Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Chuyện những con số, đẹp và chưa đẹp


Những cặp số 05-21-31-33-38-42; 03-05-08-10-13-22… hay 12-16-17-18-22-30… với mọi người chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên khi đó là kết quả giải xổ số điện toán Vietlott vừa qua thì với người trúng giải, đó lại là những số "siêu đẹp" bởi giá trị của nó lên tới nhiều chục tỉ đồng.


Kết quả hình ảnh cho xe ô tô biển số đẹp


Những con số như 6868, 8686, những cặp 4 số 6666, 8888, hay 9999… được không ít người coi là "số đẹp" (trong tiếng Hán 6 là lục, nghe như từ lộc, 8 là bát, âm như từ phát, 68 là lộc phát; cụm 4 số giống nhau gọi là tứ quý, nhiều số 9 là cửu tuyền v.v). Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm mang màu sắc duy tâm, không có cơ sở khoa học hay thực tiễn, bởi không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra với xe có biển "số đẹp"!

Gần đây dư luận quan tâm hiện tượng đa số xe sang, đắt tiền mang những biển số được coi là "rất đẹp". Việc cấp biển số xe nay đã được thực hiện bấm số tự động ngẫu nhiên, khách quan. Tuy nhiên dư luận nghi vấn bởi rất ít người bấm được những dãy số "đẹp" trong khi người sở hữu xe đắt tiền thường lại rất "may mắn"! Xem ra quy trình bấm số chưa hẳn đã khách quan.

Và, chuyện "số đẹp" vừa qua đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến cho các "số đẹp" (cả biển số xe, số điện thoại…) là tài sản công, cần được thu về và đưa ra đấu giá thu tiền cho ngân sách nhà nước. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chuyện "tài sản số đẹp" chưa ngã ngũ.

Lẽ thường kho số điện thoại là sở hữu của doanh nghiệp viễn thông, kể cả khi đó là doanh nghiệp nhà nước. Nếu dùng biện pháp hành chính can thiệp để thu lại các "số đẹp" xem ra chưa thật hợp lí trong môi trường doanh nghiệp cần được tự chủ kinh doanh. Còn giữ lại các "số đẹp" trong đăng kí phương tiện giao thông cũng là không công bằng với người dân và doanh nghiệp khi đăng kí, chẳng khác nào công ty xổ số giữ lại "kho số", không cho ra số trúng thưởng! Giữ lại "số đẹp" của phương tiện giao thông thì việc bấm số ngẫu nhiên có thể chẳng còn ý nghĩa! 

Tóm lại những số được coi là "đẹp" (của phương tiện, số điện thoại…) không nên coi đó là tài sản công và thực tế cũng chưa có điều luật nào quy định. Nhà nước muốn đó là tài sản công cần mua lại của doanh nghiệp hoặc cá nhân đã sở hữu hợp pháp và tổ chức bán đấu giá. Cơ quan quản lí cần có biện pháp quản lí, giám sát hữu hiệu trong việc bán số sim, trong cấp số đăng kí phương tiện giao thông bảo đảm tính khách quan, công bằng, không để cá nhân hay tập thể lợi dụng quyền hạn để trục lợi.

Những cặp số luôn vô tri, có thể được coi là đẹp hoặc không đẹp nhưng cách quản lí của cơ quan chức năng rất cần phải… đẹp!

Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 30/11/2016

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

 Lời thề công bộc

Ai từng là quân nhân trong quân đội Nhân dân Việt Nam không thể quên 10 lời thề danh dự của quân nhân. Lời thề thứ 9 nói về quan hệ quân dân ghi: Khi tiếp xúc với Nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân/Giúp đỡ dân/Bảo vệ dân, và ba điều răn: Không lấy của dân/Không dọa nạt dân/Không quấy nhiễu dân. Mỗi buổi sáng thứ Hai trong lễ chào cờ đầu tuần, 10 lời thề lại được đọc dưới cờ cùng 10 lần vang lên giọng xin thề hào sảng của cán bộ, chiến sĩ mỗi đơn vị. Cùng với các hình thức giáo dục khác của quân đội, 10 lời thề quân nhân đã góp phần tạo dựng phẩm chất và phong cách người quân nhân cách mạng, được Nhân dân tin yêu gọi bằng danh từ trìu mến Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi chiến sĩ luôn tâm niệm mình là con em của Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ. Cũng chính vì thế mà Đảng ta đã xây dựng được một đội quân bách chiến, bách thắng. Hầu hết những người được tôi luyện trong môi trường quân đội, khi rời quân ngũ vẫn giữ vững được những phẩm chất của người quân nhân.

Những ngày gần đây liên tục xảy ra những vụ việc cán bộ, công chức (vốn được coi là công bộc của dân) có hành vi không đúng mực, thậm chí côn đồ trong quan hệ, hành xử với người dân khiến dư luận bất bình. Đó là vụ cảnh sát hình sự “vung tay, đá chân” với phóng viên; một trưởng công an huyện coi chuyện liên quan đến sinh mệnh người dân chỉ nhỏ “như cái móng tay”; một cán bộ thanh tra giao thông hành hung nhân viên hàng không giữa nhà ga hàng không quốc tế; gần đây nhất là một cán bộ trẻ hành hung cả người đáng tuổi cha ông mình...
Lực lượng trong cơ quan hành chính Nhà nước không có 10 lời thề danh dự như quân nhân trong quân đội. Tuy nhiên Luật Cán bộ, công chức cũng có các quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi của đội ngũ này. Phần quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức có 3 Điều. Ngoài ra còn 3 Điều quy định những việc cán bộ, công chức không được làm. Thực tế có thể nhiều công chức chưa thuộc, hoặc chưa hề biết đến những quy định trong luật. Hằng tuần, tháng, cán bộ, công chức cũng không được nghe đọc những điều trên và thề dưới lá cờ đỏ sao vàng như quân nhân. Phải chăng có những khiếm khuyết hay lỗ hổng trong việc quản lí, giáo dục đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay?
Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một bộ máy liêm chính, kiến tạo. Để xây dựng được bộ máy kiến tạo cần những con người có năng lực, trí tuệ. Để xây dựng được bộ máy liêm chính cần một đội ngũ có phẩm chất đạo đức chuẩn mực. Những biểu hiện đáng buồn trên thực sự là một thách thức với các cấp chính quyền và cơ quan hành chính Nhà nước trong thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Nên chăng Chính phủ cũng cần có những hình thức, biện pháp cụ thể hơn trong xây dựng đội ngũ liêm chính, ví  như đề ra những cam kết dạng như lời thề của công chức trước tổ chức, trước Nhân dân. Hiện các vị trí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội đã thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội và Hiến pháp khi nhậm chức.
Thiết nghĩ, có một quy định chuẩn dạng như lời thề và thường xuyên nhắc nhớ công chức về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình dưới là cờ Tổ quốc là một hình thức giáo dục thiết thực. Như vậy đội ngũ cán bộ, công chức sẽ luôn nhớ trách nhiệm và vinh dự trước niềm tin và sự ủy thác của Nhân dân. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 22/11/2016

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

 Đa nguyên

Đây là cụm từ thường được một số phần tử chính trị lưu vong, một vài tổ chức chống phá Việt Nam định cư ở nước ngoài hay dùng với mục tiêu lòe bịp người ít hiểu biết về dân chủ. Họ từng “góp ý” trong dịp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi ban hành Hiến pháp năm 2013. Trong  những điều góp ý đề nghị sửa đổi, nổi lên vấn đề cốt yếu nhất, đó là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và “phi chính trị hóa quân đội nhân dân”. Mục tiêu họ hướng tới là có một thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập - điều mà một vài nước thù địch với Việt Nam trước kia hằng mong đợi. Tuy nhiên nay hầu như không còn quốc gia nào công khai thù địch với một nước Việt Nam hòa bình, thể chế chính trị ổn định, uy tín, vị thế trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Vậy đa nguyên là cái gì và vì sao một số người muốn có nó như vậy? Liệu trên thế giới đã có đa nguyên chính trị?
Trước hết ta thử xem nước Mỹ có đa nguyên hay không? Tác giả cho là không bởi mấy căn cứ: Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là hai đảng không hề đối lập về chính trị. Nó chỉ là hai nhánh quyền lực của một đảng của giai cấp tư sản Mỹ. Hai đảng này luân phiên nhau phân chia quyền lực, bảo vệ lợi ích của các nhà tư bản. Mỗi kỳ tranh cử chỉ là sự biểu diễn, trang hoàng cho một chế độ được gọi là dân chủ. Có người sẽ nghĩ, Đảng Cộng sản Mỹ là một đảng đối lập? Khía cạnh nào đó về tư tưởng thì đúng là hai đảng này đối lập. Tuy nhiên Đảng CS Mỹ chỉ được tồn tại khi không trở thành mối nguy cơ trước quyền lợi của giai cấp tư sản. Cho Đảng CS Mỹ tồn tại ở mức như hiện thời, được phép đấu tranh nghị trường “cải lương” cũng là một cách trang trí cho một thể chế được xem là dân chủ của xã hội Mỹ.
Ở các nước tư bản phát triển khác như Anh, Pháp, Đức… mô hình đảng phái được thể hiện có đôi chút khác nhau về hình thức song bản chất cũng tương tự nước Mỹ. Các đảng gọi là “đối lập” nhưng thực chất chỉ cạnh tranh ảnh hưởng quyền lợi kinh tế, về chính trị không có sự đối lập. Đảng Cộng sản tại mỗi nước chỉ mang tính nghị trường, đấu tranh cải lương, không bao giờ thực sự là đối trọng về chính trị, muốn tồn tại thì không được đe dọa tới quyền lợi của giai cấp tư sản và an toàn của Nhà nước tư bản.
Tóm lại, trên thế giới hiện tại, những quốc gia phát triển nhất chính là những nước có sự “độc đảng” ở tầm cao nhất. Sự độc đảng đã quy tụ được sức mạnh chính trị - nền tảng phát triển kinh tế của một quốc gia. 
Nhìn lại lịch sử dân tộc ta hàng nghìn năm, tuy chưa có đảng phái nhưng thể chế đương quyền mỗi thời kỳ cũng có thể gọi là một đảng, người đứng đầu đảng chính là đức Vua. Thời kỳ nào mà “vua sáng”, “tôi hiền” thì thể chế vững mạnh, kinh tế phát triển, dân sinh sung túc, đất nước thái bình, ngoại bang không có cớ ngó nhòm thôn tính. Những khi xuất hiện một lực lượng chính trị đối lập cùng sự tha hóa của thể chế đương thời, đó là sự bắt đầu của những nội chiến, phân tranh, đầu rơi, máu chảy... Đó cũng là cơ hội cho ngoại bang nhảy vào “đục nước béo cò”, “đè đầu, cưỡi cổ”, dựng nên những thể chế tay sai phục vụ cho việc vơ vét tài nguyên, bóc lột dân lành.
Một số người đang nhầm lẫn, coi hình mẫu Nhà nước tư bản là thể chế đa nguyên mặc dù chính các nước này không hề và chưa bao giờ chấp nhận sự “đa nguyên” đúng nghĩa như nói ở trên.
Đảng Cộng sản VN trong 86 năm tồn tại, phát triển đã có một số giai đoạn phạm sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, những sai lầm, khuyết điểm đều được nhận ra, kiên quyết sửa chữa, chính vì vậy đã quy tụ được sức mạnh của cả dân tộc, đánh đuổi hết ngoại xâm, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển không ngừng. Thành tựu kinh tế, vị thế chính trị của Việt Nam đã và đang được cả thế giới thừa nhận, tôn trọng. Chỉ nhìn vào những thiếu sót, sai lầm của một số chính sách, biện pháp thực hiện, sai phạm của một số cá nhân cụ thể để rồi quy kết đó là bản chất của Đảng Cộng sản VN là một sự thiên kiến không thể chấp nhận. Họ thừa biết, chỉ cần một nhóm mấy trăm người, xưng danh một đảng “đại diện” của dân, dựng lên một ngọn cờ là đủ cớ cho sự can thiệp từ nước ngoài, tương tự như tại Apghanistan, Libya hay Syria hiện nay. Cùng với thể chế “đa nguyên”, quân đội cũng được vô hiệu hóa bằng mục tiêu “phi chính trị hóa” - tức là trung lập khi an ninh của Đảng, của chế độ bị đe dọa. Một khi quân đội không còn bản chất chính trị là quân đội của Đảng, của giai cấp công nhân, khi đó nòng súng chỉ biết hướng lên trời để bắn “chỉ thiên” cho vui tai.
Đa nguyên chính là cái bẫy dân chủ của Chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù địch.
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

 Giữ cho tiếng Việt sáng trong


          Tiến trình hình thành và phát triển lịch sử dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay đã hội đủ những yêu cầu cho sự nghiệp phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội.
          Tuy nhiên, bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, ngôn ngữ tiếng Việt chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trong đó nổi bật là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga...Việc sử dụng một số từ nước ngoài trong các văn bản pháp quy dần dần mặc nhiên được thừa nhận bởi trong tiếng Việt còn thiếu. Đó là điều tất yếu với bất kì ngôn ngữ nào trong một thế giới ngày càng “phẳng” và “hẹp” hiện nay.

Thế nhưng, hiện đã có sự lạm dụng thái quá trong tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài. Đặc biệt, việc sử dụng tiếng Anh lai tạp, tuỳ tiện đến mức báo động trong giới trẻ, học sinh, sinh viên, kể cả trên truyền thông, báo chí. Trên các trang mạng, nhất là trên phây-búc (facebook), thư điện tử…, lứa tuổi học sinh, sinh viên đã biến thái tiếng Việt thành những kí hiệu kì quái khó hiểu. Một số người mẫu, ca sĩ, phát thanh viên, dẫn chương trình truyền thông, báo chí khi nói thích đệm vào một vài từ tiếng Anh rất phản cảm. Sử dụng ngoại ngữ như vậy rõ ràng không phải vì mục đích thông tin, nó chỉ thông tin cho người khác rằng họ biết ngoại ngữ.
Việc viết tên người, địa danh nước ngoài một số người cứ bê nguyên xi ngoại ngữ vào trang viết, trên chương trình phát sóng khiến khán, thính giả “bó tay chấm com”. Nhiều thuật ngữ được Việt hoá từ lâu như Ác-hen-ti-na, Bra-xin, a-xit, ba-zơ, can-xi... lại được thay bằng nguyên dạng hoặc gần dạng Anh, Pháp: Argentina, Brazil, acid, base, calcium... Còn cách đọc thì mỗi nơi một kiểu, chẳng hạn tên viết tắt của nhóm G7, G20 nơi đọc là “gờ bảy”, “gờ hai mươi”; nơi lại đọc là “giê bảy”, “giê hai mươi”; chữ GDP nơi đọc là “giê-đê-pê”, nơi đọc là “gi-đi-pi”; chữ CPI người thì đọc xê-pê-i, người đọc xi-pi-ai, v.v.
 Hiện các chữ cái tiếng Việt đang nhảy múa xoay quanh ba hệ thống thường chưa được thống nhất là “a-bờ-cờ, “a-bê-xê”, “ây-bi-xi” (Việt, Pháp, Anh ngữ) và cách phiên âm ra tiếng Việt. Ảnh hưởng của ngoại ngữ vô tình làm lệch chuẩn tiếng Việt. Việc các chữ trong bảng chữ cái “nhảy múa” bằng cách gọi khác nhau làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính xác.  
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ trên thế giới đã thừa nhận vẻ đẹp, sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt. Đây cũng là công cụ giúp cho bao thế hệ văn nhân, hào kiệt viết nên những áng văn bất hủ. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở: “Khi xã hội có nhiều người nói tiếng bồi, đó là một xã hội bị nô dịch về ngôn ngữ”. Là một quốc gia đầy tự hào với hàng ngàn năm lịch sử văn hiến, một đất nước anh hùng đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có nền độc lập tự chủ, lẽ nào ta lại tự đưa mình vào cái vòng “nô dịch” về ngôn ngữ?


Trước đây có một số ý kiến của các nhà giáo dục, nhà khoa học nêu lên sự cần thiết có một Bộ Luật về ngôn ngữ để thống nhất cách nói, cách viết tiếng Việt. Bẵng đi, nay ít người đề cập lại vấn đề này. Khi ngôn ngữ đã được luật hoá, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sự tiếp nhận ngôn ngữ bên ngoài để làm giàu tiếng Việt sẽ đi vào thực chất và bền vững. Và đó chính là cách làm khoa học, đúng đắn để tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy hữu hiệu để phát triển đất nước. 
(Theo Báo Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Tật hiếu kì  

Sự quan tâm luôn đối lập với thái độ vô cảm. Tuy nhiên sự quan tâm vô thức, thiếu lí trí đôi khi lại trở thành sự hiếu kì.
Nhiều người còn nhớ trước đây từng xảy ra chuyện một người đàn ông tập thể dục buổi sáng đứng ngửa măt lên trời tập vai gáy. Trước mặt ông là khu nhà cao tầng. Một người chưa biết đó là động tác ông tập thể dục, tưởng có chuyện gì xảy ra nên cũng đứng lại ngước nhìn lên. Thế rồi một người khác, một người khác nữa… tất cả cùng hiếu kì ngước nhìn và nháo nhác hỏi nhau “chuyện gì thế?”. Chẳng ai biết chuyện gì! Chỉ sau chừng mười phút đã hình thành một đám đông tràn cả ra đường. Giao thông bắt đầu ùn tắc nhưng người mới đến vẫn tiếp tục dừng lại và nháo nhác hỏi nhau. Tất nhiên chẳng ai biết là có chuyện gì. Người đàn ông tập thể dục đã về từ lúc nào, để lại một đám đông vô định.
Tâm lí hiếu kì của đám đông nơi công cộng, trong cộng đồng là một tật xấu nay đã bị lợi dụng cho lợi ích cá nhân.
Dư luận cộng đồng mạng và cả báo chí từng “sốt” với một số hiện tượng lạ như ca sĩ Lệ Rơi, Bà Tưng (Nguyễn Thị Huyền Anh) rồi Công chúa Thủy Tề (Tùng Sơn)… Những nhân vật trên chẳng có tài năng đặc biệt gì. Họ chỉ đưa lên mạng những hành xử kì dị, lạ đời của mình mà thôi. Sự hiếu kì của đám đông như đã “tôn” lên khiến họ nổi tiếng. Rồi họ đã tranh thủ sự nổi tiếng giả tạo ấy cho mục đích riêng.
Chuyện phở mắng, bún chửi trước kia chỉ nghe phong thanh đâu đó ở Hà Nội thì nay đã có một “gương mặt điển hình” - một bà chủ quán bán bún. “Phong cách” vừa bán vừa chửi khách bỗng dưng thu hút sự hiếu kì của nhiều người. Sự hiếu kì được đẩy lên đỉnh điểm khi một hãng truyền thông nước ngoài đưa lên sóng (không rõ họ khen hay chê văn hóa Việt?). Lẽ ra ta nên hiểu đó là một sự tủi hổ thì có tờ báo đưa thông tin này như một sự độc đáo, chẳng khác gì như cổ súy cho cách hành xử thiếu văn hóa. Các cụ ta xưa từng khuyên dạy “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và “lời chào cao hơn mâm cỗ” v.v. Có lẽ trong môi trường giáo dục của mình, bà chủ quán trên chưa bao giờ được nghe những lời dạy như trên. Và nhiều người không biết do thèm muốn món ăn hay hiếu kì vẫn kéo đến quán này để “thưởng thức” món… chửi. Phải chăng những thực khách đó chưa nghe câu “miếng ăn là miếng nhục”? 
Tật hiếu kì như đã lan nhiễm vào giới truyền thông. Chỉ vì thông tin không được kiểm chứng cẩn trọng của một tờ báo rằng “nước mắm cá truyền thống có tới 67% là nhiễm asen!”. Thế rồi giống như sự hiếu kì, mấy tờ báo khác cùng hàng nghìn chủ trang facebook hùa theo đăng tải mà chẳng ai kiểm chứng. Món đặc sản cha ông ta từ bao đời cùng làm một loại chất liệu, cùng một quy trình sản xuất chưa bao giờ gây độc hại mà nay còn được thế giới biết đến. Vậy mà truyền thông và mạng xã hội đã giáng một “trận đòn hội đồng” xuýt khai tử nghề sản xuất truyền thống.
 Tật hiếu kì tưởng vô hại nhưng thực tế đã để lại những hậu họa không lường.
Hoàng Đình Khải
 Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 4/11/2016