Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

(Tiếp theo chuyện vui Đề án mở trường)
Hình thức tù mới

Nghe câu nói của Bắc Đẩu “một năm tù cũng chỉ mùa Thu ở ngoài” khiến Ngọc Hoàng tò mò và quyết làm một chuyến vi hành… tù thử.
Quả nay ở hạ giới vào tù dễ như bỡn! Giả vai một người đói ăn, cướp chiếc bánh mì, chẳng cần lâu Ngọc Hoàng đã yên vị tại phòng giam dành cho tội phạm nguy hiểm (cướp giật) trong một nhà tù.
Tuy đã hối lộ cho gã đại ca tù cùng phòng nhưng Ngọc Hoàng cũng không tránh khỏi một trận no đòn. Khi nhận thỏi vàng gần một kí của Ngọc Hoàng, gã đại ca trố mắt:
- Mày chỉ là quân cướp vặt sao lắm vàng thế? Mà sao không đút cho bọn cai ngục để vào phòng AZ mà lại vào đây? (Hắn không biết thứ được biếu chỉ là đồ ảo do Ngọc Hoàng phù phép ra).
Rồi làm theo mách nước của bọn tù cùng phòng, Ngọc Hoàng đã được bố trí đến buồng riêng mà tù nhân gọi là khu AZ (tức là bảo đảm mọi nhu cầu từ A đến Z), lịch sự như khách sạn 5 sao. Ngay tối đầu, vị cán bộ coi tù đến và hỏi:
- Này, anh có nhu cầu giả trí không để tôi bố trí?
- Ừ, thế cũng tốt, tối chẳng biết làm gì giết thời gian. Mà giải trí cái gì thế?
- Còn gì bằng cái “khoản kia”, ông anh cứ giả bộ mãi, đã vào đây bụng dạ tay nào chả thế.
Chưa hiểu “khoản kia” là cái gì nhưng vì sợ lộ, Ngọc Hoàng gật đầu:
- Ừ, thử xem sao!
Đang thiu thiu ngủ bỗng Ngọc Hoàng nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ bèn hỏi:
- Ai thế?
- Dạ, em đây ạ. - Có tiếng con gái.
Ngọc Hoàng ra mở cửa, bất ngờ thấy một thiếu nữ xinh như hoa hậu Thiên Đình, vẻ e thẹn:
- Em vào với anh được không ạ?
- Chắc cô nhầm phòng rồi?
- Không đâu ạ. Các anh ấy bảo em đến đây phục vụ anh giải khuây cả đêm nay mà. - Vừa nói cô gái vừa áp sát tấm thân mềm mại vào Ngọc Hoàng. Lúc này Ngọc Hoàng đã hiểu ra, đây chính là “khoản kia”. Sau khi nói rõ là không có nhu cầu song Ngọc Hoàng cũng đồng ý để thiếu nữ ở lại để tranh thủ tìm hiểu chuyện trần gian.
Qua câu chuyện, Ngọc Hoàng biết nhiều chuyện lạ nơi trần thế. Cô gái xuất thân từ làng quê nông thôn, thất học vì nghèo khó. Rồi đi làm công nhân khu công nghiệp nhưng vất vả, lương thấp lại bỏ lên thành phố bán hàng rồi bị đưa đẩy đến nghề này. Cô gái tâm tình:
- Bây giờ chỉ nông dân và công nhân khu công nghiệp là khổ thôi. Nông dân làm chỉ “nuôi béo” mấy ông sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, thương lái… Bán kiệt sức cũng chỉ đủ ngày hai bữa cơm ăn đạm bạc, chẳng đủ tiền nuôi con cái ăn học. Công nhân khu công nghiệp tuy lương cao hơn đôi chút nhưng làm quần quật như bị vắt chanh, môi trường ô nhiễm, chẳng mấy sẽ sinh bệnh tật. Chủ sử dụng khắt khe thời gian đến đi vệ sinh cũng phải theo thời gian quy định giữa ca. Chỉ có mấy phút nghỉ nên đó chỉ là thời gian để mọi người xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh. Giữa giờ làm mà đi tiểu là bị phạt trừ lương, nhiều lần thì bị đuổi việc.
- Đại gia các anh đi tù còn sướng gấp vạn lần nông dân, công nhân khu công nghiệp chúng em. Em không hiểu sao người ta lại cho đi tù kiểu này. Cứ cho các anh làm công nhân mấy tháng cũng đủ biết thế nào là tù.- Cô gái tâm tình.
Thế rồi Ngọc Hoàng lại giả làm một công nhân vào làm thử tại Công ty điện tử Săn Lùng. Tại đây Ngọc Hoàng chỉ “trụ” được đúng một ca làm việc đã vội vã quay về trời với quyết tâm sẽ thay đổi hình thức phạt tù: Cho đi làm công nhân khu công nghiệp!
Đinh Hoàng 

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Chuyện vui:
Tài nguyên

      Đang mải mê tưới tắm cho vườn cây cảnh trước sân, trưởng thôn Văn Hán không nhận ra tay Vơ, cán bộ địa chính đến từ khi nào đang nghênh đầu, vê cằm râu lởm chởm lên tiếng:
      - Hết thời sốt cây cảnh rồi bác Hán ơi, nghĩ cách khác mà kiếm tiền.
Thuế trâu bò ở Thanh Hóa

      - Chú Vơ đấy à? - Trưởng thôn Hán không ngừng tay, nói - Chú có cách gì kiếm tiền? Chân trưởng thôn quèn như tôi thì kiếm chác gì? Đất đai thôn mấy năm đô thị hóa đã cắt, chém, bán hết rồi.
      - Đất hết thì phải tìm nguồn tài nguyên mới chứ. Bác có nguồn tài nguyên không bao giờ cạn! - “Vơ địa chính” nói vừa nheo nheo cặp mắt lươn cười tủm tỉm.
      Trưởng thôn Văn Hán:
      - Cậu vốn là tay đầu nậu khai thác cát sông, sở trường chỉ là hút cát đem bán, nộp thuế tí ti gọi là, lãi bao nhiêu bỏ túi dễ dàng. Làm cán bộ quản lí đâu dễ. Mà này, cậu muốn nói nguồn tài nguyên gì thế?
      - Là 2000 nhân khẩu trong thôn! - Vơ nói như đinh đóng cột.
      - Cậu cứ nói chơi, dễ tôi đem dân đi bán cho nước ngoài được chắc?
       - Ai lại bán dân. Xin hỏi bác nhé, nếu mỗi khẩu nộp 10.000 đồng thì thôn có bao nhiêu tiền?
      Nhẩm tính vài giây, trưởng thôn nói:
      - 20 triệu. Nhưng bỗng dưng vô lí ai người ta nộp tiền?
      - Thế mới phải có sáng kiến. Theo em, có rất nhiều cách thu tiền có lí, đúng luật. Ví như ta lập cái quỹ gọi là “Quỹ chỉnh trang thôn văn hóa”, yêu các hộ cưới xin, ma chay… đóng đôi ba triệu gọi là. Rồi mở cái "Quỹ Xây dựng" yêu cầu ai xây nhà mới hay cơi nới, sửa chữa phải đóng cho thôn 10% giá trị công trình. Hoặc “Quỹ Cải tạo môi trường” thu trên đầu nhân khẩu vì càng đông người thì càng thải ra nhiều rác. Quỹ này có thể thu mỗi khẩu 5.000 - 10.000 đồng/tháng chẳng hạn. Chỉ vậy mỗi tháng đã có khối tiền rồi, tha hồ mà chi. Và…
      Vơ  cao hứng ba hoa, trưởng thôn Văn Hán xua tay:
      - Thôi thôi… tôi hiểu rồi, cậu đúng là tay kinh doanh, chợ búa, ranh mãnh. 
Sức dân là tài nguyên

    “Vơ địa chính” đã về, trưởng thôn Văn Hán tiếp tục tưới cây, vừa làm vừa ngẫm nghĩ: Chẳng nhẽ, nhân dân cũng là… tài nguyên?!

Đinh Hoàng

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

 Tăng và giảm

Ở "xứ" ta có những cái lạ. Có chuyện phấn đấu giảm mãi nhưng càng "cố" lại càng tăng, có việc thì tăng hoài nhưng xem ra có vẻ lại đang giảm, đó là chuyện tinh giảm biên chế và việc tăng lương tối thiểu.
Về chuyện tăng lương tối thiểu, chỉ tính từ 2001 đến nay đã ngót chục lần, từ mức 180.000đ năm 2001 đến nay là 1.150.000đ. Tương tự lương đối tượng chính sách, người nghỉ hưu… cũng được tăng tương ứng, lần thấp là 8 - 9%, lần cao nhất (năm 2003) là 46%. Tuy nhiên, lương tối thiểu sau 15 năm, 9 lần với giá trị tuyệt đối tăng gần 7 lần nhưng hiện vẫn chỉ bảo đảm chừng 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Nói là tăng lương nhưng có những năm lương tăng chỉ cao bằng mức trượt giá, lẽ ra chỉ nên gọi là bù trượt giá do lạm phát. Năm 2014 và 2015 lương tối thiểu đang trì hoãn do chưa có nguồn bảo đảm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước…) vẫn tăng đều đặn. Điều đó đồng nghĩa mức sống người lao động, đối tượng chính sách, hưu trí vẫn bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm...
Cách đây hơn chục năm, cuối thế kỉ trước Đảng ta đã chủ trương tinh giảm biên chế để giảm áp lực chi tiêu bộ máy hành chính được coi là tương đối "cồng kềnh" để nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân. Mục tiêu là không tăng thêm, phấn đấu giảm 15% số công chức hiện có. Tuy nhiên, sang thập niên đầu thế kỉ XXI bộ máy công vụ vẫn được nhận định là khá "cồng kềnh", nhiều địa phương, bộ ngành biên chế không những không giảm mà lại tăng, có khi còn cao hơn tỉ lệ phấn đấu giảm 15%. Vì vậy, ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 
Kết quả hình ảnh cho giảm biên chế
Vì sao biên chế ta phấn đấu giảm mãi vẫn tăng? Nguyên nhân khách quan hay chủ quan? Ai cũng hiểu muốn giảm số công chức thì bộ máy công vụ phải giảm. Tuy nhiên cơ cấu đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục trong mấy chục năm qua. Năm 1976 cả nước có 38 tỉnh, thành phố, sau đó tăng dần, đến năm 2004 là lúc cao nhất có 64, đến 2008 sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội còn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với tăng đơn vị hành chính cấp tỉnh thì cấp huyện, cấp xã cũng tăng, nhất là cấp quận, huyện. Đơn cử như Hà Nội, năm 1975 có 8 quận, huyện. Nay không tính số từ Hà Tây nhập vào thì Hà Nội cũng đã có 16 quận, huyện. Gần đây với lí do đặc thù, Hà Nội đã tách Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành 2 là Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch. Thiết nghĩ, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng sẽ "tìm ra" đặc thù tương tự Hà Nội... Các quận, huyện, tỉnh thành cứ nhỏ dần về diện tích, dân cư, tương ứng toàn cục thì bộ máy ngày một "to ra". Sự "to ra" ấy kéo theo số người trong bộ máy hành chính ngày thêm "đông đúc". Tiến trình này xem ra "ngược dòng" với quyết tâm giảm biên chế bộ máy hành chính. Bộ máy công vụ của Việt Nam ta nghe nói còn "đông" hơn bên Mỹ! (VN có 2,8 triệu, Mỹ là 2,1 triệu). Ngay nước láng giềng là Trung Quốc, diện tích gần 9,6 triệu km² (Việt Nam là 331.210 km²), dân số hơn 1,2 tỉ người nhưng cũng chỉ có 33 đơn vị hành chính tỉnh, thành, đặc khu hành chính… Điều này đáng để ta suy ngẫm, bởi người Việt ta và nhất là đội ngũ công vụ không phải không thông minh, tài giỏi. Nếu cán bộ công quyền năng lực tốt lại quản lí những đơn vị hành chính nhỏ bé xem ra không tương xứng và… lãng phí tài năng!
Phải chăng đã đến lúc cần thay đổi tư duy và cách làm trong thực hiện tinh giảm biên chế?

Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 3/11/2015)
 Chuyện vui:
Đề án mở trường

      Xem xét đề xuất mở trường, Ngọc Hoàng chất vấn Bắc Đẩu:
      - Ngươi thấy hệ thống trường sở nay thế nào?
      - Dạ bẩm, nhờ sự “thông thoáng” của Thiên Đình, nhiều năm qua trường sở “trăm hoa đua nở”, nay 100% tỉnh, thành, ngành đều có trường đại học, chỉ thiếu đại học cấp huyện thôi ạ!
      - Trường sở đã tạm ổn. Còn học vấn công bộc ra sao?
      - Dạ quá tuyệt ạ! Thần đố Ngọc Hoàng tìm thấy một công bộc chủ chốt cấp xã trở lên lại không có bằng đại học. Trình độ đại học với công bộc nay chỉ gọi là “xóa mù” thôi ạ. Họ chăm chỉ, cần mẫn cái sự học hành lắm. Nhiều anh qua vài nhiệm kì phụng sự đã từ trung học cơ sở lên tiến sĩ qua “vừa học vừa làm”. Tuy chất xám hơi khiêm tốn nhưng về số lượng cao học trong công bộc rất… cao ạ!
       Rầm! Bất ngờ Ngọc Hoàng đập tay xuống bàn khiến Bắc Đẩu giật bắn.
      - Thật quan liêu, tắc trách! Trường sở đủ, công bộc học vấn cao, vậy mà ngươi trình cái đề án “Trường bồi dưỡng công bộc” này? Với yếu kém hiện nay, ta ngỡ ngươi phải trình giải pháp “chấn chỉnh, đổi mới giáo dục”. Sao lại thò ra cái đề án quái dị này?
      - Dạ bẩm, xin Ngọc Hoàng bớt nóng nghe thần trình bày ạ. Đây là trường “chuyên đề” chỉ đào tạo trách nhiệm thôi ạ. Hiện cái thiếu nhất với công bộc là trách nhiệm. Mấy vụ án tày đình gần đây đều không phải do trình độ, phẩm chất, công bộc kém, trái lại họ “rất tốt” ạ. Cái họ thiếu chỉ là trách nhiệm. Phiên tòa nào cũng khẳng định không có tham ô, ăn cắp, mà chỉ là… thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng! Vì vậy nhiều anh phấn đấu vào cương vị công tác quan trọng rồi… “thiếu trách nhiệm”, bị kỉ luật, về nghỉ, nặng lắm thì đi tù ít năm, miễn là gia đình, vợ con được nhờ!
      - Ngươi nói lạ, có ai lại sẵn sàng đi tù. Ngươi chưa nghe câu “một năm tù ngàn Thu ở ngoài” ư?
      - Dạ, xưa là thế, nay ở tù dưới hạ giới cũng dễ thở lắm ạ. Ngọc Hoàng cứ thử mà xem, miễn là nhiều tiền. Nay có thể nói “một năm tù cũng chỉ… mùa Thu ở ngoài” thôi ạ.
      - Đúng là kì quái. Nhưng thôi, ta phê chuẩn! Nhớ đặt thêm cho ta một phân hiệu cái Trường bồi dưỡng này trong nhà tù. Ta nghĩ, học viên sẽ không ít đâu.
Đinh Hoàng

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Thôi đừng vắt kiệt những dòng sông

Thuở nhỏ kí ức một dòng sông trong thơ Tế Hanh luôn đọng trong tôi như một sự trong mát, thanh bình: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre… Con sông với bất kì quốc gia nào cũng được coi là mạch nguồn của sự sống và thường được đặt những cái tên trân trọng. Sông Mẹ, sông Cái, sông Cả… là những danh từ đã được người Việt đặt cho nhiều dòng sông thân thương của mình trong đó không thể không kể đến sông Hồng. Khi còn học phổ thông, nhìn tấm bản đồ địa lí tôi luôn liên tưởng màu xanh lá cây lan tỏa từ những lưu vực sông Thái Bình, sông Cửu Long… là màu xanh cây trái, mùa màng từ mạch nguồn sông nước tạo nên. Đó là màu của trù phú, ấm no và hạnh phúc mát lành.
Nguồn lợi vô giá do những dòng sông mang lại không thể phủ nhận. Tuy nhiên nhiều năm qua chúng tai khai thác nguồn lợi này quá tàn nhẫn, tựa đứa con vắt kiệt bầu sữa mẹ mà không biết xót thương.
Vì nguồn lợi điện năng chúng ta đã khiến nhiều con sông miền Trung nơi hạ nguồn trơ đáy. Vựa lúa đồng bằng sông Hồng từng bội thu nhờ đỏ nặng phù sa thì nay hằng năm trông chờ những đợt xả nước chắt chiu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Thậm chí có con sông như sông Ba bỗng dưng bị xóa sổ để “nhường” nguồn sống cho một dòng sông khác chỉ vì lợi ích thủy điện. Còn “chín con Rồng” Nam Bộ nay đang khó “cựa mình lai láng" nếu không có lòng tốt của những quốc gia láng giềng! Có lẽ đến một lúc nào đó phải ngậm ngùi nói với cố nhà thơ Tế Hanh rằng Quê hương anh không còn sông xanh biếc
Dư luân đang xôn xao về dự án khai thác thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện (Thuộc Tập đoàn Xuân Thành). Nếu quả thực dự án này mang lại nguồn lợi lớn cho quốc kế dân sinh thì đâu có nhiều ý kiến phản biện như vậy. Những bất ổn đã được nhiều chuyên gia vạch ra trong đó vấn đề cốt yếu là đánh giá tác động đến đời sống dân sinh, môi trường. Trong khi đó, ngay từ đầu chủ dự án đã nêu lên những ưu đãi về vốn, thuế… và điều kiện về khai thác nguồn lợi từ công việc nạo vét đáy sông (khai thác cát). 
Điều lạ là các bộ, ngành, địa phương liên quan khi xem xét dự án đều có yêu cầu cần làm rõ tác động của dự án, nhất là về môi trường (tức là vấn đề chưa được làm rõ), nhưng tất cả đã “gật đầu” đồng ý về chủ trương! Như vậy chẳng khác chi là đã đồng ý, phải chăng đánh giá tác động có thể sẽ được “bổ sung dần” khi đã triển khai dự án?
Rất may là Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa xem xét cho đầu tư dự án này.
Chúng ta đang cư xử với những dòng sông của mình thế nào không thể tránh được cái nhìn của các quốc gia khác. Làm sao ta có thể đòi hỏi người khác không làm cái việc (khai thác cạn kiệt dòng sông) khi mà chúng ta đang ủng hộ doanh nghiệp "vắt kiệt" những dòng sông?
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 11/5/2016

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

 “Ông nghè” thời nay
  
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/Cũng gọi ông nghè có kém ai! Chuyện danh vọng khoa bảng từ thời cụ Nguyễn Khuyến cuối thế kỉ XIX tưởng là cũ nhưng xem ra nay vẫn mang tính thời sự. Nhiều tiến sĩ (TS) ngày nay cũng na ná “tiến sĩ giấy” ngày xưa, khác chăng là ở hình thức mà thôi.
Thời xưa, người đỗ ông nghè là đỉnh cao làm rạng danh dòng tộc. Có một số điểm khác trong chuyện học hành thi thố xưa và nay: Thí sinh xưa dùi mài kinh sử, cơm nắm, gạo thắt lưng, vai mang lều chõng ứng thí. Nay có hình thức “công nông” vừa học vừa làm, thí sinh ngồi phòng lạnh, đi xe hơi tiền tỉ, có trợ lí xách cặp đưa đến tận giảng đường. Xưa học hành thi cử đỗ cao sẽ được bổ làm quan. Nay làm quan rồi mới đi học lấy bằng TS. Xưa có bằng TS khó đến nỗi giỏi như cụ Nguyễn Khuyến mà 3 phen, gần chục năm lều chõng mới đạt Hoàng giáp. Nay có bằng TS dễ như trở bàn tay, không hẳn cần trí cao tuệ sâu, miễn là có khả năng tài chính. Vì vậy mà xưa TS hiếm hoi như lá mùa Thu thì nay lại nhiều tựa hoa nở mùa Xuân.
          Câu chuyện Học viện Khoa học Xã hội cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút cho “ra lò” một TS đã gây xôn xao dư luận. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014 - 2015, tổng quy mô đào tạo tiến sĩ của nước ta là 10.352 nghiên cứu sinh. Nghĩa là 2 năm sau sẽ có thêm ít nhất 8.500 tiến sĩ mới. Cả nước có 24.300 TS và 101.000 thạc sĩ (năm 2014). Nhìn vào con số trên phần nào hiểu nay TS “ra lò” nhanh và nhiều thế nào.

Hình minh họa

          Với các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, người có tấm bằng TS luôn gắn với một công trình khoa học đóng góp xứng đáng cho xã hội, từ công trình nghiên cứu đó họ được công nhận danh bậc khoa học. Đáng buồn Việt Nam có số TS nhiều nhất khu vực nhưng số công trình, bài báo đăng trên tạp chí khoa học tên tuổi quốc tế mỗi năm chỉ 5 - 6 cái, cách xa so với Singapo (647), Malaysia (161), Thái Lan (53). Giáo sư, TS nước ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới (khu vực Đông Nam Á có Singapo và Malaysia). 
          Chỉ vài con số trên đã có thể hiểu chất lượng thực của đội ngũ TS ở nước ta. Chính sự “nở rộ” TS đã làm giảm lòng tin của xã hội vào danh từ cao quý này. Có TS nọ rất giỏi, bằng ở nước ngoài nhưng khi về nước không bao giờ xưng mình là TS. Ông đã gặp những TS “kêu to” nhưng năng lực kém xa một kĩ sư, trình độ tiếng Anh thì chưa đạt bậc A. Có lẽ vì vậy ông ngại mọi người nghĩ mình cũng giống những “TS giấy” như thế.
          Một thực trạng không vui là ở ta quá nhiều nhà khoa học nhưng lại không làm khoa học, nhiều TS chỉ làm lãnh đạo, quản lí hành chính ở cơ quan, địa phương, doanh nghiệp (trong tổng số hơn 24 nghìn TS thì chỉ khoảng 12 nghìn tham gia nghiên cứu phát triển). Thực tế cho thấy cán bộ lãnh đạo không nhất thiết phải có tấm bằng TS hay chức danh khoa học cao, trình độ chuyên sâu, trừ phi đó là viện nghiên cứu, nhà trường... Phải chăng cơ chế bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ quá câu nệ bằng cấp đã góp phần tạo nên thực trạng trên?
Hai câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ có thể phần nào nói lên giá trị thật của những bằng “TS giấy” ngày nay: Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 6/5/2016)