Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Tự diễn biến

Tôi có biết một người được coi như một điển hình về sự nghi ngờ, bất mãn với những gì gọi là "chính thống". Định kiến của ông ta có từ rất lâu rồi. Thời xưa khi thông tin còn khó khăn, ông thường nghe các đài nước ngoài như RFI, RFA, BBC, VOA (tiếng Việt)… nay mạng Internet càng thuận lợi khi tiếp cận thông tin. Ông này luôn tin khi nghe, đọc các thông tin trái chiều, không chính thống từ các hãng truyền thông không thân thiện với Đảng và Nhà nước ta. Còn tin của báo chí chính thống trong nước thì ông cho rằng, đó là tuyên truyền định hướng, không dám nói những vấn đề "nhạy cảm"...


Mỗi khi tôi có dịp về quê là ông thường đến để tìm hiểu thông tin mà tôi có được dù luôn nghi ngờ những thông tin "toàn nguồn chính thống" ấy. Nhớ hồi cách mạng màu diễn ra ở Đông Âu, Liên Xô, khi tôi tranh luận với ông rằng Việt Nam khác với Đông Âu, cách mạng nước ta sẽ vượt qua khó khăn, ông gạt đi: “Theo những thông tin tôi nắm được, tôi đoan chắc thể chế CNXH Việt Nam ta cùng lắm trụ được vài năm nữa là cùng. Đảng cộng sản sẽ phải giải tán như ở nước Nga thôi”. Cho đến nay người này vẫn chưa thay đổi những quan niệm cũ, dù thực tiễn hoàn toàn không giống phán đoán của ông ta. 
Hiện nay, trong cuộc sống không ít người có quan điểm như ông bạn tôi kể trên, người cao tuổi có, người trẻ cũng có. Trong điều kiện mạng internet rộng mở như hiện nay việc tiếp cận thông tin rất dễ dàng. Tuy nhiên, một số người luôn chỉ tìm đọc và tin theo những trang mạng chống đối, những báo chí “lề trái” không thiện cảm với thể chế Nhà nước và Đảng ta. Họ cho đó là những nguồn tin khách quan, chân thật, không phải là “tuyên truyền có chủ đích”, không “mị dân”. Thực tế, đôi khi tin "vỉa hè" đã đi trước thông tin chính thống và được kiểm chứng là đúng lại càng củng cố cho nguồn tin từ "lề trái". Có thể thông tin "lề trái" 99% không chính xác nhưng chỉ cần 1% được kiểm chứng đúng là xóa nhòa tất cả những giả dối. Dần dà họ tin rằng những thông tin "lề trái" đó là trung thực, phản ánh đúng bản chất những gì đang diễn ra trong nước, dù cho nhiều trang mạng chủ nhân của nó ở mãi bên Mỹ, châu Âu… và chỉ khai thác, phán đoán từ thông tin của một số người bất mãn trong nước rồi tự suy luận ra như thể đang trực tiếp chứng kiến!
Chúng ta biết Gơ-ben - một bậc thầy trong hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lí (của chế độ Hít-le) đã từng có câu nói rất nổi tiếng: “Một điều dù phi lí, dối trá tới đâu nếu được nhắc đi nhắc lại nghìn lần cũng sẽ được nhận thức như là chân lí”! Khi một số người chỉ luôn nghe theo những thông tin chống đối, lừa bịp cuối cùng họ sẽ được “thấm nhuần tư tưởng” của kẻ xấu theo đúng thủ đoạn mà Gơ-ben từng làm! Gơ-ben tuyên truyền một cách chủ đích, buộc đối tượng bị tuyên truyền phải nghe. Còn ở đây, nhiều người đã tự nguyện, hay nói một cách đúng đắn là tự bị tuyên truyền, tự diễn biến!
Đến một lúc nào đó, rất có thể những người "tự diễn biến" như trên sẽ đứng hẳn sang một bên, đi con đường ngược chiều với đất nước, với dân tộc mình.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 16/8/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét