chúng vốn có, hãy bảo vệ sự sống muôn loài như chúng đang tồn tại, đó chính
là sự phóng sinh hiệu quả và thực chất.
Đinh Hoàng
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)