Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Chuyện những con số, đẹp và chưa đẹp


Những cặp số 05-21-31-33-38-42; 03-05-08-10-13-22… hay 12-16-17-18-22-30… với mọi người chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên khi đó là kết quả giải xổ số điện toán Vietlott vừa qua thì với người trúng giải, đó lại là những số "siêu đẹp" bởi giá trị của nó lên tới nhiều chục tỉ đồng.


Kết quả hình ảnh cho xe ô tô biển số đẹp


Những con số như 6868, 8686, những cặp 4 số 6666, 8888, hay 9999… được không ít người coi là "số đẹp" (trong tiếng Hán 6 là lục, nghe như từ lộc, 8 là bát, âm như từ phát, 68 là lộc phát; cụm 4 số giống nhau gọi là tứ quý, nhiều số 9 là cửu tuyền v.v). Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm mang màu sắc duy tâm, không có cơ sở khoa học hay thực tiễn, bởi không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra với xe có biển "số đẹp"!

Gần đây dư luận quan tâm hiện tượng đa số xe sang, đắt tiền mang những biển số được coi là "rất đẹp". Việc cấp biển số xe nay đã được thực hiện bấm số tự động ngẫu nhiên, khách quan. Tuy nhiên dư luận nghi vấn bởi rất ít người bấm được những dãy số "đẹp" trong khi người sở hữu xe đắt tiền thường lại rất "may mắn"! Xem ra quy trình bấm số chưa hẳn đã khách quan.

Và, chuyện "số đẹp" vừa qua đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến cho các "số đẹp" (cả biển số xe, số điện thoại…) là tài sản công, cần được thu về và đưa ra đấu giá thu tiền cho ngân sách nhà nước. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chuyện "tài sản số đẹp" chưa ngã ngũ.

Lẽ thường kho số điện thoại là sở hữu của doanh nghiệp viễn thông, kể cả khi đó là doanh nghiệp nhà nước. Nếu dùng biện pháp hành chính can thiệp để thu lại các "số đẹp" xem ra chưa thật hợp lí trong môi trường doanh nghiệp cần được tự chủ kinh doanh. Còn giữ lại các "số đẹp" trong đăng kí phương tiện giao thông cũng là không công bằng với người dân và doanh nghiệp khi đăng kí, chẳng khác nào công ty xổ số giữ lại "kho số", không cho ra số trúng thưởng! Giữ lại "số đẹp" của phương tiện giao thông thì việc bấm số ngẫu nhiên có thể chẳng còn ý nghĩa! 

Tóm lại những số được coi là "đẹp" (của phương tiện, số điện thoại…) không nên coi đó là tài sản công và thực tế cũng chưa có điều luật nào quy định. Nhà nước muốn đó là tài sản công cần mua lại của doanh nghiệp hoặc cá nhân đã sở hữu hợp pháp và tổ chức bán đấu giá. Cơ quan quản lí cần có biện pháp quản lí, giám sát hữu hiệu trong việc bán số sim, trong cấp số đăng kí phương tiện giao thông bảo đảm tính khách quan, công bằng, không để cá nhân hay tập thể lợi dụng quyền hạn để trục lợi.

Những cặp số luôn vô tri, có thể được coi là đẹp hoặc không đẹp nhưng cách quản lí của cơ quan chức năng rất cần phải… đẹp!

Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 30/11/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét