Tăng và giảm
Ở
"xứ" ta có những cái lạ. Có chuyện phấn đấu giảm mãi nhưng càng
"cố" lại càng tăng, có việc thì tăng hoài nhưng xem ra có vẻ lại
đang giảm, đó là chuyện tinh giảm biên chế và việc tăng lương tối thiểu.
Về chuyện
tăng lương tối thiểu, chỉ tính từ 2001 đến nay đã ngót chục lần, từ mức
180.000đ năm 2001 đến nay là 1.150.000đ. Tương tự lương đối tượng chính sách,
người nghỉ hưu… cũng được tăng tương ứng, lần thấp là 8 - 9%, lần cao nhất
(năm 2003) là 46%. Tuy nhiên, lương tối thiểu sau 15 năm, 9 lần với giá trị
tuyệt đối tăng gần 7 lần nhưng hiện vẫn chỉ bảo đảm chừng 80% mức sống tối
thiểu của người lao động. Nói là tăng lương nhưng có những năm lương tăng chỉ
cao bằng mức trượt giá, lẽ ra chỉ nên gọi là bù trượt giá do lạm phát. Năm
2014 và 2015 lương tối thiểu đang trì hoãn do chưa có nguồn bảo đảm, trong
khi chỉ số giá tiêu dùng (nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực,
thực phẩm, điện, nước…) vẫn tăng đều đặn. Điều đó đồng nghĩa mức sống người
lao động, đối tượng chính sách, hưu trí vẫn bị ảnh hưởng theo chiều hướng
giảm...
Cách đây
hơn chục năm, cuối thế kỉ trước Đảng ta đã chủ trương tinh giảm biên chế để
giảm áp lực chi tiêu bộ máy hành chính được coi là tương đối "cồng
kềnh" để nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân. Mục tiêu là không tăng
thêm, phấn đấu giảm 15% số công chức hiện có. Tuy nhiên, sang thập niên đầu
thế kỉ XXI bộ máy công vụ vẫn được nhận định là khá "cồng kềnh",
nhiều địa phương, bộ ngành biên chế không những không giảm mà lại tăng, có
khi còn cao hơn tỉ lệ phấn đấu giảm 15%. Vì vậy, ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị
đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức.
Vì sao
biên chế ta phấn đấu giảm mãi vẫn tăng? Nguyên nhân khách quan hay chủ quan?
Ai cũng hiểu muốn giảm số công chức thì bộ máy công vụ phải giảm. Tuy nhiên
cơ cấu đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện của Việt Nam có xu hướng tăng liên
tục trong mấy chục năm qua. Năm 1976 cả nước có 38 tỉnh, thành phố, sau đó
tăng dần, đến năm 2004 là lúc cao nhất có 64, đến 2008 sáp nhập Hà Tây vào Hà
Nội còn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với tăng đơn vị hành
chính cấp tỉnh thì cấp huyện, cấp xã cũng tăng, nhất là cấp quận, huyện. Đơn
cử như Hà Nội, năm 1975 có 8 quận, huyện. Nay không tính số từ Hà Tây nhập
vào thì Hà Nội cũng đã có 16 quận, huyện. Gần đây với lí do đặc thù, Hà Nội
đã tách Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành 2 là Sở Văn hóa - Thể thao và
Sở Du lịch. Thiết nghĩ, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng sẽ "tìm ra"
đặc thù tương tự Hà Nội... Các quận, huyện, tỉnh thành cứ nhỏ dần về diện
tích, dân cư, tương ứng toàn cục thì bộ máy ngày một "to ra". Sự
"to ra" ấy kéo theo số người trong bộ máy hành chính ngày thêm
"đông đúc". Tiến trình này xem ra "ngược dòng" với quyết
tâm giảm biên chế bộ máy hành chính. Bộ máy công vụ của Việt Nam ta nghe nói
còn "đông" hơn bên Mỹ! (VN có 2,8 triệu, Mỹ là 2,1 triệu). Ngay
nước láng giềng là Trung Quốc, diện tích gần 9,6 triệu km² (Việt Nam là
331.210 km²), dân số hơn 1,2 tỉ người nhưng cũng chỉ có 33 đơn vị hành
chính tỉnh, thành, đặc khu hành chính… Điều này đáng để ta suy ngẫm, bởi
người Việt ta và nhất là đội ngũ công vụ không phải không thông minh, tài giỏi.
Nếu cán bộ công quyền năng lực tốt lại quản lí những đơn vị hành chính nhỏ bé
xem ra không tương xứng và… lãng phí tài năng!
Phải chăng
đã đến lúc cần thay đổi tư duy và cách làm trong thực hiện tinh giảm biên
chế?
Đinh Hoàng
(Bài đăng Báo
Người cao tuổi ngày 3/11/2015)
|
Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét