Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

 “Ông nghè” thời nay
  
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/Cũng gọi ông nghè có kém ai! Chuyện danh vọng khoa bảng từ thời cụ Nguyễn Khuyến cuối thế kỉ XIX tưởng là cũ nhưng xem ra nay vẫn mang tính thời sự. Nhiều tiến sĩ (TS) ngày nay cũng na ná “tiến sĩ giấy” ngày xưa, khác chăng là ở hình thức mà thôi.
Thời xưa, người đỗ ông nghè là đỉnh cao làm rạng danh dòng tộc. Có một số điểm khác trong chuyện học hành thi thố xưa và nay: Thí sinh xưa dùi mài kinh sử, cơm nắm, gạo thắt lưng, vai mang lều chõng ứng thí. Nay có hình thức “công nông” vừa học vừa làm, thí sinh ngồi phòng lạnh, đi xe hơi tiền tỉ, có trợ lí xách cặp đưa đến tận giảng đường. Xưa học hành thi cử đỗ cao sẽ được bổ làm quan. Nay làm quan rồi mới đi học lấy bằng TS. Xưa có bằng TS khó đến nỗi giỏi như cụ Nguyễn Khuyến mà 3 phen, gần chục năm lều chõng mới đạt Hoàng giáp. Nay có bằng TS dễ như trở bàn tay, không hẳn cần trí cao tuệ sâu, miễn là có khả năng tài chính. Vì vậy mà xưa TS hiếm hoi như lá mùa Thu thì nay lại nhiều tựa hoa nở mùa Xuân.
          Câu chuyện Học viện Khoa học Xã hội cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút cho “ra lò” một TS đã gây xôn xao dư luận. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2014 - 2015, tổng quy mô đào tạo tiến sĩ của nước ta là 10.352 nghiên cứu sinh. Nghĩa là 2 năm sau sẽ có thêm ít nhất 8.500 tiến sĩ mới. Cả nước có 24.300 TS và 101.000 thạc sĩ (năm 2014). Nhìn vào con số trên phần nào hiểu nay TS “ra lò” nhanh và nhiều thế nào.

Hình minh họa

          Với các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, người có tấm bằng TS luôn gắn với một công trình khoa học đóng góp xứng đáng cho xã hội, từ công trình nghiên cứu đó họ được công nhận danh bậc khoa học. Đáng buồn Việt Nam có số TS nhiều nhất khu vực nhưng số công trình, bài báo đăng trên tạp chí khoa học tên tuổi quốc tế mỗi năm chỉ 5 - 6 cái, cách xa so với Singapo (647), Malaysia (161), Thái Lan (53). Giáo sư, TS nước ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới (khu vực Đông Nam Á có Singapo và Malaysia). 
          Chỉ vài con số trên đã có thể hiểu chất lượng thực của đội ngũ TS ở nước ta. Chính sự “nở rộ” TS đã làm giảm lòng tin của xã hội vào danh từ cao quý này. Có TS nọ rất giỏi, bằng ở nước ngoài nhưng khi về nước không bao giờ xưng mình là TS. Ông đã gặp những TS “kêu to” nhưng năng lực kém xa một kĩ sư, trình độ tiếng Anh thì chưa đạt bậc A. Có lẽ vì vậy ông ngại mọi người nghĩ mình cũng giống những “TS giấy” như thế.
          Một thực trạng không vui là ở ta quá nhiều nhà khoa học nhưng lại không làm khoa học, nhiều TS chỉ làm lãnh đạo, quản lí hành chính ở cơ quan, địa phương, doanh nghiệp (trong tổng số hơn 24 nghìn TS thì chỉ khoảng 12 nghìn tham gia nghiên cứu phát triển). Thực tế cho thấy cán bộ lãnh đạo không nhất thiết phải có tấm bằng TS hay chức danh khoa học cao, trình độ chuyên sâu, trừ phi đó là viện nghiên cứu, nhà trường... Phải chăng cơ chế bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ quá câu nệ bằng cấp đã góp phần tạo nên thực trạng trên?
Hai câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ có thể phần nào nói lên giá trị thật của những bằng “TS giấy” ngày nay: Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh ấy mới hời!
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 6/5/2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét