Chính sách vô tình
Mọi người đều biết pháp luật luôn vô tình vì nó
là công cụ bảo vệ công lí, lẽ phải, không thể thiên vị theo tình cảm. Thế
nhưng chính sách thì lại khác, đây là công cụ điều chỉnh trách nhiệm, quyền
lợi cho các thành phần trong xã hội một cách hợp lí, hợp tình, để “không ai
bị bỏ lại phía sau”.
Những ngày qua dư luận dậy sóng khi được biết
thông tin cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) tham gia đóng Bảo hiểm xã
hội (BHXH) 22 năm 8 tháng và có tổng 37 năm cống hiến nhưng chỉ nhận được
lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng! Nghĩa là mỗi ngày cô chỉ có chừng hơn 40
nghìn đồng để chi cho mọi nhu cầu cuộc sống tuổi già!
Cô giáo mầm non Trương Thị Lan
Rất nhanh, các cơ quan chức năng và cả một số
đại biểu Quốc hội đã dò xét, đối chiếu các quy định, thực tiễn quá trình tham
gia BHXH của cô giáo Lan thì thấy việc thực hiện chính sách trong trường hợp
này không có gì sai. Và, không chỉ cô giáo Lan mà còn hàng nghìn giáo viên,
người lao động khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, họ cam chịu, không lên
tiếng vì biết đó là chính sách, quy định của Nhà nước.
Mỗi cán bộ, công chức, người lao động tham gia
đóng BHXH đều tâm niệm sau những năm lao động, cống hiến khi hết tuổi lao
động sẽ có một khoản lương hằng tháng đủ cho an dưỡng tuổi già. Chẳng ai nghĩ
rằng khi nghỉ mình sẽ làm việc nọ việc kia để bù vào lương hưu cho đủ sống
ngoại trừ muốn có sự cải thiện cao hơn. Để bảo đảm nhu cầu chính đáng đó của
người lao động thì người làm chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống để
đề xuất điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp, không thể cứng nhắc.
Chính sách không có “lỗi”, người lao động lại
càng không có lỗi, chỉ có người làm ra chính sách đôi khi vô tình và lạnh lùng!
Chuyện các giáo viên mầm non tại một số địa phương có mức lương quá thấp đã
được dư luận nói tới nhiều (như ở Thanh Hóa cách đây vài năm có thông tin mức
lương hưu chỉ 320-500 nghìn đồng/tháng). Tuy nhiên chuyện đó đã rơi vào quên
lãng. Có vẻ đó không phải chuyện lớn lao như “đổi mới, cải cách giáo dục” để
cơ quan chức năng phải bận tâm.
Cô giáo Nguyễn Thị
Loan, thôn Ba Chè, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) 39 năm công
tác cũng có mức lương hưu 1.3 triệu.
Khi mức lương làm việc còn chưa đủ cho cuộc
sống hiện tại thì lương hưu (bằng 65-75% lương công tác) không đủ sống là
chuyện tất yếu. Thu nhập của đa số người lao động là vậy nhưng thi thoảng họ
lại được biết thông tin về tài sản, biệt phủ khủng của lãnh đạo này, công
chức nọ càng thêm mủi lòng. Phải chăng một số cán bộ, công chức có thu nhập
quá cao đến mức họ chẳng quan tâm đến đồng lương của chính mình chứ nói chi
để tâm mức lương của người khác?
Năm qua đầu vào của ngành sư phạm có
trường chỉ cần 3 điểm/môn đã khiến dư luận bất ngờ. Ở một đất nước truyền
thống hiếu học nghìn năm, người thầy có vị thế cao quý với quan niệm “nhất tự
vi sư, bán tự vi sư” thì chuyện đầu vào đại học sư phạm tụt thấp tới “kịch
sàn” là không bình thường. Con số trên là chỉ báo sự hấp dẫn của một nghề
nhọc nhằn nhưng vinh quang đã không còn. Phải chăng chính sách đối với giáo
viên đã góp phần hạ thấp vị thế của người thầy - những người đang nỗ lực vun
xới, chăm sóc cho thế hệ tương lai?/.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 8 tháng 11 năm 2017
|
Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét