Tật
hiếu kì
Sự quan tâm
luôn đối lập với thái độ vô cảm. Tuy nhiên sự quan tâm vô thức, thiếu lí trí
đôi khi lại trở thành sự hiếu kì.
Nhiều người còn
nhớ trước đây từng xảy ra chuyện một người đàn ông tập thể dục buổi sáng đứng
ngửa măt lên trời tập vai gáy. Trước mặt ông là khu nhà cao tầng. Một người
chưa biết đó là động tác ông tập thể dục, tưởng có chuyện gì xảy ra nên cũng
đứng lại ngước nhìn lên. Thế rồi một người khác, một người khác nữa… tất cả
cùng hiếu kì ngước nhìn và nháo nhác hỏi nhau “chuyện gì thế?”. Chẳng ai biết
chuyện gì! Chỉ sau chừng mười phút đã hình thành một đám đông tràn cả ra
đường. Giao thông bắt đầu ùn tắc nhưng người mới đến vẫn tiếp tục dừng lại và
nháo nhác hỏi nhau. Tất nhiên chẳng ai biết là có chuyện gì. Người đàn ông
tập thể dục đã về từ lúc nào, để lại một đám đông vô định.
Tâm lí hiếu kì của đám đông nơi công
cộng, trong cộng đồng là một tật xấu nay đã bị lợi dụng cho lợi ích cá nhân.
Dư luận cộng đồng mạng và cả báo chí từng
“sốt” với một số hiện tượng lạ như ca sĩ Lệ Rơi, Bà Tưng (Nguyễn Thị Huyền
Anh) rồi Công chúa Thủy Tề (Tùng Sơn)… Những nhân vật trên chẳng có tài
năng đặc biệt gì. Họ chỉ đưa lên mạng những hành xử kì dị, lạ đời của mình mà
thôi. Sự hiếu kì của đám đông như đã “tôn” lên khiến họ nổi tiếng. Rồi họ đã
tranh thủ sự nổi tiếng giả tạo ấy cho mục đích riêng.
Chuyện phở
mắng, bún chửi trước kia chỉ nghe phong thanh đâu đó ở Hà Nội thì nay đã có
một “gương mặt điển hình” - một bà chủ quán bán bún. “Phong cách” vừa bán vừa
chửi khách bỗng dưng thu hút sự hiếu kì của nhiều người. Sự hiếu kì được đẩy
lên đỉnh điểm khi một hãng truyền thông nước ngoài đưa lên sóng (không rõ họ
khen hay chê văn hóa Việt?). Lẽ ra ta nên hiểu đó là một sự tủi hổ thì có tờ
báo đưa thông tin này như một sự độc đáo, chẳng khác gì như cổ súy cho cách
hành xử thiếu văn hóa. Các cụ ta xưa từng khuyên dạy “Trời đánh còn tránh
miếng ăn”, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và
“lời chào cao hơn mâm cỗ” v.v. Có lẽ trong môi trường giáo dục của mình, bà
chủ quán trên chưa bao giờ được nghe những lời dạy như trên. Và nhiều người
không biết do thèm muốn món ăn hay hiếu kì vẫn kéo đến quán này để “thưởng
thức” món… chửi. Phải chăng những thực khách đó chưa nghe câu “miếng ăn là
miếng nhục”?
Tật hiếu kì như
đã lan nhiễm vào giới truyền thông. Chỉ vì thông tin không được kiểm chứng
cẩn trọng của một tờ báo rằng “nước mắm cá truyền thống có tới 67% là nhiễm
asen!”. Thế rồi giống như sự hiếu kì, mấy tờ báo khác cùng hàng nghìn chủ
trang facebook hùa theo đăng tải mà chẳng ai kiểm chứng. Món đặc sản cha ông
ta từ bao đời cùng làm một loại chất liệu, cùng một quy trình sản xuất chưa
bao giờ gây độc hại mà nay còn được thế giới biết đến. Vậy mà truyền thông và
mạng xã hội đã giáng một “trận đòn hội đồng” xuýt khai tử nghề sản xuất
truyền thống.
Tật
hiếu kì tưởng vô hại nhưng thực tế đã để lại những hậu họa không lường.
Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 4/11/2016
|
Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét