Sử dụng công quyền
Công quyền là quyền lực của
Nhà nước nhằm bảo vệ và phục vụ Nhân dân. Quyền lực công được giao cho tổ
chức hoặc cá nhân công chức, viên chức Nhà nước thực hiện.
Vấn đề công quyền hiện được
quan tâm nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh
nghiệp trong hoạt động kinh tế, xã hội. Việc này được giải quyết thông suốt,
thấu đáo sẽ góp phần đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên do nhận thức chưa
đúng đắn nên việc sử dụng quyền lực công trong một bộ phận cán bộ, công chức
gần đây có biểu hiện lệch lạc, lạm dụng gây bức xúc cho người dân và dư luận
xã hội.
Một lãnh đạo tại quận Thanh
Xuân (TP Hà Nội) khi có hành vi chưa đúng đắn trong chấp hành Luật Giao thông
đường bộ được người dân góp ý, nhắc nhở nhưng lại không tiếp thu. Đã vậy vị
này còn sử dụng quyền lực của mình để gây khó dễ cho người dân và để thể hiện
"cái uy" của "nhà quan" trước người dân.
Bà Lê
Mai Trang (người đứng bên phải), Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.
Rồi ở phường Văn Miếu (quận
Đống Đa, Hà Nội) có vị lãnh đạo và nhân viên vô cảm, thờ ơ trước một việc
trọng đại của người dân: Nghĩa tử, nghĩa tận. Là công bộc đáng lẽ khi trong
địa hạt mình quản lí người dân có việc riêng quan trọng như vậy phải biết
quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người dân tốt nhất trong phạm vi, quyền hạn của mình.
Tiếc rằng ở đây không có chuyện đó. Dù đã trễ hẹn song cả Phó Chủ tịch phường
và nhân viên thừa hành ngồi đó, khi dân tới chẳng mảy may quan tâm, họ còn
tiết kiệm cả lời nói, thay vào đó là cái hất hàm, phẩy tay. Cư xử như vậy làm
sao dân kìm được bức xúc?
Gần đây xảy ra hai vụ cán bộ
sử dụng quyền lực sai luật gây khó cho người dân trong xác nhận hồ sơ lí lịch
ở Nam Sách (Hải Dương) và Thanh Trì (Hà Nội). Với những câu phán xét trong hồ
sơ cá nhân: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định
của địa phương", "Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…" liệu có nơi nào dám tiếp
nhận, tuyển dụng, hợp đồng với những trường hợp như thế? Theo quy định của
pháp luật, cán bộ chỉ được xác nhận đúng, đủ việc tự khai của cá nhân trong
hồ sơ, nếu còn thiếu thì yêu cầu khai lại cho đúng, đủ chứ không có quyền
nhận xét cá nhân, gia đình họ. Dù mục đích của việc nhận xét như vậy nhằm
thúc ép người dân thực hiện quy định nào đó của địa phương nhưng đó vẫn là vi
phạm pháp luật…
Nhận xét của Phó Chủ tịch UBND xã vào hồ sơ công dân
Là cán bộ,
công chức có lẽ không ai không nhớ câu nói của Hồ Chủ tịch: “Việc gì có lợi
cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Xem ra
các cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác vẫn chưa "thấm" đến
nhiều công bộc hiện nay.
Xưa kia, khi
đất nước còn dưới chế độ phong kiến, thực dân, người dân đến cửa quan là để
xin và được nhà quan ban phát. Nay dưới chế độ XHCN Nhân dân ta đã có một Nhà
nước của dân, do dân và vì dân. Cán bộ, công chức, viên chức không phải là những
"ông, bà quan", họ được dân nuôi bằng tiền thuế để phục vụ việc
công. Nếu cán bộ, công chức, viên chức nào không nhận thức được điều đơn giản
ấy thì cần được loại bỏ khỏi vị trí, để bộ máy Nhà nước thực sự trong sạch./.
|
Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét