Đừng chỉ nỗ
lực… hái quả?
Chuyện dự kiến trần thuế môi trường áp vào xăng dầu tăng lên
8.000 đồng/lít chưa nguôi thì người dân lại lo lắng trước thông tin Bộ Tài
chính vừa đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa, dịch vụ từ
mức 10% hiện nay lên 12% hoặc 14% cùng với nhiều loại không còn được miễn
VAT. Có lẽ, đây là giải pháp đơn giản nhất trước bối cảnh nợ công tăng cao,
thuế xuất nhập khẩu giảm mà nguồn ngân sách chi thường xuyên khó cắt giảm.
Là sắc thuế thu gián tiếp, VAT thu từ dịch vụ, hàng hóa tiêu
dùng, đối tượng chịu ảnh hưởng là hơn 90 triệu dân. Doanh nghiệp sản xuất thì
bị ảnh hưởng về sự cạnh tranh do giá cả hàng hóa sẽ tăng lên. Tuy tăng nguồn
thu cho chi thường xuyên nhưng việc chi tiêu cũng bị ảnh hưởng do VAT tăng
nên mức chi sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải tăng thêm. Sự luẩn quẩn này như
vòng tròn khép kín!
Một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của nền
kinh tế là chi tiêu dùng của người dân. Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng lên
do tác động vủa VAT chắc chắn sẽ làm giảm mức chi tiêu dùng. Người dân thắt lưng buộc bụng khiến
doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận giảm nên thuế nộp cũng giảm
theo. Do vậy mục tiêu CPI tăng cao hơn 6-7% lại càng khó khăn hơn vì động lực
của nền kinh tế sụt giảm. "Đòn" VAT chẳng khác nào "đo ván” đa
mục tiêu!
Cũng như nhiều việc điều chỉnh giá, thuế khác, lí do được đưa ra
để biện minh việc tăng thuế là "nhiều nước VAT còn cao hơn nước ta và quốc tế cũng làm vậy khi nợ công
tăng cao"! Nhưng họ chỉ lấy ví dụ từ nước thu VAT cao, các nước chỉ 5-7%
như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar, các nước Trung
Đông… không được nêu ra. Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước giảm VAT tới 5% để
tăng tính cạnh tranh hàng xuất khẩu. Mặt khác, mỗi quốc gia đâu chỉ có một
loại thuế. Do tương quan cao thấp của các loại thuế mà mỗi nước áp dụng VAT
cao hay thấp. Mọi sự so sánh luôn khập khiễng nhưng cơ quan quản lí lại
thường lấy sự khập khiễng để bảo vệ quan điểm của mình.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nợ công, bội chi
tăng cao (dù thu từ VAT hiện đã chiếm 25% tổng số thu ngân
sách), Chính phủ cần có giải pháp tinh gọn biên chế, tiết giảm chi tiêu
của bộ máy. Việc tăng thuế chứng tỏ cơ quan quản lí kém, không có khả năng
kiểm soát chi tiêu. Thực tế, mức thu thuế của Việt Nam đã rất cao so với
nhiều nước trong khu vực. Cái gốc của vấn đề là tiết giảm chi, chi hiệu quả,
chống lãng phí, tăng cường quản lí, chống thất thu thuế để tăng thu chứ không
phải nới rộng thu để bù chi.
Thuế môi trường sẽ tăng; VAT sẽ tăng; EVN vừa được trao quyền tự
tăng giá điện đến 5%, rồi cũng khó tránh việc… tăng giá! Những yếu tố này như
làm hiển hiện “bóng ma” lạm phát, đó sẽ là đòn đánh trực diện vào an sinh xã
hội và kìm hãm sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Dù kinh tế vẫn tăng trưởng
mà mức sống của đa số người dân lại đi xuống thì đó không phải là sự thắng
lợi của một quốc gia.
Chính sách thuế như đang làm một việc rất dễ là chỉ chăm… hái
quả! Nhưng khi cái “cây tăng trưởng” cằn cỗi thì đâu có nhiều “quả” mà hái?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
ngày 24/8/2017
|
Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét