Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Sử dụng công quyền

Công quyền là quyền lực của Nhà nước nhằm bảo vệ và phục vụ Nhân dân. Quyền lực công được giao cho tổ chức hoặc cá nhân công chức, viên chức Nhà nước thực hiện.
Vấn đề công quyền hiện được quan tâm nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế, xã hội. Việc này được giải quyết thông suốt, thấu đáo sẽ góp phần đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên do nhận thức chưa đúng đắn nên việc sử dụng quyền lực công trong một bộ phận cán bộ, công chức gần đây có biểu hiện lệch lạc, lạm dụng gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội.
Một lãnh đạo tại quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) khi có hành vi chưa đúng đắn trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ được người dân góp ý, nhắc nhở nhưng lại không tiếp thu. Đã vậy vị này còn sử dụng quyền lực của mình để gây khó dễ cho người dân và để thể hiện "cái uy" của "nhà quan" trước người dân.

 Bà Lê Mai Trang (người đứng bên phải), Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Rồi ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) có vị lãnh đạo và nhân viên vô cảm, thờ ơ trước một việc trọng đại của người dân: Nghĩa tử, nghĩa tận. Là công bộc đáng lẽ khi trong địa hạt mình quản lí người dân có việc riêng quan trọng như vậy phải biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người dân tốt nhất trong phạm vi, quyền hạn của mình. Tiếc rằng ở đây không có chuyện đó. Dù đã trễ hẹn song cả Phó Chủ tịch phường và nhân viên thừa hành ngồi đó, khi dân tới chẳng mảy may quan tâm, họ còn tiết kiệm cả lời nói, thay vào đó là cái hất hàm, phẩy tay. Cư xử như vậy làm sao dân kìm được bức xúc?
Gần đây xảy ra hai vụ cán bộ sử dụng quyền lực sai luật gây khó cho người dân trong xác nhận hồ sơ lí lịch ở Nam Sách (Hải Dương) và Thanh Trì (Hà Nội). Với những câu phán xét trong hồ sơ cá nhân: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương", "Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…" liệu có nơi nào dám tiếp nhận, tuyển dụng, hợp đồng với những trường hợp như thế? Theo quy định của pháp luật, cán bộ chỉ được xác nhận đúng, đủ việc tự khai của cá nhân trong hồ sơ, nếu còn thiếu thì yêu cầu khai lại cho đúng, đủ chứ không có quyền nhận xét cá nhân, gia đình họ. Dù mục đích của việc nhận xét như vậy nhằm thúc ép người dân thực hiện quy định nào đó của địa phương nhưng đó vẫn là vi phạm pháp luật…

Nhận xét của Phó Chủ tịch UBND xã vào hồ sơ công dân

Là cán bộ, công chức có lẽ không ai không nhớ câu nói của Hồ Chủ tịch: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Xem ra các cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác vẫn chưa "thấm" đến nhiều công bộc hiện nay.
Xưa kia, khi đất nước còn dưới chế độ phong kiến, thực dân, người dân đến cửa quan là để xin và được nhà quan ban phát. Nay dưới chế độ XHCN Nhân dân ta đã có một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cán bộ, công chức, viên chức không phải là những "ông, bà quan", họ được dân nuôi bằng tiền thuế để phục vụ việc công. Nếu cán bộ, công chức, viên chức nào không nhận thức được điều đơn giản ấy thì cần được loại bỏ khỏi vị trí, để bộ máy Nhà nước thực sự trong sạch./.

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

“Hoa hồng” tội ác!

Vụ án xét xử một số cựu cán bộ Công ty dược VN Pharma và cơ quan quản lí dược Bộ Y tế về việc nhập khẩu lô thuốc ung thư giả đang được sự quan tâm đặc biệt của công luận.
Những tưởng số cán bộ trên chỉ do trình độ năng lực yếu kém nên bị đối tác lừa. Nhưng sự thật đang dần phát lộ và dư luận thực sự phẫn nộ khi biết rằng nhiều bác sĩ các bệnh viện đã được hưởng “hoa hồng” với tổng số tiền lên tới 7,5 tỉ đồng từ những viên thuốc ung thư giả!

Kết quả hình ảnh cho hoa hồng bác sĩ

Căn bệnh “phong bì”, “hoa hồng” cho bác sĩ đã râm ran dư luận lâu nay nhưng ít được vạch trần bằng những chứng cứ, những con người cụ thể. Khi có người nhà điều trị tại bệnh viện, nhất là lâm bệnh nặng phải phẫu thuật thì thân nhân của họ chẳng mấy ai quên dự phòng ít phong bì để “cám ơn” y, bác sĩ.
Chủ trương xã hội hóa nhiều hạng mục máy móc, công trình trong các bệnh viện cũng để lại nhiều nghi ngại dư luận bởi trong đó có cổ phần của bác sĩ hoặc “người thân” của họ. Chính vì thế, một số bác sĩ không ngần ngại chỉ định cho bệnh nhân làm những kĩ thuật, xét nghiệm đắt tiền, không cần thiết. Họ biết việc đó đưa lại những món “hoa hồng” có thể lượng hóa được giá trị. Rồi những tờ chỉ định thuốc đặc trị, thuốc hiếm có khi được bác sĩ gợi ý nên đến chỗ nọ, chỗ kia để mua. Đằng sau mỗi hóa đơn bán thuốc cũng có thấp thoáng bóng dáng “hoa hồng”.


  Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma Trần Minh Hùng tại một phiên tòa  

          Hiện nay, mỗi ngày trên cả nước có chừng 300 người chết vì ung thư. Căn bệnh này thực sự là thảm họa ập xuống nhiều gia đình. Người đi khám bệnh khi được chẩn đoán căn bệnh này hầu hết có tâm trạng như nhận án tử. Chính vì vậy gia đình, người thân luôn gắng hết sức với ý chí “còn nước còn tát” và sẵn sàng đổ tiền của ra để cứu người bằng mọi giá. Không biết với những lô thuốc giả trên được lưu hành trót lọt trong các bệnh viện, bao nhiêu bệnh nhân đã mất đi cơ hội sống hay chí ít kéo dài sự sống? Những viên thuốc đã không phát huy đặc hiệu trị bệnh mà lại có thể trở thành những “nhát đâm” bồi thêm vào cơ thể bệnh nhân. Hàng tỉ đồng trên thực sự là những đồng tiền “hoa hồng” tội ác!
          Trong văn nghệ từng có bác sĩ Hoa Súng vui vẻ, hài hước, nay ngành y có những bác sĩ "hoa hồng" đáng sợ! Mong các bị can vụ trong án trên sẽ được xét xử, trừng phạt nghiêm minh theo pháp luật. Tuy nhiên điều quan trọng là ngành y tế cần có những giải pháp đồng bộ cả về quản lí và giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đừng để ngành y lu mờ truyền thống vẻ vang và quên đi lời dạy của Bác Hồ “lương y phải như từ mẫu”./.

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Đừng chỉ nỗ lực… hái quả?

Chuyện dự kiến trần thuế môi trường áp vào xăng dầu tăng lên 8.000 đồng/lít chưa nguôi thì người dân lại lo lắng trước thông tin Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% hiện nay lên 12% hoặc 14% cùng với nhiều loại không còn được miễn VAT. Có lẽ, đây là giải pháp đơn giản nhất trước bối cảnh nợ công tăng cao, thuế xuất nhập khẩu giảm mà nguồn ngân sách chi thường xuyên khó cắt giảm.


Là sắc thuế thu gián tiếp, VAT thu từ dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng, đối tượng chịu ảnh hưởng là hơn 90 triệu dân. Doanh nghiệp sản xuất thì bị ảnh hưởng về sự cạnh tranh do giá cả hàng hóa sẽ tăng lên. Tuy tăng nguồn thu cho chi thường xuyên nhưng việc chi tiêu cũng bị ảnh hưởng do VAT tăng nên mức chi sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải tăng thêm. Sự luẩn quẩn này như vòng tròn khép kín!
Một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế là chi tiêu dùng của người dân. Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng lên do tác động vủa VAT chắc chắn sẽ làm giảm mức chi tiêu dùng. Người dân thắt lưng buộc bụng khiến doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên thuế nộp cũng giảm theo. Do vậy mục tiêu CPI tăng cao hơn 6-7% lại càng khó khăn hơn vì động lực của nền kinh tế sụt giảm. "Đòn" VAT chẳng khác nào "đo ván” đa mục tiêu!    
Cũng như nhiều việc điều chỉnh giá, thuế khác, lí do được đưa ra để biện minh việc tăng thuế là "nhiều nước VAT còn cao hơn nước ta và quốc tế cũng làm vậy khi nợ công tăng cao"! Nhưng họ chỉ lấy ví dụ từ nước thu VAT cao, các nước chỉ 5-7% như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar, các nước Trung Đông… không được nêu ra. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước giảm VAT tới 5% để tăng tính cạnh tranh hàng xuất khẩu. Mặt khác, mỗi quốc gia đâu chỉ có một loại thuế. Do tương quan cao thấp của các loại thuế mà mỗi nước áp dụng VAT cao hay thấp. Mọi sự so sánh luôn khập khiễng nhưng cơ quan quản lí lại thường lấy sự khập khiễng để bảo vệ quan điểm của mình.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nợ công, bội chi tăng cao (dù thu từ VAT hiện đã chiếm 25% tổng số thu ngân sách), Chính phủ cần có giải pháp tinh gọn biên chế, tiết giảm chi tiêu của bộ máy. Việc tăng thuế chứng tỏ cơ quan quản lí kém, không có khả năng kiểm soát chi tiêu. Thực tế, mức thu thuế của Việt Nam đã rất cao so với nhiều nước trong khu vực. Cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi, chi hiệu quả, chống lãng phí, tăng cường quản lí, chống thất thu thuế để tăng thu chứ không phải nới rộng thu để bù chi.  
Thuế môi trường sẽ tăng; VAT sẽ tăng; EVN vừa được trao quyền tự tăng giá điện đến 5%, rồi cũng khó tránh việc… tăng giá! Những yếu tố này như làm hiển hiện “bóng ma” lạm phát, đó sẽ là đòn đánh trực diện vào an sinh xã hội và kìm hãm sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Dù kinh tế vẫn tăng trưởng mà mức sống của đa số người dân lại đi xuống thì đó không phải là sự thắng lợi của một quốc gia.
Chính sách thuế như đang làm một việc rất dễ là chỉ chăm… hái quả! Nhưng khi cái “cây tăng trưởng” cằn cỗi thì đâu có nhiều “quả” mà hái?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 24/8/2017

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí. Điều kiện khoảng cách các trạm thu phí tối thiểu 70km mới được đặt một trạm đã bị chính các cơ quan quản lí cùng địa phương giúp nhà đầu tư phá vỡ. Các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT. Chính vì vậy người dân có cảm giác mình phải đóng phí cho những con đường làm từ ngân sách nhà nước trong khi đã đóng phí bảo trì đường bộ. Hầu hết dự án BOT đều được chỉ định thầu, sự phê duyệt chi phí, giám sát thi công vận hành thiếu chặt chẽ. Chính vì vậy sau khi Kiểm toán Nhà nước kiểm toán các dự án này vào đầu năm 2017 đã có 27 dự án phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng các dự án qua kiểm toán có tới 80% phải điều chỉnh giảm thời gian thu phí với gần 100 năm! Nếu không có kiểm toán như vậy thì biết đâu hàng nghìn tỉ sẽ rơi vào túi doanh nghiệp một cách không chính đáng!
Việc xử lí giải tỏa bức xúc của người dân bằng cách miễn tiền vé cho một số đối tượng, một số địa bàn dân cư hoặc phải giảm giá phí bộc lộ sự lúng túng trong quản lí, điều hành các dự án xã hội hóa giao thông. Cơ quan quản lí cần nghiêm túc nhìn nhận căn nguyên của tình hình để có hướng giải quyết cơ bản trong thời gian tới. Người dân cần sự minh bạch và công bằng trong triển khai các dự án đồng thời họ có quyền lựa chọn sử dụng chứ không thể bắt buộc.

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Tự diễn biến

Tôi có biết một người được coi như một điển hình về sự nghi ngờ, bất mãn với những gì gọi là "chính thống". Định kiến của ông ta có từ rất lâu rồi. Thời xưa khi thông tin còn khó khăn, ông thường nghe các đài nước ngoài như RFI, RFA, BBC, VOA (tiếng Việt)… nay mạng Internet càng thuận lợi khi tiếp cận thông tin. Ông này luôn tin khi nghe, đọc các thông tin trái chiều, không chính thống từ các hãng truyền thông không thân thiện với Đảng và Nhà nước ta. Còn tin của báo chí chính thống trong nước thì ông cho rằng, đó là tuyên truyền định hướng, không dám nói những vấn đề "nhạy cảm"...


Mỗi khi tôi có dịp về quê là ông thường đến để tìm hiểu thông tin mà tôi có được dù luôn nghi ngờ những thông tin "toàn nguồn chính thống" ấy. Nhớ hồi cách mạng màu diễn ra ở Đông Âu, Liên Xô, khi tôi tranh luận với ông rằng Việt Nam khác với Đông Âu, cách mạng nước ta sẽ vượt qua khó khăn, ông gạt đi: “Theo những thông tin tôi nắm được, tôi đoan chắc thể chế CNXH Việt Nam ta cùng lắm trụ được vài năm nữa là cùng. Đảng cộng sản sẽ phải giải tán như ở nước Nga thôi”. Cho đến nay người này vẫn chưa thay đổi những quan niệm cũ, dù thực tiễn hoàn toàn không giống phán đoán của ông ta. 
Hiện nay, trong cuộc sống không ít người có quan điểm như ông bạn tôi kể trên, người cao tuổi có, người trẻ cũng có. Trong điều kiện mạng internet rộng mở như hiện nay việc tiếp cận thông tin rất dễ dàng. Tuy nhiên, một số người luôn chỉ tìm đọc và tin theo những trang mạng chống đối, những báo chí “lề trái” không thiện cảm với thể chế Nhà nước và Đảng ta. Họ cho đó là những nguồn tin khách quan, chân thật, không phải là “tuyên truyền có chủ đích”, không “mị dân”. Thực tế, đôi khi tin "vỉa hè" đã đi trước thông tin chính thống và được kiểm chứng là đúng lại càng củng cố cho nguồn tin từ "lề trái". Có thể thông tin "lề trái" 99% không chính xác nhưng chỉ cần 1% được kiểm chứng đúng là xóa nhòa tất cả những giả dối. Dần dà họ tin rằng những thông tin "lề trái" đó là trung thực, phản ánh đúng bản chất những gì đang diễn ra trong nước, dù cho nhiều trang mạng chủ nhân của nó ở mãi bên Mỹ, châu Âu… và chỉ khai thác, phán đoán từ thông tin của một số người bất mãn trong nước rồi tự suy luận ra như thể đang trực tiếp chứng kiến!
Chúng ta biết Gơ-ben - một bậc thầy trong hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lí (của chế độ Hít-le) đã từng có câu nói rất nổi tiếng: “Một điều dù phi lí, dối trá tới đâu nếu được nhắc đi nhắc lại nghìn lần cũng sẽ được nhận thức như là chân lí”! Khi một số người chỉ luôn nghe theo những thông tin chống đối, lừa bịp cuối cùng họ sẽ được “thấm nhuần tư tưởng” của kẻ xấu theo đúng thủ đoạn mà Gơ-ben từng làm! Gơ-ben tuyên truyền một cách chủ đích, buộc đối tượng bị tuyên truyền phải nghe. Còn ở đây, nhiều người đã tự nguyện, hay nói một cách đúng đắn là tự bị tuyên truyền, tự diễn biến!
Đến một lúc nào đó, rất có thể những người "tự diễn biến" như trên sẽ đứng hẳn sang một bên, đi con đường ngược chiều với đất nước, với dân tộc mình.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 16/8/2017

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Chính phủ kiến tạo cần có “Bộ tham mưu”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kí quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Tổ gồm 15 thành viên với nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Từ nay, việc phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế sẽ có một “Bộ tham mưu” thực hiện với những bộ óc thông tuệ, quan điểm khách quan, không bị chi phối bởi các tác nhân chủ quan để tư vấn, khuyến nghị giúp Thủ tướng các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; cùng các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động của tình hình...
Năm 1993, dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một tổ chuyên gia về cải cách kinh tế và hành chính được thành lập để góp ý kiến cho Thủ tướng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Năm 1996, tổ này được đổi tên thành Tổ Nghiên cứu Đổi mới Kinh tế-Xã hội-Hành chính. Năm 1998, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, tổ này được nâng cấp lên thành Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng với những chuyên gia giỏi như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Lê Đức Thúy, Trần Du Lịch, Lê Xuân Nghĩa... Trong nhiều năm, đội ngũ chuyên gia đã góp phần đắc lực trong hoạch định chính sách, cải cách thể chế, hành chính… đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn và phát triển năng động. Tiếc rằng, sau đó mô hình này đã không được duy trì cho đến nay.
Kinh nghiệm cha ông ta từ ngàn xưa đã được đúc kết “Vua sáng sẽ có tôi hiền”, “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ xuất chúng và Người cũng là bậc kì tài trong chọn và sử dụng con người nên quy tụ được một thế hệ cán bộ kiệt xuất. Bác đã xây dựng được Bộ tham mưu sáng suốt nhất giúp đưa cách mạng nước ta thắng 2 đế quốc lớn, giành trọn vẹn nền độc lập, tự do cho dân tộc.
Những bất ổn trong hoạt động của nền kinh tế, nhất là khối doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua không thể không nói đến căn nguyên từ những quyết sách điều hành vĩ mô chưa thật chuẩn xác. Một thời những doanh nghiệp “quả đấm thép” nhưng mạnh gì làm nấy do được “mở cửa” kinh doanh đa ngành. Có những quyết định, những dự án lớn ngay từ đầu đã được các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cảnh báo nhưng đó chỉ là ý kiến tham khảo, thường khó vượt qua được ý chí cá nhân quyết định. Kết quả là nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất vốn tràn lan, tiêu hao một nguồn lực lớn của đất nước mà hôm nay chúng ta đang phải nỗ lực khắc phục.
Kinh doanh đa ngành khiến nhiều DN nhà nước thua lỗ

          Hi vọng Tổ tư vấn kinh tế - “Bộ tham mưu” của Thủ tướng sẽ là cánh tay đắc lực, một “bộ não” của “hệ điều hành” đầy trí tuệ góp phần giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, sáng suốt, xây dựng được một Chính phủ kiến tạo, đưa nền kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 10/8/2017

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Nhân văn

Nhân văn là văn hóa của con người, văn hóa vì con người. Đó cũng là quan điểm mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người trong xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh. Trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, cái xấu thì chúng ta không thể nhân văn với những gì đối lập với cái thiện.

Còn nhớ, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giữa lúc toàn quân, toàn dân đang nỗ lực vượt qua muôn vàn gian khổ, thiếu thốn để chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc thì lại có một vị đại tá ngang nhiên sống xa hoa, phè phỡn bằng cách bòn rút tiền, gạo từ khẩu phần của người chiến sĩ. Sự việc bị phát giác và vị cán bộ tha hóa bị mức án cao nhất - tử hình.

Đơn xin ân xá của vị cán bộ đó được chuyển đến Bác Hồ. Người đã mất một đêm trắng suy nghĩ trước khi hạ bút kí, không chấp nhận đơn ân xá. Đó là quyết định nhân văn vì muôn người, vì sự nghiệp kháng chiến!

Trong cải cách ruộng đất (1953-1956), vì sai lầm nghiêm trọng mà nhiều cán bộ cao cấp của Đảng phải chịu hình thức kỉ luật trong đó, Tổng bí thư Trường Chinh bị cách chức.

Trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những tiêu cực, cái xấu của chính đồng chí mình.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỉ luật; kỉ luật một vài người để cứu muôn người”.

Sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng chính là là việc làm nhân văn, vì mọi người. Sự nghiệp đó đang được toàn dân mong đợi kết quả và thực tiễn đang đạt những kết quả cụ thể. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng cũng vì đó ngày một được củng cố.

Thông tin về những dự án thua lỗ nghìn tỉ, những vụ tiêu cực thất thoát hàng chục nghìn tỉ khiến người dân xa xót bởi nguồn lực của đất nước đang bị xà xẻo. Trong khi đó hàng nghìn em học sinh vùng cao, nơi hải đảo xa xôi đang thiếu trường học hằng ngày phải đi bộ cả chục km đến trường. Hàng nghìn người dân nghèo không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì thiếu bệnh viện, trạm y tế, giao thông đi lại khó khăn… Những con số hàng chục nghìn tỉ nếu không bị thất thoát sẽ có bao nhiêu ngôi trường, trạm y tế, bệnh viện, những con đường, cây cầu… được xây dựng phục vụ người dân?

Ở một tỉnh có ngót 50% hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo mà lãnh đạo lại trương lên hết biệt phủ này, dinh thự nọ nguy nga tráng lệ… đó là hình ảnh phản cảm tới mức… phi nhân văn!

Những nghìn tỉ vì tham nhũng, thất thoát đã cướp đi cơ hội học hành, sức khỏe, mưu sinh của biết bao người? Thủ phạm của những sai phạm đó cần phải chỉ tên và được xử lí nghiêm minh, đấy chính là việc làm nhân văn!

Đinh Hoàng

                           Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 9/8/2017