Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Thôi đừng vắt kiệt những dòng sông

Thuở nhỏ kí ức một dòng sông trong thơ Tế Hanh luôn đọng trong tôi như một sự trong mát, thanh bình: Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre… Con sông với bất kì quốc gia nào cũng được coi là mạch nguồn của sự sống và thường được đặt những cái tên trân trọng. Sông Mẹ, sông Cái, sông Cả… là những danh từ đã được người Việt đặt cho nhiều dòng sông thân thương của mình trong đó không thể không kể đến sông Hồng. Khi còn học phổ thông, nhìn tấm bản đồ địa lí tôi luôn liên tưởng màu xanh lá cây lan tỏa từ những lưu vực sông Thái Bình, sông Cửu Long… là màu xanh cây trái, mùa màng từ mạch nguồn sông nước tạo nên. Đó là màu của trù phú, ấm no và hạnh phúc mát lành.
Nguồn lợi vô giá do những dòng sông mang lại không thể phủ nhận. Tuy nhiên nhiều năm qua chúng tai khai thác nguồn lợi này quá tàn nhẫn, tựa đứa con vắt kiệt bầu sữa mẹ mà không biết xót thương.
Vì nguồn lợi điện năng chúng ta đã khiến nhiều con sông miền Trung nơi hạ nguồn trơ đáy. Vựa lúa đồng bằng sông Hồng từng bội thu nhờ đỏ nặng phù sa thì nay hằng năm trông chờ những đợt xả nước chắt chiu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Thậm chí có con sông như sông Ba bỗng dưng bị xóa sổ để “nhường” nguồn sống cho một dòng sông khác chỉ vì lợi ích thủy điện. Còn “chín con Rồng” Nam Bộ nay đang khó “cựa mình lai láng" nếu không có lòng tốt của những quốc gia láng giềng! Có lẽ đến một lúc nào đó phải ngậm ngùi nói với cố nhà thơ Tế Hanh rằng Quê hương anh không còn sông xanh biếc
Dư luân đang xôn xao về dự án khai thác thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện (Thuộc Tập đoàn Xuân Thành). Nếu quả thực dự án này mang lại nguồn lợi lớn cho quốc kế dân sinh thì đâu có nhiều ý kiến phản biện như vậy. Những bất ổn đã được nhiều chuyên gia vạch ra trong đó vấn đề cốt yếu là đánh giá tác động đến đời sống dân sinh, môi trường. Trong khi đó, ngay từ đầu chủ dự án đã nêu lên những ưu đãi về vốn, thuế… và điều kiện về khai thác nguồn lợi từ công việc nạo vét đáy sông (khai thác cát). 
Điều lạ là các bộ, ngành, địa phương liên quan khi xem xét dự án đều có yêu cầu cần làm rõ tác động của dự án, nhất là về môi trường (tức là vấn đề chưa được làm rõ), nhưng tất cả đã “gật đầu” đồng ý về chủ trương! Như vậy chẳng khác chi là đã đồng ý, phải chăng đánh giá tác động có thể sẽ được “bổ sung dần” khi đã triển khai dự án?
Rất may là Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chưa xem xét cho đầu tư dự án này.
Chúng ta đang cư xử với những dòng sông của mình thế nào không thể tránh được cái nhìn của các quốc gia khác. Làm sao ta có thể đòi hỏi người khác không làm cái việc (khai thác cạn kiệt dòng sông) khi mà chúng ta đang ủng hộ doanh nghiệp "vắt kiệt" những dòng sông?
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 11/5/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét