Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Bình luận: Đừng đưa “hổ báo” vào nhà



Đừng đưa “hổ báo” vào nhà


Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu người giúp việc (NGV) tại gia đình ngày càng tăng, nhất là những gia đình trẻ, hộ ít người tại đô thị. Cũng từ nhu cầu đó, thị trường cung ứng NGV ngày một nở rộ. Công việc thường được thuê làm là dọn nhà, trông nom chăm sóc người già yếu, trẻ sơ sinh… 
Tuy có nhan nhản các trung tâm cung ứng NGV tại nhà nhưng để có một Oshin thực thụ (tên một nữ nhân vật làm nghề giúp việc có đức tính cần mẫn, trung thực trong một bộ phim Nhật Bản) thì không phải dễ. Thường mọi người nếu có họ hàng, thân quen ở quê nhờ làm giúp việc là thuận lợi nhất, nhưng rất hiếm chọn được người vừa ý lại thông thạo công việc. Do vậy, giải pháp chính vẫn là tới các trung tâm giới thiệu NGV để tìm thuê. 
Từ năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH về lao động là NGV gia đình với những quy định khá chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ. Nhưng, thực hiện được như quy định tại Thông tư trên khá nhiêu khê, không nhiều trung tâm và NGV đáp ứng được.

 

Đối tượng Nguyễn Thị Hàn thừa nhận hành vi hành hạ bé gái tại cơ quan Công an 


Đa số người lao động đến trung tâm xin giới thiệu đi làm giúp việc chỉ cần tấm chứng minh nhân dân, một bộ sơ yếu lí lịch do cấp xã, phường xác nhận. Cũng ít có trung tâm giới thiệu việc làm nào lại cất công đi xác minh nhân thân lao động mà họ bảo lãnh xem đạo đức tốt xấu ra sao và đòi hỏi có bằng cấp nghề. Đó là chưa nói có khi hồ sơ nhân thân của người lao động còn bị làm giả. Vì chưa có trường nghề đào tạo nên hầu hết NGV được cung ứng chỉ là tự học và tích lũy kinh nghiệm cá nhân, thiếu kĩ năng cần thiết cho công việc. Hầu hết người đến thuê lao động tại các trung tâm chỉ tin vào sự bảo lãnh, không biết khả năng và phẩm chất, tư cách của NGV. Việc chọn được một NGV ưng ý chỉ là may rủi.
 Vụ việc một người bảo mẫu bạo hành đứa trẻ mới hơn tháng tuổi mới đây khiến dư luận sững sờ và phẫn nộ. Kẻ ác đã bị bắt và sẽ bị xử lí theo pháp luật nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho cả người thuê giúp việc và cơ quan quản lí về loại hình lao động đặc thù này, khi mà thực tiễn đã có nhiều vụ NGV đạo đức, tư cách xấu gây hậu quả cho gia chủ.
Để cung ứng và quản lí tốt loại hình lao động này, thiết nghĩ cơ quan quản lí cần định hướng, hỗ trợ các trường nghề đào tạo loại hình lao động giúp việc gia đình. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức cung ứng lao động, nhất là thực hiện các quy định trong Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không thể buông lỏng các trung tâm môi giới cung cấp lao động dễ dãi, tràn lan như hiện nay.
Với những gia đình có nhu cầu sử dụng NGV cần hết sức cân nhắc, tìm hiểu kĩ người định thuê. Nếu có điều kiện, tốt nhất là tự kiểm tra, thẩm định nhân thân, tư cách NGV từ chính quyền nơi họ sinh sống. Quá trình sử dụng NGV cũng cần có biện pháp giám sát và phòng ngừa cần thiết, bởi không cẩn thận sẽ đưa “hổ báo” vào nhà và hiểm họa có thể đến bất cứ lúc nào./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 29 tháng 11 năm 2017

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Bình luận:



 Đằng sau chiếc "áo cà sa"



Người xưa có câu "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" ý nói con người thay đổi bộ dạng để phù hợp cảnh huống, che đậy bản chất thực cho mục đích nào đó. Rồi câu "tấm áo không làm nên thầy tu" cũng vậy, hàm chỉ hình thức không làm thay đổi bản chất con người.

Nay có những chiếc "áo cà sa" đã che đậy danh tính, đánh lừa được mọi người trong một thời gian dài khiến cứ ngỡ trong chiếc áo là tấm lòng phật, con người tài ba, đức độ. Đó là chuyện một số người được coi là doanh nhân lớn, nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, làm nên thương hiệu "đình đám" bỗng dưng sơ suất tuột mất tấm "áo cà sa" doanh nhân, lộ nguyên hình gian thương! 
Người tiêu dùng đặt nhầm niềm tin vào sản phẩm lụa Khaisilk made in Viet Nam hàng chục năm qua

Vụ ông chủ doanh nghiệp Khaisilk buôn hàng Trung Quốc về gắn mác Made in Việt Nam suốt 30 năm bị phát lộ một cách tình cờ khiến dư luận ngỡ ngàng. Thế rồi ít ngày sau lại thêm một nữ doanh nhân đang đà "phất lên" cả việc kinh doanh lẫn danh tiếng phái đẹp là bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Công ty TS Việt Nam bị phát hiện buôn lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc gắn mác ngoại "xịn" giá trị hàng chục tỉ đồng. Bà Trang cũng là người được cử đại diện Việt Nam sẽ tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 11 này. Nếu không phát lộ rất có thể nữ "doanh nhân" này sẽ được vinh danh, là gương mặt đại diện cho người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, giỏi giang, năng động!

Bà chủ lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng làm việc với cơ quan chức năng (Ảnh: PL)

Sau những vụ việc trên dư luận rất băn khoăn vì sao những chiếc "áo cà sa" che đậy sự lừa dối lại tồn tại an toàn lâu dài như vậy trong khi từ cấp quận, huyện có tới cả chục đội quản lí thị trường, quản lí thuế hùng hậu? Đáng nói, khi dư luận đang bức xúc, doanh nhân Khaisilk đã thừa nhận làm ăn gian dối suốt 30 năm nay thì bỗng một Đội quản lí thị trường bản địa lại "tích cực, chủ động" đến kiểm tra cơ sở của doanh nghiệp này rồi báo cáo lên trên rằng "do sơ suất trong quản lí, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên cửa hàng tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam... Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về chỉ là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc…"! Động thái kì lạ này khiến dư luận sững sờ. Phải chăng lực lượng quản lí tại đây đang cố bảo vệ doanh nghiệp vi phạm?

Được biết tới đây Bộ Công Thương sẽ thành lập Tổng cục Quản lí thị trường trên cơ sở Cục Quản lí thị trường. Và hệ thống ngành dọc của cơ quan này tại các địa phương chắc cũng sẽ có sự nâng cấp đồng bộ. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ, trách nhiệm và cách làm việc mới là vấn đề người dân trông chờ lúc này chứ không phải cấp quản lí to hay nhỏ. Nếu vẫn cách quản lí như cũ thì rất dễ lực lượng quản lí nhiều nơi vẫn bị biến thành "bùa hộ mệnh" cho chiếc "áo cà sa" trên thân thể những gian thương!

Khi cơ quan quản lí chỉ "đồng hành cùng doanh nghiệp", quên đi trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng - những người đang dùng tiền thuế để nuôi lực lượng này, thì người dân biết trông cậy vào ai?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22 tháng 11 năm 2017

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Bình luận: Bitcoin và pháp luật 4.0

Bitcoin và pháp luật 4.0

 Cách đây chừng 5 năm tôi có anh bạn đã nghiên cứu và lao vào đào Bitcoin. Vừa đào vừa mua anh khoe có gần chục Bitcoin. Tôi nghĩ anh này mê công nghệ quá nên đang sống ảo với những giá trị không có thực.
Thế nhưng 5 năm qua là quãng thời gian đồng Bitcoin nhảy múa "điên loạn" lúc lên lúc xuống nhưng theo xu thế ngày càng tăng. Mấy ngày qua nhảy lên 7.600 USD rồi lại sụt xuống và hiện 1 Bitcoin có giá hơn 6.857 USD. Tôi có cảm giác mình đã sai khi nghĩ về anh bạn đầu tư Bitcoin.

 


Tháng 5/2010 Bitcoin được giao dịch ở Florida với 10.000 Bitcoin đổi được 2 hộp pizza. Nếu quy giá trị thời điểm hiện nay, 2 hộp pizza trên có giá hơn 68 triệu USD! Năm 2013 Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke phải thừa nhận rằng "Fed không có thẩm quyền trong khâu quản lí những đồng tiền ảo và rằng nó có mang lại nhiều hứa hẹn về lâu về dài...”. Lãnh đạo nhiều ngân hàng, chuyên gia kinh tế thế giới cũng đang có quan điểm rất trái ngược về Bitcoin.
Ban đầu khi mạng Internet mới xuất hiện một số người lo ngại kho dữ liệu sẽ mất nếu mạng này bỗng dưng bị sập trên phạm vi thế giới. Hiện nay chúng ta biết đó là điều không tưởng. Nay nhiều chuyên gia nhận định đồng Bitcoin chỉ biến mất nếu mạng Internet toàn cầu không tồn tại!
Kim cương là loại vật chất giá trị rất cao không phải do giá trị sử dụng, nó chủ yếu đảm nhiệm vai trò hàng hóa giá trị. Vậy liệu có thể coi Bitcoin là một loại hàng hóa không tồn tại ở dạng vật chất? Dù là giá trị ảo nhưng Bitcoin đang tồn tại khó phủ nhận với một giá trị rất cao. Nó đang tiếp tục khẳng định giá trị thông qua niềm tin của hàng triệu nhà khai thác và đầu tư trên khắp thế giới. Đồng Bitcoin đang tồn tại theo quy luật niềm tin. Đã có những quyết định hành chính cấp nhà nước và một số ngân hàng, tổ chức kinh tế lớn về Bitcoin khiến đồng tiền này chao đảo nhưng rồi nó lại tự cân bằng, đứng vững và tăng thêm giá trị.
 


Bitcoin do Satoshi Nakamoto sáng tạo ra năm 2008. Theo tiếng Nhật Satoshi Nakamoto nghĩa là trí tuệ nguyên thủy. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang "xồng xộc" ào tới khó có thể cưỡng lại mà bản chất chính là cách mạng trí tuệ nhân tạo. Vậy thì luật pháp trong giai đoạn này cũng cần bám sát thực tiễn để thích ứng chứ không thể phủ nhận bằng biện pháp hành chính.
Vừa qua trên trang Facebook cá nhân, một lãnh đạo Trường Đại học FPT chia sẻ "Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại". Tuy nhiên đây là việc làm không đúng pháp luật. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ đồng tiền hợp pháp mới có giá trị thanh toán. Nhưng điều đáng lo là Bitcoin đang có khả năng thanh toán linh hoạt và hấp dẫn hơn nhiều loại tiền tệ!
Dù ảo nhưng khi hiện thực hóa, Bitcoin vẫn phải thông qua dịch vụ thanh toán mới có giá trị (vật chất, tiền tệ). Đây chính là "gót chân Asin" có thể giúp nắm bắt, quản lí. Nên chăng, cơ quan quản lí cần nghiêm túc nhìn nhận Bitcoin như một loại hàng hóa đặc biệt và tìm giải pháp quản lí? Bởi nếu không quản lí hữu hiệu thì rất có thể nguồn lực của quốc gia bị "chảy máu" theo con đường Bitcoin!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 16 tháng 11 năm 2017

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Chính sách vô tình

Mọi người đều biết pháp luật luôn vô tình vì nó là công cụ bảo vệ công lí, lẽ phải, không thể thiên vị theo tình cảm. Thế nhưng chính sách thì lại khác, đây là công cụ điều chỉnh trách nhiệm, quyền lợi cho các thành phần trong xã hội một cách hợp lí, hợp tình, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Những ngày qua dư luận dậy sóng khi được biết thông tin cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) tham gia đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) 22 năm 8 tháng và có tổng 37 năm cống hiến nhưng chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng! Nghĩa là mỗi ngày cô chỉ có chừng hơn 40 nghìn đồng để chi cho mọi nhu cầu cuộc sống tuổi già!


 Cô giáo mầm non Trương Thị Lan

Rất nhanh, các cơ quan chức năng và cả một số đại biểu Quốc hội đã dò xét, đối chiếu các quy định, thực tiễn quá trình tham gia BHXH của cô giáo Lan thì thấy việc thực hiện chính sách trong trường hợp này không có gì sai. Và, không chỉ cô giáo Lan mà còn hàng nghìn giáo viên, người lao động khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, họ cam chịu, không lên tiếng vì biết đó là chính sách, quy định của Nhà nước.
Mỗi cán bộ, công chức, người lao động tham gia đóng BHXH đều tâm niệm sau những năm lao động, cống hiến khi hết tuổi lao động sẽ có một khoản lương hằng tháng đủ cho an dưỡng tuổi già. Chẳng ai nghĩ rằng khi nghỉ mình sẽ làm việc nọ việc kia để bù vào lương hưu cho đủ sống ngoại trừ muốn có sự cải thiện cao hơn. Để bảo đảm nhu cầu chính đáng đó của người lao động thì người làm chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống để đề xuất điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp, không thể cứng nhắc.
Chính sách không có “lỗi”, người lao động lại càng không có lỗi, chỉ có người làm ra chính sách đôi khi vô tình và lạnh lùng! Chuyện các giáo viên mầm non tại một số địa phương có mức lương quá thấp đã được dư luận nói tới nhiều (như ở Thanh Hóa cách đây vài năm có thông tin mức lương hưu chỉ 320-500 nghìn đồng/tháng). Tuy nhiên chuyện đó đã rơi vào quên lãng. Có vẻ đó không phải chuyện lớn lao như “đổi mới, cải cách giáo dục” để cơ quan chức năng phải bận tâm. 


 Cô giáo Nguyễn Thị Loan, thôn Ba Chè, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) 39 năm công tác cũng có mức lương hưu 1.3 triệu.

Khi mức lương làm việc còn chưa đủ cho cuộc sống hiện tại thì lương hưu (bằng 65-75% lương công tác) không đủ sống là chuyện tất yếu. Thu nhập của đa số người lao động là vậy nhưng thi thoảng họ lại được biết thông tin về tài sản, biệt phủ khủng của lãnh đạo này, công chức nọ càng thêm mủi lòng. Phải chăng một số cán bộ, công chức có thu nhập quá cao đến mức họ chẳng quan tâm đến đồng lương của chính mình chứ nói chi để tâm mức lương của người khác?
Năm qua đầu vào của ngành sư phạm có trường chỉ cần 3 điểm/môn đã khiến dư luận bất ngờ. Ở một đất nước truyền thống hiếu học nghìn năm, người thầy có vị thế cao quý với quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” thì chuyện đầu vào đại học sư phạm tụt thấp tới “kịch sàn” là không bình thường. Con số trên là chỉ báo sự hấp dẫn của một nghề nhọc nhằn nhưng vinh quang đã không còn. Phải chăng chính sách đối với giáo viên đã góp phần hạ thấp vị thế của người thầy - những người đang nỗ lực vun xới, chăm sóc cho thế hệ tương lai?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 8 tháng 11 năm 2017

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Bình luận: Đất nước vĩ đại



Đất nước vĩ đại


Ngày 7/11 năm nay nhiều dân tộc chung vui với nước Nga kỉ niệm 100 năm sự kiện trọng đại Cách mạng tháng Mười. “Mười ngày rung chuyển thế giới” như tựa đề thiên phóng sự của nhà báo Mỹ Giôn Rít, đã tạo sự thay đổi sâu sắc trên hành tinh. Nước Nga đầu tiên hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa trên thế giới theo lí luận chủ nghĩa Mác, như ánh mặt trời soi đường giúp nhiều quốc gia, dân tộc đứng lên giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân.

 Điện Kremlin


Nước Nga có thể gọi là một đất nước vĩ đại cả trong quá khứ và hiện tại.

Thế kỉ XIX và XX thế giới phải đương đầu với 2 cuộc chiến tranh lớn thì nước Nga đều là chủ công hóa giải và mang lại nền hòa bình.

Năm 1812 sau khi chinh phục châu Âu, cỗ xe chiến tranh bất chiến bại của Napoleon đã bị chặn đứng tại Mátxcơva. Không những vậy, trên đường truy kích Napoleon đến sào huyệt cuối cùng, quân đội của Hoàng đế Nga Aleksandr I còn giúp nhiều dân tộc giải phóng và tự giải phóng khỏi sự đô hộ của nước Pháp.

Hơn 100 năm sau lịch sử châu Âu như lặp lại nhưng lần này họa phát xít thảm khốc hơn rất nhiều. Quân đội phát xít Đức tựa cỗ xe tăng khổng lồ chinh phục khắp châu Âu và hòng nghiền nát ngước Nga. Với sức mạnh đoàn kết, chiến đấu quật cường, dân tộc Nga đã chặn đà tiến công như bão tuyết của đội quân phát xít tại Mátxcơva. Trên đường truy kích Hitler, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng và tạo cơ hội nổi dậy tự giải phóng cho hàng loạt các nước châu Âu, châu Á.  
 Quảng trường Đỏ Mátxcơva


Trên đường phát triển với mô hình xã hội mới, nước Nga không tránh khỏi những bước thăng trầm của lịch sử. Sự sụp đổ của của mô hình Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tưởng chừng nước Nga không thể gượng dậy cùng bóng ma li khai, nội chiến rập rình. Nhưng, như sự tất yếu của lịch sử, dân tộc anh hùng sẽ sinh ra những người con kiệt xuất. Trong chiến tranh năm 1812 nước Nga có nguyên soái  G. Kutuzov… Đầu thế kỉ XX nước Nga có VI. Lenin, IV. Stalin, nguyên soái GK. Zhukov… Sau sự kiện Liên Xô tan rã, tiếp tục khủng hoảng, nước Nga đã chọn được người con của mình để trao trách nhiệm lãnh đạo khôi phục đất nước, đó là Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin.

Chưa bình phục sau khủng hoảng những năm cuối thế kỉ XX, năm 2015 nước Nga lại chịu một “trận đòn hội đồng” sau sự kiện người dân bán đảo Crưm quyết định trở về với nước Nga sau 60 năm sáp nhập vào Ukraina. Đòn bao vây, cấm vận ngặt nghèo của phương Tây giữa lúc nước Nga gặp vô vàn khó khăn tưởng chừng khó có thể gượng dậy một sớm một chiều. Tuy nhiên, bằng sự chèo lái khôn khéo, tự tin của vị “thuyền trưởng” tài ba, con thuyền nước Nga vững vàng thoát khỏi bão tố và bắt đầu lấy đà băng băng hướng về tương lai.
Kết quả hình ảnh cho tổng thống pu tin 
Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin.
 

Nước Nga hôm nay thực sự đã trở lại vị trí siêu cường. Chỉ cách đây vài năm khó có ai nghĩ rằng sẽ có một ngày Quốc vương Saudi Arabia Salman, rồi Thủ tướng Israel  Netanyahu - những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ lại có các cuộc viếng thăm nước Nga và hội đàm với Tổng thống Putin! Nhiều vấn đề gai góc của châu Âu và thế giới đang được nước nga góp phần giải quyết với đầy tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới kể cả nước không thân thiện cũng phải ngưỡng mộ người cầm lái của một đất nước vĩ đại - Nước Nga!

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 7 tháng 11 năm 2017

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Bình luận: Ép chín non



 Ép chín non

Ngày nay nhờ công nghệ và hóa chất người ta có thể cho nhiều loại trái cây chín bất kì lúc nào theo ý muốn, kể cả khi còn non. Tuy nhiên người tiêu dùng rất lo sự độc hại và luôn tẩy chay những sản phẩm này khi biết nguồn gốc.
Thế nhưng có việc ép "chín non" lại được một số phương tiện truyền thông và nhiều người cổ súy - đó là những cuộc thi tài năng nhí!
Chương trình "thi thố" của trẻ nhỏ ngày càng được nhiều đài truyền hình khai thác để thu hút khán giả. Có thể điểm một số cuộc thi như “Tìm kiếm tài năng Việt" (VTV 2016); “Nhí tài năng” (VTC11); "Siêu sao tài năng nhí 2017 " (VTVcab); "Biệt tài tí hon", "Giọng hát Việt nhí 2017”, “Gương mặt thân quen nhí” (VTV)…

Một cuộc thi do VTC11 tổ chức

Phải thừa nhận qua các cuộc thi mới biết nhiều em nhỏ có tiềm năng, năng khiếu (ca nhạc, biểu diễn…). Tuy vậy, những khả năng vượt trội của trẻ nhỏ đều có sự tu luyện kiểu "gà nòi" chứ không chỉ là bẩm sinh. Nội dung các em thi tài rất ít thấy nói về tuổi nhỏ. Các em cũng ca những bài tình yêu lãng mạn, biểu diễn những bài hùng biện như triết gia, khả năng nói nhiều ngôn ngữ, trí nhớ siêu phàm hay những bài thể thao nặng, mạo hiểm v.v. khi chưa đến 10 tuổi! Mục tiêu của các cuộc thi tài này với các em chỉ là một giá trị nhất định (vật chất, tiền bạc) cùng cái danh được nhiều người biết đến. Có tài năng nhí ca hát sau khi giành giải, với chút tiếng tăm lập tức được gia đình khai thác triệt để nhằm kiếm tiền. Nếu phát hiện tài năng trẻ nhỏ chỉ với mục tiêu như vậy thì thật đáng buồn và đáng lo!
Sinh thời, Bác Hồ từng khuyên: "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan". Người lớn không nên và không thể đòi hỏi những gì quá lớn lao với trẻ em. "Chiếc búp non" cần được nâng niu, chăm bẵm đúng cách thì mới có hoa tươi, trái ngọt ở tương lai. Nếu bón thúc, kích thích bằng mọi giá để cho ra trái thì cây non sẽ sớm cằn cỗi. Con người cũng không tránh khỏi quy luật phát triển đó của tự nhiên.

Một tiết mục trong cuộc thi "Bước nhảy hoàn vũ nhí" trên một chương trình truyền hình.
 
Lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên cần được nuôi dưỡng và dạy giỗ trong môi trường phù hợp với tâm sinh lí trẻ thơ. Đó là nơi "học mà chơi, chơi mà học" với những nội dung bổ ích giúp hình thành nhân cách và tâm hồn để sau này lớn lên các em trở thành những người tốt, những công dân có ích. Khi đã ép trẻ tu luyện để "biệt tài" ở một lĩnh vực nào đó sẽ làm mất đi cơ hội phát triển cân đối, toàn diện về thể chất, trí tuệ và tâm hồn trẻ nhỏ. 
Nhiều thiên tài khoa học, nhà lãnh đạo, tỉ phú kinh tế nổi tiếng thế giới có tuổi thơ rất đỗi bình thường. Chưa thấy thần đồng nào thực sự trở thành thiên tài. Ngay như nhà bác học Albert Einstein năm 4 tuổi mới bắt đầu biết nói…
Trái chín ép sẽ không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Cố ép cho ra những tài năng nhí sẽ không tốt cho tương lai của chính các em. Cái được qua các cuộc thi này chỉ là: Truyền thông “bán hàng” chạy; khán giả mua được vui; gia đình trông chờ chiến thắng. Còn các em được gì ngoài tuổi thơ bị “đánh cắp”? Liệu có nên cổ súy những cuộc thi tài năng nhí?
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 01/11/2017