Đằng sau chiếc "áo cà sa"
Người xưa có câu "đi với
bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" ý nói con người thay đổi bộ
dạng để phù hợp cảnh huống, che đậy bản chất thực cho mục đích nào đó. Rồi
câu "tấm áo không làm nên thầy tu" cũng vậy, hàm chỉ hình thức
không làm thay đổi bản chất con người.
Nay có những chiếc "áo cà
sa" đã che đậy danh tính, đánh lừa được mọi người trong một thời gian
dài khiến cứ ngỡ trong chiếc áo là tấm lòng phật, con người tài ba, đức độ.
Đó là chuyện một số người được coi là doanh nhân lớn, nhiều đóng góp cho sự
phát triển kinh tế, làm nên thương hiệu "đình đám" bỗng dưng sơ
suất tuột mất tấm "áo cà sa" doanh nhân, lộ nguyên hình gian
thương!
Người tiêu dùng đặt nhầm niềm tin vào sản phẩm lụa Khaisilk made in Viet Nam hàng chục năm qua
Vụ ông chủ doanh nghiệp
Khaisilk buôn hàng Trung Quốc về gắn mác Made in Việt Nam suốt 30 năm bị phát
lộ một cách tình cờ khiến dư luận ngỡ ngàng. Thế rồi ít ngày sau lại thêm một
nữ doanh nhân đang đà "phất lên" cả việc kinh doanh lẫn danh tiếng
phái đẹp là bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Công ty TS Việt Nam bị phát hiện
buôn lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc gắn mác ngoại "xịn" giá trị
hàng chục tỉ đồng. Bà Trang cũng là người được cử đại diện Việt Nam sẽ tham
dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 11
này. Nếu không phát lộ rất có thể nữ "doanh nhân" này sẽ được vinh
danh, là gương mặt đại diện cho người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, giỏi giang,
năng động!
Bà chủ lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng làm việc với cơ quan chức năng (Ảnh: PL)
Sau những vụ việc trên dư luận
rất băn khoăn vì sao những chiếc "áo cà sa" che đậy sự lừa dối lại
tồn tại an toàn lâu dài như vậy trong khi từ cấp quận, huyện có tới cả chục
đội quản lí thị trường, quản lí thuế hùng hậu? Đáng nói, khi dư luận đang bức
xúc, doanh nhân Khaisilk đã thừa nhận làm ăn gian dối suốt 30 năm nay thì
bỗng một Đội quản lí thị trường bản địa lại "tích cực, chủ động"
đến kiểm tra cơ sở của doanh nghiệp này rồi báo cáo lên trên rằng "do sơ
suất trong quản lí, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên
cửa hàng tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc
Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam... Tổng số hàng hóa
cơ sở đã mua về chỉ là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc…"!
Động thái kì lạ này khiến dư luận sững sờ. Phải chăng lực lượng quản lí tại
đây đang cố bảo vệ doanh nghiệp vi phạm?
Được biết tới đây Bộ Công
Thương sẽ thành lập Tổng cục Quản lí thị trường trên cơ sở Cục Quản lí thị
trường. Và hệ thống ngành dọc của cơ quan này tại các địa phương chắc cũng sẽ
có sự nâng cấp đồng bộ. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ, trách nhiệm và cách
làm việc mới là vấn đề người dân trông chờ lúc này chứ không phải cấp quản lí
to hay nhỏ. Nếu vẫn cách quản lí như cũ thì rất dễ lực lượng quản lí nhiều
nơi vẫn bị biến thành "bùa hộ mệnh" cho chiếc "áo cà sa"
trên thân thể những gian thương!
Khi cơ quan quản lí chỉ
"đồng hành cùng doanh nghiệp", quên đi trách nhiệm bảo vệ người
tiêu dùng - những người đang dùng tiền thuế để nuôi lực lượng này, thì người
dân biết trông cậy vào ai?
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22
tháng 11 năm 2017
|
Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017
Bình luận:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét